"Đường chân trời" sẽ cất cánh tại Huế

"Đường chân trời" là nhóm nhạc world music của các nghệ sĩ đến từ Hà Nội sẽ có những đêm nhạc mang tên “Cất cánh” đầy màu sắc với sự kết hợp âm nhạc Đông Tây, khai thác nhạc cụ và dân ca dân tộc với âm hưởng thế giới tại Festival Huế 2018. Trước ngày đến Huế, nhạc sĩ Nguyễn Thắng trưởng nhóm nhạc, trò chuyện với chúng tôi.

"Đường chân trời, cái tên thật thú vị… thưa nhạc sĩ Nguyễn Thắng?

- Cái tên này ra đời năm 2014, có được cho riêng mình một nhóm nhạc như thế này là mong muốn của tôi từ trước đó nhiều năm. Thực ra qua nhiều năm tôi chơi các nhạc cụ bộ hơi nước ngoài, nghe âm nhạc nước ngoài nhiều, tôi cảm giác chưa đủ sức để biến tác phẩm ấy như mình mong muốn, cuối cùng tôi mới tìm thấy nhạc sĩ Trần Lưu Hoàng. Cũng như là một cái duyên!

Đợt ấy Hoàng có nhờ vợ tôi (nghệ sĩ đàn tranh Phạm Thu An) chơi một bản nhạc dân gian chuyển soạn phát triển là bài “Lý Cây Bông”, tôi thấy hay quá và rất hợp với mình.

Tôi thấy Trần Lưu Hoàng khí nhạc rất phong phú dù bạn ấy không phải là một người chuyên viết về truyền thống trong khi tôi lại là người truyền thống có cái hơi hướng nhìn ra thế giới, muốn âm nhạc kết hợp với thể nghiệm. Nếu cả hai kết hợp với nhau thì sẽ làm cho tác phẩm của cả hai trở nên hay hơn, được trải rộng ra hơn nên tôi đã có lời mời với Hoàng.


Nhạc sĩ Nguyễn Thắng

Nhạc sĩ Nguyễn Thắng

Nhưng con đường đến với khán giả của một nhóm nhạc, nhất là khí nhạc, thì có lẽ khó khăn nhiều hơn nhiều so với ca sĩ và âm nhạc đại chúng?

- Cũng may thời điểm đấy tôi đang sẵn có lời mời của bên VTV làm vài tác phẩm để quay hình mà lại chơi live trực triếp trên sân khấu. Vậy là không lâu sau sau khi quyết định cùng hợp tác, tác phẩm đầu tiên là “Ruộng bậc thang” (2014).

Sau đó các thành viên chơi với nhau và gắn kết với nhau nhiều hơn, tập với nhau vài tác phẩm nữa, cho đến năm 2016, riêng cá nhân tôi viết được khoảng 6 tác phẩm: như: “Giấc mơ đại ngàn”, “Ru sen”, “Về miền ca dao mẹ”, “Mưa thu trên sông hát”, “Tiết xuân về”, “Vạt nắng xuân”…

Trần Lưu Hoàng có thêm những tác phẩm “Năm giờ sáng”, “Lý cây bông”, Inh lả ơi”… chuyển soạn phát triển rất hay. Sau đó một thời gian, sau tác phẩm đầu tiên bọn tôi chơi với nhau tập với nhau đặt tên một nhóm để muốn sinh hoạt lâu dài, khoảng 2014, tên "Đường chân trời" có sau đó, những cái số được VTV mời đã có tên này rồi.


Các nghệ sĩ nhóm nhạc Đường chân trời

Các nghệ sĩ nhóm nhạc "Đường chân trời"

Chọn dòng nhạc world music, khai thác chất liệu chính là âm nhạc truyền thống gồm nhạc cụ và dân ca cho sự sáng tạo nghệ thuật, liệu "Đường chân trời" có sợ những đâu đó có những ý kiến cho rằng như vậy là phá vỡ bố cục của âm nhạc cổ truyền?

- Tôi quan niệm thế này, nếu mà làm cái gì cũng sợ thì đừng làm kể cả làm doanh nghiệp hay mở quán cà phê cũng vậy, làm âm nhạc thì lại càng phải có những cái sự táo bạo và sự nghiêm cứu trải nghiệm. Ví dụ ca Huế mang tính chất cung đình bác học không phải dễ nghe, thường có sự man mác buồn, lần này tôi tìm ra hai bài mang tính chất cả nội dung và tiết tấu vui hơn.

Tôi thử nghiệm đưa tiết tấu âm sắc của các cây nhạc cụ, thậm chí hòa âm để cho làm mới các bài ca Huế cũ. Cụ thể, trong số tác phẩm khai thác ca Huế đợt này phối khí có tranh sáo nó là bình thường rồi, nhưng có contrabass và có phần hợp âm cột đèn của piano và có những đoạn solist của guitar, tranh…

Nói chung nó cũng không phải mới hẳn nhưng là một thứ Đường Chân Trời đưa ra, và có lẽ cũng không phải nói nhiều để xem kết quả cuối cùng (cười).

Khai thác nhiều yếu tố mới như vậy, thì lòng bản dân ca sẽ hiện hữu trong tác phẩm như thế nào, như tác phẩm khai thác ca Huế chẳng hạn?

- Sẽ vẫn là những giai điệu bài bản dân ca Huế cổ truyền, nhưng có thêm yếu tố mới. Chúng tôi rất quan tâm đến điều này và vì thế lần này mời NSƯT Diệu Hương cộng tác cùng nhóm. Diệu Hương là một nghệ sĩ gắn liền với ca Huế, là người nắm được lòng bản tốt. Cái hay của Diệu Hương là nhịp chắc, lại có làn hơi dồi dào, có nhựa sống, đó là điều chúng tôi cần cho âm nhạc của mình.

Nhóm nhạc sẽ mang gì tới Festival Huế lần này?

- Nhóm sẽ biểu diễn chương trình riêng khoảng 60 phút. Ngoài một số tác phẩm “đinh” của nhóm như “Ruộng bậc thang”, “Về miền ca dao mẹ”,… nhóm muốn sân khấu mới hơn, “phê” hơn nên đã bắt tay vào tập những bản dễ nghe hơn, ví dụ chuyển soạn các bài dân ca “Trống cơm” (Bắc bộ), “Lý chiền chiện” (Nam bộ), “Mười Thương” (Huế)... do Đào Minh Pha phối âm; “Lý ngựa ô” (Huế) do Quốc Linh phối âm... trên tinh thần rất đơn giản thôi nhưng sẽ có màu sắc mới.

Để tạo hiệu quả sân khấu phù hợp không gian, chúng tôi đã kết hợp với nhóm múa đương đại của nghệ sĩ Hồng Hạnh belly. Tôi hy vọng đây cũng sẽ là một tác phẩm hay với phần ngẫu hứng múa do Hồng Hạnh belly chịu trách nhiệm, tôi chỉ định hướng nội dung, ý nghĩa của tác phẩm. Trong khi phần âm nhạc tôi dùng hai nhạc cụ rất lạ, đáng yêu đó là Shakuachi cung rê của Nhật Bản, còn nhạc sĩ Trần Lưu Hoàng chơi dòng trống thép: lotus, hang drum.

Còn các nghệ sĩ mà nhóm nhạc giới thiệu ở Huế và sở trường âm nhạc của họ?

- Cái tôi tâm đắc là ở Đường Chân Trời các nghệ sĩ đều làm vừa có thể trực tiếp làm các bài, người có thể viết được giai điệu như tôi hay Hoàng, người lại có thể phối âm rất hay như Đào Minh Pha, Quốc Linh, như Hoàng. Hơn nữa, tất cả thành viên trong nhóm đều là các nghệ sĩ chơi thành thạo ít nhất một nhạc cụ.

Trong số các nghệ sĩ đến Huế lần này, ngoài 3 thành viên chính là tôi với tư cách tác giả âm nhạc và nghệ sĩ chơi nhạc cụ hơi; Trần Lưu Hoàng là tác giả âm nhạc và nghệ sĩ piano; nghệ sĩ đàn tranh Phạm Thu An; Đường Chân Trời còn có các nghệ sĩ Đào Minh Fha (Contrabass), Đỗ Mạnh Thắng (Trống), Lê Minh Đức (Organ, Piano), Nguyễn Quốc Linh (guitar), NSƯT Diệu Hương (ca Huế) và nhóm múa đương đại.

Chương trình có tên "Cất cánh". Ý tôi muốn nói những sự kết hợp này, giai điệu này, cung quãng này những cái hòa âm này sẽ phải được bay lên và cũng chính là để nhắc nhở nghệ sĩ từng thành viên của từng cây đàn một khi chơi solo hết mình cất cánh thăng hoa.

Khán giả tới Festival Huế muốn bay lên cùng Đường Chân Trời thế nào?

- Chúng tôi trình diễn hai đêm 28-29/4 ở hai sân khấu lớn là Cung An Đinh và Tây Thái Hòa, ngoài ra nhóm tham gia 3 buổi âm nhạc đường phố, vào các buổi chiều 28/4, chiều 30/4 và chiều 1/5.

Cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Thắng, chúc nhóm nhạc có những buổi diễn thành công!

Theo Thành Nam/Giadinh.net