Đà Lạt mùa hoa dã quỳ

Những mùa hoa luôn có sức vẫy gọi người thích đi. Tôi vốn thích màu vàng nên tiếng gọi của hoa dã quỳ xứ cao nguyên Đà Lạt cứ thôi thúc trong lòng. Và những bước chân đã lên đường. Sân bay Liên Khương trải một màu vàng ngút ngàn của dã quỳ, một thảm vàng rực xa tít tắp như kéo dài mãi. Trên đường về thành phố, tim người muốn rụng với rừng hoa tươi tắn bên đường. Cái xứ gì mà lạ quá, đất đai hay thời tiết diệu kỳ đến hoa dại bên đường cũng rạng rỡ, tràn đầy sức sống, trải dài theo những con đường lên dốc xuống đồi... Đà Lạt đón tôi bằng một màu vàng ngất ngây như thế.

Mùa hoa dã quỳ. Ảnh: Internet

Hương vị Huế trên cao nguyên

Ẩm thực là chiếc cầu nối gần nhất đưa ta đến với con người và vùng đất của một miền xa lạ. Đến Đà Lạt mà tôi vẫn cứ ngỡ mình đang ở Huế khi dọc theo các con phố, đi đâu cũng gặp quán treo biển bún bò Huế (hàng dưới là mỳ Quảng, bún cá). Và tô bún bò Huế mà tôi ăn ở đường Hà Huy Tập (TP. Đà Lạt) đã thật sự đánh đổ cái lối tư duy cố chấp của tôi lâu nay là bún bò Huế chỉ có ăn ở Huế mới đúng vị, đúng chất.

Ông Thanh - chủ quán - quê Phước Yên, làng nổi tiếng có nhiều nghệ nhân ẩm thực cung đình Huế - đón tôi bằng câu chào “Người Huế nếm thử bún bò Huế ở Đà Lạt có ngon như bún bò ở Huế không nhé”. Ông Thanh vào Đà Lạt gần 40 năm nay, cũng làm một vài công việc rồi cuối cùng “đậu” với quán bún bò Huế. Hương sả thơm ngát, vị đậm đà của ruốc Huế được nấu khéo đến độ chỉ cảm nhận được mùi ruốc khi đầu lưỡi chạm vào nước bún, rồi chén nước mắm cay nồng, tôi nhận ra hương vị quen thuộc của bún bò Huế. Bún bò Huế ở Đà Lạt cũng nấu nhiều loại thịt: giò, bò, sườn, chả, huyết, tô bún múc cũng “mảnh mai”. Ông Thanh chia sẻ: “Nhiều người Huế ăn bún của tôi và nói là không khác chi bún ở Huế. Mà khác răng được, tui rất chú ý giữ gìn hương, vị, ruốc cũng phải mua ruốc đặc biệt từ Huế vào và thịt thì e là thịt bò Đà Lạt còn ngon hơn nữa đó!”. Ông Thanh cho biết, phần đông các quán bún bò Huế ở Đà Lạt đều do người Huế nấu, nhiều mệ già qua đời thì con cháu tiếp nghề, ông Thanh là một trong số đó.

Ở Đà Lạt cũng có cơm hến, bánh bèo, nậm, lọc Huế. Con đường nhỏ lát đá xưa dẫn vào ấp Ánh Sáng - ấp của cư dân Huế, san sát những hàng quán bánh Huế. Ghé quán bên đường “Liễu, bánh bèo - nậm - lọc Huế”, tôi nếm vị bánh quen thuộc của Huế. Chị Liễu người quê Quảng Thọ, Quảng Điền, nghe giọng Huế của tôi, mừng rỡ: “Ở Huế mới vô hả em, ngồi đi”, rồi chị kể cho tôi nghe người dân ở đây ghiền ăn bánh Huế như thế nào, chị bán giá bình dân, 10-15 đồng/đĩa nên luôn được khen là bánh Huế rẻ mà ngon. Chị Liễu cho biết, “tui giữ bí quyết rim tôm của Huế, cũng coi như đó là kỷ niệm với mạ tui-người truyền nghề cho tui”.

Gặp những người con của Huế

Người Huế bắt đầu di cư vào Đà Lạt từ những năm 1920, cao điểm là thập niên 1950, 1960 và hình thành nên nhiều khu dân cư ở Đà Lạt, có nhiều người giàu nổi tiếng. Đặc biệt, những năm 1980 - 1990, nhiều người trẻ cũng vào Đà Lạt lập nghiệp mang theo nghề của cha ông và bây giờ thành những ông chủ nhỏ. Ghé thăm nhà anh Võ Thanh Hùng ở đường Đống Đa, phường 3, TP. Đà Lạt. Anh Hùng năm nay 50 tuổi, vào Đà Lạt gần 30 năm đem theo nghề mộc của quê làng Xuân Thiên, Vinh Xuân, Phú Vang. Bây giờ anh có nhà cửa khang trang và một xưởng mộc với những đơn hàng khắp nơi. Anh nhận đủ việc: trang trí nội thất, làm nhà rường, đóng bàn, ghế, đặc biệt hàng tủ thờ. Khách hàng rất chuộng hàng mộc Huế vì độ tinh xảo và chạm khắc nhiều hình có ý nghĩa. Anh Hùng cho biết, riêng ở phường 3 nơi anh ở có đến 7-8 xưởng mộc của người Huế, ai vào đây làm nghề mộc cũng khá. Tôi hỏi anh sao vào Đà Lạt 30 năm mà vẫn giữ giọng Huế không pha thì anh cười bảo: “Giọng Huế làm ra tiền mà. Nghe giọng Huế là người ta tin tưởng liền à!”. Hèn chi khi bác taxi nghe tôi nói giọng Huế liền bảo: Người Huế ở đây nhiều lắm con, họ làm ăn uy tín nên nhiều người giàu có lắm.

Không phải người Huế nào ở Đà Lạt cũng có đời sống khá giả mà một số họ cũng vất vả mưu sinh. Dừng chân ngồi nghỉ ở Quảng trường Lâm Viên, tôi nghe ba chị bán hàng rong chuyện trò, giọng Huế thân thiết. Qua trò chuyện, tôi đọc được nỗi nhớ quê trong lời các chị kể, nào là cát trắng, nào là mùa ớt, mùa lúa, nào là giỗ chạp…

Lời tự sự của hoa dã quỳ

Đường đèo Prenn uốn lượn, những thảm dã quỳ trải vàng bên đường, lời kể chuyện của một “thổ địa” Đà Lạt về hoa dã quỳ như những cánh bướm chấp chới trên rừng hoa. Tôi như lạc trôi vào màu vàng không dứt của núi rừng cao nguyên. Phần lớn các loài hoa đều có sự tích về một câu chuyện tình. Tình yêu của nàng H Limh và chàng K Lang là một câu chuyện tình buồn, kết thúc vì mũi tên tẩm thuốc độc của kẻ yêu đơn phương. Từ nơi nàng H Limh và chàng K Lang ngã xuống mọc lên một loài hoa có màu vàng rực rỡ. Người xưa đặt tên là hoa dã quỳ, hoa mọc khắp nơi, sức sống mạnh mẽ, càng ở bụi bờ thì càng tươi tốt, như những người con của miền núi cao nguyên này, giữa nắng, gió càng rắn chắc, dẻo dai.

Ánh lửa bập bùng, tiếng chiêng, tiếng khèn của đêm giao lưu văn hóa Tây Nguyên làm bước chân nhảy múa của những chàng trai, cô gái K”Ho thêm nhịp nhàng. K”Hor là cư dân bản địa của Đà Lạt trước khi Alexandre Yersin phát hiện vào năm 1893. Những cô gái K”Ho đẹp một cách cuốn hút với dáng vẻ mảnh mai, eo nhỏ, mũi cao, làn da khỏe mạnh. Những nàng H Limh xưa nay biết nói tiếng Anh, tiếng Pháp mà vẫn giữ nét đẹp của dân tộc mình. Và nhiều câu chuyện tình yêu vượt rào cản ngôn ngữ, vượt địa lý đã xảy ra trên cao nguyên Lâm Viên này, nước mắt của cô H Limh xưa nay đã không còn, thay vào đó là những chuyện tình yêu đẹp như cổ tích, là những nụ cười hạnh phúc.

Theo Thừa Thiên Huế online