CÁC SỐ LIỆU ĐO BÃO SỐ 5 ĐỔ BỘ VÀO HUẾ ĐÚNG NHƯ DỰ BÁO

Cơn bão số 5 đổ bộ vào địa bàn tỉnh vào sáng 18/9 được cơ quan khí tượng công bố số liệu ghi nhận ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang có gió cấp 6, giật cấp 9; TP. Huế có gió cấp 8, giật cấp 11. Tuy nhiên, 272 cột điện bê tông ly tâm vốn được thiết kế chịu đựng được bão cấp 12, hơn 15.000 cây xanh gãy đổ; 21.823 nhà bị tốc mái, 10 nhà bị sập.Và dù bão đã đi qua hơn một tuần nhưng dư luận còn thắc mắc rằng các số liệu đo bão phải chăng không chính xác? Bão mạnh hơn so với con số mà cơ quan khí tượng đưa ra?

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) tỉnh đã lên tiếng về vấn đề này:

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài KTTV tỉnh

Ông có thể cho biết cơ sở vật chất, hạ tầng để dự báo, đo các chỉ số về gió, mưa trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào? Đã đúng chuẩn để đáp ứng được yêu cầu  theo quy định hay chưa?

-Hiện nay trên toàn tỉnh có 22 trạm thuộc hệ thống KTTV quốc gia, trong đó có có 4 trạm đo gió Trạm Huế; A Lưới và Nam Đông, Thuận An, sử dụng máy gió Young, do Mỹ sản xuất.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương xã hội hóa nghành KTTV, tỉnh Thừa Thiên Huế, các doanh nghiệp, các chủ hồ chứa, sân bay… cũng đã xây dựng, lắp đặt các trạm đo mưa, mực nước để đáp ứng nhu cầu vận hành, phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế.

Cơ sở vật chất ở tất cả các trạm KTTV đã được đầu tư kiên cố, có thể chịu bão mạnh, lũ lớn để đảm bảo an toàn cho cán bộ yên tâm làm việc khi có mưa to, bão lũ.

Với xu hướng hiện đại hóa, tự động hóa toàn nghành KTTV, nên mạng lưới trạm tự động đo đạc, truyền số liệu tự động liên tục về các đài, trung tâm dự báo cũng như chuyển số liệu quốc tế theo công ước...

Ngoài ra, số liệu quan trắc của các trạm khí tượng, hải văn trên biển như: Cồn Cỏ, Lý Sơn và Cù Lao Chàm, các rada thời tiết Đông Hà (Quảng Trị), Tam Kỳ (Quảng Nam), ảnh mây vệ tinh Himawari của Nhật Bản.

Đài KTTV tỉnh cũng được trang bị máy tính cấu hình cao để chạy, khai thác các mô hình toán hiện đại có độ tin cậy cao của nước ngoài như: ECMWF (hạn vừa châu Âu), JMA (Nhật Bản), JTWC (Mỹ), KMA (Hàn Quốc), Mike 11, Mike 21, Hec-Ras…Hệ thống thảo luận trực tuyến toàn nghành KTTV Việt Nam phát huy hiệu quả trong công tác dự báo, cảnh báo.

Như vậy về cơ bản, cơ sở vật chất hạ tầng để dự báo, quan trắc khí tượng thủy văn nói chung và đo gió, mưa, lũ nói riêng ở tỉnh hiện nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.

Bão số 5 đã làm nhiều cột điện gãy đổ.

Cơn bão số 5 vừa qua Đài KTTV tỉnh công bố số liệu ở Thuận An cấp 6, giật cấp 9; Huế có gió cấp 8, giật cấp 11. Nhưng theo một số người nhận định thì có thể bão mạnh hơn rất nhiều, minh chứng là qua thiệt hại lớn, cây cối, cột điện đổ gãy la liệt. Vậy theo ông số liệu đo được tại bão như vậy đã chính xác hay chưa? Ông có thể phân tích về kết qủa đo được.

-Số liệu gió đo đạc, truyền liên tục trong cơn bão số 5 đã ghi nhận ở Thuận An có gió cấp 6, giật cấp 9; Huế có gió cấp 8, giật cấp 11. Cũng xin lưu ý rằng nguyên tắc đặt các trạm đo KTTV là đại biểu cho một vùng sẽ có trường hợp gió mạnh hơn hoặc yếu hơn trạm đại biểu đó nhưng không quá lớn.

Khí áp càng thấp thì bão càng mạnh. Trong khi số liệu khí áp tại trạm Huế cũng thể hiện các cấp gió đo được, khí áp thấp nhất trong cơn bão số 5 vừa qua là 984,6 milibar lúc 8 giờ 56 phút ngày 18/9, cao hơn nhiều so với khí áp cơn bão Cecil đổ bộ vào năm 1985 là 960,4 milibar. Gió trung bình mạnh nhất có tốc độ 19 m/s (cấp 8), hướng SSW (Nam Tây Nam) xảy ra lúc 8 giờ 58 phút; gió tức thời mạnh nhất với tốc độ 29 m/s (cấp 11), hướng SSW ( Nam Tây Nam) xảy ra lúc 8 giờ 59 phút. Tổng lượng mưa 182,2 mm.

Như vậy, đúng như các bản tin dự báo bão số 5 đã được ngành KTTV phát và cập nhật liên tục là bão sẽ đổ bộ vào Huế-Quảng Trị với gió cấp 8-9, giật cấp 11.

Thời gian tới, Đài KTTV tỉnh sẽ tiếp tục được đầu tư những gì để tăng cường hơn nữa cơ sở vật chất dự báo?

-Trong Quy hoạch phát triển mạng lưới Trạm KTTV được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2021- 2025 và tầm nhìn 2026- 2030 thì tại Thừa Thiên Huế sẽ có 5 trạm khí tượng, 7 trạm thủy văn, 10 trạm thủy văn quan trắc tài nguyên nước, 3 trạm hải văn; 62 trạm đo mưa tự động.

Tuy nhiên, với tác động biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan trên địa bàn tỉnh gia tăng nhiều so với trước đây, vì vậy để giám sát thiên tai tốt hơn, rất cần sự chung tay của xã hội, các doanh nghiệp như chủ hồ chứa nước, các cảng biển, đường cao tốc… cần đầu tư trạm quan trắc, chia sẻ số liệu theo quy định của Luật KTTV.

Hiện nay ở tỉnh cũng đang được chính phủ Nhật Bản tài trợ không hoàn lại Dự án “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện”. Vì vậy, sẽ có 1 rada thời tiết Xband hiện đại lắp tại Bình Điền và nhiều trạm đo mưa, mực nước, camera quan trắc, giám sát thiên tai tự động để phục vụ công tác cảnh báo, dự báo, điều hành hồ chứa

Trong vài năm tới cơ sở hạ tầng, vật chất để dự báo, đo gió, mưa ở tỉnh sẽ được tăng cường đáng kể.

THEO BÁO THỪA THIÊN HUẾ