VI HÀNH?!

 

“Vi hành” theo nguyên văn tiếng Pháp là “Incognito” có nghĩa cải trang thành người khác, dùng tên giả. Đó cũng là tiêu đề một truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc, rất tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật truyện và kí của ông trong những năm hoạt động trên đất Pháp.

Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm này cũng khá đặc biệt. Năm 1922 thực dân Pháp đưa vua bù nhìn Khải Định sang dự cuộc đấu xảo thuộc địa (một thứ hội chợ) ở Mácxây để lừa gạt nhân dân Pháp. Vị quốc vương An Nam sang Pháp để tỏ thái độ hoàn toàn thần phục nước Pháp, để cảm tạ chính phủ Pháp đã có công bảo hộ, khai hóa dân tộc mình và đặc biệt là cầu xin “mẫu quốc” tiếp tục dìu dắt An Nam trên con đường đi tới sự thịnh vượng. Và như vậy thì tình hình Đông Dương đã ổn định. Nhân dân Pháp nên ủng hộ chính phủ đầu tư vào đó, để khai thác nhiều của cải và khai hóa cho những người dân bản địa ở cái xứ sở mông muội này.

Đây chẳng qua cũng là một thủ đoạn chính trị của bọn cầm quyền Pháp để lừa gạt dư luận mà thôi.

Ngày 20/5/1922, vua Khải Định cập bến Marseille sau 1 tháng đi tàu biển từ Việt Nam. Đây được coi là chuyến công du đầu tiên của một vị vua nước Việt ra nước ngoài mà đặc biệt là Pháp.

Nhân sự kiện vua Khải Định tới Pháp, nhà cách mạng Phan Chu Trinh đã gửi một bức thư dài trách Khải Định 7 tội, thường gọi là Thư thất điều hay Thất điều trần. Trong bức thư đó ông chỉ gọi là Bửu Đảo chứ không gọi vua Khải Định và trách Khải Định tội "ăn mặc lố lăng".

Lúc đó Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Pháp, ông đã viết “Vi hành” vào đầu năm 1923 cùng với những tác phẩm khác như “Con rồng tre”, bài báo “Sở thích đặc biệt” để làm vũ khí chiến đấu. Tác phẩm được viết bằng Pháp văn và đăng trên báo “Nhân đạo” – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp.

Viết tác phẩm Vi hành, nhằm vào rất nhiều mục đích Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo bản chất bù nhìn của ông vua bù nhìn Khải Định, đồng thời chỉ rõ cho nhân dân Pháp thấy rõ Khải Định không hề là đại diện cho nước An Nam sang Chính quốc mà chẳng qua cũng chỉ là con rối trong tay bọn cầm quyền Pháp.

Hành động vi hành lén lút, xấu xa của Khải Định đã nói lên điều đó. Truyện ngắn “Vi hành” đã vạch trần luận điệu xảo trá của thực dân Pháp: chúng muốn tung ra dư luận, những danh từ “bảo hộ”, “khai hóa” ở Đông Dương để che đậy cho hành vi xâm lược trắng trợn, dã man của chúng. “Bảo hộ”, “khai hóa” gì lại bằng “rượu cồn, thuốc phiện” làm cho mọi người hiểu đúng bản chất thực dân xâm lược của Pháp. “Vi hành” đã đánh thẳng vào luận điệu đó. Đồng thời tố cáo bọn mật thám Pháp luôn theo dõi, rình rập gắt gao những người Việt Nam yêu nước trên đất Pháp.

Đó là những mục đích cơ bản của tác phẩm “Vi hành”. Có thể nói truyện ngắn “Vi hành” như là một mũi tên đã bắn trúng ba mục đích. Dùng văn chương làm thứ vũ khí lợi hại trên con đường hoạt động cách mạng, “Vi hành” là lưỡi gươm sáng ngời mà Người đã vùng lên trong quá trình đi tìm đường cứu nước, nó đánh thẳng vào bộ mặt của bọn đế quốc, bù nhìn, thực dân.

Ảnh:
1,2- Khải Định được "dẫn dắt" của 1 quan chức nước Pháp.


3,4- Sự ngô nghê của Khải Định cùng con trai Vĩnh Thụy (sau này là vua Bảo Đại) đặt hoa tại đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh tại Paris.


5- Khu triển lãm của xứ Bắc Kỳ tại Hội chợ thuộc địa Marseille.


6- Sau khi tham dự Hội chợ thuộc địa ở Marseille, vua Khải Định đã đi tàu hỏa tới Paris cùng vô số tùy tùng của mình. 


7- Vua Khải Định bị choáng ngợp khi xem đua ngựa cùng tổng thống Pháp Millerand tại giải Grand Prix de Paris.


8- Một bức ảnh khác của Vua Khải Định thăm Hội địa lý Pháp.