“Góp gió” cho “trận bão” cách mạng thành công

Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam hiện còn lưu giữ hơn 180 tờ truyền đơn cách mạng trong giai đoạn trước tháng 9/1945. Đây là những chứng tích ghi dấu một thời hào hùng đấu tranh giành lại độc lập. Cùng với những phương thức tuyên truyền khác, truyền đơn cách mạng đã góp phần với những nét khá đặc sắc trong thắng lợi chung của cả dân tộc.

Truyền đơn của Việt Minh kêu gọi phá kho thóc của Nhật

Dễ làm, dễ sử dụng và có hiệu quả cao

Cũng như báo chí và những tài liệu cách mạng khác, những tờ truyền đơn cách mạng đều được in trong những điều kiện ngặt nghèo. “Nhà in” bí mật, “thợ in” cũng bí mật, vật liệu để in (giấy, mực, đá in…) cũng đều phải bí mật chuẩn bị. Công việc in truyền đơn phải tìm đủ mọi cách để che mắt mật thám. Dù vậy truyền đơn cách mạng xuất hiện ngày càng phổ biến.

Khác với báo hoặc tạp chí, những nội dung của truyền đơn cách mạng thường ngắn gọn, có tính hiệu triệu cao nên được quần chúng dễ dàng tiếp nhận, ghi nhớ và làm theo. Tác dụng của truyền đơn cách mạng có thể nói là gần như ngay lập tức với nhiều tầng lớp dân chúng, từ người lao động đến thanh niên, học sinh, trí thức. Những tờ truyền đơn nhỏ bé, nội dung ngắn gọn, kỹ thuật chế bản vô cùng thô sơ, số lượng cũng không nhiều nhưng chứa đựng sức mạnh tinh thần to lớn. Chỉ riêng việc truyền đơn xuất hiện cũng đã có tác dụng khích động phong trào mạnh mẽ. Đặc biệt, truyền đơn thường xuất hiện nhiều trong những dịp kỷ niệm (ngày 1/5, ngày 8/3, ngày sinh của Lênin, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Công xã Pa-ri, Cách mạng Tháng mười Nga… ), nhân có sự kiện lớn (Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, khởi nghĩa Bắc Sơn, “Nhật - Pháp bắn nhau”, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh…)  nên càng có tác dụng động viên, cổ vũ, tập hợp quần chúng và định hướng hành động. Chính vì sự “nguy hiểm” đó mà chính quyền thực dân luôn lo sợ, đề phòng và tìm mọi cách để “tìm - diệt” truyền đơn cách mạng.

Truyền đơn của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (Ảnh tư liệu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Sáng tạo, kịp thời và mang hơi thở sinh động của cách mạng

Những tờ truyền đơn cách mạng thường có kích thước nhỏ để dễ in, dễ giấu, dễ rải và những người “nhặt được” cũng dễ đọc, dễ truyền tay nhau. Nhưng không vì thế mà nội dung truyền đơn không được chuẩn bị kỹ lưỡng. Ở đó chứa đựng cả trí tuệ và tâm huyết của những người chiến sĩ cách mạng. Thường thì các cấp ủy, các đồng chí lãnh đạo chỉ nêu chủ trương, giao nhiệm vụ, còn công việc chuẩn bị nội dung, in và rải  truyền đơn do những người trong “tổ truyền đơn” tự tìm cách thực hiện với muôn kiểu  sáng tạo. Những tờ truyền đơn với nét chữ mộc mạc, hình vẽ đơn sơ thường được bí mật in li-tô, in thạch rồi được chia đi rải ở những “mục tiêu” định trước - thường là những nơi đông người như chợ, rạp hát, nơi công cộng khác. Trong giai đoạn chuẩn bị khởi nghĩa, các đội viên thanh niên tuyên truyền xung phong Hà Nội còn rải truyền đơn tại các trường học với nhiều kịch bản, nhiều người tham gia hỗ trợ, bảo vệ nhau. Thậm chí còn tìm cách báo trước cho nhau thời gian và nơi rải truyền đơn để rủ nhau cùng ra “nhặt”. Truyền đơn còn được “tuồn” vào công xưởng, trại lính làm những kẻ cai trị mất ăn mất ngủ vv...

Đọc nội dung các tờ truyền đơn cũng có thể mường tượng hình ảnh của từng giai đoạn đấu tranh cách mạng. Có tờ truyền đơn dài cả trang chữ nhưng cũng có tờ truyền đơn chỉ gồm vài dòng với vài chục chữ, cô đọng, súc tích như một lời hiệu triệu. Có truyền đơn theo sát diễn biến tình hình thế giới đến từng giờ. Ngày 6/6/1944, quân Đồng minh đổ bộ vào châu Âu, cùng ngày Việt Minh đã có truyền đơn Mặt trận thứ hai đã mở: “Mặt trận thứ hai chính thức đã mở ở Tây Âu… Hỡi quốc dân đồng bào! Dịp tốt cho ta khởi nghĩa sắp tới”  (Truyền đơn cách mạng trước tháng 9/1945, Sđd, tr. 268).

Tháng 8/1945, liên tiếp có truyền đơn báo tin Ủy ban dân tộc giải phóng đã thành lập!, truyền đơn in Lời hiệu triệu của Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức là Chính phủ lâm thời), truyền đơn in Tuyên ngôn của Ủy ban dân tộc  giải phóng Việt Nam… Tờ truyền đơn cuối cùng được sưu tầm trong giai đoạn khởi nghĩa giành chính quyền có nội dung giới thiệu lá quốc kỳ mới có  nền đỏ sao vàng và kêu gọi “Đồng bào ta sắm sẵn, có dịp hãy treo. Cờ ấy là cờ độc lập. Cờ ấy là cờ giải phóng”. Tờ truyền đơn nhiều ý nghĩa đó cũng khép lại giai đoạn đấu tranh kiên cường, bất khuất giành lại độc lập dân tộc của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tuyên truyền chính trị bằng truyền đơn là hình thức đã có trước đó trên thế giới, được các tổ chức chính trị sử dụng trong thời cận - hiện đại. Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, các chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã sử dụng truyền đơn khá phổ biến và có nhiều hiệu quả. Những tờ truyền đơn cách mạng mang nhiều sức mạnh truyền cảm, có lúc như tiếng kèn tập hợp lực lượng, kêu gọi xung trận, có khi tâm tình vận động, có lúc thuyết phục đanh thép… Để có những tờ truyền đơn và mang nó vào phong trào quần chúng, các chiến sĩ  cách mạng đã dồn vào đó cả tâm lực và trí lực, đã có cả một quá trình phấn đấu hy sinh, đối mặt với nhiều sự đàn áp, nhiều khi phải đổi bằng những năm tháng tù đày và cả tính mạng của mình. Nhưng những sự hy sinh đó không uổng phí.

Không nằm ngoài phong trào cách mạng chung, Thừa Thiên Huế là cái nôi của nhiều phong trào cách mạng, là nơi ghi dấu trưởng thành của nhiều chiến sĩ cách mạng lỗi lạc: Nguyễn Tất Thành, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh... Nhiều lớp học sinh Quốc Học đã truyền tay nhau những tờ rơi cách mạng rồi cùng đứng vào đội ngũ. Thừa Thiên Huế cũng là nơi xuất hiện truyền đơn cách mạng từ rất sớm sau ngày thành lập Đảng. Ngày 24/4/1930, truyền đơn tuyên truyền của Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên xuất hiện ở nhiều nơi trong TP. Huế. Từng tờ truyền đơn mỏng manh, nhỏ bé, thô sơ nhưng mang sức mạnh chính trị tinh thần to lớn đã “góp gió” để tạo thành “trận bão” cách mạng mạnh mẽ giành thắng lợi.

TS. Ngô Vương Anh