Sách hay luôn là người bạn tốt

 

Lục lại ký ức, những năm học tiểu học trường làng, tôi đã ngấu nghiến rất nhiều cuốn truyện ta, Tàu, Tây có cả, dĩ nhiên đã được dịch ra tiếng Việt.

ơn hết là những câu chuyện do thầy và cô kể trong giờ Luân lý học, Công dân giáo dục và những giờ học lịch sử. Cuốn Luân lý giáo khoa thư (không rõ tác giả là ai) cho tôi biết hai câu chuyện: Người cha tham ăn với con và Rượu là thuốc độc.

Đọc nhiều sách giúp con người “giàu” thêm

Tôi nhớ chuyện Rượu là thuốc độc đại ý, một gia đình có người mẹ, người chị và người con trai. Anh ta rất có hiếu với mẹ và yêu thương chị mình. Một hôm, có một vị hung thần hiện ra và dọa sẽ giết anh ta nếu anh ta không giết mẹ và chị gái. Dù rất sợ nhưng anh ta cương quyết không thực hiện. Vị hung thần không lay chuyển được anh ta bèn tuyên bố không giết mẹ và chị anh ta nữa, đồng thời bày ra một mẫm cỗ và mời anh ta uống rượu. Rượu làm anh ta quên hết tất cả. Mẹ và chị gái thấy thế chạy đến can ngăn. Cả giận, anh ta rút dao đâm chết cả hai người.

Câu chuyện này lặn vào tâm trí, theo tôi suốt từ đó đến nay, nó là một chiếc lá chắn không cho tôi rơi xuống vực say mỗi khi bù khú bạn bè văn nghệ như muốn quên cả đất trời. Nó cũng như chiếc “phanh hãm” không cho phép tôi buông thả, dù nóng giận tới mấy, đam mê cỡ nào cũng biết ghìm mình dừng lại.

Vào trung học đệ nhất cấp (THCS ngày nay) tại Trường Hàm Nghi (Huế), tôi "bập ngay" vào cuốn truyện Tâm hồn cao thượng của một nhà văn Italia do Hà Mai Anh dịch. Nhớ nhất là chuyện Bà và cháu. Một thằng cháu hư hỏng, bà nội đã nhiều lần khuyên can mà không được. Đêm ấy, nó lại về nhà sau khi đàm đúm cờ bạc. Bà nội rất buồn. Nhưng khi có một tên cướp lẻn vào cướp của và toan giết bà, thằng bé đã lao đến chịu một nhát dao trí mạng để cứu nội. Hiện nay, có những đứa trẻ vị thành niên sa chân vào cờ bạc, bạo lực đến mức giết cả cha mẹ. Có lẽ do hồi nhỏ chúng không được học, không đọc được những câu chuyện đầy tính người như thế.

Một cậu bé người Ý khác gây cho tôi ấn tượng sâu sắc về lòng yêu nước. Nó hát rong trên một con tàu mà hầu hết các vị khách sang trọng giàu có đều là người đến từ một nước đang xâm chiếm đất nước của nó. Họ nghe nó hát hay, cho nó rất nhiều đồng tiền vàng. Nó rất mừng và thầm cảm ơn. Bất chợt nó nghe các vị khách này bàn tán và buông những lời miệt thị đất nước, dân tộc Italia. Đúng lúc bọn họ đang say sưa, một trận mưa đồng tiền vàng rơi vào mặt và kèm theo đó là một tiếng thét phẫn nộ của thằng bé: “Cầm lấy, hỡi các người! Ta không bao giờ cầu xin những kẻ đã lăng mạ đất nước ta, dân tộc ta”. Câu chuyện này chắc hẳn đã góp phần giúp bao thế hệ học sinh Việt Nam khi ra nước ngoài hay khi đứng trước ngoại nhân bao giờ cũng biết giữ gìn không làm nhục quốc thể để kiếm chút lợi lộc.

Sách là thầy của mỗi người

Cuốn Nhị thập tứ hiếu lại giúp tôi hiểu thế nào là chữ hiếu và nuôi lớn lòng hiếu thảo, không chỉ đối với cha mẹ, ông bà mà còn phải hiếu kính tổ tiên. Dĩ nhiên, ngày nay không ai lại bắt chước Lão Lai Tử đã bảy mươi tuổi còn mặc áo đẹp múa cho mẹ vui. Có nhiều cách để báo hiếu cha mẹ. Ngẫm lại thời nay có những người quyền chức cao sang, học vị học hàm, giàu có ức triệu nhưng lại đang tâm tìm cách tránh nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ già cho khỏe thân mà thêm thấm thía cái đạo làm người thời đồng tiền ngự trị.

Không hiểu vì sao bây giờ nhiều học sinh chán môn sử, nhưng hồi ấy lũ học trò chúng tôi thuộc lòng lịch sử nước nhà qua sách giáo khoa, các giờ giảng của thầy và các cuốn truyện hấp dẫn tuổi trẻ, như Cờ nghĩa thành Tây Đô, Lửa cháy thành Phiên Ngung, Kỳ nữ gò Ôn Khâu, Tiêu Sơn tráng sĩ... Rồi tuổi lãng mạn thanh niên, tôi lại say mê chàng Giăng-Van-Giăng trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo hay chàng Đạc-Ta-Nhăng trong Ba người lính ngự lâm.

Khi tham gia kháng chiến, đọc Một người chân chính của Bô-rít Pa-lê-vôi hay Thép đã tôi thế đấy, tôi cứ mơ được như Pa-ven hay Ma-rét-xép anh hùng. Đến khi đọc cuốn tự truyện (như một hồi ký) Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận, tôi càng thêm khâm phục ý chí sắt đá và lòng trung thành vô hạn của các chiến sĩ cộng sản trong lao tù đế quốc, tay sai với những thủ đoạn tra tấn tàn bạo, mất hết tính người. Cuốn sách chắc chắn đã giúp tôi và nhiều đồng đội có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua những gian khổ ác liệt vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Sách hay luôn luôn là người bạn tốt, người thầy của cuộc đời mỗi con người.

Theo Thừa Thiên Huế