Văn học Nga – Xô viết: Nguồn lý tưởng sống chưa bao giờ phai nhạt

Cho dù trải qua biến đổi của lịch sử, văn học Nga – Xô viết luôn để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn của nhiều thế hệ người đọc Việt Nam

“Ngày xưa còn nhỏ, được đọc các tác phẩm văn học Nga như “Bác sĩ Ai-bô-lít”, “Ông già Khốt-ta-bít”, “Chuyến phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn”, “Chiếc chìa khóa vàng và câu chuyện ly kỳ của Bu-ra-ti-no”… khiến tuổi thơ của chúng tôi trong trẻo và êm đềm, tràn đầy niềm vui” – Cao Văn Hân, sáng lập và điều hành Quán sách Mùa thu, cho biết.

“Tất cả lý tưởng sống mà thế hệ chúng tôi có được đều nhờ văn học Nga” – bà Trần Thị Nguyệt Sa xúc động rơi nước mắt khi nhắc lại những ngày tháng rực rỡ của văn hóa Nga. “Không thể nào quên lý tưởng sống từ các tác phẩm “Ruồi trâu”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Đêm trắng”, “Chiến tranh và hòa bình”… Thanh niên chúng tôi thời đó đọc mê mải các tác phẩm văn học Nga. Với tính nhân văn rất cao, văn học Nga đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên tính cách, lối sống của thời đại đó. Phải nói rằng trước đây, thanh niên sống có trách nhiệm hơn” – ông Nguyễn Trịnh Kiểm, một độc giả khẳng định.

“Nền văn hóa, văn học của nước Nga – Xô viết đã góp phần to lớn cho gia tài tinh thần của loài người thế kỷ 20 chứ không chỉ độc giả Việt Nam. Với tất cả sự anh hùng và bi kịch của nó, tiếp xúc với văn hóa, văn học Nga, cái còn lại sâu đậm nhất là những nỗi niềm về số phận con người” – nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói.

Chứa đựng những tư tưởng tiên tiến của thời đại, lòng yêu nước nhiệt thành, khát vọng tự do, dân chủ, tinh thần nhân đạo cao cả, tư tưởng phê phán, tố cáo xã hội sâu sắc đã tạo nên tầm vóc thế giới cho văn học Nga. Ngoài những tác phẩm đầy bão tố như “Đêm trắng” của Dostoyevsky, “Con đường đau khổ” của A. Tolstoy, “Thép đã tôi thế đấy” của Ostrovsky, “Núi đồi và thảo nguyên” của Aitmatov… vẫn có những rung cảm thẩm mỹ tinh tế đến mẫu mực như thơ Boris Pasternak, thơ Ivan Alekseyevich Bunin – nhà văn đầu tiên của Nga đoạt giải Nobel; hoặc mềm mại trong trẻo nên thơ như Pautovsky… Bạn đọc Việt Nam đã chia sẻ và đồng cảm với cảm hứng lớn ấy của văn học Nga – Xô viết hay nói cách khác đã một thời mê hoặc, quyến rũ đến khó dứt ra được.

“Bức tranh toàn cảnh văn học Nga thời hậu Xô viết vẫn đang được vẽ nên với những đường nét đa dạng và phức tạp, không còn dễ nắm bắt. Nhiều chiều hướng, nhiều tác giả, tác phẩm mới khác lạ thời Xô viết xuất hiện kế tục và thay thế nhau. Định hình văn học Nga như trước đây là việc không dễ dàng. Nhưng một nước Nga mới đang xuất hiện, ở đó có sự kế thừa và phát triển, giống như mọi hiện tượng khác của lịch sử. Nước Nga đã thay đổi, thế giới đã thay đổi, những thay đổi đau đớn và sâu sắc. Từ đó sẽ lại hình thành nên những giá trị mới. Tôi tin vào những giá trị nhân văn của một dân tộc đã hy sinh rất nhiều cho một cuộc thử thách có thể nói là bi kịch nhất trong lịch sử nhân loại hiện đại. Văn hóa Nga sẽ lại phát triển. Văn học Nga sẽ lại được đọc” – nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên tin tưởng.

Theo NGƯỜI LAO ĐỘNG