Tự vệ và giúp bạn (Kỳ 3)

 

Các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã không quản hy sinh, sát cánh cùng Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ thần tốc, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, đưa đến thắng lợi ngày 7-1-1979 của cách mạng Campuchia. Thế nhưng, sứ mệnh lịch sử cao cả ấy của Việt Nam không phải đã được nhìn nhận một cách thỏa đáng ngay từ ban đầu, thậm chí còn mất tới “hơn 30 năm người ta mới công nhận” như lời Thủ tướng Hun Sen khẳng định trong cuộc trò chuyện với các cựu chuyên gia, cựu Quân tình nguyện Việt Nam tại Hà Nội vào tháng 12-2013...

Trao đổi qua thư điện tử (email) với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, GS Carlyle Thayer tại Đại học New South Wales (Australia) cho biết, cuộc chiến tranh tại Campuchia vào cuối năm 1978 đầu năm 1979 xảy ra trong bối cảnh thế giới đang ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh-quan hệ quốc tế bị phân cực. Vì vậy, giới học giả quốc tế đã áp đặt bối cảnh Chiến tranh Lạnh vào cuộc chiến tranh này, xem đây là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Thế nhưng, sau đó, giới học giả dần bắt đầu nhận thấy cuộc chiến tranh tại Campuchia có nguyên nhân của riêng nó. “Các tài liệu công khai cho thấy rõ rằng Việt Nam đã liên tục gửi đi những thông điệp bác ái tới Campuchia Dân chủ của Khmer Đỏ cho tới khi quan hệ giữa hai bên xấu đi trầm trọng. Việt Nam liên tiếp bị Khmer Đỏ tấn công từ năm 1976. Tôi đã theo dõi sát sao cuộc xung đột gia tăng giữa Khmer Đỏ và Việt Nam trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Lần đầu tiên tôi đến Phnom Penh là vào năm 1981 và tiếp tục quay lại đây trong những năm sau đó. Năm 1993, tôi đến Campuchia với tư cách là quan sát viên quốc tế cho cuộc bầu cử đa đảng được tiến hành dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Tôi luôn bị thuyết phục rằng hành động của Việt Nam là để tự vệ. Giờ đây, việc Việt Nam đưa quân đội sang Campuchia đã được thừa nhận rộng rãi là một hành động tự vệ”, GS Carlyle Thayer chia sẻ.

Bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia phối hợp đánh địch. Ảnh tư liệu.

Theo GS Carlyle Thayer, lúc bấy giờ, nhiều quan chức và sĩ quan quân đội Khmer Đỏ, trong đó có cả Thủ tướng Campuchia Hun Sen hiện nay, biết rất rõ nạn diệt chủng mà chế độ này tiến hành nên đã ly khai, đào thoát sang Việt Nam và tìm cách tập hợp lực lượng cứu nước. “Vì vậy, một lý do quan trọng khác để Việt Nam đưa quân đội sang Campuchia là nhằm chấm dứt sự cai trị man rợ của Khmer Đỏ và hỗ trợ những người dân Campuchia vẫn mong mỏi sự giúp đỡ của Việt Nam. Nếu không có sự ủng hộ và giúp đỡ của Việt Nam thì đã không có Cộng hòa nhân dân Campuchia, không có Nhà nước Campuchia và chắc chắn không có Vương quốc Campuchia ngày nay”, GS Carlyle Thayer nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Carl Robinson, cựu phóng viên chiến trường của hãng tin AP tại Việt Nam giai đoạn 1968-1975, giới học giả và sử gia quốc tế hiện nay đều có chung nhận định, việc Việt Nam đưa quân đội sang Campuchia để lật đổ Khmer Đỏ là điều dễ hiểu trước những hành động khiêu khích, luận điệu đe dọa và hành vi xâm phạm biên giới Tây Nam của tập đoàn Pol Pot. “Việt Nam chắc chắn đã nắm được mức độ tàn bạo của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ dựa trên thông tin từ những người đào thoát và tị nạn Campuchia chạy qua biên giới. Trong khi đó, thế giới chỉ biết được sự thật đầy đủ về nạn diệt chủng tại Campuchia sau khi Việt Nam đưa quân đội sang lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Tôi cũng đồng ý rằng, việc Việt Nam đưa quân đội sang Campuchia là đáp lại lời kêu gọi của những nhà lãnh đạo Campuchia vốn đã vỡ mộng với Khmer Đỏ”, ông Carl Robinson khẳng định trong cuộc trao đổi qua email với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Ông Carl Robinson cho rằng, thật khó có thể tưởng tượng là đất nước Campuchia có thể tồn tại được nếu như chế độ Khmer Đỏ tiếp tục cai trị thêm vài năm. Theo ông, dưới chế độ Khmer Đỏ, đất nước Campuchia chẳng khác nào một ngục tù khổng lồ, người dân bị giết hại, nền văn hóa bị phá hủy. Thế nhưng, cựu phóng viên chiến trường của AP cũng chỉ ra rằng, lúc bấy giờ, người ta lại giải quyết vấn đề Việt Nam đưa quân đội sang giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ Khmer Đỏ một cách “tệ hại”, thậm chí còn xem đây là cái cớ để “trả thù” và “trừng phạt Việt Nam”. “Đừng quên rằng chính họ đã tích cực bảo vệ Khmer Đỏ một cách thừa thãi trên bình diện quốc tế trong nhiều năm sau đó”, ông Carl Robinson nêu rõ.

Trong cuốn sách “Tam giác Trung Quốc-Việt Nam-Campuchia” xuất bản năm 1981, nhà báo Australia Winfred Burchett khẳng định, chính Quân đội nhân dân Việt Nam đã bẻ gẫy xương sống của các lực lượng Khmer Đỏ, từ đó tạo điều kiện cho nhân dân Campuchia nổi dậy và đập tan nhanh chóng chế độ Pol Pot. “Một khi bị Quân đội nhân dân Việt Nam giáng cho những đòn phủ đầu, chúng lập tức tan rã như tuyết bị đưa lên bếp nóng”, nhà báo Winfred Burchett viết.