Google thiệt hại gì khi cấm Huawei dùng Android

Thị phần Android sụt giảm, cửa vào thị trường Trung Quốc bịt kín là những hậu quả Google có thể gánh chịu khi cấm Huawei dùng nền tảng của mình.

Cuối tuần trước, Google tuyên bố đình chỉ giấy phép và thỏa thuận Android với Huawei. Trong tương lai, smartphone, tablet của công ty Trung Quốc sẽ không còn được cập nhật bản vá bảo mật, cũng như sử dụng các ứng dụng độc quyền như Gmail, Chrome, Play Store, YouTube... Huawei chắc chắn thiệt thòi, nhưng Google cũng phải chịu thiệt hại không kém.

Smartphone Huawei trong tương lai có thể không còn sử dụng Android. Ảnh: CNN.

Smartphone Huawei trong tương lai có thể không còn sử dụng Android. Ảnh: CNN.

Bít cửa vào Trung Quốc

Google từng kinh doanh tại Trung Quốc vào năm 2006, chấp nhận bị kiểm duyệt kết quả tìm kiếm. Google China xếp thứ 2 nhiều năm liền tại quốc gia đông dân nhất thế giới, sau Baidu. Nhưng đến 2010, công cụ tìm kiếm này bị cấm.

Từ đó đến nay, công ty Mỹ vẫn tìm cách trở lại quốc gia đông dân nhất thế giới. 9 năm qua, hãng rót khá nhiều tiền vào Trung Quốc bằng những cách khác nhau, trong đó có một cơ sở nghiên cứu trí tuệ nhân tạo lớn khánh thành 2017. Dragonfly - dự án bí mật nhằm tạo ra một phiên bản Google Search mới tại Trung Quốc, chấp nhận sự kiểm duyệt nội dung gắt gao từ chính phủ - hình thành nhiều năm nhưng cũng bị trì hoãn năm ngoái.

Tuy nhiên, sau lệnh cấm với Huawei, Google có thể không còn được chào đón dưới bất cứ hình thức nào. Điều này kéo theo nguy cơ mất trắng các dự án mà hãng tìm kiếm Mỹ đã đầu tư.

Một số chuyên gia cho biết, không riêng Google, những công ty Mỹ vừa tuyên bố ngưng hợp tác với Huawei, như Intel, Qualcomm, Broadcom, Microsoft... đều có những khoản tài chính gắn liền với hãng điện tử Trung Quốc. Điều này có nghĩa là, những dòng tiền của họ ít nhiều bị "bóp nghẹt" tại đây và khiến doanh thu, lợi nhuận trong tương lai của các bên bị ảnh hưởng.

Thị phần Android đứng trước nguy cơ sụt giảm

Để sẵn sàng cho "cuộc sống không Android", Huawei được cho là đã phát triển một hệ điều hành của riêng mình dành cho các thiết bị di động, có tên HongMeng OS, theo Global Times. Đây cũng chính là "kế hoạch B" mà ông Richard Yu - người đứng đầu tập đoàn Huawei từng đề cập trong một cuộc phỏng vấn với Die Welt - một trang tin tiếng Đức đầu tháng 3/2019. Nền tảng di động mới dự kiến ra mắt cuối năm nay.

Nếu các công ty Trung Quốc dùng hệ điều hành riêng, Android sẽ không còn vị thế như hiện tại. Ảnh: Androidauthority

Nếu các công ty Trung Quốc dùng hệ điều hành riêng, Android sẽ không còn vị thế như hiện tại. Ảnh: Androidauthority.

Vấn đề ở đây không chỉ riêng Huawei, một số chuyên gia dự đoán, chính phủ Trung Quốc sẽ sớm vào cuộc bằng cách hỗ trợ phát triển HongMeng hoặc một hệ điều hành riêng biệt và kêu gọi các hãng sử dụng Android trong nước chuyển qua nền tảng mới.

Số liệu của IDC về thị phần smartphone quý II/2019 cho thấy, top đầu bảng xếp hạng gồm Huawei (thứ 2, 19%), Xiaomi (8%, thứ tư), Oppo và Vivo (7,5% và 7,4%, thứ 5 và 6). Trong khi đó, theo Global Times, Trung Quốc đang có gần 1,4 tỷ dân. Thử tưởng tượng, nếu tất cả các hãng điện thoại Trung Quốc đồng lòng chuyển qua hệ điều hành mới, người dân cũng "tẩy chay" các hãng khác và dùng thiết bị nội địa, Android sẽ mất đi một lượng khách hàng rất đáng kể. Ngay cả khi đó là một sản phẩm chưa hoàn chỉnh, theo thời gian, nó sẽ trở thành một thách thức thực sự với Android.

Các công ty công nghệ trở thành mục tiêu hàng đầu trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ngày 15/5, bộ thương mại Mỹ đưa Huawei và 68 chi nhánh vào danh sách cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ, nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Đến 21/5, Mỹ nới lỏng một số hạn chế và đại diện Google khẳng định tiếp tục hợp tác với Huawei thêm ba tháng.

Theo IDC, Huawei là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới sau Samsung trong quý I/2019. Thị trường lớn nhất của Huawei là Trung Quốc, sau đó tới châu Âu.

Theo VnExpress