Những điểm nóng của thế giới năm 2018

Năm 2017 đã khép lại với những điểm nóng an ninh, chính trị khắp thế giới vẫn đang tiếp diễn, báo hiệu năm 2018 sẽ “nóng” không kém gì năm qua…

1. Câu hỏi đầu tiên đặt ra là trong năm 2018, liệu căng thẳng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên có làm bùng nổ chiến tranh? Các chuyên gia dự báo, xét trên nhiều phương diện, thì Triều Tiên sẽ chưa dừng thử nghiệm các loại bom và tên lửa tân tiến. Với việc Bình Nhưỡng có khả năng tấn công đến đất Mỹ ngày càng lớn, Washington sẽ cứng rắn hơn. Song nhiều khả năng Mỹ sẽ phải thận trọng trong việc tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu bởi hành động đó có thể dẫn tới xung đột nghiêm trọng. Không bên nào muốn xảy ra chiến tranh và các vụ thử tên lửa đã giảm dần vào cuối năm 2017. Mặc dù vậy, tình trạng bế tắc chính trị vẫn khó đoán định.

2. Câu hỏi thứ hai: Liệu những cuộc khủng hoảng tại châu Âu có trở nên nghiêm trọng hơn? Năm 2017 là năm đầy bất ổn đối với châu Âu. Sau cú sốc của cuộc trưng cầu ý dân Brexit năm 2016, Pháp và Hà Lan đã bảo vệ mình thành công trước những thách thức trong bầu cử mà phe cực hữu đặt ra. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại trải qua cuộc bầu cử vào tháng 10 với số lượng cử tri ủng hộ sụt giảm và phải chật vật tìm cách thành lập chính phủ liên minh. Đầu tàu châu Âu này có nguy cơ phải tiến hành một cuộc bầu cử mới trong năm 2018.

Kết quả đầy bất ngờ mà các chính đảng ủng hộ độc lập cho Catalonia trong cuộc bầu cử tháng 12 đồng nghĩa với những căng thẳng nội bộ tại Tây Ban Nha tiếp tục sẽ là vấn đề “nóng” trong năm tới, với khả năng diễn ra một cuộc trưng cầu ý dân mới. Vấn đề nằm ở chỗ những rắc rối mà châu lục phải đối mặt chưa biến mất, nhất là sự bất bình của người dân với các chính sách nhập cư, cuộc vật lộn để duy trì Khu vực đồng tiền chung, và tất nhiên là cả các cuộc đàm phán khó khăn để tiến hành Brexit. Kết quả các cuộc bầu cử địa phương và quốc gia tại Bỉ, Cộng hòa Séc, Hà Lan, Phần Lan, Hungary, Ireland, Italy và Thụy Điển đều sẽ được dư luận theo dõi sát sao để đề phòng nguy cơ lực lượng dân túy gia tăng ảnh hưởng.

3. Liệu có đúng là nguy cơ xung đột mới bùng phát khi ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông sụt giảm? Sau những ồn ào từ việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, năm 2018 sẽ là năm Mỹ không còn nắm vị thế trung tâm trong các sự kiện khu vực. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục sứ mệnh xóa bỏ các tàn dư của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm phiến quân khác, song Washington sẽ đứng sau các quốc gia như Saudi Arabia và Iran trong những sự kiện nhiều biến động. Cuộc chiến tại Yemen nhiều khả năng sẽ tiếp tục là chiến trường đẫm máu nhất, một thảm họa nhân đạo nhưng gần như bị thế giới lãng quên. Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng, Riyadh đang âm thầm khuyến khích Israel cân nhắc kích động một cuộc chiến khác ở Liban để ngăn chặn lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn. Một diễn biến khác cần được quan tâm là mục tiêu gia tăng ảnh hưởng của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và nhất là Iraq, nơi căng thẳng đặc biệt gia tăng từ sau cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập hồi tháng 9 vừa qua.

4. Với dân số khoảng 4,5 tỷ người, cao hơn bất kỳ châu lục nào khác, châu Á là nơi quy tụ một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ. Khi Trung Quốc muốn vươn lên mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế và nhiều lĩnh vực khác, chắc chắn sẽ vấp phải sự ngăn cản ở nhiều cấp độ của các cường quốc khác. Sự “va đập” giữa các nước lớn chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nước nhỏ hơn. Ví dụ như cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ kéo dài 73 ngày tại cao nguyên Himalaya xảy ra vào giữa năm 2017. Ngoài ra, hai “người khổng lồ” châu Á này cũng là những đối thủ kinh tế của nhau. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đã xây dựng được lực lượng vũ trang hùng mạnh thứ 7 trên thế giới và có thể sẽ được củng cố hơn nữa trong năm 2018 và những năm sau đó, với quyền hạn và phạm vi hoạt động rộng lớn hơn mà Hiến pháp Nhật Bản cho phép, cũng đang tạo ra lo ngại mới với một số nước.

Không chỉ lo ngại va chạm có thể xảy ra giữa các nước lớn, năm 2018, trong lĩnh vực an ninh, tại Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, nguy cơ tiềm ẩn từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn hiện diện khi các tay súng IS chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Giới chức Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore đã cảnh báo sẽ còn xảy ra nhiều vụ bạo lực do IS kích động trong thời gian tới.

Theo MINH HÒA / QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN