TP. Huế: Xôn xao việc đặt tượng “Người đàn ông cúi chào” ở đâu?

Một thị trưởng Hàn Quốc đã tặng cho Huế một bức tượng mang tên “Người đàn ông cúi chào” (Greeting-man) với tạo hình khỏa thân. Tuy nhiên, phương án đặt tượng ở vị trí nào vẫn đang được các cơ quan ban ngành cân nhắc kỹ lưỡng để không bị dư luận phản ứng và trái với văn hóa vùng đất Cố đô...

Bức tượng “Người đàn ông cúi chào” mà phía Hàn Quốc muốn tặng cho Huế. Ảnh: Internet
Bức tượng “Người đàn  ông cúi chào” mà phía Hàn Quốc muốn tặng cho Huế. Ảnh: Internet

Theo tìm hiểu của PV, vào tháng 3/2019, ông Cho Kwang Han, thị trưởng thành phố Namyangigu (Hàn Quốc) đã ngỏ ý tặng cho Huế - thành phố hợp tác hữu nghị với Namyangigu - một bức tượng mang tên “Người đàn ông cúi chào”.

Bức tượng này của tác giả Yoo Young Ho (Hàn Quốc) được đúc bằng chất liệu nhôm và đá machan. Tượng có màu xanh da trời, cao 6 m là hình tượng một người đàn ông Hàn Quốc khỏa thân thể hiện phong cách chào hỏi khiêm nhường, tôn trọng đối tác của người Hàn.

Khi có ý định tặng bức tượng, phía thị trưởng tại Hàn Quốc đã gợi ý 3 vị trí đặt tượng là kinh thành Huế, chợ Đông Ba và công viên bờ Bắc sông Hương (đoạn công viên đối diện Trung tâm Văn hóa Huế). Mặc dù gợi ý là vậy, nhưng phía Hàn Quốc cũng mong muốn Huế quyết định chọn vị trí đặt tượng để phù hợp với văn hóa của vùng đất Cố đô.

Sau khi Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế có công văn thống nhất chủ trương ủng hộ TP. Huế tiếp nhận bức tượng trên, một cuộc họp đã diễn ra vào đầu tháng 3 để lấy ý kiến của các nhân sĩ trí thức, các sở ngành trên địa bàn. Nhiều ý kiến tranh luận rằng nên đặt bức tượng to lớn này ở đâu khi Huế vốn đi liền với nhiều giá trị cổ kính, văn hóa, thuần phong mỹ tục…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, TP. Huế đã tạo được mối quan hệ khá tốt với một số địa phương của Hàn Quốc và cũng đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm về bảo tồn di sản từ các thành phố này. Việc Huế đón nhận món quà là bức tượng “Người đàn ông cúi chào” phía thành phố Namyangigu (Hàn Quốc) tặng là một ứng xử rất văn hóa, thể hiện tình hữu nghị giữa 2 địa phương.

“Đừng nên băn khoăn về hình tượng của bức tượng, bởi tác phẩm này đã được phía Hàn Quốc xem như là bản sắc văn hóa của họ. Trước đó, họ đã tặng bức tượng này cho nhiều thành phố khác trên thế giới nên cũng không có gì phải ngần ngại. Vấn đề là vị trí đặt tượng ở đâu cho phù hợp với văn hóa của thành phố di sản như Huế. Điều này cần được xem xét kỹ càng. Nhìn vào thì nó như trần truồng nhưng bức tượng không đặc tả chi tiết. Đó chỉ là ngôn ngữ của nhà điêu khắc và nội dung thông điệp của nó cũng đã được cộng đồng xã hội tiếp nhận rồi...”- nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ.

Phối cảnh vị trí đặt tượng sát sông Hương mà TP. Huế đề xuất
Phối cảnh vị trí đặt tượng sát sông Hương mà TP. Huế đề xuất

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có ý kiến: bức tượng quá cao so với các tượng đài đã dựng trên hai bờ sông Hương nên không phù hợp với cảnh quan Huế, gây khó khăn cho những tượng đài quan trọng sẽ dựng ở Huế trong tương lai. Muốn đặt tượng “Người đàn ông cúi chào” ở Huế thì tượng cần phải được thu nhỏ lại, không nên cao quá 4 m....

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết, chính quyền đã đi khảo sát thực tế một số địa điểm đặt tượng. Sau khi tiếp thu nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, thành phố thống nhất sẽ chọn công viên Lý Tự Trọng bờ Nam sông Hương (đoạn đối diện Bệnh viện Trung ương Huế), điểm cuối của đường đi bộ bằng gỗ lim trên sông Hương là nơi đặt bức tượng “Người đàn ông cúi chào”.

“Hướng của tác phẩm điêu khắc đặt song song với sông Hương, mặt hướng Đông, hướng về cầu Phú Xuân và cầu Tràng Tiền với kích thước không cao quá 4m, đảm bảo việc phát huy giá trị, tính hài hòa với tổng thể kiến trúc đô thị và không gian cảnh quan của Huế. Chúng tôi cũng có đề nghị phía TP Namyangigu thu nhỏ kích thước của bức tượng. Hiện UBND TP. Huế đã trình phương án này đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và đang chờ quyết định để trả lời phía Hàn Quốc, qua đó đưa tượng về Việt Nam. Mọi chi phí vận chuyển về nước sẽ được tài trợ...”- ông Thành thông tin.

Cũng theo ông Thành, việc tiếp nhận tác phẩm và lắp đặt một vị trí thích hợp sẽ thể hiện thiện chí của Huế đối với tình cảm hữu nghị và sự trân trọng mà thành phố Namyangju dành cho TP. Huế, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai thành phố trong thời gian tới...

Được biết đầu tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có cuộc họp với UBND TP. Huế và các sở, ngành liên quan để lấy ý kiến vị trí đặt bức tượng. Nhiều ý kiến đề xuất chọn vị trí như UBND TP. Huế đã chọn và một số ý kiến cho rằng nên đặt tượng ở khu đô thị mới An Vân Dương vì đây là khu đô thị hiện đại với những trục đường lớn.

“Đa số ý kiến đã đồng tình việc tiếp nhận tượng. Còn vị trí đặt tượng, UBND tỉnh sẽ tổng hợp để báo cáo xin ý kiến của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Vị trí đặt tượng ở đâu sẽ do Thường vụ Tỉnh ủy quyết định và chỉ đạo trong thời gian sắp đến...”- ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm.

Theo TN&MT