Thành lập bảo tàng phải đảm bảo đúng quy chế

Về phía đơn vị quản lý mặt chuyên môn, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa - Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, vào tháng 10/2016, phía Công ty TNHH XQ Sử Quán đăng ký hoạt động bảo tàng ngoài công lập với tên gọi Bảo tàng Nghề thêu Huế. Thế nhưng, sau khi xem qua hồ sơ đăng ký cũng như các hiện vật, tác phẩm liên quan, hội đồng thẩm định không đồng tình vì những tác phẩm chỉ chuyên sâu về mảng nghệ thuật thêu của công ty. Hội đồng thẩm định đề nghị đổi tên thành Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ. Ngoài xây dựng hồ sơ đề án, hồ sơ hiện vật, công ty phải đáp ứng nhân sự am hiểu lĩnh vực bảo tàng, có kho, trang bị hỗ trợ cho việc trưng bày…

Một góc bên trong không gian "Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ" đang trong quá trình hoàn thiện

Còn về vấn đề câu chữ trong việc thể hiện ở các không gian trưng bày, phía XQ dùng theo cảm nhận nghệ thuật, chứ không phải văn phong hành chính. Tuy nhiên, những từ nào không phù hợp sở sẽ đề nghị điều chỉnh. “Theo quy định, Công ty TNHH XQ Sử Quán đăng ký hoạt động bảo tàng ngoài công lập là đúng và Sở có trách nhiệm hướng dẫn, thẩm định, trình UBND tỉnh cấp phép. Tuy nhiên, trước khi đi vào hoạt động chính thức, hội đồng thẩm định sẽ xem xét một lần nữa có đảm bảo việc trưng bày phù hợp như đã đăng ký chưa, nếu chưa thì phải điều chỉnh”, ông Anh khẳng định.

Nghệ nhân nhân dân nghề thêu truyền thống Lê Văn Kinh (thành viên hội đồng thẩm định) không đồng tình với cách gọi bảo tàng mà theo ông, thay vào đó gọi là không gian hoặc phòng trưng bày tranh thêu nghệ thuật XQ. Theo ông Kinh, bảo tàng là nơi trưng bày những cái quý hiếm, những cái không còn nữa, không có khả năng làm được. Còn với tuổi đời như XQ thì chưa đủ. 

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết sẽ giám sát quá trình hoạt động của bảo tàng khi nó đi vào hoạt động chính thức. “Chúng tôi yêu cầu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, bố trí trưng bày sản phẩm phải đảm bảo đúng nội dung, quy chế. Ngoài ra, phải có tác phẩm tiêu biểu, kho chứa tác phẩm, hệ thống thuyết minh… Tất cả sẽ được hội đồng thẩm định trước ngày cho phép hoạt động. Trường hợp ngôn ngữ, cách thể hiện không phù hợp chúng tôi sẽ yêu cầu chấn chỉnh”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cần bố trí một không gian để nói về nghề thêu

Chiều 4/4, tại Bảo tàng Nghệ thuật XQ, đơn vị này đã tổ chức buổi gặp mặt, lắng nghe những trao đổi của các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa và báo chí xung quanh những vấn đề về việc hoạt động bảo tàng, cách thức trưng bày, chú thích hiện vật... Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đã là một bảo tàng cần phải có một không gian riêng để trưng bày những hiện vật nói về quá trình hình thành, lịch sử nghề thêu. Bên cạnh đó, cần cẩn trọng trong cách sử dụng câu chữ để thuyết minh cho không gian trưng bày cũng như trưng bày sao cho khoa học.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương nêu ý kiến, nếu đã dùng từ “bảo tàng” thì phải có một không gian riêng để nói về nghề thêu. “Đã là bảo tàng thì phải có cây kim, sợi chỉ, bức tranh đầu tiên… Ngoài ra, cần lưu ý đến cách đặt tên cho từng không gian sao cho dễ hiểu”, ông Ngọc lưu ý. Trong khi đó theo T.S Thái Kim Lan, cần có sự tách biệt rõ ràng giữa không gian trưng bày với không gian kinh doanh để phân biệt rõ ràng khu nào bảo tàng dành cho du khách thưởng ngoạn, khu nào là nơi kinh doanh mọi người có thể mua tác phẩm.

Một số phóng viên cũng đặt câu hỏi về công tác trưng bày, chú thích hiện vật đến thời điểm này, cũng như cách thức hoạt động khi chính thức khai trương. Ông Võ Văn Quân (người sáng lập XQ Việt Nam, chủ đầu tư Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ) ghi nhận những đóng góp, ý kiến của các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu cũng như báo giới quan tâm đến hoạt động của bảo tàng. Ông Quân cho hay, vẫn đang trong quan trình hoàn thiện, sẽ trao đổi thêm với cơ quan chuyên môn mà cụ thể là Sở Văn hóa và Thể thao và sẽ có trả lời cụ thể. “Chúng tôi xin lắng nghe, tiếp thu những ý kiến từ nhiều phía để hoàn thiện tốt hơn”, ông Quân nói.