TỪ THÔN HOÀNH LẠI NHỚ LÀNG NHÔ

Những gì xảy ra ở thôn Hoành, Đồng Tâm vừa qua gợi nhắc lại một vụ án tương tự, không hề kém cạnh - “Chuyện làng Nhô” những năm 1991 - 1992 của thế kỷ trước. Kẻ cầm đầu vụ án làng Nhô (Hà Nam) - Trịnh Văn Khải  ngày ấy cũng nham hiểm, tham lam và “độ” khát máu không thua kém gì cha con Lê Đình Kình, Lê Đình Công hôm nay. Thậm chí giữa Khải và Kình còn giống nhau từ âm mưu, thủ đoạn đến bản chất con người và chung một cái chết đích đáng.

Trước hết, đó là những kẻ thoái hóa, biến chất. Trịnh Văn Khải là một cán bộ, đảng viên, kỹ sư máy tàu thủy, được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho ăn học đàng hoàng, từng đi du học ở nước ngoài, làm cán bộ giảng dạy ở Đại học Hàng Hải nhưng Khải là một con người luôn đố kỵ, kèn cựa với những cán bộ, giảng viên khác, làm mất đoàn kết nội bộ. Trịnh Văn Khải còn hủ hóa với nhiều phụ nữ, thậm chí lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người này cho nên Khải đành phải sớm cuốn gói khỏi vị trí công tác. Còn Lê Đình Kình những năm 1980 khi đương chức lãnh đạo xã Đồng Tâm, Kình đã lợi dụng chức quyền để ăn chặn tiền chính sách của các gia đình thương binh, liệt sĩ, tham ô hàng tấn thóc của nhân dân và nhà nước. Trước đó, thời thanh niên Lê Đình Kình còn tìm mọi cách để khỏi phải lên đường vào chiến trường đánh Mỹ mà được ở lại địa phương, từng bước leo lên các vị trí lãnh đạo xã. Lê Đình Kình còn cố thu xếp, chạy cho một số con cháu dòng họ mình vào bộ máy nhà nước, làm lãnh đạo chủ chốt hòng khống chế chính quyền cơ sở.

Kình và Khải lợi dụng đặc tính cố hữu của làng xã để dành đặc quyền, đặc lợi. Chính vì phe cánh dòng họ Lê Đình Kình đã nắm phần lớn các vị trí chủ chốt trong bộ máy cấp ủy, chính quyền địa phương như Lê Đình Thuần, từng là chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, Lê Đình Tuyến, Phó trưởng phòng Tài Nguyên Môi Trường huyện Mỹ Đức, với vai vế trong dòng tộc của mình cho nên cha con Lê Đình Kình đã trở thành một thế lực cường hào ở Đồng Tâm. Có thời điểm Lê Đình Kình chỉ đạo cả hệ thống chính trị. Trịnh Văn Khải cũng đã lợi dụng tính cấu kết của làng xã trên cơ sở mối quan hệ dòng tộc, làng mạc khăn khít để kích động vào tâm lý người dân “đoàn kết” để đòi lại đất đai của “tổ tiên, ông bà”, Khải và Kình đánh vào sự tham lam tư hữu đất đai của người dân để hướng lái họ ủng hộ; sự hám danh, hám lợi chỉ với những chức danh tự bịa như “Ban 447”, “tổ cực nhanh” của làng Nhô, “tổ đồng thuận” của Thôn Hoành, Đồng Tâm những người này cũng muốn có tí danh hão để vênh váo với làng xã. Từ đó sinh ra những ông vua làng lộng hành với những luật lệ riêng, thao túng chính quyền và nhân dân.

Lê Đình Kình là một đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng lúc đương chức

Sử dụng vấn đề ruộng đất để trục lợi và phá hoại chính sách ruộng đất. Nguồn gốc của vấn đề của cả hai vụ án Đồng Tâm và làng Nhô đều nằm ở ý đồ chiếm đoạt diện tích lớn đất sản xuất do Nhà nước quản lý. Lợi dụng  sự buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp đối với diện tích đất quốc phòng trên xã đồng thời sự dung túng của cán bộ địa phương mà đa số đều là con cháu, dòng tộc của mình, nhóm của Lê Đình Kình tổ chức cho nhiều hộ dân lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép, sản xuất trên diện tích đất do quân đội quản lý với ý đồ “mưa dầm thấm lâu” “để lâu cứt trâu hóa bùn” thì số diện tích đất lấn chiếm trái phép trên trở thành “hợp pháp” hoặc dùng để đòi đền bù thiệt hại nếu Nhà nước có thu hồi. Thực tế, đến những năm 2015 - 2016, khi nghe tin quân đội triển khai dự án ở đây, thì nhóm của Lê Đình Kình đã chủ động đòi quyền lợi, tuy nhiên do những đòi hỏi quá đáng từ những kẻ đi ăn cướp cho nên không thể thống nhất phương án đền bù, chính quyền đã tổ chức thanh tra và có đủ bằng chứng để khẳng định những hộ dân trên không có quyền lợi trên diện tích đất trên. Ngược lại đây là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động quân sự, do đó pháp luật không thể nhân nhượng.

Ở làng Nhô, Trịnh Văn Khải lợi dụng nhu cầu đất sản xuất của nhân dân,y đã đại diện dân trong thôn gửi đơn kiện đòi lại diện tích đất của làng Nhô trước đây chính quyền đã phân chia cho các thôn khác sản xuất lên các cấp chính quyền từ xã, huyện, tỉnh Hà Nam và trung ương đòi. Sau khi đơn kiện bị bác bỏ vì không có cơ sở, với bản tính cố chấp, tham quyền cố vị của mình Trịnh Văn Khải lập “Ban 447” với thành viên là những người chống đối chính quyền với mục đích chống tham nhũng ở địa phương, tổ chức vừa dụ dỗ vừa cưỡng ép, đe dọa các hộ dân đóng góp tiền gạo, vật chất cho cái gọi là Ban 447 của Khải. Bên cạnh đó Khải còn đề ra khẩu hiệu như “Ai không đi đòi ruộng đất, khi chết không cho chôn ở làng” và “Ai không góp tiền, gạo để “Ban 447” đi đòi ruộng đất, khi đòi được sẽ không được chia”… Cùng các đảng viên biến chất ở làng, Khải còn tuyên truyền kích động người dân chống lại cán bộ thu thuế, không nộp thuế nông nghiệp cho địa phương, tự thu thuế chợ làng; thực hiện “rào làng chiến đấu”, tổ chức tuần tra, canh gácmọi việc trong làng đều do Trịnh Văn Khải chỉ huy.

Tang vật, vũ khí thu giữ từ vụ án làng Nhô và thôn Hoành

Thậm chí còn công khai vũ lực chống đối lực lượng chức năng, tổ chức khủng bố, giết người. Trịnh Văn Khải lập ra đội quân riêng do mình chỉ huy, tiến hành rào làng, đặt bẫy chông khắp nơi; cô lập nhân dân với bên ngoài, tổ chức tuần tra, canh gác sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng và đàn áp, khủng bố những người không ủng hộ “Ban 447”. Đỉnh điểm đám tay chân của Khải đã bắt giữ 02 người dân ở địa phương khác đến mua cá giống nhưng đã bị tra tấn, đánh đập đến chết ngay tại sân nhà của y, man rợ hơn hắn còn tống tiền cả người chết. Còn ở Đồng Tâm, nhóm “Đồng Thuận” do cha con Lê Đình Kình cầm đầu từ lâu đã có những hành vi khủng bố tinh thần những người không đi theo chúng như cô lập về kinh tế và quan hệ xã hội, bôi nhọ, hạ uy tín thậm chí còn gây hấn thậm chí đó còn là những người trong gia đình, dòng tộc. Nhóm Lê Đình Kình kích động một số đối tượng manh động tấn công lực lượng chức năng, bắt giữ trái phép Công an, cán bộ, phóng viên báo chí. Khi quân đội cho xây dựng hàng rào bảo vệ sân bay Miếu Môn thì chúng tổ chức vũ khí tấn công đơn vị xây dựng, công khai trên internet kế hoạch khủng bố cơ sở điện lực, trụ sở chính quyền và giết hại cán bộ, người dân. Đỉnh điểm vào các ngày 08 và 09/1/2020, Lê Đình Kình đã chỉ đạo các đối tượng là con nghiện sử dụng vũ khí nóng như súng, dao phóng, bom xăng, pháo nổ, lựu đạn tấn công lực lượng CSCĐ trấn áp tổ chức này. Dã man hơn, chính Lê Đình Kình, Lê Đình Công đã chỉ đạo đồng bọn ném lựu đạn, phóng dao, đào hố sâu và  tưới xăng thiêu sống 03 CBCS Công an. Ngay cả khi bị tiêu diệt Lê Đình Kình trên tay vẫn cầm quả lựu đạn chưa kịp rút chốt. Cả vụ việc ở làng Nhô và thôn Hoành đều không phải là một vụ việc tự phát mà nó được tổ chức theo một kế hoạch, có tổ chức, có lkẻ cầm đầu,  chống đối chính quyền hết sức quyết liệt. Ở Đồng Tâm còn có sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực thù địch trong và ngoài nước trong đó có những thành phần “đại biểu quốc hội” “dân túy” lợi dụng tư do, dân chủ để kích động các đối tượng chống đối đến cùng, cung cấp tiền bạc, vũ khí, phương tiện cho các tối tượng. Đồng thời có thể nhận thấy một kế hoạch “cách mạng màu” tiến hành bạo loạn lật đổ được một bộ máy tuyên truyền phản cách mạng, khác với thời điểm xảy ra vụ án làng Nhô khi mà internet chưa có ở Việt Nam.

Nhìn chung trong tổng thể của âm mưu “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam việc phá hoại chính sách ruộng đất mà nhất là mối quan hệ quản lý  - sử dụng để kích động ý thức sở hữu ruộng đất của người dân, tạo thành những điểm nóng về khiếu kiện đất đai, kích động hình thành  các tổ chức đối lập, đối kháng bằng vũ lực “bạo loạn lật đổ” điển hình là từ làng Nhô đến Đồng Tâm hôm nay và còn nhiều nơi nữa.

HƯƠNG GIANG