TPP sống sót, Mỹ thất thủ

Người ta tiếc cho thỏa thuận TPP và viết nhiều lời tuyên bố về sự chấm dứt của thỏa thuận này. Nhưng một năm sau đó, tình thế đã đổi khác.

South-China-Sea-400x299.jpg

Khi Tổng thống Trump thực hiện lời hứa rút khỏi TPP ngay lập tức sau khi nhậm chức, mọi người đều nghĩ rằng TPP sẽ chết nếu không có sự tham gia của Mỹ. Người ta tiếc cho thỏa thuận này và viết nhiều lời tuyên bố về sự chấm dứt của TPP. Nhưng một năm sau đó, tình thế đã đổi khác.

Việc 11 nước thành viên còn lại ký kết một thỏa thuận sửa đổi, tên gọi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã chứng tỏ nhận thức trên là sai. Nó cho thấy rằng thay vì một thỏa thuận đình trề với sự rút lui của Mỹ, các bên còn lại có thể cùng phối hợp để phục hồi thỏa thuận này và gìn giữ những tham vọng của nó. Các bên có thể giữ những mục tiêu tự do hóa các hàng rào, đồng thời trì hoãn một số điều khoản khác với ý định mở cửa cho sự trở lại của Mỹ.

Xem xét sự khó đoán định trong chính sách thương mại của Mỹ, người ta cho rằng thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao tại châu Á-Thái Bình Dương hoặc ở bất cứ khu vực nào không nhất thiết phải có sự tham gia của Mỹ. Khi Mỹ xem xét lại về vai trò truyền thống của Mỹ như là "lá cờ đầu" của tự do hóa thương mại, sự thành công của CPTPP đã cho thấy các nước khác có thể và sẽ bước vào để lấp chỗ trống và giành vai trò lãnh đạo về thương mại từ Mỹ. Nhật Bản đã có kinh nghiệm lãnh đạo tại CPTPP, cho thấy đã đến lúc phải xem lại hình ảnh của Nhật Bản, vốn bị coi là một bên bị động trong hệ thống thương mại đa phương và là một quốc gia đàm phán một cách phòng thủ những thỏa thuận song phương có "tham vọng ít" bởi sự nhạy cảm với tự do hóa nông nghiệp của chính họ. Nhật Bản không còn như vậy nữa.

Nhật Bản đóng vai trò lãnh đạo tại TPP và sau này là CPTPP, mặc dù sự rút lui của Mỹ khiến hai mục tiêu chính của Nhật Bản trong thỏa thuận này không thể thực hiện được. Nhật Bản hy vọng đạt được một thỏa thuận về vấn đề thị trường gây chia rẽ với Mỹ, đồng thời khôi phục vai trò của Mỹ tại khu vực trong bối cảnh thay đổi cán cân sức mạnh ở khu vực này trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Quyết định của Nhật Bản phản ánh mong muốn của chính họ cũng như mong muốn của các thành viên khác rằng CPTPP cần sống sót do thỏa thuận này mở ra nhiều cơ hội chiến lược quan trọng. Nó giúp chống lại sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và củng cố hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời giúp lấp chỗ trống trong khu vực bởi sự ra đi của Mỹ khi đưa ra một sự lựa chọn đối trọng với những sáng kiến hội nhập kinh tế của Trung Quốc.

Để nắm được đầy đủ tầm quan trọng của CPTPP, cần phải nhấn mạnh tính kịp thời của nó. Thỏa thuận này đến vào thời điểm cả thế giới quan ngại về hướng đi của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khát vọng cải tổ của Trung Quốc đã suy giảm và có sự e ngại về các tác động xấu từ một số chính sách thị trường sai lầm của Trung Quốc (như chủ nghĩa bảo hộ). Mỹ đang trở nên hướng nội, dựa vào các cơ chế thương mại đơn phương và các biện pháp có tính chất bảo hộ (như áp thuế với mặt hàng nhôm và thép với lý do an ninh quốc gia). Do đó, CPTPP giúp các nước thành viên ngăn cách khỏi xu hướng đối địch của chủ nghĩa trọng thương hám lợi của Trung Quốc với chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ.

Mặc dù Mỹ phải trả giá cho sự rút lui của mình nhưng vẫn rất khó để khẳng định liệu những tổn thất đó có đủ để thôi thúc Mỹ quay trở lại CPTPP. Những dấu hiệu gần đây từ Chính quyền Trump về khả năng Mỹ tham gia CPTPP có thể xuất phát từ thực tiễn mà Mỹ không chịu thừa nhận rằng Mỹ đã hiểu sai về hướng đi của chính sách thương mại trong khu vực. Trên tất cả, CPTPP cũng phản ánh một thực tế rằng sự rút lui của Mỹ đối với TPP không thể "giết chết" thỏa thuận này, mà thay đó nó vẫn "sống sót" và đang đặt các ngành công nghiệp xuất khẩu của Mỹ vào thế bất lợi ở thị trường châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn. Tương tự như vậy, Mỹ đã nghĩ rằng có thể đạt được các thỏa thuận thương mại song phương dễ dàng với các nước trong khu vực, nhưng thực tế cho thấy chưa có nước nào sẵn sàng bước vào thương lượng với Mỹ về kiểu thỏa thuận như vậy.

Trong khi các nước thành viên CPTPP được cổ vũ tinh thần bởi một số bình luận từ Tổng thống Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin, song những tín hiệu đó không đáng tin, không thuyết phục và cũng không có tác dụng gì. Phát biểu của Trump tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos rằng ông sẽ quan tâm đến CPTPP nếu đó là một thỏa thuận tốt hơn đã rơi vào quên lãng. Đàm phán lại CPTPP không phải là triển vọng khả thi cho 11 nước thành viên bất chấp Chính quyền Trump liên tục đe dọa về mục tiêu giảm thâm hụt thương mại song phương của họ với Mỹ. Trong khi đó, Chính quyền Mỹ cũng không tin họ thực sự quan tâm đến CPTPP. Các nước thành viên CPTPP đã không chờ đợi Mỹ và họ đang sát cánh cùng nhau với một thỏa thuận vững chắc để tiến tới tiến trình phê chuẩn thành công Hiệp định này.

Tác giả là là hai chuyên gia chính sách về đối ngoại bà Mireya Solís và bà Jennifer Mason. Bài viết đăng trên trang “Brookings”.

Theo NGHIEN CUU BIEN DONG