Thế giới tuần qua: Trước giờ G tại “chảo lửa” Syria

 

Cuộc tấn công cuối cùng của quân đội Chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của Nga vào tỉnh Idlib chắc chắn sẽ diễn ra khi mà sự chuẩn bị về mặt quân sự đã hoàn tất, những cuộc không kích đã bắt đầu và công tác ngoại giao đã được xúc tiến.

Ngoài ra, những nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều, căng thẳng ngoại giao Nga – Anh, Ấn Độ hợp pháp hóa quan hệ đồng tính là những tin tức nổi bật trong tuần vừa qua.

1. Sức nóng từ Syria

Tình hình tỉnh Idlib-thành trì lớn cuối cùng của quân nổi dậy (hiện có hàng chục ngàn quân) đang chiếm đóng-bắt đầu nóng lên gần đây sau khi quân đội Syria đã được tăng viện và đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao xung quanh khu vực này.

Các máy bay chiến đấu Nga và Syria tiến hành ném bom, pháo binh Syria cũng phóng hàng loạt đạn cối và rocket vào các mục tiêu ở Idlib. Đây được coi là những dấu hiệu cho thấy chiến dịch tấn công Idlib của quân đội Syria sẽ mở màn trong vài ngày tới.

Tổng thống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran gặp mặt tại Tehran để bàn về tình hình Idlib. Ảnh: sputnik.ru.

Tại cuộc gặp 3 bên với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 7-9 tại Tehran, ông Putin cũng xác nhận Idlib sẽ trở thành mục tiêu lớn tiếp theo trong các chiến dịch của Nga tại Syria.

Đối với Nga và Iran, hai đồng minh của Chính phủ Syria, lấy lại Idlib là vô cùng quan trọng để hoàn thành chiến thắng quân sự trong cuộc nội chiến Syria, sau khi quân đội Syria đã kiểm soát được gần như toàn bộ các thành phố lớn, đánh bại phiến quân chống lại Tổng thống al-Assad.

Nếu khu vực này sụp đổ, xem như Tổng thống al-Assad và Nga, Iran sẽ chiếm lợi thế trên bàn đàm phán giải pháp chính trị cho Syria.

2. Hàn Quốc, Triều Tiên nỗ lực cải thiện quan hệ

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, nước này đang tìm cách chính thức chấm dứt các quan hệ thù địch với Triều Tiên trước cuối năm nay để thiết lập nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh quan hệ hai miền đã được cải thiện nhiều kể từ cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc vào tháng 4-2018.  Tổng thống Moon Jae-in dự kiến tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh song phương lần thứ ba với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng từ ngày 18 đến 20-9.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong. Ảnh: Reuters.

Trong một diễn biến liên quan đến bán đảo Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Seoul và Bình Nhưỡng dự kiến khai trương văn phòng liên lạc tại khu công nghiệp Kaesong trong tuần tới. 

Trước đó, sau chuyến thăm Triều Tiên, Đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong cho biết, hai miền nhất trí khai trương văn phòng liên lạc trước khi cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba ở Bình Nhưỡng tới đây.

Những động thái của hai miền Triều Tiên có thể được cho là nỗ lực nhằm phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ. Tại cuộc gặp mặt hồi tháng 6 ở Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong-un cùng cam kết tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

3. Căng thẳng ngoại giao Nga - Anh nóng trở lại

Những căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Anh lại gia tăng khi London thông báo nước này trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) những bằng chứng liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái Yulia ở Salisbury (Anh) hồi tháng 3 vừa qua.

Trước đó, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cũng lên tiếng cáo buộc Nga là thủ phạm đứng đằng sau âm mưu ám sát kể trên và cho biết các quan chức Anh đã đề cập đến vấn đề này với đại biện của Nga tại London và việc Anh muốn những người chịu trách nhiệm về vụ đầu độc này phải bị xét xử.

Các công tố viên Anh thông báo đủ chứng cứ để buộc tội hai công dân Nga. Ảnh: AP.

Các công tố viên Anh thông báo đã đủ chứng cứ để buộc tội hai công dân Nga Alexander Petrov và Ruslan Boshirov âm mưu sát hại cựu điệp viên hai mang người Nga cùng con gái ở Anh.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định tên của hai người đàn ông trên "không có ý nghĩa gì" đối với Nga, đồng thời nhấn mạnh việc điều tra các vụ việc như vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và phân tích kỹ lưỡng. Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi Anh hợp tác điều tra vụ việc này thay vì thao túng thông tin và đưa ra cáo buộc vô căn cứ.

Vụ đầu độc cha con cựu điệp viên hai mang Skripal để lại một hố sâu ngăn cách trong mối quan hệ giữa Moscow và London, đồng thời là nguồn cơn của những căng thẳng ngoại giao bùng phát giữa Nga và các nước phương Tây cũng như các biện pháp trừng phạt gần đây của Mỹ nhằm vào Nga liên quan đến vụ việc này.

4. Ấn Độ bỏ lệnh cấm quan hệ đồng tính

Tòa án tối cao của Ấn Độ ngày 6-9 đã bác bỏ luật thời thuộc địa hình sự hóa quan hệ đồng tính. 

Phán quyết này đặt dấu chấm hết cho hơn 150 năm luật chống giới tính thứ ba (gồm đồng tính nữ, nam, lưỡng tính và chuyển đổi giới tính - gọi tắt là LGBT). Tại mục 377, luật được áp đặt trong thời kỳ cai trị của Anh trừng phạt các vụ quan hệ đồng tính. Theo đó mức cao nhất là tù chung thân.

Cộng đồng LGBT Ấn Độ vui mừng sau phán quyết. Ảnh: lifesitenews.com.

Phán quyết lịch sử trên là đỉnh điểm của một cuộc chiến pháp lý kéo dài giành sự bình đẳng ở một đất nước mà quan niệm về quan hệ đồng tính trong xã hội ít được chấp nhận.

Điều này giúp cho những nhà hoạt động xã hội và cộng đồng LGBT ở Ấn Độ và trên khắp thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia vẫn còn hà khắc với người đồng tính, có cái nhìn tích cực hơn về một tương lai bình đẳng cho người đồng tính.

5. Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi 

Với 8 sáng kiến hợp tác lớn bao trùm hầu hết các lĩnh vực cùng khoản cam kết tài chính lên tới 60 tỷ USD mà Trung Quốc dành cho châu Phi, kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) vừa diễn ra tại Bắc Kinh một lần nữa cho thấy Trung Quốc đang khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng tại "lục địa Đen".

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – châu Phi là bức tranh tổng thể khắc họa rõ chiến lược của Bắc Kinh trên cơ sở tối đa hóa lợi ích của nước này tại châu lục được đánh giá là nhiều tiềm năng song hầu như chưa được khai thác.

Quang cảnh một phiên họp toàn thể của Hội nghị FOCAC 2018. Ảnh: umuseke.rw.

Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi sau Liên minh châu Âu (EU). Dữ liệu do Vụ châu Phi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cung cấp cũng cho thấy khối lượng giao dịch song phương đã tăng 200 lần, từ 765 triệu USD năm 1978 lên 170 tỷ USD trong năm 2017.

Sự hiện diện ngày càng rộng khắp của Trung Quốc tại châu Phi là kết quả trực tiếp của cách tiếp cận ngoại giao chủ động, thực dụng, luôn được điều chỉnh theo tình hình cụ thể mà Bắc Kinh đang theo đuổi, trong đó lợi ích quốc gia luôn được bảo đảm.

Được thành lập từ năm 2000, trải qua 6 kỳ Hội nghị, Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi là kênh tiếp xúc quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc và các nước châu Phi trên tất cả các lĩnh vực, qua đó góp phần nâng cao vai trò và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi.

6. Siêu bão Jebi, động đất tàn phá Nhật Bản

Chính quyền và người dân Nhật Bản đang nỗ lực khắc phục hậu quả của cơn bão Jebi sau khi nó tàn phá khu vực miền Tây nước này, làm ít nhất 9 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Con sóng khổng lồ nuốt chửng cảng cá Aki, tỉnh Kochi, khi bão Jebi bắt đầu đổ bộ vào Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Nhật Bản trong vòng 25 năm qua với sức gió hơn 200km/giờ. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành cảnh báo sơ tán tới hơn một triệu người. 

Bão Jebi đổ bộ sau khi miền tây Nhật Bản phải trải qua nhiều hình thái thời tiết cực đoan như mưa lớn, lở đất, lũ lụt và nắng nóng kỷ lục khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Trong lúc Nhật Bản vẫn đang nỗ lực hồi phục sau cơn bão Jebi, một trận động đất mạnh 6,7 độ tại đảo Hokkaido gây sạt lở nghiêm trọng, khoảng 120 người bị thương, ít nhất 19 người mất tích hoặc mắc kẹt trong trận lở đất.