NHẬN DIỆN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA ĐỐI VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
Ngày 23/6/2004, Bộ Chính trị (khoá IX) đã ban hành Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Gần 20 năm qua, Nghị quyết 36 đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nhịp cầu góp phần gắn kết chặt chẽ người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội vẫn tìm cách đưa ra những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài, kích động chống phá, gây chia rẽ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc.
Những luận điệu lạc lõng với quê hương
Với truyền thống yêu nước, hướng về Tổ quốc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn là một nguồn lực quan trọng, có nhiều đóng góp cho tiến trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta trong suốt chiều dài lịch sử. Hiện nay, với khoảng 6 triệu người sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% ở các nước phát triển, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín, không những đóng góp tích cực vào phát triển của nước sở tại mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, các đối tượng chống phá vẫn cố tình bóp méo, vu cáo chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Các thế lực thù địch và các tổ chức phản động lưu vong cùng một số đối tượng chống đối cực đoan lập các trang web, facebook, youtube, twitter, tiktok, zalo… tuyên truyền bịa đặt, bôi nhọ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với những luận điệu xuyên tạc như: Nhà nước không giúp gì, chỉ tìm cách khai thác nhân tài, vật lực của người Việt hải ngoại; việc thành lập các hội, đoàn trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cách cho thấy “Đảng Cộng sản Việt Nam đang tham vọng định hướng chính trị”; cộng sản xâm nhập, phá hoại và lũng đoạn các cộng đồng, các hội đoàn, các cơ sở thương mại, trường học của người Việt tại hải ngoại… Thậm chí các đối tượng còn rêu rao rằng, Việt Nam đang tìm cách “đảng hóa” với cả những hội, đoàn trong tương lai mà Đảng hậu thuẫn tại hải ngoại! Các đối tượng cố tình xuyên tạc, vu cáo rằng kể từ Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đến Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai “thực chất là những chiêu trò ru ngủ giả hiệu dân chủ”!
Đây là những luận điệu xuyên tạc xuất phát từ tư tưởng thù địch nhằm bóp méo bản chất, ý nghĩa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong gắn kết người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc. Mặc dù sống xa Tổ quốc nhưng người Việt Nam ở nước ngoài luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về nguồn cội, gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã có những đóng góp to lớn về tinh thần, vật chất và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.
Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong gắn kết người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc
Gần 40 năm đổi mới đất nước, các chủ trương và chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng, Nhà nước ngày càng được bổ sung và hoàn thiện nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu thực tiễn. Một trong những dấu mốc quan trọng đó là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 29/11/1993 của Bộ Chính trị về chính sách và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; sau đó là các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Để góp phần thực hiện thắng lợi khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Kết luận 12). Kết luận 12 là sự kế thừa, tiếp nối của Nghị quyết 36 (2004) và Chỉ thị 45 (2015) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài với tinh thần chủ đạo là hòa hợp dân tộc, chăm lo cho kiều bào và huy động nguồn lực kiều bào cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Các văn bản trên đã thể hiện quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam; công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân, thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong 20 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX đã chứng minh, mặc dù sống xa Tổ quốc nhưng đồng bào ta vẫn luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương. Trong các công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc đã có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp về tinh thần, vật chất và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đi liền với đó là những thành tựu to lớn của đất nước sau giai đoạn đổi mới cùng với vị thế ngày càng tăng của đất nước ở khu vực và trên thế giới đã khích lệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tự hào, tự tôn dân tộc, hướng về với cội nguồn, đóng góp cho quê hương. Đóng góp vào thành tựu chung của đất nước có công sức, trí tuệ của nhiều doanh nhân, trí thức người Việt Nam có trình độ cao ở nước ngoài, luôn tích cực tham gia hiến kế cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng như nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại, đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, các mô hình phát triển kinh tế… Hiện đã có 385 dự án của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và có vốn góp vào hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tạo việc làm, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội. Lượng kiều hối chuyển về nước ta trong những năm qua ngày càng tăng mạnh, không chỉ giúp các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, bổ sung dự trữ ngoại hối. Cùng với đó, nguồn lực từ kiều hối góp phần giúp các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo động lực tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, theo số liệu báo cáo của các đơn vị làm dịch vụ chuyển tiền kiều hối, năm 2023, lượng kiều hối chuyển về nước ta đạt 16 tỷ USD, tăng 32,5% so với năm 2022. Trong đó, tổng lượng kiều hối về TP Hồ Chí Minh năm 2023 đạt 8,92 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2022. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh dự báo lượng kiều hối năm 2024 chuyển về qua các ngân hàng thương mại và tổ chức kinh tế trên địa bàn sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2023.
Thực tế cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Vai trò, vị thế, uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao. Đại bộ phận người dân đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dần dần tạo chỗ đứng vững chắc và có tiềm lực đáng kể về tri thức, trình độ khoa học, kỹ thuật. Không chỉ đóng góp bằng những nguồn lực đầu tư và chất xám, người Việt Nam ở nước ngoài còn tích cực bảo tồn, lan tỏa và trao truyền văn hóa Việt. Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng, là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam với thế giới, lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhằm tiếp tục phát huy truyền thống, văn hóa của người Việt Nam ở nước ngoài và cụ thể hóa Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” nhằm nâng cao nhận thức, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng và bạn bè quốc tế.
Năm 2024 là năm bản lề cho công tác người Việt Nam ở nước ngoài chuẩn bị bước sang một trang mới. Việc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là dịp để các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đánh giá một cách khách quan những ưu điểm, hạn chế, tìm ra nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp thiết thực để phát huy hơn nữa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm tới; tiếp tục khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là cơ sở để Đảng ta bổ sung, phát triển đường lối đối ngoại, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong nhiệm kỳ Đại hội XIV, tạo điều kiện phát huy nguồn lực kiều bào đóng góp cho quê hương, đất nước. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự tin tưởng, đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là minh chứng thực tiễn góp phần xóa bỏ những mối nghi hoặc, những luận điệu xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch.
Liêm Chính