“Ngon, rẻ không bổ & rẻ, bổ không ngon”

Sau mì cay, Huế nổi lên rất nhiều trào lưu ẩm thực khác. Vẫn là cách cập nhật thời thế nhanh kinh khủng từ vài năm trở lại đây, các hàng quán chỉ chực chờ nắm bắt cái ngày lứa trẻ vơi dần nỗi hào hứng với mấy cọng mì dày xịch là tung ra các “chiêu trò khác”. Từ quán sang Nhật Bản đến vỉa hè Hàn Quốc, ẩm thực xứ người trông xa vậy mà đem được về đây liền ngay. Thế là tụi trẻ lại được dịp gật gù, ra vẻ đúng ý lắm.

Ăn ngon và phải đẹp nữa

Kỳ thật thì các hàng quán chuyên về đồ Hàn, Nhật có tiếng đã du nhập về Huế rất lâu. Những cái tên quen mặt cả với giới trẻ và người lớn xứ mưa chắc không thể thiếu là nhà hàng Take, Kudo Sushi, Korean Restaurant... Nhưng cũng vì cái giá khá "chát" và cung cách phục vụ cũng tương đối ít cho mỗi phần ăn, nên phần lớn các bạn trẻ Huế đến thưởng thức đủ một bữa thì hoặc là người có điều kiện, hoặc là đi cùng ba mẹ, cả nhà. Về sau này, hiểu được tâm lý muốn tách khỏi phụ huynh trong những cuộc hàn huyên, rồi vừa ham cái mới lạ nhưng cũng phải hợp túi tiền, các dạng quán đồ ăn Nhật, Hàn bình dân nhờ đó mà có cớ nở rộ. Hình thức kinh doanh “dễ gần” xuất hiện nhiều đến mức một vài quán chuyên có tiếng từ vài năm nay phải ngậm ngùi chia khách cho những đối thủ “tầm cỡ” kiểu này.

Để mà nói cho đúng, thì cũng như mì cay, các món ăn uống trào lưu này cũng theo thời tiết, phim ảnh và độ hot để xem xét quy mô, cách thức phục vụ và giờ giấc mở cửa. Về cái vụ này, lứa trẻ cỡ tuổi học sinh là rành và hào hứng nhất. Ví như vào các buổi học sáng, để phục vụ các cô cậu, ngủ nướng kịp giờ đến trường, các quán sushi, cơm cuộn 1.000-2.000 đồng mở ra nhiều vô tận trước cổng trường cấp hai, tiểu học. Tụi nhỏ có vẻ thích dữ lắm, vì vừa khác ổ mì, tô bún mẹ dỗ mãi mới ăn ở nhà, mà lúc cầm cũng nhìn sang sang, chảnh chảnh nên đứa nào cũng hào hứng chọn. Rồi đến chiều, tối là thấy các bạn tập trung lũ lượt ở mấy dãy đồ nướng Bà Triệu, xe cơm nắm Koi Lý Thường Kiệt rồi. Ba mẹ lúc này cũng chẳng lo lắng nhiều nữa vì dễ mà biết con mình ở đâu. Nếu gọi không được là cứ lái xe đến, kiểu gì cũng nom thấy các cô cậu qua lớp khói mờ và đục ngầu mùi tương, ớt, muối, vừng.

Giá cả phải chăng nên giới trẻ rất ưa thích các món ăn Hàn, Nhật bình dân

Vì được bán với giá khả phải chăng, từ 1.000 đồng đến trên dưới 45.000 đồng cho mỗi loại nên dù có thể dễ dàng tự làm ở nhà, nhưng đến quán chọn và thưởng thức ngay tại chỗ vẫn là hình thức được ưu tiên hơn cả. Với chỉ khoảng 100.000 – 150.000 đồng, một nhóm bạn 2,3 người có thể có đến hơn chục cuộn cơm nhỏ mang kiểu Hàn, Nhật đủ cả, cộng thêm hai, ba dĩa nướng cay là ăn no căng bụng. Dạo này trở trời, lúc nắng lúc mưa nên thú vui ăn kiểu này là lớp trẻ hợp nhất. Thành ra ngày trước đi đợi ăn mì cay thế nào, giờ đợi ăn thịt nướng, bánh gạo lắm lúc cũng y như vậy. Ở một vài quán ruột, nhiều khi đã có chỗ ngồi yên vị nhưng vài bạn cũng phải ngậm ngùi bỏ đi vì sốt ruột.

Bỏ qua một số trào lưu không theo kịp như mang giày, túi, áo quần, điện thoại hàng hiệu, tôi còn trẻ nên cũng thường theo bé em ở nhà mà mê mẩn và nhắc nhiều đến hình thức ăn uống trào lưu này. Nhưng là vậy, chứ vài hôm thấy mình cũng không tránh khỏi sự bất giác ngó ra sau “hậu trường” rồi chột dạ. Đợt nào vớ được quán mới mở, rồi lại là những vị khách đầu tiên thì còn đôi phần yên bụng. Chứ mấy quán vừa quen, vừa đông thì dù biết sẽ không dễ mà đảm bảo vệ sinh nhưng thôi cứ nhắm mắt làm ngơ, rồi coi là mình chưa từng nghe, chưa từng thấy. Do giá cả khá phải chăng, hay phải chăng một cách “bất thường” nên không cần phải hỏi, tôi và vài người bạn đi cùng vẫn đôi lần tặc lưỡi: “Chúng ta đang ăn phần thịt của 30 năm về trước và nghiện cả chân gà lớn tuổi hơn mình”. Lẫn trong mấy tràng cười giòn tan, tôi biết đứa nào cũng như nhau, tay thì gắp mà đầu óc cũng có phần lo khi chợt lướt qua và thùng tương ớt không nhãn mác nằm lăn lóc dưới gầm bàn cáu bẩn, vỉ nướng mỏng tang chưa rửa kỹ vẫn vương chút mụn thừa, hay chồng cốc lộn xộn nơi vách tường nham nhở bụi...

Bánh gạo cay, một trong những món ăn đường phố yêu thích của giới trẻ

Về góc nhìn dinh dưỡng, kỳ thật là tất cả mọi người rất khó để tìm ra cái lợi. Người ta thường bảo “ngon, bổ không rẻ; ngon, rẻ không bổ và rẻ bổ không ngon” coi vậy mà đúng thật. Kể từ sau đợt kinh doanh ẩm thực bình dân nổ ra, tôi nghĩ có thể các quán tên tuổi chẳng phải “ngậm ngùi chia khách”, mà họ dùng chất lượng để lọc các đối tượng khách cho riêng mình.

Sau những cuộc ăn uống bình dân no nê, tôi với bé em ở nhà vẫn thường thở hắt ra phần vì no, phần vì thấy có lỗi cho cái bụng dạ không mấy phần yên ổn. Mà trào lưu là vậy nên chẳng còn cách nào khác ngoài việc biến mình trở thành người tiêu dùng thông minh thôi.

Theo Thừa Thiên Huế online