NIỀM TIN BỊ ĐÁNH CẮP (KỲ 1)

Đức Tổng giám mục mỉm cười, vẫn giữ nguyên tư thế đường bệ trong chiếc ghế gõ bọc nhung mắt nhìn thẳng về phía linh mục Thụy An đang ngồi đầu hơi cúi với tư thế lắng nghe và chịu trận, Tổng Giám mục cao giọng hơn:

- Cha đã chẳng từng là người được cộng sản ưu ái đó sao? Năm 1972 chuẩn bị giải phóng Quảng Trị họ cũng đã chẳng lo lắng đưa cha cùng với một số linh mục, tu sĩ khác đi lánh bom đạn ở miền Bắc mà thực chất họ chỉ cốt lo cho cha mà thôi! Chẳng những vậy mà cha đã được đón tiếp như một thượng khách, cha được họ đưa đi chơi, đi thăm viếng bất kỳ nơi nào cha muốn. Bom đạn của người Mỹ đưa ra ném trên miền Bắc dày đặc là thế, mà họ phải cử tùy tùng hộ tống cho cha đi chơi hết tỉnh này đến tỉnh nọ, thăm hết di tích này đến thắng cảnh khác, đến ở với xứ họ đạo này một thời gian rồi đến xứ họ đạo khác; Đi no chán rồi cha đòi về Nam, về vùng giải phóng một thời gian, cha không muốn ở đó nữa cha đòi vô Huế, vô Sài Gòn lúc bấy giờ đang dưới sự kiểm soát của người Mỹ và ông Thiệu - Vậy mà họ cũng để cho cha đi. Hừ!.. Về phía cha cũng muốn tỏ ra là người biết điều, nên năm 1974 cha đã chẳng từng tuyên bố thẳng thừng với phóng viên báo chí, và cả với Đức Phó Khâm mạng sứ giả của Tòa thánh Vatican tại Sài Gòn là cả miền Bắc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã sống đúng như lời Chúa răn. Có đúng vậy không? Tôi nhớ có sai không nào?

- Thưa Đức cha, nếu Đức cha cho phép, con sẽ xin kể lại việc này tỉ mỉ để Đức cha rõ.

- Tôi nhắc để cha nhớ vậy thôi, cha không kể thì tôi cũng đã biết. Nhưng có phải chính cha đã nói với Đức phó khâm mạng - sứ giả của Tòa thánh câu nói bất hủ ấy không?

- Thưa Đức cha, đúng con đã nói như thế, nhưng đó là phần cuối của câu chuyện, con còn nhớ cuộc nói chuyện ấy đã xảy ra như thế này:

Đức phó khâm mạng hỏi:

- Miền Bắc Việt Nam là một xã hội như thế nào?

- Đó là một chế độ tu hành cho tất cả mọi người, dù rằng Nhà nước Bắc Việt không hề tôn danh Thiên chúa. Và trong hoàn cảnh đó những người tu hành, các linh mục tu sĩ ắt có điều kiện để vươn tới điều thiện một cách thuận lợi hơn - đúng như lời Chúa răn.

- Cha có thể nói rõ hơn?

- Đó là một chế độ xã hội mà các nhu yếu phẩm của con người từ gạo thịt, vải vóc cho đến hộp diêm que củi...đều được phân phối công bằng theo lao động cả.

- Cha nghĩ là công bằng ư?

- Tất nhiên chưa hoàn thiện được ngay, nhưng như vậy là đã có thể gọi bước đầu của sự công bằng.

Đức Tổng giám mục đột ngột rút tay khỏi thành ghế như vừa bị kiến đốt, bứt rứt cắt ngang:

- Thôi đủ rồi! - Giọng Tổng giám mục hơi chùng xuống - từ sau giải phóng người ta đã sớm đưa cha vào làm việc với họ. Và mặc dầu không muốn, nhưng tôi cũng đã nhượng bộ họ, để cho cha tham gia thành viên Ban chấp hành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thiết nghĩ ngần ấy thứ đủ để cha đi với họ suốt đời không cần gì cha phải có thêm các chức danh khác, cha không đi dự làm gì cái đại hội toàn quốc những người công giáo yêu nước của họ, vì theo tinh thần của Bản tuyên bố ngày 8/3/1982 của Thánh bộ giáo sĩ không cho phép các giáo sĩ tham gia bất kỳ hiệp hội hoặc đoàn thể chính trị nào!

- Một tổ chức mà chính Đức cha đã đồng ý cho con tham gia. Thưa Đức cha, Ủy ban đoàn kết công giáo yêu nước là thành viên của Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, con đã được trên triệu tập về họp cùng một lúc với các đại biểu khác trong giáo phận, các đại biểu khác thế nào chứ riêng con, con thấy việc con đi dự hội nghị lần này chỉ có lợi cho giáo dân và giáo sĩ chứ không có hại, việc này hợp với Tin Mừng của Chúa...

-  Cha Thụy An này - Đức Tổng giám mục vẻ xúc động và đầy phấn khích, giọng cất cao, rõ, âm vang như những lần rao giảng dưới những vòm mái thánh đường nguy nga - Chúng ta đều biết rằng ma quỷ đã có mặt trên trái đất từ trước khi Thượng đế tạo dựng nên con người đầu tiên. Tại sao Thượng đế là đấng trọn tài, trọn trí, trọn lành lại đã sáng tạo nên điều ác, hay đã cho phép sa tăng tạo nên điều ác? Tại sao A Đam phải bị cám dỗ? Tại sao Thượng đế không giết chết ma quỷ khi nó nhập vào thân thể con rắn để truyền những ác tưởng cho Eva? Hẳn cha con nhớ sức mạnh của ma quỷ được mô tả khá rõ trong sách Giu - đê câu chín?

-  Dạ, thưa Đức cha, con nhớ ạ. Nói rồi linh mục Thụy An đọc: “Vả, khi chính mình thiên sứ tưởng Mi - Sen chống với ma quỷ giành xác Môi - Se, còn chẳng lấy lời nhiếc móc mà đoán phạt, người chỉ nói rằng: cầu Chúa phạt ngươi!”.

- Vậy nên đến nay chân dung của ma quỷ đã bị lẫn lộn mơ hồ - Đức Tổng giám mục nói: Muốn bớt sợ ma quỷ người xưa đã tìm cách chế nhạo nó, mô tả nó như một nhân vật ngu đần, thô lỗ, có những dục vọng ham muốn vừa thấp hèn, vừa ngu xuẩn - một khuôn mặt như vậy thì có gì đáng cho ta sợ?

- Dạ thưa Đức cha, đúng như thế ạ. Trong khi đó, ma quỷ thực sự là một nhân vật cực kỳ thông minh, mạnh mẽ, có năng khiếu và đầy mưu lược! Chúng ta thường dễ bị quên rằng rất có thể ma quỷ là thiên sứ vĩ đại và cao trọng nhất trong tất cả thiên sứ của Thượng đế. Ma quỷ vốn là một hình ảnh cao cả đã quyết định dùng những điều phú bẩm thiên thượng vào mục đích riêng tư thay vì dùng vào mục đích của Thượng đế. Lối biện luận của ma quỷ rất khôn khéo, các kế hoạch của nó rất thần tình và lý luận của nó thì hầu như không thể nào bắt bẻ được!

- Vậy nên tôi mong cha hãy tỉnh táo thận trọng đừng mắc mưu của họ, bởi vì kẻ thù nguy hiểm của Thượng đế đôi lúc không phải là một nhân vật vụng về có sừng, có đuôi, mà là một con người cường tráng, oai vệ, xinh đẹp chẳng hạn. Nó có mánh khóe xảo quyệt, có khả năng lợi dụng mọi cơ hội xảy ra và xoay chuyển mọi hoàn cảnh để làm lợi cho chính nó! Ma quỷ có đủ khả năng tạo nên một tiên tri giả mà kinh Thánh đã báo trước! Bên trên nền tảng của sự vô tín và sự xao xuyến của đức tin, ma quỷ sẽ hoàn thành kiệt tác của nó: Nó sẽ thiết lập một tôn giáo không có đấng Cứu chuộc, nó sẽ xây dựng một Hội Thánh không có Chúa, không có cả Đức mẹ đồng trinh, nó sẽ hướng dẫn thờ phụng không cần đến kinh Thánh!...

- Thưa Đức cha...Con mong có dịp Đức cha sẽ nghĩ lại những lời Đức cha vừa nói. Tình hình thực tế không đến nổi bi quan như vậy. Rõ ràng trong vòng mấy năm sau giải phóng giáo phận chúng ta có đến ba lần truyền chức, trong đó có hai lần cho sáu linh mục và một lần cho Đức Tổng giám mục phó. Giáo dân được tự do đi lại hành lễ, các Thánh đường vẫn mở cửa thường xuyên để làm chức năng của mình, Nhà nước đã bảo trợ cho chúng ta quyền tự do tín ngưỡng, tự do hành đạo, thiết tưởng không có cơ sở để Đức cha hoặc chúng con ngờ vực thiện chí của Nhà nước. Thưa Đức cha, con nghĩ rằng việc con đi dự hội nghị sắp tới tại Hà Nội không có gì sai cả, mà trái lại - Xin Đức cha cho phép con!...

Đức Tổng giám mục phác một cử chỉ cương quyết:

- Cha dừng bao giờ quên rằng kẻ chống đối Thiên chúa luôn tìm cách đánh lừa tâm trí loài người cũng như các dấu hiệu của tiên tri giả đang đầy dẫy khắp nơi! Sống giữa thời đại ngày nay đâu đâu chúng ta cũng thấy con người lựa chọn một cách có ý thức hay vô thức - hoặc theo đường lối của ma quỷ hoặc theo đường lối của Thượng đế. Cuộc chiến đấu đang tiếp diễn là vậy. Giai đoạn nhân bản của cuộc chiến đấu bắt đầu từ xa xưa trong vườn Ê - Đen, khi ma quỷ cám dỗ loài người tránh xa Thượng đế, lôi cuốn hàng tỉ tỉ người đi vào trận tuyến! Tôi muốn mỗi chúng ta hãy đừng bao giờ là con chiên đi lạc, dù cha của chúng ta trên trời đã tự nguyện chất hết tội lỗi của chúng ta lên lưng con một của Người...

- Thưa Đức cha, con nghĩ rằng việc con đi dự hội nghị những người công giáo yêu nước tại Hà Nội sắp tới không phải là đi lạc đàn, mà ngược lại, vì thế Đức cha không cho con đi con cũng đi, con nghĩ đây là Tin Mừng của Chúa.

- Tôi đã nói với cha cạn lời rồi mà cha đi là tùy cha! Cha đi tức là cha bỏ Chúa, bỏ đạo, bỏ Hội Thánh. Nếu bà cụ thân sinh của cha mà biết được việc nầy thì bà đau lòng biết mấy! -  Đức Tổng giám mục nói chư rên siết.

- Thưa Đức cha, con thì con nghĩ khác. Và hôm nay con càng hiểu thêm được rằng những lời trước đây Đức cha đã bày tỏ trong Đại hội Đức Mẹ La vang là bất di bất dịch, và một lần nữa càng khẳng định lập trường quan điểm của Đức cha...Con xin chào Đức cha!

Nói xong linh mục Thụy An đi thẳng ra cửa.

Đức Tổng giám mục ngồi như chết lặng trên ghế một phút rồi đứng dậy mở chửa lảo đảo đi vào phòng riêng. Đại hội Đức Mẹ La Vang năm 1961. Vương cung Thánh đường La Vang - La Vang trung tâm thánh mẫu - La Vang nơi đầu cầu giới tuyến, nơi được chọn làm tiền đồn chống làn sóng đỏ tràn xuống từ phương Bắc. La Vang trung tâm hành hương kính Đức Mẹ, giáo dân giáo sĩ cả nước tập trung về, trong buổi lễ ấy ta đã long trọng phát biểu với cương vị một giám mục trẻ, ta đã xúc động bày tỏ tình cảm, tư tưởng chân thành của mình trước hàng vạn trái tim rung lên cùng một nhịp, trong ánh hào quang diệu kỳ của đôi mắt Maria và Giêsu, ta đã phát biểu...vâng, ta đã phát biểu: chống cộng không phải chỉ bằng vũ khí mà bằng cả đức tin - vũ khí của giáo sĩ và giáo dân là niềm tin yêu chúa. Và giờ đây sau bao thăng trầm của đất nước, ta vẫn đứng vững trên mảnh đất ta đã một lần hành hương kính Đức Mẹ qua đây, mảnh đất mà ta đã vâng lĩnh ý chúa đối đầu với bao giông bão, chăn dắt đàn chiên đi vào nước Chúa - Cha Thụy An đã lâu rồi vẫn còn nhớ lời ta và nhắc lại lời ta như một thái độ tuyên chiến (!) mặc dầu Thụy An không hề trực tiếp nghe lời phát biểu ấy của ta, bởi ngày đó Thụy An vừa lên đường đi học ở Rôma. Vâng, ta đã nói như thế, Thụy An đã nhắc lại với ta, đã dè bĩu ta theo sự xúi giục của sa tăng! Rõ ràng tội lỗi là sức ly tâm đẩy con người xa Thiên chúa và xa nhau, gây nên một sự tan rã khủng khiếp, ôi Giêsu - Maria!..

 

* * *

 

Có tiếng gõ cửa nhẹ, Đức Tổng giám mục vẫn giữ nguyên những đầu ngón tay đang tì bóp vào trán, khẽ ngoái đầu buông thỏng: :

- Cứ vào

     - Cánh cửa từ từ mở

- Lạy Đức cha!

Một con chiên ngoan ngoãn đang kính cẩn cúi đầu thi lễ

- Vào trong này, mời anh ngồi! Ta cứ tưởng...

- Thưa Đức cha...tưởng...?

- Ta cứ tưởng cha thư ký đã về, ta có chuyện cần nói với cha thư ký...Trước đấy chính ta đã phái cha đi phố mua cho ta một ít giấy tờ và bì thư sau khi đánh máy xong các văn bản.

- Thưa Đức cha, trong lúc đi đến đây con gặp cha thư ký trên trục đường Nguyễn Huệ - Lý Thường Kiệt...vừa nói, Lâm - con chiên khép nép đặt lên chiếc bàn con mấy gói bọc giấy báo và một chai cũng được bọc giấy báo có chiếc nơ đỏ thắt bên ngoài.

- Anh lại mang thứ gì đến đó nữa? Ta không muốn, một phần vì anh còn nghèo...

- Thưa Đức cha, vừa qua nếu không được Đức cha thương yêu cách riêng thì vợ chồng con cái chúng con chẳng biết sinh sống ra sao. Hôm qua con chạy suốt ngày kiếm được cả gần ngàn bạc, hôm kia cũng thế, nói chung suốt tuần qua chúng con kiếm ra tiền khá dễ dàng - vợ con nó mua chút quà dâng lên Đức cha.

- Ta vốn bị cao huyết áp, mà cái thứ rượu Napoléon của anh cũng đã làm cho ta thêm mệt đấy!

- Thưa Đức cha, xin Đức cha nhận cho chúng con.

- Được, nhưng trước khi anh ra về, ta nhờ anh đã mang đến cái gì cho ta thì hãy phân đôi ra. Ta chỉ nhận một nửa, còn nửa kia ta nhờ anh mang về cho anh Viễn, cho con cái anh ấy.

- Thưa Đức cha, con không dám giấu gì Đức cha, phần cho vợ con của Viễn con đã lo cả rồi. Thưa Đức cha, Viễn đã bị bắt.

- Bị bắt! Vì sao bị bắt! Ai bắt?

- Thưa Đức cha, tối hôm qua lúc tám giờ, công an đến còng tay Viễn đưa đi. Như Đức cha biết đó, từ ngày vâng lệnh Đức cha chúng con nhất định không đi vùng kinh tế mới, anh em ở nhà đùm bọc nhau, coi hai gia đình như một. Tội nghiệp, vợ con nó tốt bụng, nên có gì nó cũng nhường nhịn, san sẻ cho vợ con chú Viễn. Viễn cũng chuyên đi xe thồ và chạy mánh, không may vừa rồi đi tiêu thụ phải hàng ăn cắp của kho nhà nước, công an bắt được kẻ cắp, kẻ cắp khai ra. Thưa Đức cha, nói đáng tội con xin cam đoan trăm phần trăm là chú em con nó hoàn toàn không biết đó là đồ ăn cắp, nhưng tình ngay lý gian, ai vô đó mà minh oan cho chú ấy bây giờ! Vợ chú ấy kêu khóc suốt đêm hôm qua làm cả nhà con chẳng ai ngủ được. Sáng nay vợ chồng con phải an ủi mải thím mới chịu im cho. Thím ấy oán trách sao cha mẹ cùng sinh ra hai anh em trai mà con thì gặp toàn may mắn, cùng đi lính ngụy con là đại úy vậy mà sau giải phóng chẳng đi học tập cải tạo gì sất, còn Viễn chồng của thím ấy thì cái trung úy thôi mà phải lãnh bốn năm liền trong các trại cải tạo. Làm ăn thì con toàn gặp hên...Lạy Đức cha, nói đúng ra từ ngày Đức cha cho con mượn chiếc Honđa nầy con làm ăn khá lắm! xe lại tốt và đẹp nữa chứ, sang lắm, thồ cô bà nào đi, nếu con ăn mặc đàng hoàng một chút người ta cứ tưởng người nhà chở nhau (!) Thưa Đức cha, thím ấy cứ mặc sức trách móc so bì mà không chịu thấy ra cái vô lý, cái khuyết nhược điểm của chính mình. Con cưới vợ trước mà đến nay mới có bảy nhóc, chú thím ấy cưới sau chúng con ba năm mà nay đã tám đứa, nay mai sắp sinh đứa thứ chín! Vợ con nó cũng biết tùy thời, trước nó ăn diện là vậy, nay nó chăm nuôi heo gà, trồng rau, chằm nón đắp đổi qua ngày, riêng thím ấy thì vẫn cứ eo sèo như dạo nọ. Còn cái việc con khỏi phải đi học tập cải tạo sau giải phóng cũng không phải tự dưng mà có! Vào những năm bảy mươi, khi thấy tình hình chiến sự trên các mặt trận không có gì đáng lạc quan, càng về sau càng thấy rõ sự bất lực của Thiệu và sự thất thế của Mỹ, con đã phải tính đến nước bài lâu dài của con, con tìm cách bắt liên lạc với những người Giải phóng. Tuy sự đóng góp của con trong đại cuộc chẳng đáng là bao, nhưng những người Giải phóng họ cũng trọng nhân nghĩa lắm, nên con đã được đối xử như một người có công, và vì thế con không phải đi học tập cải tạo...

- Ta đang rất khó chịu về những trò nhân nghĩa của họ, anh lại nói đến nhân nghĩa! Anh lại nghĩ rằng có ai đó đem lòng thương yêu vô bờ bến của Chúa để đổi lấy một trò nhân nghĩa giả hiệu nào đó không?

- Thưa Đức cha, con thực tình không hiểu!...Vì nhân nghĩa là nhân nghĩa, sao lại giả hiệu? Thứ gì thì có thể làm giả được, chứ nhân nghĩa làm giả sao được ạ?!...

Đức Tổng giám mục khẻ lắc đầu cảm thấy như mình lở lời:

- Thôi, hôm nay ta không được khỏe, con gắng làm cách nào giúp đỡ cho Viễn.

- Thưa Đức cha, thím ấy sắp đến kỳ sinh nở, chú ấy lại trong tù, một mình con sẽ phải cáng đáng cho cả mười sáu đứa trẻ, còn hơi sức đâu mà lo chạy cho chú ấy! phải chi kỳ này thím ấy không phải đẻ nghén gì, thím đỡ cho chúng con một tay, đằng này lại đẻ, đẻ liên tục...

- Lạy Chúa! Con cái nằm trong ý muốn của Chúa, con không nên nói thế, lại đâm ra thuận bề cho cái việc tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch của ông Nhà nước hiện nay!...

- Thưa Đức cha, con xin lỗi Đức cha, con đã làm phiền - con xin kính chào Đức cha, chúc Đức cha vạn an.

Lâm nói đoạn cúi đầu thi lễ rồi rút lui, nhẹ nhàng kính cẩn khép cửa lại.

Ở hành lang của tòa nhà dùng làm văn phòng, Lâm thấy linh mục thư ký đang đứng với linh mục Thụy An. Lúc đi ngang qua Lâm định cúi đầu thi lễ, nhưng hai vị linh mục trẻ đang mải miết trao đổi với nhau về một vấn đề gì quan trọng, không để ý đến con chiên ngoan đạo đang muốn thi lễ với mình. Khi đến sát bên, Lâm nghe linh mục thư ký nói vừa dúi vào tay linh mục Thụy An một phong thư:

- Cha tự mà lo lấy, tôi không thể giúp cha việc nầy được! Linh mục Thụy An giọng hơi xẵng:

- Nếu cha không giúp thì hẳn nhiên tự tôi sẽ mang bức thư nầy đến, chứ còn cách nào nữa! Tôi đang vội.

Nói xong linh mục Thụy An sãi bước trong hành lang dài hun hút không một bóng người, vừa đưa tay trấn giữ vòm ngực - nơi trái tim đang không kiểm soát được nhịp đập của mình - Cám ơn cha thư ký nhiều lắm!... Lạy Chúa! Lời của cha thư ký nhỏ thôi nhưng rành rọt và vẫn còn văng vẳng bên tai: - Về nguyên tắc thì tôi không dám...Nhưng tôi không thể giấu cha một điều rằng tất cả là ý định, là quyết định của Đức Tổng, chứ Tòa Thánh cũng như Đức Thánh cha không có ý gì...

 

Linh mục thư ký quỳ xuống trước tượng Giêsu và làm dấu thánh, đoạn khẽ nâng hờ thập tự giá trước ngực đưa lên môi hôn rồi hạ xuống. Lẽ nào đến đây con lại trở nên bất tín với bề trên của mình? Con đã kịp thời thông báo cho linh mục Thụy An biết về án phạt vạ đang đến rất gần với cha và những điều khuất tất phía sau vạ ấy!...Con làm điều đó vì quá thương linh mục Thụy An. Lạy Chúa! Con đã làm điều không nên làm chăng?...

 

Có tiếng gõ cửa, tiếp đó là cánh cửa bật mở. Đức Tổng giám mục thấy hiện ra sừng sững giữa ngưỡng cửa một linh mục. Đức Tổng giám mục đứng lên đưa bàn tay ra phía trước như một sự ban phép. Hình như sự xúc động đã làm cho những đầu ngón tay khẽ run cùng với cung giọng:

- Cha Thụy An! Có phải cha cần gặp ta để tỏ rõ sự ăn năn không ? Lạy chúa tôi, tôi đã biết trông cậy vào phép nhiệm mầu nơi đấng thiêng liêng và Ngài đã động lòng thương xót! Lạy Đức mẹ đồng trinh, hãy thương xót con của mẹ đã mất hết khả năng nhìn về tương lai để nhận biết hiện tại nên làm gì và không nên làm gì!

- Không phải hoàn toàn như thế, thưa Đức cha! Con đến để xin từ biệt Đức cha, sáng sớm mai con sẽ đi Hà Nội. Theo nhận thức của con thì đây là việc hiện nay phải nên làm. Và đây là bức thư con gửi Đức cha.

Linh mục Thụy An nói và đặt bức thư lên chiếc bàn con.

Đức Tổng giám mục vói tay cầm bức thư vừa hỏi:

- Cha có gì định nói nữa không ?

- Thưa Đức cha, nếu Đức cha cho phép thì con xin thưa thật một lời - vì đức chân thật cũng quan trọng như đức vâng lời - rằng nếu giáo dân cũng như giáo sĩ cứ luôn tìm cách đối đầu với nhà nước sở tại, liệu đó có phải là cách tốt nhất không? Có phải là ý của Chúa không ? Bời vì muốn tu hành thì cũng phải có một chỗ ngồi mà tu chứ? Một khi nước mất nhà tan thì ở đâu mà tu?...Con chỉ có bấy nhiêu lời. Xin Đức cha soi xét! Con xin từ biệt!

Linh mục Thụy An chào và quay gót.

- Cha nhất định... đi sao?

Tổng Giám mục run rẫy hạ bàn tay xuống hỏi gặng, giọng lạc đi

Linh mục Thụy An dừng bước.

- Thưa Đức cha, tất cả đã được nói trong thư.

Xin từ biệt cha.

Linh mục Thụy An đi rồi, Đức Tổng giám mục cầm bức thư bỏ ngỏ lên. Những ngón tay rung rung, rất khó nhọc, Tổng giám mục mới kéo được bức thư ra khỏi phong bì và đưa lên đọc.

“ Kính thưa Đức cha,

Con đã chính thức nhận lời mời đi dự hội nghị những người công giáo yêu nước tại Hà Nội, mặc dầu Đức cha không cho đi. Vài hôm trước đây con được biết Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng đã có văn bản chính thức báo cho Đức cha biết là con đã được Hà Nội mời họp - Về phần con con cũng đã phân tích để Đức cha rõ lợi ích của chuyến đi nầy, nhưng Đức cha đã không nghe con, tin con, nên buộc lòng con phải tin vào chính mình. Theo con hiểu trước khi trở thành công dân của nước trời thì mỗi Kitô hữu chúng ta là công dân của nước trần gian, cụ thể ở đây là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Con muốn cùng một lúc vừa xứng đáng công dân nước Chúa lại vừa là công dân tốt của Tổ quốc mình, theo con hiểu hai chức năng đó không có gì mâu thuẩn nhau, trái lại trong xã hội Việt Nam hôm nay, chúng ta đã tìm lại được cơ hội hiếm có để phục hồi và phát huy tinh thần của Giáo hội thời sơ khai. Đã lâu lắm rồi, hình ảnh một Giáo hội sơ khai thanh bạch, nồng hậu, tươi mát, sinh động và vô cùng gần gũi thân thiết với cuộc sống đã trở thành nổi nhớ nhung bất tận trong mỗi trái tim Kitô hữu; nó trở thành một khát vọng bất tử, và ngày nay khát vọng ấy đang có điều kiện để trở thành hiện thực, con mong ước Đức cha cùng chúng con dấn thân phấn đấu cho khát vọng ấy sớm trở thành hiện thực.

Con nghĩ rằng không có gì nuối tiếc nếu đã muốn vươn lên, muốn đi vào xã hội mới và muốn đón nhận những giá trị đích thực của xã hội đó. Trong chặng đường mấy năm qua ta đã thống nhất Tổ quốc, thống nhất Giáo hội - đây là cái mốc lịch sử lớn, và có chăng những đổi thay trong bấy nhiêu ngày ấy của đời sống Kitô hữu, chẳng qua là một lần khởi hành mới. Chúng con phấn khởi vì cuộc khởi hành mới nầy, vì đây là một trong những thời điểm đặc biệt nhất của đời sống Giáo hội khi mà Giáo hội đi vào tất cả hiện thực của chương mười, Tin Mừng theo Mathêu: Lên đường không mang theo bạc vàng tích lũy, không trang bị kềnh càng phức tạp, chỉ có lòng tin đơn thuần rằng: Nước trời ở gần bên và sự bình an ở trong lòng để trao cho những ai mà mình sẽ được gặp trong lịch sử, được gặp giữa thế giới “kỳ diệu và bi tráng”- như Giáo chủ Phaolo VI đã nhận định trong di chúc của người. Một số giáo sĩ, tu sĩ, nam nữ giáo dân trong những lần chuyện trò trao đổi con đã bắt gặp sự đồng cảm rằng không có cách nào tốt hơn trong lúc nầy là sống phúc âm giữa lòng dân tộc, với một thái độ kính Chúa yêu nước, sống tốt hơn cả đời và đạo, trọn nhận đức tin nơi chúa Kitô, hiệp thông hết lòng với hàng giáo phẩm và Giáo hội của mình. Tạ ơn Thiên chúa đã an bài chúng ta ở đất nước này. Tạ ơn!..

Bởi thế, thưa Đức cha, nay con tham gia mọi hoạt động xã hội không phải để cầu một chút lợi lộc vật chất gì, hay những đặc quyền, những uy tín, địa vị hoặc một sự dễ dãi gì hơn các công dân khác...Không, một trăm lần không! Con chỉ có lòng tin và nhân danh lòng tin như đã nói trên để làm cầu nối giữa cộng đồng dân Chúa với nhà nước sở tại, thu bớt khoảng cách mà chính Đức cha đã góp phần quan trọng tạo nên...Do đó một lần nữa con xin phép Giáo hội, xin phép Đức cha cho con tham gia hoạt động xã hội này với tấm lòng chân thành không có kích thước của niềm tin và của Tin Mừng. Sáng mai con lên đường sớm, con xin kính chúc Đức cha được mạnh khỏe.

Con

Linh mục Thụy An.

Tổng Giám mục buông rời phong thư ngửa mặt lên trần nhà làm dấu thánh và quỳ sụp xuống trước chân dung Đức Mẹ.

- Giêsu, Maria! Con đã tha thiết cầu xin Đức Mẹ hãy thương xót và cứu rỗi cho linh hồn của Paul Thụy An đã bị quỷ ám. Và mặc dầu Đức Mẹ đã hết lòng thương yêu chăm sóc gội rửa nhắc nhở, nhưng Thụy An đã cố ý tách khỏi đàn!...

- ...Nhất định Thụy An phải chịu một hình phạt ghê ghớm, hình phạt thích đáng với thói vô lễ, ngang ngạnh, và sự biện minh mang đầy tính ma quỷ đối với ta, và hẳn nhiên là với cả Tòa Thánh và với Chúa!...Đức Tổng giám mục đứng lên lẩm nhẩm tự nói với chính mình.

Linh mục Thụy An bước đi mà đầu óc còn ngổn ngang với những điều vừa bày tỏ với Đức Tổng giám mục. Lạy Chúa! Lạy mẹ Maria! Tại sao bề trên của chúng con cứ tạo điều kiện cho người ta hiểu sai về Giáo hội? Về cộng đồng dân Chúa?Con biết một hình phạt nặng nề đang chờ con, nhưng theo chỗ con hiểu đó cũng là một thử thách, một khảo nghiệm Chúa dành cho con theo cách riêng. Bời vì con đường đi rao giảng Tin Mừng luôn đầy chông gai, oan trái, nếu không thế thì làm sao chứng thực được tình yêu của chúng con dành cho Chúa mà muốn chia sẻ nỗi đau nhục mà Chúa đã từng hứng chịu?!... Và chúng con cũng hiểu sâu sắc rằng Thiên chúa đã không hề nghi ngờ gì về sự hiện hữu của ma quỷ với quyền năng hành động của nó trên hành tinh nầy, và đôi khi chúng đã nhân danh Chúa để ngăn cản con người làm điều tốt và xúi giục con người làm điều xấu...

(Còn nữa)