Dự báo về các biến động ở Đông Nam Á năm 2018

 

Các vấn đề: ảnh hưởng từ quan hệ Mỹ-Trung; bầu cử tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan; tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Myanmar và Thái Lan; khả năng thiết quân luật trên khắp cả nước ở Philippines sẽ là những xu hướng cần quan tâm trong năm 2018 của Đông Nam Á.

Bài viết của các tác giả thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Yuosof Ishak (ISEAS – Yuosof Ishak): Daljit Singh, chuyên viên nghiên cứu cao cấp; Tang Siew Mun, chuyên viên nghiên cứu cao cấp; Leo Suryadinata, chuyên viên nghiên cứu liên kết; Norshahril Saat, chuyên viên nghiên cứu; Moe Thuzar, chuyên viên nghiên cứu; Malcolm Cook, chuyên viên nghiên cứu cao cấp; và Pongphisoot Busbarat, chuyên viên nghiên cứu liên kết. Bài viết được đăng trên ISEAS.

Tóm tắt

•Quan hệ Mỹ-Trung và Trung Quốc-ASEAN có khả năng phát triển theo những chiều hướng khác nhau.

•Các cuộc bầu cử, và những bước chuẩn bị cho bầu cử, sẽ quyết định nền chính trị ở Malaysia, Indonesia và có thể là Thái Lan.

•Tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Myanmar và Thái Lan phải đối mặt với những thách thức di sản nghiêm trọng.

•Năm 2018 có thể thấy sự mở rộng thiết quân luật trên khắp cả nước ở Philippines.

Năm 2017, những quan ngại địa chính trị về một nước Mỹ không thể đoán định dưới thời Chính quyền Trump và một Trung Quốc quyết đoán hơn dưới thời Tập Cận Bình là những chủ đề nổi bật ở Đông Nam Á mà vẫn rất đáng chú ý trong năm 2018. Tuy nhiên, các diễn biến chính trị trong nước phần lớn tách biệt khỏi những động lực nước lớn này ở 5 trong số các nước đông dân hơn ở Đông Nam Á cũng đòi hỏi sự chú ý sát sao.

Bối cảnh địa chính trị

Năm 2017 đã thấy triết lý “Nước Mỹ trước tiên” và các chính sách của Tổng thống Trump làm lung lay niềm tin vào việc Mỹ sẵn sàng thực hiện vai trò lãnh đạo thế giới và duy trì trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc mà nước này đã thiết lập trong những năm 1940. Nhưng không có cường quốc nào khác có cả tính hợp pháp (dựa trên sự công nhận rộng rãi) lẫn phương tiện để làm vậy. Thế giới, bao gồm cả châu Á-Thái Bình Dương, sẽ trở thành một nơi xảy ra nhiều tranh chấp hơn giữa các cường quốc đối địch và do đó dễ xảy ra tình trạng căng thẳng và mất trật tự hơn.

Trong bối cảnh đáng lo ngại này, người ta có thể mong chờ điều gì ở Đông Á/Đông Nam Á trong giai đoạn 2018-2019? Vấn đề khó khăn (và nguy hiểm) về các năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sẽ là vấn đề nổi bật. Kết cục của vấn đề này có thể có tác động lớn đến hòa bình và sự ổn định cũng như các mối quan hệ nước lớn.

Điều thậm chí còn quan trọng hơn và cũng nổi bật sẽ là mối quan hệ trọng yếu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những lần thử thách về vấn đề Triều Tiên cũng như các vấn đề kinh tế và chiến lược. Giới chính sách Mỹ ngày càng lo lắng về thách thức được nhận thấy của Trung Quốc đối với các lợi ích của Mỹ ở châu Á. Văn kiện Chiến lược an ninh quốc gia được công bố tại Washington vào tháng 12/2017 xác định Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh và một nước “theo chủ nghĩa xét lại”, với việc Tổng thống Mỹ thậm chí còn nhắc đến hành động “gây hấn kinh tế” của Trung Quốc. Vậy nên quan hệ Mỹ-Trung sẽ khó khăn hơn và không khó hiểu khi Tổng thống Trump kích động tư tưởng dân tộc chủ nghĩa bài Trung Quốc ở Mỹ.

Quan hệ Trung-Nhật có thể được cải thiện, phần nào do cả hai nước đều sẽ phòng ngừa trước một nước Mỹ khó đoán định hơn. Trung Quốc cũng sẽ quan tâm đến việc chi phối dư luận Nhật Bản bằng những cử chỉ thân thiện tại thời điểm Chính phủ Nhật Bản tìm kiếm sự ủng hộ của dân chúng để sửa đổi “hiến pháp hòa bình”. Về phần mình, Nhật Bản muốn giảm bớt căng thẳng trong mối quan hệ song phương này, nhưng lại không thỏa hiệp về liên minh an ninh chặt chẽ và ngày càng được tăng cường của họ với Mỹ.

Trung Quốc sẽ tiếp tục các nỗ lực tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của họ ở Đông Nam Á thông qua nhiều phương tiện khác nhau bao gồm cả Sáng kiến “Vành đai và Con đường” và các nỗ lực chi phối dư luận và các nhóm lợi ích. Điều này sẽ bị thách thức bởi một liên minh trên biển lỏng lẻo bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Úc mà sẽ mang lại cho các nước Đông Nam Á cả cơ hội lẫn rủi ro.

Nhật Bản, Úc, Mỹ và Ấn Độ sẽ có những động thái tăng cường hợp tác quân sự nhằm phát triển một thế cân bằng không chính thức chống lại sức mạnh ngày càng gia tăng và thái độ quyết đoán được nhận thấy của Trung Quốc. Với việc Triều Tiên và các vấn đề kinh tế chi phối quan hệ Mỹ-Trung, Biển Đông có khả năng ít nổi bật hơn. Trung Quốc sẽ tiếp tục quân sự hóa các cấu trúc địa hình mà họ cải tạo, Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải (FONOP), trong khi đó ASEAN và Trung Quốc bắt đầu đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử. Tuy nhiên, nếu quan hệ Mỹ-Trung xấu đi thì vấn đề Biển Đông có thể bùng phát trở lại.

ASEAN

Singapore tiếp quản chức chủ tịch ASEAN lần thứ 4 vào năm 2018, và sẽ tập trung “tăng cường khả năng phục hồi và mở rộng khả năng đổi mới của ASEAN”. Một số sáng kiến mà Singapore sẽ làm mũi nhọn dẫn đầu bao gồm việc thực thi Cửa sổ chung ASEAN – sáng kiến sẽ nâng cao các biện pháp hỗ trợ thương mại, mở rộng thương mại điện tử trên toàn khu vực và tạo ra một mạng lưới các thành phố thông minh trên toàn khu vực ASEAN.

Năm 2018 chắc chắn sẽ là một năm bận rộn đối với ASEAN. Các nhà lãnh đạo ASEAN đến New Delhi vào tháng 1 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ lần thứ 2. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Ấn Độ sẽ có nhiều hơn một khách mời chính tại lễ duyệt binh chào mừng Ngày Cộng hòa khi 10 nhà lãnh đạo ASEAN cùng Tổng thống Shri Ram Nath Kovind có mặt trên khán đài dự lễ duyệt binh. Vào tháng 3, các nhà lãnh đạo sẽ đến Sydney để tham dự Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Úc. Một vấn đề then chốt đối với đối tác thương mại lớn thứ 7 của ASEAN là vai trò của nước này trong hợp tác an ninh Bộ tứ mới nổi với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. ASEAN sẽ phải nghiên cứu kỹ về tác động của Bộ tứ và khái niệm một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở đối với vai trò trung tâm của ASEAN và các tiến trình trong khu vực do ASEAN dẫn dắt.

Quan hệ của ASEAN với Trung Quốc đã được cải thiện rõ rệt sau khi vượt qua được cơn bão xảy ra sau phán quyết của Tòa Trọng tài vào năm 2016. Trung Quốc đã thực hiện lời hứa của họ là hoàn tất khuôn khổ cho Bộ quy tắc ứng xử (COC), và hai bên được cho là sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán về COC trong quý I/2018. Trong khoảng thời gian đó, ASEAN và Trung Quốc đang làm việc để kích hoạt Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn (CUES) trên Biển Đông, mà ASEAN hy vọng sẽ được mở rộng để bao gồm cả tàu thuyền phi quân sự (nghĩa là các lực lượng bảo vệ bờ biển và bán quân sự). Hai bên hy vọng tận dụng thiện chí này để tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên giữa họ, điều sẽ báo hiệu quan hệ chiến lược ngày càng được mở rộng.

Mặc dù quan hệ ASEAN-Trung Quốc đã trở nên ổn định, nhưng không có gì đảm bảo rằng tình trạng tích cực này sẽ tiếp diễn. Chưa thấy có tiến triển thực chất nào về COC, ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục phát triển và củng cố vị thế của mình tại các cấu trúc địa hình tranh chấp trên Biển Đông.

Trong khi đó, Singapore sẽ đảm nhận nhiệm vụ điều phối quan hệ ASEAN-EU vào tháng 8, và nhiều người sẽ theo dõi xem liệu nước này có đạt được tiến triển hướng tới thỏa thuận thương mại tự do ASEAN-EU vốn khó khăn hay không. Sát sườn hơn, tình hình bất ổn tại bang Rakhine của Myanmar có thể một lần nữa đặt ASEAN vào vị thế không thoải mái, đặc biệt là nếu cuộc khủng hoảng nhân đạo leo thang. Vấn đề người Rohingya sẽ thử thách uy tín và khả năng của ASEAN trong việc quản lý các xung đột nội khối.

Indonesia

Sẽ có 4 vấn đề nổi bật trong năm 2018. Thứ nhất sẽ là các cuộc bầu cử chính quyền địa phương được tổ chức vào tháng 6/2018. Thứ hai sẽ là thành tích kinh tế của Chính quyền Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo, vốn được xem là nguồn mang lại tính hợp pháp cho chính quyền này và cũng là một nhân tố quan trọng trong triển vọng tái đắc cử của ông vào năm 2019. Thứ ba là sự trỗi dậy của các nhóm cực đoan vốn đã thắng thế sau thắng lợi của Anies Baswedan trong cuộc bầu cử thủ hiến năm 2017 ở Jakarta, và việc cựu Thủ hiến Basuki Tjahaja Purnama có biệt danh là Ahok bị tống giam vì “báng bổ đạo Hồi”. Vấn đề cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng sẽ là những bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2019.

Ngày 27/6/2018, các cuộc bầu cử chính quyền địa phương sẽ được tổ chức đồng thời tại 17 tỉnh, 115 quận và 39 thành phố. Nhiều người sẽ theo dõi những cuộc bầu cử chính quyền địa phương này để có được những dấu hiệu cho thấy hiệu quả hoạt động của các chính đảng và ứng viên trong cuộc tổng tuyển cử và bầu cử tổng thống năm 2019. Nếu ứng viên từ những đảng trong các đảng liên minh của Jokowi có thành tích kém cỏi, thì điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tái đắc cử của ông trong năm 2019.

Ước tính mức tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong năm 2018 là 5,3%. Mức tăng trưởng ước tính năm 2017 là 5,1%, cao hơn một chút so với mức được ghi nhận trong năm 2016 là 5,02%. Tuy nhiên, thương mại bán lẻ đã giảm tốc, sức mua giảm sút và khoảng cách giàu nghèo tiếp tục mở rộng. Các nhóm nhất định đã lợi dụng điều này để tăng cường sự ủng hộ của họ đối với chủ nghĩa bản địa. Mức độ yêu mến của dân chúng đối với Jokowi vẫn cao (khoảng 60%), nhưng thành tích kinh tế mờ nhạt có thể làm thay đổi điều này.

Các nhóm phản đối Jowoki, trong đó có đảng Gerindra của Prabowo Subianto, tiếp tục lợi dụng vấn đề tôn giáo, sắc tộc và đảng Cộng sản Indonesia (PKI) như là những vũ khí dân túy để chống lại ông. Đồng thời, chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đã phát triển, và không có dấu hiệu nào cho thấy phe đối lập sẽ ngừng sử dụng các chiến thuật để chống lại Jokowi.

Malaysia

Cuộc tổng tuyển cử năm 2018 có thể là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong nền chính trị Malaysia. Nó phải được tổ chức trước tháng 8/2018, nhưng có khả năng sẽ được tổ chức vào tháng 3 hoặc tháng 4.

Nhìn chung, 2017 là một năm tốt đẹp đối với Thủ tướng Najib Razak. Ông đã có thể “chặn họng” những kẻ chỉ trích mình và loại bỏ hoàn toàn những kẻ chống đối mình ra khỏi Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) chiếm ưu thế. Đại hội đảng UMNO năm 2017 đã được tổ chức như một minh chứng cho sự ủng hộ vững chắc của đảng đối với ông.

Ngược lại, liên minh đối lập, Pakatan Harapan (PH), lại trong tình trạng hỗn loạn. Dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng, tiến sĩ, Mahathir Mohamad, nó vẫn chưa được Cục đăng kiểm hiệp hội (RoS) chứng nhận là một liên minh riêng rẽ. Ngoài lời kêu gọi chung về việc chấm dứt chế độ tham nhũng, sự thống nhất của liên minh này cũng là vấn đề còn phải bàn cãi. Ngoài ra, một số người Malaysia không thoải mái khi nhìn thấy Mahathir đứng trên cùng một vũ đài với những đối thủ lâu năm của ông là Lim Kit Sang của đảng DAP (đảng Hành động dân chủ) và Wan Azizah Wan Ismail (vợ của Anwar Ibrahim) của đảng PKR (đảng Công lý nhân dân). Mặt khác, đảng PAS (đảng Hồi giáo Malaysia) có lập trường nước đôi: Họ vẫn là một đảng đối lập, nhưng lại đứng ngoài PH, và dường như đang tạo dựng quan hệ với UMNO. Cuộc bầu cử năm 2018 có thể chứng kiến các cuộc cạnh tranh ba bên, điều sẽ có lợi cho liên minh Mặt trận quốc gia (BN) cầm quyền.

Ba vấn đề dưới đây sẽ xác định rõ ràng các cuộc bầu cử trong năm 2018:

Thứ nhất là mức độ mà phe đối lập có thể thuyết phục cử tri rằng họ có thể cùng nhau hành động. Thời gian có lẽ không đứng về phía PH, và họ phải cạnh tranh với sự phối hợp giữa bộ máy của đảng và tầm với ở cấp cơ sở của BN. Khả năng của Mahathir trong việc tập hợp cử tri ở khu vực nông thôn Malaysia sẽ quyết định liệu PH có thể làm suy yếu UMNO được hay không.

Thứ hai là mức độ mà các cuộc điều tra quốc tế về vấn đề quỹ 1MDB có thể thuyết phục cử tri rằng Najib đã quản lý nền kinh tế một cách tồi tệ. Trên mặt trận trong nước, Bộ trưởng Tư pháp đã minh oan cho Thủ tướng khỏi mọi sai phạm, và việc đưa ra những cáo buộc chống lại ông giờ đây phụ thuộc vào các cuộc điều tra liên quan đến quỹ 1MDB đang được tiến hành bởi Bộ Tư pháp Mỹ và tại các khu vực thuộc thẩm quyền ở nước ngoài.

Thứ ba là mức độ chấp nhận của cử tri đối với chiến dịch Hồi giáo hóa của Najib và UMNO. Điều này đã mở đường cho sự hợp tác với PAS, nhưng lại thúc đẩy sự ủng hộ của những người không theo Hồi giáo đối với liên minh đối lập. Nếu UMNO không thận trọng thì những người ủng hộ họ ở Sarawak và Sabah cũng có thể bỏ phiếu cho phe đối lập nếu họ thúc đẩy quá cứng rắn nghị trình Hồi giáo.

Myanmar

Những vấn đề di sản vốn ăn sâu bám rễ từ các chính quyền trước sẽ tiếp tục gây phiền toái cho Chính quyền Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD), thậm chí có thể đến tận các cuộc bầu cử vào năm 2020. Cách thức họ giải quyết xung đột sắc tộc và mâu thuẫn cộng đồng sẽ là mối quan tâm trước hết của họ.

Sự chú ý của quốc tế tập trung vào cuộc di dân lớn nhất cho đến nay của các cộng đồng người Rohingya từ bang Rakhine (theo ước tính của Liên hợp quốc là 646.000 người) sau các hoạt động quân sự hà khắc chống lại các cuộc tấn công của Đội quân cứu thế Arakan Rohingya (ARSA) vào tháng 8/2017.

Năm 2018, cách thức phản ứng của Chính quyền NLD đối với những phương diện khác nhau của vấn đề người Rohingya sẽ tiếp tục xác định rõ ràng thái độ và nhận thức ở Myanmar và đối với Myanmar. Kể từ khi NLD lên nắm quyền, ưu tiên hàng đầu của họ là chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài nhiều thập kỷ. Nhưng sự tiến triển trong điều kiện tốt nhất dường như mang tính hỗn tạp, và vai trò của quân đội với tư cách là bên đảm bảo an ninh nhà nước đã trở nên quan trọng.

Đồng thời, Chính quyền NLD đang cố gắng nhấn mạnh vai trò lãnh đạo dân dân sự trong việc phối hợp các phản ứng trước những nhu cầu nhân đạo ở bang Rakhine. Liên minh hỗ trợ nhân đạo, tái định cư và phát triển ở Rakhine đã được thành lập dưới sự bảo hộ của Văn phòng cố vấn nhà nước vào ngày 17/10/2017, do Bộ trưởng Phúc lợi xã hội, cứu trợ và tái định cư làm nhà điều phối chính.

Myanmar tiếp tục nhấn mạnh rằng vấn đề người Rohingya là một vấn đề nội bộ, và dường như muốn giải quyết trực tiếp với các bên đối thoại trong một khuôn khổ song phương hơn. Mặc dù các kênh song phương chắc chắn là quan trọng đối với việc đàm phán chi tiết về việc hồi hương với láng giềng của họ là Bangladesh, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến cách thức các tổ chức khu vực làm việc với Myanmar. Với việc quan hệ của Myanmar với Liên hợp quốc hiện đang ở thế bế tắc, ASEAN dường như là nền tảng duy nhất mà Myanmar cảm thấy đủ thoải mái để thảo luận về “tình hình ở Rakhine”.

Tất cả những điều này đã làm gia tăng sự chỉ trích của quốc tế đối với việc chính phủ – cụ thể là Daw Suu – không sẵn sàng giải quyết vấn đề người Rohingya theo đúng các nguyên tắc và khuyến nghị nhân đạo. Sự chỉ trích, vốn vẫn tiếp tục gia tăng, đã dẫn đến việc sự ủng hộ ở trong nước đối với Daw Suu, và ở một mức độ nào đó đối với quân đội, được củng cố.

Các hành động và tuyên bố về chính sách đối ngoại của Chính quyền NLD giờ đây sẽ được xem xét qua lăng kính của cuộc khủng hoảng người Rohingya. Tháng 11/2017, Chính phủ Myanmar và Chính phủ Bangladesh đã ký một thỏa thuận song phương cho “Sự trở về của những người phải rời bỏ nhà cửa ở bang Rakhine”. Bằng chứng về cam kết của hai bên sẽ nằm ở cách thức tiến hành việc hồi hương trong năm 2018.

Philippines

Việc thành phố Marawi bị một liên minh gồm các nhóm khủng bố địa phương có sự ủng hộ của khu vực và Nhà nước Hồi giáo (IS) vây hãm trong vòng 5 tháng là tin tức hàng đầu đối với Philippines trong năm 2017. Năm 2018, Marawi có thể để lại một di sản tồi tệ trên khắp cả nước.

Khi Tổng thống Duterte nhậm chức vào tháng 6/2016, ông đã đảo ngược chính sách an ninh của người tiền nhiệm. Việc tìm kiếm các giải pháp chính trị nội bộ cho tình trạng nổi loạn kéo dài của người Moro ở khu tự trị Hồi giáo Mindanao, chứ không phải là mối đe dọa từ Trung Quốc ở Biển Đông, đã trở thành mối ưu tiên hàng đầu.

Cuộc vây hãm Marawi, khiến phần lớn thành phố lớn nhất ở khu tự trị Hồi giáo Mindanao bị hư hại, và việc không thể mang lại bất kỳ tiến triển rõ rệt nào trong tiến trình hòa bình với nhóm nổi dậy lớn nhất của người Moro cho thấy rằng năm 2018 sẽ không chứng kiến một sự cải thiện lớn nào liên quan đến cuộc nổi loạn của người Moro.

Khi cuộc vây hãm Marawi bắt đầu, Tổng thống Duterte, được sự ủng hộ đông đảo của các nhà lập pháp, đã nhanh chóng tuyên bố thiết quân luật trên toàn Mindanao. Ông lập luận rằng cuộc vây hãm là một hành động nổi loạn cho phép tuyên bố thiết quân luật. Tòa án tối cao đã nhất trí và tạo ra một tiền lệ pháp lý rất dễ dãi cho những tuyên bố về thiết quân luật trong tương lai.

Việc chấm dứt các cuộc đàm phán hòa bình với những người Cộng sản có thể mang lại cho Tổng thống Duterte, người thường xuyên khen ngợi những lợi ích của thiết quân luật và thậm chí là một chính phủ cách mạng, cơ sở để mở rộng thiết quân luật ra cả nước. Tổng thống Marcos đã lợi dụng chính mối đe dọa từ phía những người Cộng sản này như là lý do chính để tuyên bố thiết quân luật trên cả nước từ năm 1972 đến năm 1981. Nếu cuộc vây hãm Marawi mang lại cơ sở pháp lý để tuyên bố thiết quân luật trên toàn Mindanao, thì các cuộc tấn công của Quân đội nhân dân mới có thể mang lại cơ sở để mở rộng thiết quân luật bên ngoài Mindanao.

Nhiều người ở Philippines đã hy vọng rằng thiết quân luật trên toàn quốc là một việc thuộc về quá khứ, là tai tiếng dưới chế độ độc tài Marcos. Tổng thống Duterte, một người hâm mộ Marcos, có thể không nhất trí với điều này.

Thái Lan

Lễ hỏa táng Quốc vương Bhumibol Adulyadej quá cố theo nghi thức hoàng gia vào tháng 10/2017 đã đánh dấu sự chuyển tiếp của Thái Lan sang một kỷ nguyên chính trị mới. Những sự không chắc chắn tiềm tàng đang dần che mờ di sản của quốc vương quá cố, người đã mang lại cho vương quốc này sự ổn định và khả năng dễ đoán định trong 7 thập kỷ qua. Những dàn xếp về quyền lực giữa quân đội, hoàng cung và chính phủ vẫn chưa chắc chắn sau cuộc đảo chính năm 2014.

Trước hết, mối quan hệ giữa quân đội và hoàng cung sẽ tiến triển như thế nào là điều vẫn chưa chắc chắn. Quốc vương mới, Maha Vajiralongkorn, đã lựa chọn một cách tiếp cận trực tiếp hơn để truyền tải cách thức đáp ứng những mong muốn của ông, chẳng hạn như bằng những sắc lệnh mở rộng quyền lực của ông, đặc biệt là trong các vấn đề của hoàng cung và các vấn đề về tài sản và quân sự nào đó. Mặc dù mối quan hệ giữa hai trung tâm quyền lực này bề ngoài không thấy có xung đột nào, nhưng mức độ mà quân đội thích ứng với cách tiếp cận mới này là điều chưa rõ ràng.

Để hạn chế những sự không chắc chắn, quân đội đã xây dựng một cấu trúc chính trị mới thông qua hiến pháp mới. Nó trao cho các nhà lãnh đạo quân sự quyền bổ nhiệm các thượng nghị sĩ có quyền phủ quyết và mở ra một vài kênh cho khả năng có một thủ tướng không qua bầu cử. Quân đội chắc chắn sẽ có khả năng sử dụng ảnh hưởng của họ trong lĩnh vực lập pháp sau cuộc bầu cử tiếp theo bất cứ khi nào có thể, thông qua thượng viện hoặc trực tiếp thông qua vị trí thủ tướng.

Vụ án nhằm vào cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra liên quan đế chương trình trợ giá gạo và cuộc tẩu thoát đáng ngạc nhiên của bà khỏi Thái Lan vào tháng 8/2017 đã bổ sung thêm một sự không chắc chắn nữa cho năm 2018, đặc biệt là trong nội bộ phe phái ủng hộ Thaksin. Nó giúp hợp pháp hóa chính phủ quân sự và làm cho cán cân quyền lực chính trị nghiêng về phía nhóm chống lại Thaksin. Cùng với kế hoạch hiến pháp mới, các chính đảng ủng hộ Thaksin, vốn chi phối các cuộc bầu cử trong vòng 2 thập kỷ qua, có thể không có khả năng giành được đa số hay thành lập một chính phủ đa số sau cuộc bầu cử tiếp theo.

Vụ án Yingluck sẽ ảnh hưởng đến nền chính trị Thái Lan ở một vài phương diện ngoài các cuộc bầu cử. Về mặt tích cực, nó sẽ báo cho các chính quyền tương lai biết rằng tham nhũng có thể dẫn đến một số phận pháp lý và chính trị tương tự như những gì mà bà Yingluck và các quan chức chính phủ khác đã phải chịu. Mặt khác, quyền tư pháp sẽ bao phủ rộng liên quan đến nhánh hành pháp. Điều này có thể dẫn đến các chính sách ít đổi mới hơn mà có khả năng đáp ứng các nhu cầu của dân chúng kém hơn, vì các chính sách phải được xây dựng sao cho phù hợp với kế hoạch dài hạn của chính quyền quân sự. Sự tiến triển này sẽ lại đặt nền chính trị Thái Lan vào tay bộ máy quan liêu và các nhà kỹ trị mà mục tiêu thể chế mang tính bảo thủ của họ là duy trì nguyên trạng.

Bất chấp những nỗ lực để đạt được sự ổn định và giảm bớt ảnh hưởng của gia đình Shinawatra, cuộc tranh giành chính trị kéo dài một thập kỷ của Thái Lan vẫn tiếp diễn. Vì một tiến trình hòa giải dân tộc được chấp nhận rộng rãi vẫn chưa diễn ra, nên Thái Lan sẽ phải chịu đựng những căng thẳng gay gắt giữa các nhóm đang tranh giành quyền kiểm soát nhà nước trong tương lai có thể thấy trước.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG