NIỀM TIN BỊ ĐÁNH CẮP (TIẾP THEO VÀ HẾT)

Lâm đẩy chiếc xe qua khỏi đọan đường đầy đá dăm lởm chởm lẫn với đá củ đậu lộc cộc đẫm trong bùn nhão nhoét, rồi đi qua khoảng sân rụng đầy lá vú sữa, lá trứng gà bết bùn lầy lội. Khoảng sân này suốt mùa đông thường bị ứ nước như vậy, đến mùa hè thì đất bột khô xộp lên, tung bụi mù mịt. Nói chung mùa đông cũng như hè Lâm đều phải dắt bộ xe qua khúc ngõ, rồi khoảng sân hơn chục mét nầy, một phần không dám nổ máy xe - sợ gây tiếng động ồn ào khó chịu cho ông bà chủ nhà vốn khó tính mà đã phải cho vợ chồng con cái Lâm đi nhờ qua đó để vào nhà mình, thứ hai là chiếc Honda xinh xắn bóng lộn này nó chẳng hợp tí nào với khoảng sân, khúc ngõ kia!..

Vợ Lâm cùng hai đứa con gái đang cúi đầu mải miết với những chiếc nón trắng muốt xinh xắn trên khung, thấy Lâm dựng xe ở hiên nhà, chị ngẩng lên:

- Có hy vọng gì không anh ?

- Chẳng hy với vọng gì sất! Một tháng trời tạm giam rồi chứ ít ỏi chi, nếu có tội thì cứ xử quách cho xong! Tôi chạy đến mệt! Sáng nay cũng muối mặt mà đến tìm ông Thiếu tá công an Hùng. Hừ! Đẹp mặt thật! Tôi vì nghe mình mà làm cái việc đó chứ nghĩ lại nó gai gai làm sao! Ông Hùng bận. Cậu cảnh sát bảo vệ gọi điện từ phòng trực cho ông. Tôi có xưng tên, chẳng hiểu là ông ấy có còn nhớ ra tên tôi không, ông hẹn bốn giờ rưởi chiều nay mới tiếp được nên tôi về, chạy được một cuốc xe. Chao! Nếu đừng gặp việc của chú ấy có phải hay không ? Đang thời buổi làm ăn được! Nói đáng tội, từ ngày Đức cha cho mượn chiếc xe, gia đình ta làm ăn khấm khá ra. Đức cha lo cho mọi người, mọi nhà, và với cách riêng Đức cha thông cảm cho hoàn cảnh của gia đình ta. Từ khi chúng ta thỉnh ý Đức cha không đi xây dựng vùng kinh tế mới, ở lại đây, Đức cha đã lập tức tạo điều kiện giúp đỡ ngay. Còn chú Viễn, phải chi chú nghe lời vợ chồng mình mà vô học việc ở hợp tác xã cơ khí một thời gian, thì nay đã có công ăn việc làm vững vàng không ? Chú thích sống lông bông, tự do, tự do đến mức phải vào tù! Còn Đức cha, Đức cha phải lo cho cả trăm họ, vậy mà Đức cha đâu có được yên! Vừa rồi chẳng hiểu sao báo chí nước ngoài nói rằng nguồn từ Rôma đưa tin Đức cha bị nhà cầm quyền bắt giữ. Trước đó là việc phạt vạ cha Thụy An vì cha Thụy An không có sự đồng ý của Đức cha mà cứ đi dự hội nghị ở Hà Nội...Tất cả những cái đó đã gây dư luận xôn xao không những trong giáo dân mà cả với người ngoài. Tại sao lại đưa tin bịa đặt như vậy? Làm thế để làm gì? Từ ngày cách mạng cầm quyền đến nay đã có khi nào Đức cha bị bắt bớ gì đâu chứ! Rôma làm vậy chỉ có việc gây khó ăn khó ở cho Đức cha ở đây mà thôi, tội nghiệp người!Người nhân hậu phúc đức biết bao! Cái việc báo chí phương Tây đưa tin nhảm nhí như vậy, chẳng biết do đâu - anh nghĩ rằng có thể một giáo dân nào đó từ bên nầy gửi thư qua đưa điều bịa đặt, báo chí bên kia không thẩm tra lại, cứ thế mà dùng!... Hoặc giả không có tin bịa đặt từ bên nầy, mà chỉ là do bên đó bịa đặt ra, đưa tin giật gân chơi, một mặt cố ý nói xấu chế độ. Hại ai không biết, xấu ai không thấy, trước mắt thấy xấu mặt cho giáo dân và phương hại cho Đức cha. Đức cha đang vui sống chăn dắt đàn chiên bình yên thanh thản như thế, bỗng dưng việc nầy nó xảy ra, từ đó nhà cầm quyền sẽ đâm bực và có quyền nghi ngờ về thiện chí của Đức cha và giáo dân của toàn giáo phận nầy chứ!Còn cái việc cha Thụy An nữa, thiết tưởng đức vâng lời là đức cao nhất, dù đức cha có chỗ nào chưa thật hoàn toàn công bằng thì cha Thụy An cũng phải vâng lời chứ! Cha Thụy An đã không vâng lời Đức cha, nên đức cha phạt vạ...

Vợ Lâm buông kim khâu ngẩng lên:

- Mình nói vậy hóa ra Đức cha vì tự ái cá nhân mà ra vạ cho cha Thụy An sao? Nếu quả thật thế thì cục tự ái nầy to hết cỡ đó! Bởi đến “Treo chén”[1] kia mà! Vạ chi vạ nặng thế? hạ bớt cho người ta vài mức có phải dễ thở hơn không?...

- Suỵt! Nói khẽ chứ!Mình tưởng cha Thụy An đã không mấy lần đến khẩn cầu Đức cha hạ mức vạ đi cho vài phân đó à? Nhưng nào đâu có được! Đức cha nói rằng việc nầy do Đức cha vâng lệnh của Tòa thánh La Mã mà thôi, Đức cha chỉ là người thừa hành.

- Nhưng mình có tin điều đó đúng như vậy không? Hay tất cả đều do Đức cha, Đức cha quyết định lấy, chứ bên Tòa thánh làm sao hiểu rõ hoàn cảnh cụ thể của cha Thụy An? Đức cha làm vậy chẳng những khổ cho cha Thụy An cho chính Đức cha mà còn khổ cho giáo dân nữa..

- Đấy! đấy!..Bây giờ thì mình đã hiểu ra cho cái khổ của thân tôi. Tôi muối mặt vì sự đó! Gia đình ta ít nhiều cũng có sự chiếu cố của cách mạng. Không có ông thiếu tá Hùng móc nối, bày biểu cho tôi công này việc khác dạo nọ, thì giờ này có khi tôi đã nằm yên dưới đáy mồ, hoặc còn sống thì đang ở một trại cải tạo nào đó! Bây giờ được như thế này mình phải biết ơn, phải nhớ cái nghĩa của người ta chứ? Vậy mà nay phải đi tìm gặp ông để nhờ vả cái sự chiếu cố của ngành cho cái thằng em ruột của mình can tội tiêu thụ hàng ăn cắp của nhà nước, đẹp mặt chưa! Chưa kể rằng gia đình mình là một gia đình có đạo, đạo nòi, vậy mà cái sự đối xử vừa rồi giữa hàng giáo phẩm - thái độ chống đối ra mặt của Đức cha đối với nhà nước, rồi thái độ của Tòa thánh, và những luận điệu bịa đặt để nói xấu Việt Nam vừa qua tại Rôma... Tất cả những cái mới tinh, nóng hổi như vậy, liệu rồi người ta có còn giữ được mối thiện cảm với mình không? Chưa kể rằng từ dạo ấy đến nay mình ít khi lui tới thăm viếng người ta, giờ đột nhiên có việc lại tìm đến.

- Nhưng Đức cha đã có thái độ chống đối ra mặt như thế nào? Nếu chỉ mỗi cái việc ngăn cản không cho cha Thụy An đi họp tại Hà Nội thì cũng là việc đã qua rồi.

- Chưa qua đâu em! Theo Đức cha cho biết thì tình hình cũng khá căng thẳng. Tội nghiệp ngài. Cũng chung quanh cái việc đối với cha Thụy An, dựa theo tinh thần Nghị quyết 297 của Hội đồng chính phủ, Đức cha đã được công an gọi lên, cuộc đối chất này nghe đâu cũng đã nhiều ngày, Đức cha bị kết luận là đã xâm phạm đến quyền tự do hội họp, tự do lập hội của cha Thụy An...Mới hôm qua anh nghe chính Đức cha kể lại một cuộc đối thoại gần đây nhất của Đức cha với các chiến sỹ công an khi công an hỏi: “Luật pháp nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ là mọi công dân có quyền được vào hội, thành lập hội, không ai có quyền xâm phạm đến quyền thành lập hội và tự do vào hội của người khác. Ủy ban đoàn kết công giáo yêu nước là một tổ chức hợp pháp được nhà nước chấp nhận, do đó ông chống đối ủy ban đoàn kết công giáo yêu nước tức là ông đã chống lại pháp luật nhà nước, xâm phạm quyền tự do hội họp, lập hội của người khác, ông có thừa nhận như vậy không?”

Đức cha trả lời:

“ Tôi xác định khi luật pháp trần thế nghịch với luật Thiên chúa và Hội thánh thì cũng như các thánh tông đồ xưa và các thánh tử đạo qua mọi thế hệ “tôi phải vâng lời Thiên chúa hơn vâng lời người ta”...

- Thế đó em...Đức cha, ôi Đức cha tội nghiệp, người đã đã trải qua những cơn xung động dữ dội. Những cuộc đối thoại như thế hẳn phải làm hao tổn sức khỏe của người...”

- Và gây khó khăn cho mình khi có việc phải cậy nhờ đến người ta...

Vợ Lâm nét mặt buồn thiu, cúi đầu mải miết trên một cuộn chỉ nói tiếp lời chồng và cố nén tiếng thở dài nói tiếp - Đức cha đã tạo nên căng thẳng với Nhà nước thì chỉ làm khổ thêm cho cộng đồng dân Chúa chúng ta mà thôi. Theo em nghĩ những việc làm của cha Thụy An chẳng phải giúp làm dịu tình hình sao? Chứ như hiện nay thì căng quá!...

Lâm đứng lên cầm lấy mũ:

- Dù biết thế, chiều nay bốn giờ rưỡi cũng phải đến chỗ ông Hùng. Không cậy nhờ ở đó thì còn biết cậy nhờ ở đâu nữa?!

 

4 giờ 30 phút. Lâm dựng xe vừa đưa mắt tìm về lối phòng trực ban, nơi lúc nãy đi ngang qua anh thấy thấp thoáng một chiến sỹ cảnh sát bảo vệ trẻ khá đẹp trai, ăn măc nai nịt gọn gàng đang ngồi bên bàn làm việc. Cất chìa khóa vào túi áo, Lâm hăm hở bước vào phòng trực.

Người chiến sỹ cảnh sát trẻ nghe rõ yêu cầu của Lâm xong liền nhấc điện thoại lên. Lâm ngồi xuống chiếc ghế dựa vừa đưa mắt nhìn ra cửa. Anh giật thót mình khi thoạt nhận ra một bóng dáng thân yêu, quen thuộc đang loay hoay dắt chiếc xe đạp từ nhà để xe ra, gần chỗ anh dựng Honda. Đức cha! Đức cha có việc gì lại phải đến đây? Trong giây lát Lâm sực nhớ ra hiện giữa Đức cha với họ đang diễn ra một cuộc đấu tranh, như Đức cha đã thông báo, và những cuộc đối thoại gay gắt vẫn còn tiếp tục. Giêsu! Maria!...Lạy Chúa tôi! Kìa Đức cha! Con đang ở đây mà, Đức cha!...Lâm thầm gọi và dợm đứng lên toan chạy bổ ra sân để chào đón Đức cha, cùng lúc người chiến sỹ cảnh sát nói xong đặt điện thoại xuống khẽ “cộp” một tiếng. Ngoài kia Đức cha tay dắt xe, mắt nhìn về phía trước tiến thẳng ra cổng, không hề ngoái lại, không hề nhìn qua phòng thường trực để chào người chiến sỹ cảnh sát, và hẳn nhiên Đức cha không hề nhìn thấy Lâm...

- Báo cáo anh, thiếu tá Hùng đang bận nhưng đã có lời hẹn trước chắc chắn thiếu tá sẽ tiếp anh. Vậy mời anh đến chỗ làm việc của thiếu tá ở phòng số năm, tầng một. Anh ngồi ở phòng đợi xơi nước chờ thiếu tá.

- Cám ơn anh.

- Không có gì. Xin mời anh đi lối nầy!

Lâm theo sự hướng dẫn của chiến sĩ cảnh sát bảo vệ trẻ  đi lên lầu rồi bước vào phòng làm việc của thiếu tá Hùng. Phòng rộng chia làm hai ngăn, ngăn trong thông với ngăn ngoài bằng một cánh cửa khép hờ. Ngăn ngoài có bàn viết, điện thoại, giá đựng sách báo. Một bộ bàn ghế tiếp khách bằng gõ có đặt sẵn ấm chén, phích nước và mấy tờ báo mới. Một chiến sĩ cánh sát khác bước vào phòng chào Lâm rồi pha trà mời Lâm uống.

- Xin cảm ơn! Lâm nói vừa nâng chén trà bốc khói lên và dán mắt vào mấy tờ báo.

Chiến sỹ cảnh sát đi rồi, Lâm uống cạn chén nước, tự rót thêm cho mình một chén nữa rồi cầm tờ báo và thoáng nghe bên kia cánh cửa có tiếng nói rì rầm - Lâm hiểu là thiếu tá Hùng đang bận làm việc với một đồng sự nào đó. Có tiếng rít ken két của những lần băng nhựa trượt lên đầu từ. Tiếng máy chạy rè rè và tiếng cắt cúp rồi tiếng bấm “tách”  “...ông có nhận thấy cái việc ông phạt vạ linh mục Thụy An như vậy là một hành động chống đối, và một mặt đã gây hoang mang trong hàng ngũ giáo dân không?”

“Thưa quý ông, quả thật việc này do Tòa thánh, tôi chỉ là người thừa hành”.

“ Này, ông Tổng giám mục ạ, theo tôi hiểu thì người tu hành thường lấy đức chân thật làm hàng đầu. Ông đã nhận rằng chính ông đã gửi những văn bản cho Roma nói xấu nhà nước Việt Nam bức hại giáo hội, bức hại ông, từ đó Rôma phong cho ông nào là “Tổng giám mục dũng cảm”, nào là “anh hùng”. Ông đã nhận tất cả, chúng tôi đánh giá cao sự chân thành nầy của ông. Nhưng tại sao ông không chân thành hơn chút nữa để nhận rằng cũng chính ông muốn tỏ ra “tuyệt dũng cảm” “tuyệt anh hùng”...và cộng với một chút tự ái cá nhân, ông đã giáng cho linh mục Thụy An một mức vạ quả đỗi nặng nề như hiện nay?”

“...Thưa quý ông, điều này quả thật do Tòa Thánh”

“Thôi được, tùy ông...”

- Ngừng lại cho một chút đã!

Tiếng thiếu tá Hùng dõng dạc cắt ngang. Tiếng máy cắt cúp. Và cánh cửa phòng bật mở. Thiếu tá Hùng bước ra, vẻ mệt mỏi. Cũng mái tóc cắt ngắn, khuôn mặt vuông vắn đôn hậu, đôi mắt sáng núp dưới đôi lông mày cong dài và sắc sảo - mà buổi đầu gặp gỡ cách  đây trên mười năm - Lâm đã chẳng thốt lên với chính mình rằng sao tạo hóa lại không dành đôi mày ấy để tặng riêng cho một người đàn bà đẹp nào đó? Lâm buông tờ báo đứng lên - đang chưa biết phải tự giới thiệu như thế nào, nhỡ ra lâu ngày quá rồi thiếu tá quên mất mình (vì hồi ấy mình chỉ xấp xỉ ba mươi, còn thiếu tá Hùng đang là anh trung úy mới được phong, trẻ măng, khó đoán tuổi) thì thiếu tá Hùng đã nở nụ cười tươi, vừa chìa tay thân mật:

- Chào anh Lâm! Lâu quá, có việc gì phải không?

Lâm mừng rỡ:

- Tất nhiên có. Biết anh bận, nhưng gay quá... nên phải cậy nhờ đến anh... Hình như anh đang mắc việc?

- Có, có. Tôi đang bận chút xíu. Cũng những công việc hàng ngày vậy thôi, nhưng nếu việc của anh gấp lắm thì anh hãy trình bày vắn tắt đi, để còn kịp giải quyết. Nếu không cấp bách lắm thì anh đợi cho một chút, anh em lâu ngày gặp lại nhau, còn phải hỏi thăm nhau nhiều chứ.

- Dạ, dạ...có gấp, nhưng tôi xin đợi. Được trực tiếp gặp anh như thế nầy là quý hóa quá, đợi mấy tôi cũng đợi được.

Thiếu tá Hùng cầm bao thuốc nãy giờ vẫn để nguyên trên chiếc đĩa nhỏ đặt ở bàn, bóc và đưa mời Lâm, rồi tự tay bật lửa đưa cho Lâm hút.

- Thế nhé, anh đợi cho chút anh Lâm nhé! Tôi đi đây.

- Dạ được, xin mời anh.

Thiếu tá Hùng bước trở vào buồng trong, cánh cửa gỗ khép lại sau lưng. Lâm ngồi thừ người trên ghế. Anh cảm thấy choáng váng. Niềm vui được gặp lại thiếu tá Hùng sau bao năm cách mặt cùng thái độ lúc nào cũng cởi mở, vui vẻ, tận tình, thân mật của thiếu tá lúc nầy đây đã không lấn át nổi sự xung động mãnh liệt, cảm giác bàng hoàng đau nhức đang chi phối toàn bộ cân não Lâm.

-...Đồng chí quay trả đoạn băng vừa rồi nghe xem!... Tiếng của thiếu tá Hùng vẳng lên từ phía sau cánh cửa. Tiếng siết của băng nhựa trượt trên đầu từ.

“...Thôi được, tùy ông, ông Tổng giám mục ạ, ông nên về suy nghĩ thêm, và nếu cần, tôi sẽ nói thế nầy - như các tín đồ Thiên chúa giáo thường nói là: Hãy đặt tay lên kinh Thánh mà thề, ông Tổng giám mục...(im lặng một hồi lâu). Sao? Ông không dám thề ư? Hẳn ông biết rõ hơn chúng tôi rằng chúa Giêsu đòi hỏi con người ta phải biến cải, và ba yếu tố của biến cải - theo Giêsu - là sự ăn năn, tin nhận và tái sinh. Và hẳn ông còn nhớ một lần nọ, có người đến báo và thuật cho Giêsu hay rằng Phi - Lát đã lấy huyết của một số dân Ga - li - lê - miền đất phía bắc Do Thái nổi loạn - bị quân lính La Mã đàn áp - đem trộn với của lễ; Và một cái tháp ở Si - lôi - ê  vùng đất Do Thái trũng gần cung điện vua xứ Do Thái trong thành Giêruxalem bị sập đè chết nhiều người. Chúa Giêsu đã trả lời rằng:

- Các ngươi tưởng mấy người Ga - li -lê đó vì chịu khốn khổ dường ấy, có tội lỗi nặng hơn, to hơn mọi người Ga - li -lê  khác sao? Ta nói cùng các ngươi, không phải vậy. Song nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất như thế!

Nói một cách khác, chúa Giêsu bảo rằng dù cho con người có chết bởi bạo lực, tai nạn hay bởi tự nhiên, thì số phận họ cũng sẽ như nhau, trừ phi họ ăn năn và quay về với Thượng đế. Nếu không ăn năn thì tuyệt nhiên không thể nào tin nhận được! Ông Tổng giám mục ạ, mong ông hãy suy nghĩ thêm về điểm nầy (im lặng một lúc).

Vâng, vâng, xin mời ông cứ nói! (Trong băng từ giọng của thiếu tá Hùng cất cao hơn và đầy khuyến khích)

“...Thưa quý ông...tôi chỉ có lỗi là đã viết ra những văn bản sai với sự thật để gửi cho Rôma...”

Lâm nghe trống ngực mình đổ dồn, mồ hôi vả ra. Đúng là giọng của Đức cha rồi. Đức cha đang nói. Lạy chúa tôi! Giọng Đức cha trở nên xúc động, và ở phần cuối câu Ngài nói nhỏ quá nên khó nghe rõ hay chính tâm tư ta đang gào thét? Nên tai ta lùng bùng không còn nghe được, không muốn nghe gì được nữa?!...

Lâm rút khăn lau mồ hôi trán rồi ghì chặt đôi tay vào thành ghế, cố trấn tĩnh.

Cánh cửa lại bật mở, thiếu tá Hùng bước ra và ngồi vào ghế đối diện với Lâm:

- Thế nào, lâu ngày quá há? Anh Lâm cần tôi giúp việc gì đây?

- Thưa, chú em tôi vì nhầm lẫn mà tiêu thụ món hàng ăn cắp ở kho Nhà nước, nay chú ấy bị tạm giam, mà thím thì vừa sinh, chín đứa con nheo nhóc, tôi đang cáng đáng nhưng không xuể.

Thiếu tá Hùng mỉm cười vừa pha nước vào chén:

- Trần Văn Viễn hở? Được, tôi sẽ làm việc với bộ phận tạm giam, đề nghị xét hoàn cảnh gia đình khó khăn, có thể tạm cho ra về để chăm sóc vợ con, khi cần sẽ gọi vào. Nếu quả thật nhầm lẫn thì có thể miễn tố, nhưng phải rút kinh nghiệm. Còn anh, gia đình mạnh giỏi cả và vẫn đi lễ đều đặn chứ?

- Thưa vâng, cám ơn anh. Nhà tôi và các cháu vẫn mạnh, vẫn đi lễ. Gía như...không có việc của chú ấy xảy ra... Nói đáng tội, Chúa sẽ trừng phạt mất (!) có bao giờ một người có đạo mà lại cố ý dính vào những vụ trộm cắp, chẳng qua đời sống còn khó khăn, chú ấy xoay xở mánh mối mà lại không đúng chỗ...

Thiếu tá Hùng đưa nước mời Lâm và xua tay cười:

- Không sao, Chúa sẽ tha thứ tất cả, miễn là anh ấy chân thành. Chúa Giêsu xuất thân cũng là một chàng trai nghèo, con của một gia đình thợ mộc nghèo khó, và Phúc Âm cũng đi với người nghèo mà thôi...

***

Lâm về. Vợ Lâm đang lo bữa cơm chiều trong bếp, thấy vẻ mặt rầu rĩ của chồng, chị hớt hãi:

- Sao anh? Ông thiếu tá rẫy từ chúng ta rồi sao?

- Không, ngược lại. Ông thiếu tá rất quan tâm. Chắc chắn nay mai chú ấy sẽ được tha về.

Nghe chồng nói điều vui mừng, nhưng thấy nét mặt đăm chiêu suy nghĩ của chồng chị đoán anh đang có điều gì bất an. Anh vừa để sỗng một ap - phe nào chăng? Có kẻ nào vừa lừa gạt anh? Đánh cắp của anh một thứ gì? Hoặc...? Biết ý chồng, những lúc như lúc nầy không nên gặng hỏi.

Suốt bữa ăn anh lầm lì không nói. Anh ăn ít hơn mọi ngày rồi lên giường nằm, một lát sau lại ngồi dậy, lặng lẽ đốt thuốc.

Sau bữa cơm, mấy đứa con nhỏ chạy qua nhà hàng xóm chơi, hai đứa lớn đem khung nón ra ngồi ở ngưỡng cửa chuốt cho bóng. Vợ Lâm bồng thằng cu Tý ngồi ở chân giường vạch vú cho con bú. Lâm ném mẫu tàn thuốc rồi quờ quạng trên đầu giường tìm chiếc bật lửa ga châm tiếp một điếu nữa. Thằng cu Tý vừa bú vừa đưa bàn tay bụ bẫm sờ soạng lên mặt lên môi mẹ, chốc chốc nó nhả vú ra, nói bi bô một câu gì đó, rồi nhoẻn miệng cười toe toét phô cả cặp nướu tươi hồng ra trước khi vồ vập ngậm lại vú mẹ. Lâm ném điếu thuốc đang cháy dỡ vào chiếc gạt tàn, nhìn vợ, nhìn con, rồi nhìn lên chân dung đức Mẹ và chúa hài đồng treo trên tường. Một lát sau, anh đứng phắt dậy, lấy áo sơ mi mặc vào. Chị nhìn anh dịu dàng dò hỏi:

- Mình lại tiếp tục đi lo cho chú ấy?

- Lo! Việc chú ấy xong rồi không có gì phải lo nữa! Lo là lo...cho chính cái thân mình, cho cái đời sống không còn biết tin vào cái gì, tin vào ai nữa!...Lạy chúa! Lẽ nào tất cả những điều con vừa nghe lõm được chiều nay là sự thực?!...

- Mình nói gì em không hiểu?

Lâm ngồi phịch xuống giường mân mê bàn tay con, mặt trở nên xa vắng:

- Em ơi, em còn nhớ không, kinh Thánh dạy rằng, chúa Giêsu đòi hỏi con người ta phải biến cải. Và một trong ba yếu tố của biến cải là sự ăn năn...

Ở cuối câu mắt Lâm trở nên xa vắng hơn, sự trăn trở, đau khổ hiện rõ trên nét mặt.

Vợ Lâm nhìn chồng thảng thốt:

- Ý mình muốn chú Viễn phải thành khẩn xưng tội, phải ăn năn vì những lầm lỗi của mình?

Lâm buông bàn tay nhỏ nhắn bụ bẫm của con rồi từ từ đứng lên như bừng tỉnh, vẻ nhăn nhó đau khổ:

- Mình thì lúc nào cũng chú Viễn! Tội lỗi của chú ấy không đáng kể! Hẳn chú ấy đã ăn năn và pháp luật cũng sẽ tạo diều kiện cho chú ăn năn. Tội của chú ấy, nếu có, cũng chẳng thấm tháp vào đâu...Ôi! pháp luật chỉ trừng trị những tên tội phạm giết chết một con người, đoạt một thỏi vàng, một nắm bạc chẳng hạn...trong khi đó pháp luật đã làm được gì trước những loại tội ác giết chết một linh hồn, những linh hồn, một niềm tin, tất cả niền tin?...Tội ác ấy thật là ghê gớm! Em ơi, có lẽ chúng ta phải đi khỏi nơi nầy thôi, bỏ lại tất cả sự dối trá. Ta sẽ đến một miền đất mới nào đó, kéo theo luôn cả gia đình chú Viễn cùng đi. Ở đó em cũng sẽ lại chằm nón, nuôi heo gà và săn sóc các con, anh sẽ cày xới một mảnh vườn, sẽ xây một nếp nhà trên một khu đồi nào đó ở ven thị trấn. Trước đây chúng ta không chịu đến với những miền đất ấy chỉ vì chúng ta không muốn rời khỏi thành phố nầy, không muốn xa cách niềm tin yêu bất tuyệt của chúng ta, chúng ta cố ở lại, cố bám víu lấy, và bám cả vào khoảng đất hẹp, phải đi nhờ qua mảng sân nhà người khác quanh năm ngập bùn và dẫy bụi...Lạy Chúa! Xin hãy cứu rỗi linh hồn con!...

Nói đến đây Lâm chếnh choáng bước ra cửa, dắt xe, gài số, nổ máy, vọt qua sân, thẳng ra cổng, không nể nang e dè gì ông bà chủ nhà khó tính...

Vợ Lâm thảng thốt mở to đôi mắt ứa nước nhìn theo chồng với những dấu hỏi khổng lồ.

Cổng sau của Tòa tổng giám mục thường bỏ ngõ. Bóng đèn mờ tỏ trong những vòm cây sâu tối của khu vườn mênh mông tĩnh mịch. Lâm cho xe chạy thẳng vào sân sau. Anh xuống xe, không tắt máy, rồi sãi bước đâm sầm lên những bậc cấp và chạy huỳnh huỵch như bị ai đuổi trong hành lang dài hut hút. Đến chân cầu thang, Lâm nhảy hai bậc một thình thịch hòa với tiếng máy xe Honda nổ dòn dồn dập từ dưới sân vọng lên.

Lâm gõ lên cánh cửa gỗ của một căn phòng đã được đóng im.

Cửa bật mở. Lâm đứng sừng sững và nhìn chòng chọc vào người bên trong khung cửa đang đứng đối diện với anh. Lâm cắn môi đến bật máu và bật nói trong run rẫy:

- Đức cha hãy trả lời đi! Có phải cái người viết nên những văn bản gởi cho Tòa thánh La Mã bịa đặt ra cái việc chính mình bị khủng bố, bị bắt giam, cũng chính là người mạo danh Tòa Thánh để ra vạ cho linh mục Thụy An không?

- Lạy Chúa! Ma quỷ nào đã xui khiến con vào giờ này đường đột tới đây đặt ra những câu hỏi như thế đối với ta, hả con? Con hãy vào đây, con!...

Lâm đứng không nhúc nhích, đôi cánh tay buông thỏng, đôi môi mím chặt khẽ rung rung...

- Con chỉ cần một câu trả lời rồi sẽ ra khỏi đây ngay...Xin sẽ chẳng bao giờ dám làm phiền Đức cha nữa!

- Kìa con, con đang có điều gì bất an? Con hãy bình tĩnh lại đi! Nào ta đã làm gì để cho con phải đặt ra ngần ấy câu hỏi? Ta...ta có hành động nào, tất cả cũng chỉ vì các con, vì đời sống giáo hội, vì...

- Vì các danh hiệu hão huyền mà Rôma đã trót tặng? Những danh hiệu đó đã được Đức cha tự cài lên ngực mình để tự huyễn hoặc mình, và để...

- ...Nếu Đức cha không trả lời được, thì con đã tự trả lời cho chính mình những câu hỏi mà con đã đặt ra...

- Ai đã nói với con những điều đó? Lẽ nào nay con tin lời người khác hơn tin lời ta?

- Rất tiếc là từ trước tới nay con đã trót tin lời Đức cha như tin vào Chúa Giêsu, như tin Đức Chúa cha trên trời... Và...nay...con xin giao trả niềm tin ấy cho Đức cha! Con trả tất cả...Con cám ơn và từ biệt Đức cha!...

Nói xong, Lâm quay gót và lao xuống cầu thang như một mũi tên. Đức Tổng giám mục đứng lặng nhìn theo tê tái. Gần một phút sau ngài như mới sực nhớ ra, ngài vịn cầu thang đâm sầm xuống, sãi bước trong hành lang sâu tối và dài hun hút.

Ở góc sân chiếc Honda vẫn nổ máy dòn khuấy động một vùng không khí yên tĩnh. Tổng Giám mục sững sờ nhìn chiến Honda và mắt sầm tối...

Trước mặt Tòa tổng giám mục, trên con đường nhựa trải mình dẫn ra khu xóm lao động, một con chiên ngoan đạo đang lặng lẽ rão bước, mái tóc rối bờm xờm, đầu cúi gục xuống, vẻ thiểu não, đau khổ. Nỗi đau nầy phải chăng có thể sánh với nỗi đau của Đức bà Maria khi đưa Chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây thập tự xuống để khâm liệm?!...

 

     Huế 1985 - 2017                                         H.K.L.

 

[1] Treo chén: Chén đựng rượu nho, tượng trưng cho máu Chúa. Chén được nhận trong lễ thụ phong. Linh mục Treo chén thì không có quyền tế lễ nữa. Đây là hình thức kỷ luật nặng nhất.