Hải Vân quan được công nhận là di tích cấp quốc gia: Sẽ sớm có phương án trùng tu và phát huy giá trị di tích

P.V: Với tư cách là một nhà quản lý về di sản, ông có đánh giá gì về hiện trạng di tích Hải Vân quan?

- TS Phan Thanh Hải: Cụm di tích Hải Vân quan được triều Nguyễn xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, đến nay đã trải qua gần 200 năm dâu bể nên mặc dù công trình được xây bằng vật liệu kiên cố (gạch, đá núi...) nhưng đã ở trong tình trạng xuống cấp khá nghiêm trọng. Hai cổng Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan đều bị thực dân Pháp xây chồng lên trên các kiến trúc quân sự nhằm mục đích tăng cường phòng thủ; hệ thống tường đá xếp nguyên thủy bị sụp đổ, sạt lở phần lớn. Gần đó thực dân Pháp cho xây thêm lô cốt mới; cây cỏ xâm thực nghiêm trọng hầu hết các công trình.

Bên cạnh đó, việc mở tuyến quốc lộ đi xuyên qua đỉnh đèo (từ thời Pháp thuộc) đã phá bỏ luôn một đoạn tường phòng thủ của cụm đồn phòng thủ Hải Vân quan. Nói chung cho đến nay, công trình Hải Vân quan đang ở trong tình trạng xuống cấp đáng báo động, rất cần thiết phải có giải pháp kịp thời để phục hồi, tu bổ và bảo tồn di tích này.

 

 Di tích Hải Vân quan thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế tham quan, ngắm cảnh. Ảnh: Sơn Thùy 

Sự phối hợp trong công tác bảo vệ di tích này giữa Đà Nẵng và Huế sẽ như thế nào?

- Từ năm 1997, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tiến hành xây dựng hồ sơ di tích Hải Vân quan và sau đó kiến nghị tỉnh đề xuất Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích này, tuy nhiên hồi bấy giờ, do chưa xác định được rõ ràng ranh giới giữa hai địa phương Thừa Thiên Huế và Quảng Nam- Đà Nẵng (nay là thành phố Đà Nẵng) và quyền quản lý di tích này nên hồ sơ chưa được xem xét. Cũng vì sự bất cập này mà suốt 20 năm qua, di tích Hải Vân quan vẫn không được quan tâm bảo vệ, tu bổ do thiếu cơ sở pháp lý, và cũng do các vướng mắc từ sự tranh chấp. Đây là điều hết sức đáng tiếc.

Từ năm 2016, thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phối hợp với các ban ngành liên quan trong tỉnh xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ di tích Hải Vân quan, sau đó phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng cùng rà soát, thống nhất phương án về hồ sơ và phương án khoanh vùng bảo vệ di tích.

Điều đáng mừng là trong lần này, từ lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đến Sở Văn hóa và Thể thao và các ban ngành liên quan của địa phương này đều tích cực, chủ động phối hợp với Thừa Thiên Huế trong mọi công việc với tinh thần cởi mở, chân thành và cùng chung hướng đến mục tiêu là phải xếp hạng di tích, từ đó cùng nhau trùng tu, bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị di tích một cách phù hợp.

Chính vì vậy, mọi công việc đều diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Khi đệ trình hồ sơ lên Bộ VHTTDL chúng tôi cũng nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất cao của lãnh đạo Cục Di sản văn hóa và lãnh đạo Bộ. Bản thân đồng chí Bộ trưởng cũng đánh giá rất cao sự phối hợp ăn ý, chặt chẽ giữa hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Ngày 14.4.2017, Bộ trưởng đã ký quyết định xếp hạng Hải Vân quan là di tích cấp quốc gia. Đây thực sự là một tin vui lớn cho những người làm công tác bảo tồn di sản và những ai yêu quý, trân trọng di sản văn hóa.

Trung tâm đã có kế hoạch gìcho công tác bảo tồn vàphát huy giá trị di tích này, nhằm đưa Hải Vân quan là điểm nhấn đến du khách trong nước và quốc tế?

- Từ trước khi di tích Hải Vân quan được công nhận, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Trung tâm và các ban ngành nghiên cứu phương án bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di tích. Dĩ nhiên, công việc này sẽ được tiến hành trong sự phối hợp, đồng thuận cùng phía thành phố Đà Nẵng.

Theo thỏa thuận giữa hai địa phương, sau khi di tích được công nhận, Trung tâm (đại diện cho phía Thừa Thiên Huế) sẽ tiến hành trùng tu, bảo tồn bước đầu di tích Hải Vân quan. Vì vậy, chúng tôi dự kiến sẽ sớm khảo sát chi tiết kết hợp tiến hành thám sát khảo cổ học để xác định rõ một số dấu vết nguyên gốc của công trình, từ đó đưa ra phương án trùng tu, bảo tồn thích hợp.

Vấn đề khai thác, phát huy giá trị di sản thì hai địa phương sẽ bàn bạc cụ thể để có phương án phù hợp. Điều quan trọng nhất là làm sao phục hồi và phát huy giá trị di tích một cách hiệu quả, bền vững để Hải Vân quan thực sự trở thành một điểm nhấn quan trọng trên kết nối giữa hai tỉnh - thành phố và trên con đường di sản miền Trung.

Xin cảm ơn ông!

Sơn Thùy 

(thực hiện)