CẦN NHẬN RÕ BẢN CHẤT CỦA “DƯ LUẬN TRÁI CHIỀU”

Từ khi xảy ra vụ việc một số người ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm lập “tổ đồng thuận” nhằm tranh giành, chiếm giữ đất quốc phòng trái phép ở khu vực sân bay Miếu Môn, thì một số người được cho là đang “đấu tranh cho dân chủ” ở Việt Nam đã có các bài viết đăng tải trên một số trang báo mạng có địa chỉ tại nước ngoài, với mục đích ủng hộ các hành vi sai trái của “tổ đồng thuận”.

Họ cho rằng, đây là những bài viết thể hiện sự “phản biện”, xã hội vẫn gọi là “dư luận trái chiều”. Vậy thực tế là họ phản biện những gì và như thế nào?

 Chắp vá thông tin, dựng chuyện, bịa chuyện

Khi tìm hiểu về những người được cho là đang “đấu tranh cho dân chủ”, chúng tôi nhớ lại vụ một số đối tượng quá khích đập phá tài sản của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Bình Dương năm 2014 và vụ Nhà máy Formosa gây ô nhiễm môi trường tại một số tỉnh ven biển Bắc Miền Trung năm 2016. Trong các vụ việc này, một số người cũng lấy danh nghĩa là “đấu tranh cho dân chủ” để tạo ra hàng trăm bài viết, video clip, đăng trên mạng xã hội và một số báo điện tử nước ngoài đề cập đến vụ việc. Trong số đó, có nhiều bài viết mang tính bịa đặt, quy chụp, hoặc chắp vá thông tin, hình ảnh, dựng chuyện, bịa chuyện, hòng làm lung lạc xã hội. Chẳng hạn như các video clip nói về ô nhiễm môi trường ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), nhưng hình ảnh thì cóp nhặt trên mạng và cơ bản là hình ảnh ở nước ngoài. Trong số tác giả làm ra các sản phẩm giả dối này có cả những người một thời được coi là trí thức và họ luôn trưng ra cái học hàm, học vị nhằm thu hút dư luận. Những bài viết của họ thay vì tập trung bàn giải pháp, hiến kế với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương để nhanh chóng khắc phục hậu quả, đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo đảm cho môi trường ngày một tốt hơn, luật pháp nghiêm minh hơn... thì họ lại chỉ tập trung chỉ trích công tác quản lý, chỉ trích chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế gắn với bảo đảm môi trường... Có những người còn lợi dụng mạng xã hội, lập nhóm, lập hội, công khai hô hào, kích động người dân biểu tình, tuần hành, đập phá tài sản của nhà nước, doanh nghiệp. Hậu quả là hàng chục người bị xúi giục phạm pháp và đã bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Khi một số người dân vướng vào vòng lao lý, thì chính những người từng xúi giục họ vẫn “ăn ngon, ngủ yên” và họ tiếp tục vờ vĩnh viết thư, viết báo cáo... gửi đi chỗ này, chỗ kia, hòng kêu gọi "cộng đồng", kêu gọi "tổ chức quốc tế" vào cuộc để “giải cứu” những người phạm pháp. Họ thừa hiểu rằng, sẽ chẳng có “tổ chức quốc tế” nào có thể bênh vực cho những người vi phạm pháp luật.

 

Bài 3: Cần nhận rõ bản chất của “dư luận trái chiều” (Tiếp theo và hết)

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân.

Đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm cũng thế. Khi vụ việc manh nha, vẫn chủ yếu là những con người đã tham gia kêu gọi, hô hào trong các vụ việc trước đây, lại xuất đầu lộ diện. Họ cũng khởi đầu sự việc một cách quen thuộc, đó là viết bài, làm video clip đăng tải trên mạng xã hội và gửi để đăng/phát tại một số trang báo điện tử nước ngoài chuyên châm chọc, xuyên tạc tình hình thực tiễn dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Nội dung các bài viết của họ cơ bản là thể hiện quan điểm chính trị, cuối cùng là quy kết, đổ lỗi cho chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Họ cho rằng cần phải cải cách thể chế, thay đổi hệ thống chính sách, pháp luật... cuối cùng là phủ nhận vai trò lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận vai trò quản lý của Nhà nước đối với xã hội. Đọc những bài viết này sẽ thấy rõ mưu mô hướng lái dư luận của các tác giả. Còn sau khi xảy ra vụ việc ngày 9-1-2020 ở thôn Hoành, những người này đã làm một bản báo cáo dài cả mấy chục trang, có tính chất trần tình sự việc, quy chụp cách xử lý của cơ quan chức năng theo kiểu một chiều, võ đoán. Rõ ràng họ không chịu tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân của vụ việc và không chịu thừa nhận bản chất sâu xa, cốt lõi của vụ việc là: Tham vọng trục lợi trên đất quốc phòng của một số người biến chất. Trong các bài viết, họ chỉ lấy vụ việc ở thôn Hoành, lấy những con người trong “tổ đồng thuận” để làm cái cớ, làm tấm bình phong để phục vụ, che đậy cho mục đích, dã tâm cơ hội chính trị của mình. Thế nên có thể thấy, những con người này chẳng khác gì những con cú nấp trong bóng tối.

Cần tỉnh táo để nhìn nhận sự việc

Khi nhìn nhận một sự vật, hiện tượng, chúng ta cần phải rõ thông tin và có sự phân tích đa chiều thì mới có thể nhận rõ bản chất của sự vật, hiện tượng. Đối với vụ án xảy ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm cũng vậy. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ lợi ích về đất đai và sự bất chấp, coi thường pháp luật của một số người. Sự việc bị đẩy đi xa hơn bởi sự kích động có tính “hậu thuẫn” từ một số người có tư duy trục lợi, một số tổ chức phản động và một số tổ chức nước ngoài luôn muốn can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Việt Nam. Cụ thể trong vụ việc này là họ muốn tìm cớ để “gửi cái chân con cáo vào nhà thỏ”, hòng từ đó có thể làm thay đổi, tiến tới điều chỉnh các vấn đề liên quan tới luật pháp, chính sách ở Việt Nam, phục vụ cho mục đích của họ. Thế nên khi gặp sự việc ở Đồng Tâm, họ đã bám riết, tìm mọi cách công kích, nhằm “châm lửa” và “thổi bùng ngọn lửa”, trong đó, một số người của “tổ đồng thuận” ở thôn Hoành rất có thể là đối tượng đã được họ lựa chọn để làm phương tiện. Một phần nữa là do một số người trong “tổ đồng thuận” thiếu hiểu biết về pháp luật, lại bị mối lợi làm cho mất lý trí, mất đi sự tỉnh táo cần thiết, nên đã tiếp nhận sự kích động, xúi bẩy và đã dẫn đến hành vi phạm pháp, phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Hiện tượng này cũng đã từng xảy ra ở một số địa phương, cả ở đồng bằng, cả ở vùng sâu, vùng xa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Còn thông tin cho rằng, các cơ quan, đơn vị “cưỡng chế thu hồi đất ở sân bay Miếu Môn để sử dụng vào mục đích riêng" là hoàn toàn bịa đặt, không có cơ sở.

Về số diện tích đất mà những người trong “tổ đồng thuận” đòi hỏi ở đồng Sênh cần phải nói rõ là: Trong Quyết định số 113/TTg ngày 14-4-1980, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng diện tích đất là 208ha để xây dựng sân bay Miếu Môn. Sau khi có quyết định, đơn vị quản lý đất (Quân chủng Phòng không-Không quân) đã phối hợp với các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức (tỉnh Hà Sơn Bình trước đây) đo đạc và cắm 16 mốc giới trên thực địa (sau tăng dày thêm 41 mốc, tổng cộng là 57 mốc), dưới sự chứng kiến, xác nhận của chính quyền các xã liên quan là: Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (Chương Mỹ) và Đồng Tâm (Mỹ Đức). Năm 2012 (khi chưa xảy ra hiện tượng tranh chấp), Bộ Quốc phòng cho đo đạc lại diện tích đất sân bay Miếu Môn dựa trên các mốc giới đã cắm. Kết quả, diện tích sân bay Miếu Môn là 236,7ha, nhiều hơn 28,7ha theo quyết định giao đất của Thủ tướng Chính phủ. Diện tích 28,7ha đất tăng thêm này nằm hoàn toàn trên địa bàn hai xã Mỹ Lương và Trần Phú (Chương Mỹ). Từ thực tế này, ngày 20-10-2014, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5383/QĐ-UBND, giao toàn bộ 236,7ha đất thuộc địa giới hành chính các xã: Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (Mỹ Đức) cho Bộ Quốc phòng để xây dựng các công trình quốc phòng. Trong Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19-7-2017 của Thanh tra TP Hà Nội đã kết luận: “Toàn bộ diện tích 239,9ha đất sân bay Miếu Môn (gồm: Nông trường Lương Mỹ 130,74ha; Hợp tác xã Hữu Văn 1ha; Hợp tác xã Trần Phú 45,8ha; Hợp tác xã Đồng Tâm 47,36ha; K66, Bộ tư lệnh Pháo binh 5ha; Hợp tác xã Vôi đá Trần Phú 2ha; Xí nghiệp Vôi đá Miếu Môn 3ha và Xưởng A31, Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân là 5ha), trong đó diện tích đất thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là 64,66ha (gồm: Nông trường Quốc doanh Lương Mỹ 14,3ha; Xí nghiệp Vôi đá Miếu Môn 3ha và Hợp tác xã Đồng Tâm 47,36ha)... Trong số diện tích 239,9ha, sau khi trừ đi 2,5ha đường giao thông và sai số đo đạc là 0,7ha thì toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là 236,7ha là đất quốc phòng”. Theo thông tin chúng tôi được biết, trong hồ sơ quản lý đất nông nghiệp của UBND xã Đồng Tâm thì xã Đồng Tâm không có đất nông nghiệp với diện tích 49ha, hoặc 59ha ở xứ đồng Sênh như ông Lê Đình Kình và một số người dân nêu.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã kết thúc. Bản án Hội đồng xét xử vừa tuyên, bản thân các bị cáo cũng thấy đúng người, đúng tội. Bản án này đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh những đối tượng coi thường pháp luật, đồng thời cũng là lời cảnh cáo đối với mọi hành động xúi bẩy, kích động của một số kẻ cơ hội chính trị, chuyên lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của một số người để biến họ thành phương tiện, quân cờ cho tham vọng mờ ám của mình.

TRẦN VŨ