CÚNG BÁI, XUA ĐUỔI TÀ MA,... CHỐNG COVID-19 LÀ THÔNG TIN SAI LỆCH

"Những biện pháp tâm linh khác như cúng bái, xua đuổi tà ma… rõ ràng là thông tin sai lệch, làm người ta lạc hướng trong việc phòng chống dịch cúm Covid-19…" - chuyên gia Truyền thông Lê Quốc Vinh đánh giá.Trận chiến với đại dịch Covid-19 còn chưa kết thúc nhưng trận chiến với tin giả lại còn gian nan hơn. Làm cách nào để phát hiện, kiểm chứng nguồn tin trong cơn bão "fake news" lúc này là điều mà rất nhiều người quan tâm.

Mặt khác, việc áp chế tài xử phạt cho hành vi tung tin giả, đăng thông tin sai lệch từ 10 - 20 triệu liệu đã đủ sức răn đe hay chưa?

"Phạt 10 -20 triệu không làm cho người ta sợ hãi, nhất là đối với những người nổi tiếng. Có người viết một cái post được vài chục triệu nên khi bị phạt 10 -20 triệu không phải điều gì ghê gớm lắm. Cho nên người ta không sợ. Một status trên Facebook được trăm ngàn lượt like, share quyền lực đấy rất khủng khiếp. Người ta sẵn sàng đánh đổi để lấy được quyền lực ấy. Chế tài phải mạnh hơn rất nhiều", ông Lê Quốc Vinh cho hay.

Sử dụng “fake news” làm công cụ để trục lợi, nổi tiếng, bán hàng câu views, hay đơn giản chỉ đăng lên tạo sự khác biệt đã khiến cho những người tiếp nhận những luồng  thông tin này vô cùng hoang mang. Thậm chí, có những thông tin cho rằng ăn trứng, dùng bùa ngải, cúng bái tâm linh có thể phòng chống được dịch bệnh.

Trước thông tin này, ông Lê Quốc Vinh, một chuyên gia truyền thông, người sáng lập nhóm “Chung tay chống fake news dịch cúm Corona 2019” khẳng định: "Nếu mọi người tin rằng ăn trứng có thể ngừa được dịch cúm và không còn đề phòng nữa thì có thể gây ra những hiểm họa khôn lường.  Những biện pháp tâm linh khác như: cúng bái, xua đuổi tà ma rõ ràng là những thông tin sai lệch làm người ta lạc hướng trong việc phòng chống dịch cúm, điều này rất nguy hiểm".

Chuyên gia Truyền thông Lê Quốc Vinh.

Ông Vinh chia sẻ, việc đưa tin sai lệch không chỉ gây hoang mang trong dư luận mà còn dẫn tới nhiều hệ lụy khôn lường. Ông Vinh khuyến nghị, trước những luồng thông tin không chính thống, sai lệch, báo chí cần tỉnh táo xem xét, xác minh từ nhiều nguồn.

Cẩn trọng, kiểm chứng chặt chẽ thông tin, trung thực, khách quan là điều các cơ quan báo chí cần làm ngay lúc này trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm Covid-19.

Ngày 13/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức một cuộc họp kéo dài một ngày với một số hãng công nghệ hàng, bao gồm Facebook, Amazon và Google, để thảo luận về việc gác bỏ sự khác biệt để cùng nhau giải quyết sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19 (nCoV), đặc biệt là ngăn chặn thông tin sai lệch về dịch bệnh nguy hiểm này. Cuộc họp do WHO tổ chức và diễn ra tại tại trụ sở Menlo Park của mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Theo CAND online