CHIÊU TRÒ “MỘT NỬA SỰ THẬT” – THỦ THUẬT ĐỊNH HƯỚNG DƯ LUẬN

Ngạn ngữ Nga có câu: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật là giả dối.” Thậm chí Benjamin Franklin còn nói nặng nề hơn: “Half a truth is often a great lie.” - Tạm dịch, một nửa sự thật là điều dối trá ghê gớm.

Vậy thủ thuật “một nửa sự thật” là gì? Hiểu đơn giản thế này, đó là những kết luận được đưa ra khi mà người viết đã cố tình che giấu bớt điều kiện.

1. Sơ lược về thủ thuật “Một nửa sự thật”

Trong toán học, thường một định lý (hoặc mệnh đề) nào đó nó chỉ đúng trên một miền điều kiện (gồm điều kiện ràng buộc và tập xác định). Việc mở rộng miền điều kiện (bằng cách cố tình lược bỏ đi một vài điều kiện) sẽ khiến định lý ấy không còn đúng nữa.

Một nửa sự thật vi phạm tính toàn diện, tức là bỏ sót “điều kiện cần và đủ khi đưa ra kết luận”, vi phạm “luật lý do đầy đủ của tư duy logic”. Vậy nên, một nửa sự thật chính là mệnh đề sai, và mệnh đề sai thì nó sẽ là sự dối trá.

Tôi lấy ví dụ: Bất đẳng thức Cô-si chỉ áp dụng được với các số thực dương. Vậy tức nếu chúng ta lược bỏ đi phần dương (một nửa sự thật) thì bđt Cô-si sẽ không còn đúng nữa.

Có nhiều định nghĩa về hình vuông, nhưng một định nghĩa đúng là như thế này: là tứ giác có 4 (tất cả) cạnh bằng nhau và 4 góc bằng nhau. Giờ nếu ta cắt xén đi một trong các điều kiện thì kết luận không còn chính xác nữa.

- Phát biểu “Hình có 4 cạnh bằng nhau và 4 góc bằng nhau là hình vuông” là sai. Vì sẽ có những đa giác có 4 cạnh bằng nhau và 4 góc bằng nhau, nhưng không phải hình vuông, ví dụ như đa giác đều n cạnh, n > 4

- Phát biểu “Tứ giác có 4 cạnh bằng nhau là hình vuông” là sai. Vì có những hình thoi là tứ giác có 4 cạnh bằng nhau nhưng không phải hình vuông.

- Phát biểu “Tứ giác có 4 góc bằng nhau là hình vuông” là sai. Vì có những hình chữ nhật có 4 góc bằng nhau và bằng 90 độ, nhưng không phải hình vuông.

Tất nhiên, cuộc sống muôn mầu và nó rất khác toán học, để rút ra tất cả các yếu tố cần thiết (một tập xác định chính xác và đầy đủ) cho một nhận xét là điều tương đối khó khăn. Nhưng chúng ta cần phải biết về một nửa sự thật, từ đó tìm hiểu được thêm về tính toàn diện và sự thiếu sót khi ai đó đưa ra giả thiết hoặc kết luận.

Áp dụng nguyên lý này vào xã hội, một nửa sự thật được truyền thông định hướng (quảng cáo cũng là một loại truyền thông định hướng) sử dụng triệt để. Và một nửa sự thật cũng xuất hiện đầy rẫy và tràn lan trong cuộc sống, những người thiếu kiến thức về tư duy logic (thế giới quan chưa kiện toàn, hệ thống tri thức còn nhiều lỗ hổng) thì hoặc vô tình mắc phải hoặc trở thành nạn nhân của chiêu trò “một nửa sự thật”.

Thông thường để chiều lòng thị hiếu, (hoặc cũng có thể do thiếu kiến thức nữa) truyền thông chỉ nêu lên hiện tượng chứ không nói đến bản chất, họ đưa ra “một nửa sự thật”, lái câu chuyện theo thị hiếu của độc giả, họ đã tước đi “sự trung thực, tính khách quan” của câu chuyện nhưng vẫn không mang tiếng nói dối. Ừ, thì họ có nói dối đâu, nó chỉ là “1 góc nhìn khác”, “1 nửa sự thật” mà thôi. Vậy nên để có thể tìm hiểu về sự toàn diện và khách quan của việc kết luận, chúng ta phải nhắm đến tính bản chất của sự vật, hiện tượng.

2. Một nửa sự thật trong truyền thông quảng cáo và đời sống hàng ngày.

a/ Nói thật nhiều thứ song che giấu đi điều quan trọng nhất.

- Một cô gái muốn lấy chồng, và bà mối giới thiệu cho cô một chàng trai bảnh bao, giầu có, tâm lý và rất khéo tay - chỉ có duy chi tiết chàng ta là GAY thì không nói. Sau khi tiến tới hôn nhân, cô mới ngả ngửa người ra, chàng ta cưới cô chỉ để che mắt thiên hạ.

Ừ, tính ra bà mối cũng không nói sai, chỉ là do cô không chịu tìm hiểu kỹ về giới tính và sinh lý mà thôi.

- Hay báo chí truyền thông thường hay nói rằng các tỷ phú như Bill Gates, Mark Zuckerberg .. đều là người bỏ học. Tuy nhiên, những người này bỏ đại học Havard (nền tảng trí tuệ cao) và có bố mẹ giầu có/quyền lực (xuất phát điểm cao) thì lại không nói.

- Hay như năm ngoái, truyền thông rầm rộ đưa tin về một “tình yêu không biên giới”, đám cưới giữa chú rể Karna Radheya người Indonesia và cô dâu là Polly Alexandria Robinson, một cô gái trẻ đến từ Manchester, Anh quốc. Đáng chú ý, chàng trai có lùn, đen và diện mạo tầm thường song cô gái thì cao ráo và rất xinh đẹp, trẻ trung. Báo chí ca ngợi về sự chân phương, thành thực và sự nhiệt thành khi theo đuổi của Karna đã chinh phục trái tim Polly, độc giả đọc nghe mê say. Nhưng có một điều, chàng trai hiện đang là triệu phú sở hữu chuỗi nhà hàng lớn ở đảo Bali thì báo chí không hề nói.

b/ Chỉ liệt kê sự việc song không nói đến bản chất.

Đây là phương pháp truyền thông thường liệt kê ra các hiện tượng, nhưng bản chất của sự việc hiện tượng như thế nào thì hoặc không nói, hoặc kết luận sai.

Bình thường quảng cáo chính là dạng như thế này, thường sẽ nhấn mạnh và điểm tô về một hoặc vài ưu điểm rồi phóng đại nó lên, khiến người xem sẽ không để ý đến những khuyết điểm đã được che giấu.

Nói đơn giản hơn: A. Hitler là một người đàn ông thông minh, kiên định, không hút thuốc, yêu động vật, và chung thủy. Còn W.Churchill lại là một người bảo thủ, khó ưa, và nghiện thuốc nặng.

Hay như một người đi làm công tác thống kê:
- Chỉ hút thuốc, không uống rượu: Lâm Bưu thọ 63 tuổi.
- Chỉ uống rượu, không hút thuốc: Chu Ân Lai thọ 73 tuổi.
- Vừa uống rượu, vừa hút thuốc: Mao Trạch Đông thọ 83 tuổi.
- Vừa uống rượu, vừa hút thuốc, vừa đánh bài: Đặng Tiểu Bình thọ 93 tuổi.
- Vừa uống rượu, vừa hút thuốc, vừa đánh bài lại có cả vợ bé: Trương Học Lương thọ 103 tuổi.
- Không uống rượu, không hút thuốc, không đánh bài cũng không có bạn gái, chỉ làm người tốt việc tốt: Lôi Phong hưởng dương 23 tuổi.

Và bài học rút ra là: Muốn sông lâu không nên làm người tốt mà cần “uống rượu, hút thuốc, đánh bài và chơi gái.” – hehe.

c/ Một nửa sự thật trong các sách self-help – sách tự lực

Sách self-help, hay các sách tự lực nhằm khai phá sức mạnh bản thân, khuyên chúng ta nên sống như thế nào, học theo tiền nhân ra sao … về cơ bản chúng là những sách mang ý nghĩa tích cực. Và đôi khi (nhớ là đôi khi thôi) chúng sẽ là những kiến thức bổ ích với những ai có nền tảng kiến thức tốt và định vị được ưu/khuyết bản thân.

Sách self-help chia sẻ kinh nghiệm sống, kêu gọi chúng ta sống tích cực lên, cho những mẹo để đạt được thành công. Tuy nhiên, có một thứ các bạn nên nhớ đó chính là cuộc sống này muôn mầu muôn vẻ, và mỗi cá nhân có một thế giới quan khác nhau.

Nhưng một sự thật phũ phàng, đó là hiện có rất nhiều (đa số) sách self-help hiện nay chỉ toàn những lời sáo rỗng hoặc từ quan điểm cá nhân. Chúng không được cộng đồng khoa học hỗ trợ, cũng không có một nền tảng kiến thức chính thống nào cả. Hầu hết chúng chỉ nêu lên được hiện tượng và quy nạp vội vã để kết luận chứ không nói vào mấu chốt trọng tâm, giá trị cốt lõi của vấn đề. Đó là phương thức một nửa sự thật trong việc đưa ra kết luận.

Tôi lấy ví dụ như cuốn sách self-help được cho là kinh điển nhất: Đắc Nhân Tâm. Về cốt lõi, dĩ nhiên nó có nhiều điểm tích cực, song chiêu bài thường thấy của tác giả Dale Carnegie sử dụng đó là dùng những bài học mang tính cá nhân rồi khái quát hóa vội vã, dùng hiện tượng để quy nạp thành bản chất – nhưng ông này khéo léo trong câu từ khiến người nghe mang những ấn tượng sai lệch về “một sự thật không toàn vẹn”.

Rõ ràng, 30 nguyên tắc mà đắc nhân tâm khuyên bạn đều là những thứ tích cực, đều là những đức tính tốt và cần thiết. Nhưng khổ nỗi, nó lại là quá hiển nhiên, và bạn đã vô tình bắt gặp nó trong những lời khuyên của thầy cô bố mẹ hay trong các bài học đạo đức trong sách giáo khoa rồi.

Như tên gọi, Đắc nhân tâm, có nghĩa là làm sao để thu phục được nhân tâm người khác – sách có nói đó là “dùng sự chân thành’, mẫu câu thường dùng là “nếu có sự chân thành thì bạn sẽ …” – nhưng làm sao có được sự chân thành đúng nghĩa (phân biệt với biểu hiện chân thành – ngụy chân thành) thì sách không nói. Vậy có nghĩa là bạn không thành công, không “đắc nhân tâm” được, ấy là do bạn không đủ chân thành.

Một anh bạn tôi từng nói đùa rằng: Bọn khác tán gái thì chỉ cần đầu tư xe SH, riêng mày thì chỉ cần đầu tư Ferrari sẽ thu hút được phái đẹp. Có lẽ là đúng, nhưng làm sao để có được xe Ferrari thì anh ta không nói. Vấn đề của Đắc nhân tâm cũng tương tự vậy, vấn đề không phải là những đức tính Đắc nhân tâm đưa ra là tốt hay xấu, mà là phương pháp thực hành nó như thế nào thì lại khá hời hợt và chỉ đúng với 1 số cá nhân.

Hay như các lời khuyên của một tiến sĩ Tâm lý học cũng vậy, vị tiến sĩ này rất khôn khéo khi đánh đúng vào tâm lý và thị hiếu người đọc. Các bài giảng về kiến thức kinh tế và quản trị của vị tiến sĩ này (đã có nhiều chuyên gia đầu ngành chỉ ra đầy rẫy sai sót và sơ hở, sai kiến thức cơ bản) được các bạn trẻ nhiệt liệt hưởng ứng, không phải nằm ở hàm lượng kiến thức kinh tế mang lại – mà nó nằm ở nội dung mang đậm tính giải trí cao, phù hợp với thị hiếu. Kiểu so sánh khập khiễng và sai về bản chất, làm kinh tế thường được mang ra so với cua gái, các hoạch định chiến lược được định vị gắn với mông ngực phụ nữ, toàn vấn đề nhạy cảm và hay ho.. Nó thu hút người xem chính là những yếu tố này. Vậy nên, điều chúng ta cần làm là xem những bài học mà vị tiến sĩ tâm lý kia đưa ra về Quản trị học và kinh tế chỉ mang tính giải trí và có ý tham khảo cho vui, tuyệt nhiên đừng xem nó là kim chỉ nam để máy móc làm theo.

2. Một nửa sự thật trong việc định hướng dư luận.

a/ Cố tính lập lờ, cắt ghép, đánh lận con đen của báo giới.

Đây là cái cách các “nhà báo”, các blogger hay dùng nhất. Vậy nên tôi sẽ nói rõ hơn về điều này.

- Một thanh niên FA tên là Việt râu từng tuyên bố: “Nếu không thể tìm thấy một cô gái tốt và hiểu mình, tôi sẽ không lấy vợ.” Vậy là đám Blogger bất lương lao vào trích dẫn rằng: Thanh niên Việt râu đã hùng hổ tuyên bố: “Tôi sẽ không lấy vợ.” - Thế rồi họ đưa ra 1 trăm thứ quan điểm hầm bà lằng và kết luận anh này có vấn đề về tâm lý hoặc sinh lý.

- Một đơn vị tác nghiệp điện tử đã dùng chổi cây “xoát xoát” lên ruộng rau của một ai đó. Sau đó họ quay lại cảnh cánh đồng trồng rau nham nhở lên tivi và không nói gì cả.

- Một đơn vị tác nghiệp điện tử đi mua cá, trước tiên họ hành hạ lũ cá này kiệt sức sau đó mang thả nó vào một chậu nước biển ở Vũng Áng. Sau đó họ phát tán clip lũ cá dật dờ sắp chết trong chậu nước lên các kênh truyền thông.

- Rồi một trang tin tức điện tử, họ trích dẫn lại một câu ngắn trong một bài phát biểu dài ngoằng của một chuyên viên Đài Loan: “chọn Tôm cá hay chọn Thép”. Kết cục, ông Gđ Chu Xuân Phàm được chọn làm vật thế thần.

- Với chiêu bài bảo vệ sức khỏe con trẻ bằng một đoạn clip ngắn kèm dòng caption phẫn nộ, một cô ả nanh nọc đã dẫn dắt cả một cộng đồng mẹ bỉm sữa trên web trẻ thơ tấn công sữa bột Danlait – một sản phẩm sữa sau này đã được chứng minh là tốt. Chưa rõ thực hư thế nào song tha hồ lăng mạ, công kích và xúc phạm tới người khác – đây là thói quen thường thấy của các mẹ bỉm sữa nên vẫn hay bị các “hotgirl hán hàng online” lợi dụng.

- Hay như các chiêu trò khác, kiểu những clip đưa lên dạng công an đánh dân (sự thật đám dân kia là một đám côn đồ, đầu trộm đuôi cướp thì bị giấu nhẹm), công an cướp miếng cơm manh áo của dân (hàng rong vi phạm luật thì bị giấu nhẹm) .. tất cả đểu nhận sự sự phẫn nộ lớn từ công chúng tới chính quyền.

- Đặc biệt, những đoạn video trích dẫn từng gây bão facebook về “phương pháp học chữ tròn vuông tam giác” đã khiến cư dân mạng dậy sóng và chửi BGD như hát hay. Có thể dễ dàng nhận thấy những video cắt đoạn đầu này cuốn người xem theo một cảm xúc hoài nghi và phẫn nộ mạnh mẽ như thế nào. Cư dân mạng và truyền thông kền kền bắt đầu thể hiện sự sáng tạo của mình bằng những video ca nhạc chế lại lời toàn hình vuông, tròn, tam giác… như một lời khẳng định rằng chúng sẽ thay thế chữ viết trong tương lai nếu học sinh được học phương pháp mới này.

Tuy nhiên, sự thật đây là cách học mới của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, và bản chát của nó để tách và phân biệt âm, tiếng, chứ không phải dùng hình học để làm chữ viết. Nhưng điều này đã được bọn bất lương giấu nhẹm đi, và theo trích dẫn và cách lan truyền khủng khiếp của nó, những người thiếu kiến thức thì sẽ quy chụp đó là dùng hình học để thay cho chữ viết, gây ra một sự hoang mang và phẫn nộ không hề nhỏ trong cộng đồng.

Vậy đấy các bạn ạ, khi “sự thật” bị cắt xén, lắp ghép, thì nó chỉ bị dùng cho mục đích tuyên truyền, định hướng đám đông mà thôi ... Và nạn nhân của các cuộc tấn công điên cuồng từ cư dân mạng cực đoan – những kẻ thoải mái lăng mạ, xúc phạm tới người khác bởi không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì – thì ngày càng nhiều.

Nhưng gỡ được vạ thì má đã sưng. Huống chi nhiều người chẳng thể bao giờ gỡ được vạ, bởi cư dân mạng Việt Nam vẫn có thói quen: chỉ tin những thứ gì họ muốn tin.

Và không gì có thể câu view, câu like nhanh hơn việc nói xấu chính quyền, rằng dân Việt Nam khổ lắm, đang bị sống trong một chế độ toàn sâu mọt. Và rằng tiền thuế của dân chỉ phục vụ cho thú ăn chơi hưởng lạc của các quan nhớn. Tới đây hoặc gán cho ai đó cái mác “thân Tàu” hay “bán nước hại dân”. Cứ chủ đề đó mà viết, đảm bảo là sẽ hút khách. Nước chảy đá mòn, dần dà cư dân mạng Việt Nam sẽ có suy nghĩ rằng: chính quyền Việt Nam là lũ tham quan vô lại, ai ai cũng chực chờ hút máu nhân dân và lăm le bán nước. Và rằng, nhân dân Việt Nam là cơ khổ nhất, 1 cổ 2 tròng nô lệ, khổ cực không gì sánh nổi.

Vậy nên, không khốn nạn thì thôi, chứ cái đám có hiểu biết đã “mắc công khốn nạn” thì chúng nó khốn nạn lắm. Chúng ta cần tỉnh táo trước thông tin đưa ra, cần có cái nhìn đa chiều và tích cực, đừng vội phán xét hay đánh giá điều gì khi chưa hiểu đc bản chất vấn đề.

Và ngay cả khi share, cũng cần phải đắn đo cân nhắc, nhớ nhé!

b/ Và thủ thuật để định hướng dư luận trong chính trị.

Nói về vai trò của truyền thông Mỹ, năm 1950, tổng thống Mỹ H.Truman đã tuyên bố trong buổi lễ thành lập Ủy ban thông tin tuyên truyền liên bang: “Chúng ta cần buộc thế giới phải nghe những gì ta nói. So với các hoạt động đối ngoại khác, nhiệm vụ đó không kém phần quan trọng… Điều đó cũng quan trọng như sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế”.

Và quả thật, trước và sau phát biểu của Truman, truyền thông Mỹ đã làm rất tốt vai trò của mình trong việc định hướng dư luận bằng một nửa sự thật và đánh tráo khái niệm (tôi sẽ viết về điều này trong bài viết sau)

Nói đâu xa, trong chiến tranh Việt Nam, chiêu trò “một nửa sự thật”, thậm chí là “che giấu sự thật” đã được Mỹ vận dụng linh hoạt. Truyền thông Mỹ mô tả những con người đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc như những “kẻ khủng bố khát máu và liều lĩnh”, khi ôm bom liều chết lao vào đánh bom quân đội Mỹ. Nhưng việc Mỹ ném bom tàn sát hàng triệu đồng bào của họ thì truyền thông Mỹ đã cố tình lờ đi không nhắc tới.

Lấy ví dụ đơn cử như trong chiến tranh Việt Nam, nó đã được viết rất rõ trong cuốn giáo trình Lịch Sử Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, theo tinh thần Mỹ và theo cách các nhà viết sách giáo khoa của Mỹ hiểu về nó.

Mỹ đã từng nói đó là cuộc nội chiến của người Việt, và Mỹ chỉ là bên thứ ba liên quan. Nhưng việc chi hàng chục tỷ đô viện trợ cho chế độ bù nhìn VNCH, trắng trợn can thiệp vào chủ quyền quốc gia khác thì Mỹ không nói. Nội chiến của người Việt trong khi hàng trăm ngàn lĩnh đánh thuê Phi – Hàn và lính Mỹ thì được truyền thông Mỹ giấu nhẹm. Kết quả là học sinh Mỹ được dạy rằng chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến mà người Mỹ tin là để giúp đỡ cho chính quyền miền Nam Việt nam (Việt Nam Cộng Hòa), để ngăn cản chủ nghĩa xã hội (theo mô hình Liên Xô và Trung Quốc) được phát triển. Rất nhiều người lính Mỹ, khi đến Việt nam tham chiến, họ đi theo trách nhiệm và nghĩa vụ của một người lính, yêu nước và làm đúng bổn phận của mình. Một sự dối trá ghê sợ.

Và dĩ nhiên rồi, tất cả những cuộc chiến sau này mà Mỹ gây ra như chiến tranh vùng vịnh, xâm lược Iraq, tàn phá Lybia Syria … đều được truyền thông Mỹ và phương Tây mô tả rất khéo. Theo kiểu họ “ném bom vì hòa bình, làm tình nhưng trong trắng” vậy!

Nực cười đến thế là cùng!