Cố đô Huế khoác áo đô thị thông minh

Huế đang vào Thu. Mùa này trời ít mưa, khách Tây khi đến với Huế đổ vào thành phố nhiều hơn các khu du lịch biển. Tối thứ Bảy, cầu Trường Tiền tấp nập khách du lịch lẫn địa phương qua lại. Đảm bảo an ninh và an toàn cho du khách là một trong nhiệm vụ được đội camera, thuộc Trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh ưu tiên.

Qua màn hình giám sát, Nguyễn Hữu Định lướt qua loạt màn hình truyền về từ hệ thống camera theo dõi gắn trên cầu Trường Tiền. Góc máy không bỏ sót vị trí nào từ lòng sông, chân cầu đến khu vực phố đi bộ. Định dõi con mắt theo từng hoạt động của người dân và du khách đang hiện rõ trên màn hình.

Vào cuối ngày, Định phát hiện một chiếc thuyền của người dân đang thực hiện nghi lễ cúng bái. Họ rải tiền vàng xuống sông Hương, ngay trước mắt khách du lịch. Lập tức Định nhấc điện thoại, báo cho công an phường Vĩ Dạ và công an môi trường can thiệp xử lý.

Chưa đầy 10 phút sau, tổ an ninh trật tự đô thị gần đó có mặt đầu tiên. Công an phường Vĩ Dạ và những cán bộ liên quan cũng đến hiện trường, yêu cầu người dân dừng ngay hoạt động rải tiền vàng. Vụ việc bị lập biên bản xử phạt bằng tiền ngay tại chỗ và được báo cáo với các bộ phận liên quan và chủ tịch tỉnh qua một ứng dụng di động.

"Ngày nào chúng tôi cũng ghi nhận vài vụ việc như vi phạm giao thông, xả rác, cháy nổ. Tất cả đều được xử lý ngay lập tức", Nguyễn Hữu Định nói.

Đó là một trong hàng tá những vấn đề về trật tự đô thị mà hệ thống camera thuộc Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh tại Huế phát hiện và xử lý kịp thời. Trung tâm này còn thực hiện nhiệm vụ như một cơ quan đầu não, trung gian tiếp nhận và xử lý những vấn đề đô thị từ người dân, khách du lịch.

Ở Việt Nam, chẳng nơi nào giữ lại nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa nhiều như Huế. Tại đô thị 450.000 dân nằm bên bờ sông Hương, đi đâu cũng bắt gặp những công trình từ các triều đại phong kiến, đến kiến trúc Pháp.

Xen lẫn vào những công trình cổ kính đó là lại một Huế rất công nghệ. Tất cả các khu vực trọng yếu trong thành phố đều lắp đặt hệ thống camera giám sát. Mọi chuyển động đều được ghi lại và truyền tải về Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh. Nhờ thế, du khách đến với Huế có thể thoải mái sang đường khi đèn đỏ hay không sợ bị chèo kéo như nhiều thành phố du lịch khác.

Ở Huế có đầy đủ những dịch vụ hiện đại như gọi xe công nghệ, máy bán hàng tự động, giao dịch ngân hàng quốc tế... Bên cạnh đó, thành phố còn có riêng những dịch vụ tiếp đón người nước ngoài tại các điểm du lịch chính.

Còn với người dân, họ đã quen với sự ngăn nắp, trật tự trên đường phố từ nhiều năm nay. Anh Nguyễn Phúc Bảo Minh, sinh sống tại đường Nguyễn Sinh Cung nói không xe nào dám đậu đỗ sai quy định ở trong thành phố. Thậm chí chỉ vài giây vượt đèn đỏ, họ cũng sẽ bị xử phạt nguội. Mới gần đây, một lái xe của UBND tỉnh bị phạt 700.000 đồng vì lấn làn trên cầu Trường Tiền. Anh này bị người dân chụp lại và phản ánh ngay lên ứng dụng di động mang tên Hue – S của Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh.

Trung tâm này triển khai 10 dịch vụ điều hành đô thị. Trong đó có 2 dịch vụ hữu ích, sử dụng nhiều nhất là camera giám sát dành cho cơ quan chức năng và phản ánh hiện trường dành cho người dân.

Chỉ trong 8 tháng triển khai từ đầu năm 2019, Trung tâm ghi nhận 4.000 phản ánh của người dân. Mối quan tâm nhiều nhất ở mảng trật tự đô và vệ sinh môi trường.

Theo ông Bùi Hoàng Minh, Phó giám đốc Trung tâm, tỷ lệ người dân tham phản ánh các vấn đề đô thị trên ứng dụng Hue – S mới thể hiện sự thành công của mô hình. Hiện có khoảng 10.000 lượt tải về ứng dụng, tỷ lệ người dân hài lòng chiếm đến 65% số phản ánh được xử lý.

Toàn trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh có 15 người nhưng từ giám đốc đến cán bộ đều tham gia trực ban đến 21h hàng ngày. "Số lượng phản ánh ngày một tăng, đi kèm với yêu cầu xử lý phải nhanh hơn. Tuy nhiên nhờ công nghệ AI chúng tôi không gia tăng nhân sự", ông Minh nói.

Ông Minh cho biết trước đây Huế đã chuẩn bị kế hoạch triển khai mô hình đô thị thông minh nhưng không làm chủ được công nghệ. Từ khi Tập đoàn Viettel tham gia hỗ trợ về công nghệ và phần cứng, trong 3 tháng Trung tâm này đã đi vào hoạt động.

Với công nghệ trí tuệ nhân tạo và cơ sử dữ liệu tập trung từ Viettel, Huế bắt đầu vận hành trung tâm như một cơ quan đầu não của đô thị thông minh. Mọi vấn đề từ nhỏ nhất đều tiếp nhận qua trung gian là Trung tâm giám sát điều hành.

"Thành phố Huế cơ bản đã hình thành mô hình đô thị thông minh. Đến cuối năm 2019, Huế dự kiến nâng tổng số camera giám sát trong thành phố lên gấp đôi. Chúng tôi còn hoàn thiện các dịch vụ mới phục vụ khách du lịch", ông Bùi Hoàng Minh nói. 

Kể lại về hành trình xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Phan Ngọc Thọ cho biết ý tưởng này đã có từ cách đây 10 năm. Sống trong thành phổ cổ kính, người dân Huế vừa tự hào nhưng cũng khao khát một đô thị văn minh và hiện đại. Yếu tố này không thể hiện ở những công trình giải trí, toà nhà cao tầng mà nằm ở cách vận hành và quản lý đô thị. Trong đó, ý thức trách nhiệm của mỗi người từ nhân dân đến lãnh đạo đều vì thành phố.

Mở ứng dụng Hue – S trên chiếc điện thoại, ông Phan Ngọc Thọ say sưa kể về những con số thời gian xử lý vụ việc được báo cáo trên đó. Hiếm có chủ tịch tỉnh nào trực tiếp chỉ đạo xử lý những vụ việc như xả rác, vi phạm giao thông, cháy trụ điện như tại Huế.

"Nhanh lắm, không tới 10 phút là có đơn vị tiếp nhận xử lý", Chủ tịch UBND tỉnh nói.

Mỗi ngày trong quỹ thời gian bận rộn của chủ tịch tỉnh vẫn có chỗ cho việc theo dõi xử lý các phản ánh từ người dân. Chưa kể, ông còn tổ chức riêng một bộ phận tổng hợp và phân tích những báo cáo từ Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh. Đơn vị nào làm chưa tốt, thời gian xử lý chậm sẽ bị trừ điểm thi đua.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ví mô hình đô thị thông minh mà thành phố đang triển giống như một cơ thể sống. Ở đó trái tim là Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, mạch máu là ứng dụng Hue – S và Hue – G và vitamin nuôi cơ thể là cơ sở dữ liệu.

"Nếu như Đà Nẵng là thành phố đáng sống thì với mô hình đô thị thông minh, chúng tôi hướng tới mục tiêu Huế là thành phố hạnh phúc", ông Phan Ngọc Thọ nói.

Ông tính toán trong khoảng 3 năm nữa, Huế sẽ hoàn thiện 100%, trở thành đô thị thông minh đầu tiên của cả nước. Để thực hiện điều này, ngân sách Huế dành cho phát triển đô thị thông minh đã tăng lên 328 tỷ đồng. Trong đó Trung tâm giám sát điều hành chiếm khoảng 60 tỷ. 

Theo VnExpress