Tham nhũng ở VNCH – tấn bi hài kịch của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

“Tôi nhìn thấy Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ bị bại trận như thế nào – không phải vì sức mạnh của đối thủ, mà vì những sai lầm của chính họ, sự bất lực của chính họ” – William J. Lederer

Bài viết của tác giả William J.Lederer đăng trên tạp chí Der Spiegel số 44/1968 (28/10/1968)

Mỗi một chính phủ được Hoa Kỳ giúp nắm lấy quyền lực ở Việt Nam đều chứng tỏ là mình không có khả năng. Tất cả họ đều bị người dân Việt Nam khước từ: đầu tiên là chế độ người Pháp, rồi chính phủ Ngô Đình Diệm, cuối cùng, sau một thời gian đảo chính và đảo chính ngược lại, chính quyền quân đội dưới Tướng Thiệu và Thống chế Kỳ.

Một thước đo cho tính kém cỏi của các chế độ khác nhau là quy mô của tham nhũng trong chính phủ. Ở đây, tôi không nói về thói quen châu Á đã được chấp nhận chung của “tiền boa” thích đáng cho những dịch vụ đã được thực hiện – một thói quen đã phát triển từ việc trả lương thấp truyền thống cho nhân viên nhà nước.

Tham nhũng ở Việt Nam đã đi quá xa quy mô truyền thống này. Ví dụ như nó là cách thông thường để có được một chức vụ trong chính phủ, và cũng là lý do thông thường để ham muốn chức vụ đấy – và là ở tất cả các bậc của hệ thống, từ dưới lên trên, từ viên cảnh sát đến tướng lĩnh hay tỉnh trưởng.

Tôi biết chợ đen Việt Nam lần đầu tiên ở Sài Gòn. Tôi giải thích cho viên sĩ quan của Public Relation của Lục Quân trong Juspao (Joint United States Public Affairs Office), rằng tôi muốn đi hành quân với quân đội, và hỏi rằng tôi có thể mua quân phục và giày ủng đi rừng ở đâu.

“Chúng tôi có rất nhiều thứ cho phóng viên, nếu như họ có đúng các loại giấy tờ”, ông ấy trả lời và đưa cho tôi một giấy phép mua quân phục trong cửa hàng PX riêng của quân đội.

Một người bạn chở tôi trên chiếc xe gắn máy của anh ấy đến cửa hàng PX lớn trong khu phố người Hoa Chợ Lớn của Sài Gòn. Ở bên ngoài khu vực được bảo vệ bằng bao cát và lính Mỹ cầm súng có một bãi đậu xe cho khách hàng. Ở đấy, có những đứa bé người Việt chạy đến với cánh tay chìa ra và đòi “tiền giữ xe Jeep (hay xe máy)” – để đừng “có người” cắt dây của bộ đánh lửa hay xì hơi ra khỏi bánh xe.

Một hạ sĩ quan dẫn tôi đến gian quân phục. Nhưng khi tôi đưa cho người bán hàng tờ giấy phép của tôi, ông ấy lắc đầu: “Từ nhiều tháng nay chúng tôi đã không còn quân phục và giày ủng đi rừng nữa.”

“Anh nghĩ khi nào thì có hàng mới?”

Ông ấy bất lực giơ hai tay lên và nhún vai.

Bạn tôi và tôi trở ra đường, sửa chữa dây đã bị cắt ngang của bộ đánh lửa ở chiếc xe gắn máy và chạy trở về Juspao. Ở đấy, tôi tường thuật lại cho viên sĩ quan Public Relation, rằng cửa hàng PX không có sẵn quân phục đi rừng. Ông ấy cười và nói rằng tôi phải cố mua chúng ở nơi mà cả ông ấy và người của ông ấy cũng mua chúng – ở chợ đen. “Có thể là người ta sẽ yêu cầu ông trả nhiều hơn một vài USD, nhưng bù vào đấy thì trang thiết bị bao giờ cũng có ở đó và đủ các cỡ.”

Tôi đi dọc theo con đường, ngang qua ngôi nhà của USO (United Service Organisation), qua những chợ bán hoa và quán ăn. Sau khoảng năm phút, tôi gặp “Chợ Đen Nhỏ” (cái tên này nói rằng ở nơi khác còn có chợ lớn hơn nữa).

Hàng trăm khách hàng, trong số họ có bốn hạ sĩ quan Mỹ, một đại úy Lục Quân và một sĩ quan hành chính của Hải Quân Mỹ, chen qua các gian hàng đầy người và xem xét hàng được bày bán. Bốn cảnh sát người Việt giữ trật tự.

Các loại hàng PX được ưa chuộng đều có cả: rađiô bán dẫn, chăn, máy nướng bánh mì, máy trộn, đồng hồ đeo tay và những loại đồng hồ khác, bút mực, thuốc điếu, thuốc lá, áo sơ mi, máy truyền hình, máy chụp ảnh, phim, hàng vệ sinh, dược phẩm, đồ lót phụ nữ, tất, nhiều loại rượu mạnh ngon nhất của Mỹ và hầu như tất cả các loại đồ hộp có trong cơ quan hậu cần của quân đội.

Tôi hỏi một nhân viên người Việt Nam, rằng có phải là phạm luật không, khi bán hàng được ăn cắp ra từ cửa hàng PX. Tất nhiên điều đấy là vi phạm luật pháp, ông ấy trả lời tôi; nhưng hoàn toàn không thể chứng minh được rằng các loại hàng hóa này thật sự là hàng ăn cắp. Tôi chỉ ra rằng hầu như món hàng nào cũng mang nhãn PX và cửa hàng PX chắc chắn là người duy nhất nhập những loại hàng này.

“Đúng là vậy”, ông ấy trả lời, “nhưng ở trong nước này, để có thể tuyên bố hàng đấy là hàng ăn cắp thì phải bắt được quả tang tên ăn cắp. Người ta phải hết sức cẩn thận với những lời buộc tội. Dấu PX đóng trên chai cognac này có lẽ cũng là một nhãn hiệu?”

Trên đường tìm quân phục và ủng đi rừng, tôi đi qua lại các gian hàng, nhưng không thể phát hiện ra chúng ở đâu cả. Rồi một người phụ nữ bán hàng ở chợ đen bước đến với tôi và hỏi tôi bằng tiếng Anh, tôi tìm gì. Tôi nói cho bà ấy biết, sau đấy bà ấy nói: “Chúng tôi có đủ quân phục – mũ, quần, giày, áo, tất cả những gì mà ông muốn có. 4800 đồng hay 30 USD. Ông có muốn không?”

“Tôi muốn nhìn thấy chúng trước đã.”

“Ông có mua nếu như chúng còn hoàn toàn mới và đúng cỡ không?”

“Vâng, tất nhiên rồi. Tôi có phải trả tiền ngay bây giờ không?”

Người đàn bà quay sang một đứa trẻ, nói điều gì đấy bằng tiếng Việt và đưa cho nó một tờ giấy. “Ông đi theo thằng bé này và trả tiền khi ông nhận được trang bị.”

Đứa bé dẫn tôi đi dọc theo con đường vào một cửa hàng có bày bán bình bằng đồng ở cửa sổ. Một người đàn ông già lạch cạch với những hạt của một cái bàn tính. Ông già lặng lẽ dẫn tôi đi qua cửa sau của cửa hàng, qua một sân trong vào một hành lang có mùi hôi của rau cải thối, và rồi lên hai cái cầu thang tối tăm cũng như hôi thối vào trong căn gác của một ngôi nhà khác.

Ở đây trông giống như trong một kho vũ khí của quân đội Mỹ. Tất cả dường như được sơn màu nâu và có mùi dầu hay mùi sơn còn mới. Trang thiết bị, có gắn bảng giá được in ra, được dựng thành hàng ngay ngắn. Súng tự động có giá 250 USD, một súng cối hạng nặng 400 USD.

Khoảng 1000 cây súng Mỹ nhiều loại khác nhau được xếp thành hàng ngay ngắn. Một cây M-16 có giá 80 USD. Treo ở phía bên kia của căn gác là quân phục của tất cả các binh chủng, kể cả của Không Quân Mỹ. Ngay thiết bị lặn của Hải Quân cũng có.

Người đàn ông già hỏi số của tôi và rồi mang ra cho tôi bộ quân phục và giày ủng như ý muốn.

Sau đó, cũng vào tối hôm đấy, tôi nói chuyện với một người bạn cũ, người mà tôi muốn gọi là Tran Trong Hoc (và người mà tôi sẽ tường thuật thêm về anh ấy sau này), về chợ đen. “Cái mà anh thấy thì chẳng là gì cả”, anh ấy nói. “Anh hãy đi xe ra bờ biển và xem những người buôn bán lớn hoạt động. Toàn bộ chính phủ Nam Việt Nam đều có dính líu vào những thương vụ này.” “Cả người Mỹ nữa?”

“Nhiều người đã trở thành triệu phú ở đây – giống y như thời trước, khi quân đội Mỹ chiếm đóng Nhật và Đức. Điều đấy thì anh có thể tin tôi; vì số mua bán chợ đen ở Việt Nam hàng năm là vào khoảng mười tỉ USD – tính bằng hàng hóa Mỹ và bằng tiền. Nếu không có sự âm thầm đồng ý của người Mỹ thì những thương vụ này không thể nở rộ được – nếu thế thì không thể.” Tôi không trả lời.

“Chợ Đen Nhỏ” ở gần Đại sứ quán Mỹ và Juspao là một trong những “thắng cảnh” của Sài Gòn. Nó là một địa điểm chính chính thức dành cho khách tham quan cũng như Tòa đại sứ Mỹ, nhà ga và chợ chính.

Người Mỹ cũng như người Việt Nam mua hàng ở “Chợ Đen Nhỏ”, vì có lúc nó có hàng hóa còn tốt hơn là trong các cửa hàng chính thức của chính phủ Mỹ, những cửa hàng mà hàng hóa này được ăn cắp ra từ đó.

Tất cả mọi người – kể cả các nhân viên có trách nhiệm – đều biết hàng hóa bày bán đó được lấy trộm từ cửa hàng PX và cơ quan hậu cần Mỹ như thế nào; người ta còn biết được là từ ai và ai trả tiền nữa. Nếu như chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam muốn, thì tình trạng mua bán chợ đen ở Sài Gòn có thể được xóa bỏ hầu như chắc chắn là trong vòng một tuần.

“Chúng tôi làm việc không chính xác cho lắm trong lúc đó”, một nhân viên đào tạo cảnh sát người Mỹ giải thích, “vì chúng tôi không muốn gây bất hòa với người Nam Hàn và người Phi Luật Tân (cả hai đều tham gia mạnh vào trong các thương vụ chợ đen và cả hai đều là đồng minh của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ) – và vì chợ đen giúp làm giảm lạm phát. Tại sao, tôi không biết, nhưng các chuyên gia kinh tế của chúng ta quả quyết điều đấy.”

Tôi muốn biết chợ đen có những món hàng xa xỉ của nó bằng cách nào, vì thế nên tôi đến tìm các nhà cung cấp chính trong Sài Gòn – các cửa hàng PX. Cửa hàng PX lớn trong khu phố người Hoa Chợ Lớn còn chưa mở cửa khi tôi đến đấy. Ở cuối hàng của những người đang chờ có hai người lính Mỹ. Họ phải trở về từ vùng có chiến sự: quần áo đi rừng của họ dơ bẩn, mũ của họ có lưới ngụy trang.

Tò mò, muốn xem hai người lính từ mặt trận mua gì trong PX, tôi đứng xếp hàng ở phía sau họ. Cả hai người lính đến từ một trạm hẻo lánh của nhóm thông tin ở sau Pleiku; họ muốn mua một tủ ướp lạnh, cho thức uống lạnh và sandwich.

Họ kể lại cho tôi nghe họ đã chuẩn bị những gì để mang chiếc tủ ướp lạnh lên máy bay, và viên sĩ quan của bộ phận phục vụ quân đội đã phát hiện những cái tủ ướp lạnh đã về đến Sài Gòn vào ngày hôm qua như thế nào.

Khi những cánh cửa của gian hàng PX mở ra và các người lính đó đến lượt mình thì không còn tủ ướp lạnh nữa. Đợt hàng về vào trưa ngày hôm qua; lúc đóng cửa thì tất cả các tủ ướp lạnh đã được bán xong. Mười hai trong tổng số 16 tủ ướp lạnh, theo tôi biết, đã được bán cho lính Phi Luật Tân và Hàn Quốc.

Nhưng làm sao mà người Phi Luật Tân và Hàn Quốc lại biết có tủ ướp lạnh và có thể mua chúng nhanh đến như thế? Câu trả lời lại hết sức đơn giản: quân đội Mỹ, nhà điều hành cửa hàng PX ở Sài Gòn, đã nhận người Phi Luật Tân và Hàn Quốc làm trưởng cửa hàng. Khi một món hàng được ưa thích về đến, những người này báo tin cho bạn bè người Hàn Quốc và Phi Luật Tân của họ.

Khi những người lính thất vọng rời cửa hàng PX, một người trong họ nói: “Mày có nhớ kho hậu cần của Việt Cộng mà chúng mình tóm được hồi tháng rồi không?”

“Có, tao biết. Ở đó có một cái tủ ướp lạnh – có nhãn PX ở sau lưng; cái tủ khốn nạn đó đầy thuốc kháng sinh Mỹ.”

Hệ thống PX Mỹ ở Việt Nam – theo thông tin của viên sĩ quan có trách nhiệm – là một công việc thương mại có doanh thu hàng năm là 300 triệu USD. Nó chứng minh trong quy mô nhỏ, tại sao Mỹ lại lún sâu vào trong những khó khăn ở Việt Nam – và ở trong chính sách ngoại giao của nó.

Trong các cửa hàng PX có trên 5000 phụ nữ người Việt được nhận vào để bán hàng. Họ không biết đến các món hàng, nói chung là không có sự quan tâm và không lịch sự – và ăn cắp. Trong tháng 5 năm 1967, cửa hàng PX nhỏ cho tổng hành dinh ở Sài Gòn đã mất 65.000 USD chỉ riêng vì ăn cắp vặt. Và đó chỉ là một cửa hàng nhỏ.

Có một thời gian, ban giám đốc cho khám xét những người Việt bán hàng lúc họ rời cửa hàng. Những người phụ nữ dọa sẽ đình công, nếu như việc kiểm tra này không chấm dứt. Chúng chấm dứt. Vì người Mỹ thích bị ăn cắp hơn là “gây ấn tượng không tốt” với người Việt.

Chính tôi đã nhìn thấy những phụ nữ bán hàng lôi hàng PX ra từ quần áo lót của họ ở trên đường chính bên ngoài một cửa hàng PX và quẳng vào một cái giỏ như thế nào. Một người Việt đứng cạnh đấy và ghi chép loại hàng và số lượng những gì mà mỗi một cô gái đã lấy đi cùng với mình.

Hàng hóa dành cho các cửa hàng PX – và cả cho kho hậu cần – đã bị đánh cắp từ trước khi nói chung là chúng đến nơi –và cả sau khi chúng được xếp lên kệ hàng. Thế nhưng tham nhũng không giới hạn ở chợ đen.

Đó không phải là một điều bí mật, rằng các cửa hàng PX và kho hậu cần thông qua con đường vòng của chợ đen mà có thể cung cấp hàng xa xỉ cho hầu như bất cứ người nào có đủ tiền ở Nam Việt Nam. Một nhà nhập khẩu kể cho tôi nghe, ông ấy không còn mua bán tủ lạnh và máy thâu âm được nhập khẩu chính thức nữa – có thể mua chúng rẻ tiền hơn và nhanh hơn từ những cửa hàng PX, tức là thông qua chợ đen.

Các nhà nhập khẩu thực phẩm nước ngoài cũng nằm trong cùng tình trạng tồi tệ đấy. Với chính mắt mình, tôi đã nhìn thấy người Phi Luật Tân và Nam Hàn trong quân phục dỡ thịt hộp và nước trái cây xuống trước khách sạn Continental từ một chiếc xe tải quân đội vào lúc 6 giờ sáng như thế nào. Trên thực đơn của khách sạn Continental có món “Đồ hộp Mỹ”. Nếu như người ta gọi nước ép cà chua vào lúc ăn sáng, thì người bồi bàn sẽ mang ra một cái lon nhỏ còn dấu của kho hậu cần Mỹ: mười cent.

Trong thời gian ở Sài Gòn, tôi đã quan sát thấy bốn lần chiếc xe tải đấy cung cấp thực phẩm từ cửa hàng PX và kho hậu cần cho khách sạn Continental như thế nào. Có một lần, một kiện thịt to, có tên Tướng Westmoreland, được đưa cùng với nước ép cà chua vào Continental. Hầu như không có quán rượu nào ở Sài Gòn mà không bán rượu từ kho hàng Mỹ.

Trong lúc khảo sát các cung cách làm ăn PX này, tôi xin được phỏng vấn một trong số các sĩ quan chịu trách nhiệm. Tôi được phép – với một viên đại tá và dưới điều kiện là tôi sẽ không trích dẫn trực tiếp ông ấy.

Hệ thống PX, ông ấy nói, nhận trên 5000 phụ nữ người Việt vào làm việc, vì đấy là nghĩa vụ của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, đào tạo cách thức bán hàng cho những người phụ nữ này. Sau khi chiến tranh chấm dứt, họ sẽ làm việc trong các cửa hàng Việt Nam như những người đã học nghề buôn bán và qua đó có thể giúp phát triển nền thương mại của đất nước này.

Lời giải thích này là vô lý đối với tôi. Mỗi một cửa hàng mà được điều hành như PX thì chắc hẳn sẽ bị phá sản ngay.

Viên đại tá tiếp tục, PX nhận nhân viên bán hàng người Việt và trưởng cửa hàng người Hàn Quốc và Phi Luật Tân, vì thuê họ thì rẻ tiền hơn là người Mỹ – và vì người Phi và người Hàn Quốc đã có kinh nghiệm với PX ở Seoul và Manila rồi.

Tôi nói với viên đại tá rằng phục vụ không được tốt. Ngoài ra, hàng hóa với tổng giá trị có lẽ là 75 triệu USD hàng năm phần lớn đã bị đánh cắp hay bị đưa sang chợ đen chỉ vì người nước ngoài được nhận vào làm nhân viên bán hàng, cửa hàng trưởng, lái xe tải và công nhân bến tàu.

Viên đại tá phủ nhận rằng việc phục vụ là không tốt. Ông ấy cũng phủ nhận rằng một phần đáng kể của hàng hóa trong các cửa hàng của ông ấy được tuồn ra chợ đen. Ông ấy không thừa nhận, rằng hàng hóa với giá trị 65.000 USD bị đánh cắp hàng tháng từ cửa hàng PX nhỏ trong Sài Gòn. (Chính tôi đã nhìn thấy con số thất thoát ước tính vì ăn cắp từ cửa hàng PX trong Sài Gòn. Hoặc là viên đại tá không biết những gì đang xảy ra trong chính những cửa hàng của ông ấy, hoặc là ông ấy nói dối.)

Một lý do khác cho việc nhận trên 5000 người ngoại quốc vào làm việc trong PX, theo thông tin của viên đại tá, là tạo việc làm cho những người Việt Nam xứng đáng, có tư cách tốt, và qua đó mà giúp đỡ nển kinh tế chiến tranh. Tôi hỏi ông ấy, liệu ông ấy có biết sự lừa dối trong lúc tạo việc làm hoạt động như thế nào không. Trong thực tế, người nam bán hàng và người nữ bán hàng nào cũng cần phải có một tờ giấy giới thiệu của nhân viên nhà nước Việt Nam. Phải trả tiền cho giấy giới thiệu này – giá bình thường là khoảng một tháng lương.

Viên đại tá chưa từng nghe nói về việc này. Rồi ông ấy kể cho tôi nghe rằng các cửa hàng PX này là một cơ quan tuyệt vời như thế nào. Người ta có được lợi nhuận với chúng và qua đó chi trả cho phim truyện và những khả năng giải trí khác cho những người lính Lục Quân và Không Quân. Ông ấy cũng giải thích rằng những người Mỹ ưa thích hoạt động có thể chi USD của họ trong những cửa hàng PX – thay vì quẳng tiền của họ vào trong nền kinh tế Việt Nam và qua đó tạo ra lạm phát.

“Không phải các cửa hàng PX trước hết là để phục vụ cho quân nhân sao?” tôi hỏi viên đại tá.

Ông ấy đồng ý. Thế nhưng trong cửa hàng PX lớn trong Sài Gòn, quân đội đứng ở hạng cuối cùng. Đầu tiên là việc đào tạo người Việt, rồi lợi nhuận để chi trả cho các khả năng giải trí, rồi cải thiện nền kinh tế Việt Nam, sau đấy là “ấn tượng tốt”. Người lính đứng hàng cuối cùng.

Không phải tỷ lệ nhỏ nhoi của những người đang chiến đấu thật sự là hưởng lợi nhiều nhất từ các cửa hàng PX, mà là những kẻ mập mạp trong các thành phố và tổng hành dinh cũng như hàng ngàn người dân thường – công nhân xây dựng, giới báo chí, nhân viên và những người trong Đại sứ quán.

Hệ thống PX trong hình thức hiện nay của nó đã làm cho Mỹ trở thành một kẻ đồng lõa với hình thức tham nhũng tồi tệ nhất. Tất cả, kể cả người Mỹ, đều biết rằng có một vài người Mỹ dính líu vào trong đó. Ai cũng biết rằng nhiều nhân viên bán hàng người Việt tham nhũng và rằng nhân sự Phi Luật Tân và Hàn Quốc trong những cửa hàng PX và kho hậu cần thường móc ngoặc với bạn bè của họ. Vì những cung cách đó trong các cửa hàng PX và kho hậu cần mà một người Việt Nam bình thường sẽ cho rằng người Mỹ ăn hối lộ.

Gian lận trong các cửa hàng PX và việc bán hàng PX trên chợ đen với giá trị nhiều triệu USD tất nhiên giống như là việc nhỏ khi so với những gì mà tôi phát hiện ra sau này.

Cùng với Tran Trong Hoc, người bạn thân của tôi, tôi đi dọc theo sông Sài Gòn. Tran, một nhân viên của sở cảnh sát tại Hà Nội khi còn dưới thời thống trị của Pháp, giống như một ông quan đã về hưu. Ông ấy lui về sống ẩn dật và quan sát tất cả, lắng nghe tin đồn và những mẩu chuyện mà người ta bàn tán, đọc báo và theo dõi cuộc tranh dành quyền lực có mặt ở khắp mọi nơi trong chính trị Việt Nam.

Con và cháu của ông ấy sống rải rác trên toàn Đông Nam Á. Một vài người làm việc cho chính phủ Nam Việt Nam, những người khác cho chính phủ Mỹ, lại những người khác nữa cho Mặt trận Giải phóng. Một vài người cũng hoạt động trong kinh tế.

Tran Trong Hoc là một Central Intelligence Agency nhỏ – đối với ông chỉ là một cách để giết thời gian, một thú vui tiêu khiển. Khi tôi lưu ý ông ấy đến những mối nguy hiểm của thú vui ông ấy, ông ấy chỉ mỉm cười và chậm rãi nói: “Một người đàn ông già còn làm gì khác được để giúp đất nước của mình chứ?”

Chúng tôi đi dạo về hướng Bắc. Nhiều tàu chở hàng Mỹ thả neo trên sông Sài Gòn, gần chúng tôi nhất là một chiếc tàu chở hàng lớn màu xám. Hàng của nó đang được chuyển sang sà lan chở hàng.

“Chúng mình hãy quan sát con tàu này”, Tran nói. “Nhưng để cho an toàn hơn thì chúng ta hãy làm điều đấy từ trong xe của tôi. Cuối cùng thì chúng ta đang do thám, điều tra lấy tin tức. Chúng ta là thám tử, chúng ta muốn nhìn xem ai bòn rút hàng hóa cung cấp cho quân đội Mỹ. Đứng lại ở đây trên đường phố với ống nhòm có nghĩa là thách thức số phận đấy.” Ông ấy kéo ngón trỏ đi ngang qua cổ của ông ấy, hết sức có ý nghĩa.

Chúng tôi quay lại và đi trở về đến chiếc Citroen lạch cạch cũ kỹ của Tran. Chỉ trong vòng vài phút, chúng tôi lại ở cạnh dòng sông và ngừng lại ở cách bến tàu vào khoảng 150 mét, bến tàu mà những chiếc sà lan hướng đến từ chiếc tàu chở hàng của Mỹ.

“Các xà lan chở hàng này”, Tran giải thích, “thuộc một công ty Việt Nam của một vài tướng lĩnh người Việt. Người Mỹ của họ trả tiền cho việc sử dụng các sà lan này. Người Mỹ của họ trả tiền cho đặc quyền, được gửi đạn dược, thực phẩm và vật liệu chiến tranh vào trong đất nước này.”

Đỗ ở bến tàu là tám chiếc xe tải năm tấn, trước kia đã từng là xe của quân đội Mỹ. Mấy chiếc sà lan neo lại ở bến tàu, công nhân cảng người Việt dỡ hàng xuống – và dỡ trực tiếp sang các chiếc xe tải màu nâu.

“Hợp Chúng Quốc Hoa kỳ trả tiền lương cho các công nhân cảng người Việt Này”, Tran nói.

Không thấy lính Mỹ hay nhân viên dân sự giám sát và kiểm tra ở đâu cả. Lời giải thích của Tran: “Chính phủ Nam Việt Nam đã có ý nói với chính phủ Mỹ, rằng họ không nên can thiệp vào công việc nội bộ.”

Tôi bực mình trả lời: “Nhưng hàng hóa này là vật liệu chiến tranh Mỹ. Mấy cái thùng gỗ mang dòng chữ BỘ QUỐC PHÒNG, THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ, XIN ĐỪNG ĐÁNH RƠI. Chúng đến từ Mỹ và do công dân Mỹ trả tiền.”

“Bill”, Tran nói, “Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ không có quyền thuế quan ở Việt Nam. Họ phải hiểu rằng người Mỹ chỉ là khách ở đây mà thôi. Đó là tư thế công khai của đất nước bạn. Có lẽ vì thế mà không có ai ở đây để giám sát hàng chiến tranh cả. Người khách thường không kiểm soát sự không chân thật của người chủ nhà họ.”

“Nhưng đây là hàng Mỹ cho quân đội Mỹ.” – “Vâng.”

Chúng tôi tiếp tục quan sát sự việc. Sau khoảng một giờ đồng hồ, tám chiếc xe tải đã chất đầy 40 tấn hàng Mỹ. Các tài xế hồi hộp thấy rõ. Họ nhìn đồng hồ liên tục và bồn chồn nói chuyện với nhau.

“Bình thường”, Tran nhận định, “thì thời gian ít quan trọng đối với chúng tôi. Khi tài xế người Việt bắt đầu bồn chồn thì điều đấy chỉ có nghĩa là: họ phải chạy qua vùng do Việt Cộng kiểm soát. Việt Cộng được trả tiền để cho một đoàn xe tải đi qua vào một giờ nhất định. Nếu đoàn xe này đến sớm quá hay muộn quá thì có thể là những chiếc xe tải sẽ bị cho nổ tung.”

Một chiếc xe Jeep quân đội Việt Nam với một lá cờ Việt Nam nhỏ ở trên cái chắn bùn phía trước bên trái chạy đến bến tàu. Một người Việt to béo, khoảng 35 tuổi, trong quân phục ka ki (nhưng không có quân hàm), bước xuống.

Mấy người tài xế quay quanh ông ấy. Người đàn ông to béo đấy đưa cho mỗi người một tờ giấy. Ông ấy nói đi nói lại với những người tài xế, gần giống như một huấn luyện viên bóng đá đang ra chỉ thị cho đội bóng. Cuối cùng, ông ấy gật đầu: các tài xế nhanh chóng bước lên những chiếc xe to của họ và nổ máy. Tất cả các tài xế đều nhét giấy tờ của mình vào trong một cái bọc nhựa và gắn nó vào cái chống nắng trên xe tải của mình.

Người Việt to béo trong quân phục ka ki đấy lại gật đầu; chiếc xe tải đầu tiên chạy, những chiếc khác theo sau nó. Đoàn xe rời vùng sông và chạy chậm chậm qua thành phố hướng về vào nội địa. Rồi chúng tôi không nhìn thấy chúng nữa, nhưng Tran biết tuyến đường của đoàn xe cũng như nơi chúng đến. Trong số hàng trăm bạn bè và người cung cấp thông tin cho ông ấy có một người luôn đi trên tuyến đường này.

Khi tám chiếc xe tải với 40 tấn thiết bị điện tử Mỹ đến con đường từ Sài Gòn đi Biên Hòa, họ bị một trạm lính gác Việt Nam có một người lính Mỹ đi cùng chận lại. Các tài xế trình giấy tờ của họ. Người lính gác Việt đi từ xe này sang xe khác, kiểm tra nhanh chóng từng tờ giấy và nói với người Mỹ, người không biết đọc và không biết nói tiếng Việt và phải dựa vào đối tác người Việt của mình. Người Mỹ đưa ra lời “O.K.” của ông ấy và lui về ven đường. Lính gác người Việt cho đoàn xe tiếp tục đi.

Mấy chiếc xe tải tiếp tục lăn bánh trên con đường số 1 cũ; nó dẫn đến Pnom Penh, thủ đô của Campuchia. Biên giới chỉ cách khoảng 80 kilômét. Lính gác cầm súng chận những chiếc tải lại bốn lần, giấy tờ được kiểm soát bốn lần. Hai lần lính gác mặc quân phục Lục quân Nam Việt Nam, hai lần họ mặc pyjama màu đen của nông dân.

Cuối cùng, các chiếc xe tải đến được mục đích của chúng: Gò Dầu Hạ, một ngôi làng ở ngay gần biên giới Campuchia-Việt Nam, cách thủ đô Sài Gòn 80 kilômét hay khoảng hai giờ và hai mươi phút.

Họ ngừng lại cạnh một con đường không được trải nhựa, có tên là Tú Xương. Ở ngã tư của con đường đó với con đường Văn Lang còn nhỏ hơn có một ngôi nhà bằng gỗ với mái rơm, tương đối lớn. Lính canh có súng của Nam Việt Nam bước ra, một người trong số họ ký nhận và thu giấy của những người tài xế. Một người lính hô to điều gì đấy. Các tài xế bước xuống, bước lại cạnh một cái bàn bên cạnh ngôi nhà mái rơm. Hai người đàn bà trong pyjama màu đen mang thức ăn đến. Có mùi cá và tỏi.

Trong khi những người tài xế còn đang ăn, có một đoàn xe tải sơn đen đến từ hướng kia, từ Campuchia. Một nhóm công nhân hoạt động ngay lập tức: hàng của hai đoàn xe được chuyển qua cho nhau. Thiết bị điện tử Mỹ đi sang Campuchia, thùng các tông từ Campuchia sang các xe tải Việt Nam.

Sau nửa giờ, đoàn xe Việt Nam, chở hàng tấn hàng hóa của Trung Quốc đỏ, bắt đầu chuyến trở về Sài Gòn. Người ta còn chẳng buồn che dấu điều gì hết, đến cả đều được ghi rõ trên những thùng các tông lớn: bàn chải đánh răng, kem đánh răng, vitamin, bút Parker giả và bình thủy.

Ba giờ trôi qua. Những chiếc xe tải đã về đến Chợ Lớn ở rìa của Sài Gòn. Họ đỗ trước những căn nhà kho bằng gỗ, hàng hóa từ nước Trung Quốc Cộng sản được mang vào. Nhiều cảnh sát Nam Việt Nam đứng nhìn ở đó.

Trong ngôi nhà kho có nhiều đống lớn lốp xe cho xe Jeep và xe quân đội Mỹ khác. Ở phía sau là hàng trăm bao tải xi măng Mỹ được chất chồng lên với nhau (với nhãn hiệu USAID) và hàng trăm bao gạo Mỹ. Ngôi nhà kho là của Hop Tan, một người Hoa.

Đã xảy ra như thế đấy với xe tải chở 40 tấn hàng chiến tranh Mỹ. Người to béo, mặc đồ ka ki, người nhận chúng ở cảng Sài Gòn, thuộc sở cảnh sát tỉnh Tây Ninh ở cạnh biên giới Campuchia. Ông ấy đến cảng mỗi ngày ít nhất một lần và trao giấy tờ cho tài xế xe tải.

Đó là giấy tờ chính thức, chứng nhận rằng hàng trên xe tải được cung cấp cho lực lượng thông tin Nam Việt Nam.

Tất nhiên là các lực lượng thông tin không bao giờ nhìn cái gì trong số những vật đó. Chúng được gửi trên con đường số 1 cũ đến Gò Dầu Hạ, Ta Loc hay Nan Pi, tất cả đều là trạm trung chuyển sang Campuchia. Ngay khi chúng đến đấy, hàng trên xe tải được giao cho một người Hoa quốc gia từ Đài Bắc; ông ấy đại diện cho một nhóm [kartell] chợ đen quốc tế.

Hưởng những món tiền tạo khả năng cho tất cả những việc đấy là các sĩ quan cao cấp của lực lượng thông tin Nam Việt Nam, của cảnh sát tỉnh Tây Ninh, đại diện của Bộ Ngoại giao và chính phủ trong Sài Gòn.

Tất cả đều được kết hợp với nhau một cách tuyệt vời; nhân viên nào đó ở Cảng Sài Gòn biết tàu Mỹ nào và hàng nào sẽ đến Sài Gòn. Khoảng hai tuần trước khi một chiếc tàu chở hàng Mỹ đến Sài Gòn, những người có thể là khách hàng được thông báo trước về hàng hóa của chiếc tàu Mỹ: Việt Cộng, người Bắc Việt, thỉnh thoảng là Trung Quốc đỏ, có lẽ là một người trung gian ở Hongkong – hay ở một quốc gia nào đó trên thế giới, những người cần món hàng đấy và sẵn sàng trả một giá cao tương ứng.

Theo một nguồn từ Phi Luật Tân, Israel trong mùa Hè 1967 là một trong số các khách hàng chợ đen. Israel rất cần đạn đại bác 175 milimét; chỉ Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ là sản xuất chúng với lượng lớn. Chúng có giá 400 USD cho mỗi một viên. Đạn đại bác, thật ra là dành cho quân đội Mỹ ở Việt Nam, được chuyển qua Manila. Ở đấy, một chiếc tàu khác nhận những viên đạn đấy – và mang chúng sang Israel.

Có nhiều người tham gia vào trong vụ mua bán này. Vì đấy ít nhất cũng là nhiều tỉ USD.

Các đối tác sau đây thuộc trong số đó:

  • Tướng lĩnh và nhân viên Nam Việt Nam, thương gia Nam Việt Nam, những người có quan hệ thân mật với người Việt có chức vụ trong chính phủ;
  • Mặt trận Dân tộc Giải phóng (Việt Cộng)
  • Người Mỹ mua bán hàng chợ đen
  • Điệp viên Bắc Việt Nam
  • Thương gia Trung Hoa Quốc gia, cả ở Việt Nam lẫn Đài Loan.
  • Lính, thương gia và nhân viên Hàn Quốc
  • Lính, thương gia và nhân viên Phi Luật Tân.

Nói cách khác: hầu như ai cũng làm tiêu hao các cố gắng chiến đấu của Mỹ tại Việt Nam.

“Anh là một người bạn cũ, và chúng ta đang ở tại một buổi tiệc gia đình, vì thế mà tôi muốn nói với anh những gì tôi cho là sự thật. Dân giáo sư chúng tôi gọi các nhà ngoại giao và tướng lĩnh của anh là “những người Mỹ nịnh bợ”. Họ sẽ thích hôn mông của một người săn lùng chức vụ chính trị có quê từ miền Bắc như Tướng Kỳ giữa ban ngày ban mặt trước tòa nhà Quốc Hội hơn là chấp nhận rủi ro làm cho người Việt phải đau buồn …”

Giáo sư Vo Van Kim nói điều đấy với tôi sau vài ly rượu ở buổi tiệc mừng sinh nhật 70 tuổi của ông ấy.

Điếu đấy thật là bi thảm: nhân viên người Mỹ mắc một chứng tê liệt, khiến cho họ không có khả năng bắt buộc chính phủ Nam Việt Nam phải bài trừ tham nhũng. Họ sợ làm cho người Việt phải đau buồn. Vì sự bất lực này mà người Việt khinh rẻ và coi thường chúng ta. Họ hạ nhục chúng ta ở mỗi một cơ hội – và chúng thì có nhiều lắm.

Trong một căn cứ lớn của Không quân Mỹ (tôi không muốn nêu tên ra để bảo vệ một trong các sĩ quan), vào một sáng thứ hai nóng bức, các sĩ quan quân y của tất cả các binh chủng đã đến để họp một hội nghị đặc biệt. Hai đề tài có trên chương trình nghị sự: thiếu thuốc kháng sinh đa dụng và một chứng bệnh kỳ bí.

Một bệnh nhiễm trùng da nguy hiểm xuất hiện với con số bệnh nhân ngày một tăng của một bác sĩ không quân trẻ tuổi. Nó làm cho nạn nhân không đi lại được: người bác sĩ trẻ tuổi hy vọng các đồng nghiệp nhiều tuổi hơn của anh ấy có thể giúp đỡ được cho anh ấy. Không ai có được một lời khuyên, nhưng tất cả đều tường thuật về những ca bệnh giống như thế trong đơn vị của họ.

Đại diện của y tế chính phủ bay đến, một cuộc xét nghiệm tỉ mỉ được ban hành. Kết quả thử nghiệm cho thấy rằng trên quần áo của họ có nhiều loại nấm và vi trùng khác nhau, tấn công da của con người.

Dấu vết của chứng bệnh da đấy dẫn đến những tiệm giặt ủi của một công ty Việt Nam tại địa phương. Phụ nữ người Việt giặt quần áo bằng tay, trong nước lạnh. Nước này bị nhiểm bẩn bởi nước thải ô uế mà người ta có thể chứng minh được ký sinh trùng đường ruột ở trong đó một phần.

Các bác sĩ quân y và nhân viên của y tế chính phủ ra lệnh cho những người giặt ủi phải nấu sôi nước, đưa cho họ thuốc khử và chỉ dẫn cho họ cách sử dụng. Những người điều hành các tiệm giặt ủi nói rằng nhân viên của họ đã hiểu mọi việc và sẽ làm theo như thế. Mặc dù vậy, những người phụ nữ giặt giũ vẫn tiếp tục giặt đồ trong nước lạnh nhiễm bẩn và những người lính vẫn cứ mắc những chứng bệnh da.

Một trong số các sĩ quan đang phục vụ ở đó – tôi muốn gọi ông ấy là Đại tá John Adams – tìm ra giải pháp cho vấn đề. Adams thương lượng với một công ty không phải thuộc người Việt và giao cho họ nhiệm vụ thành lập một tiệm giặt ủi hiện đại trong căn cứ. Sau khoảng sáu tuần, tiệm giặt ủi này hoạt động, dịch bệnh da chấm dứt. Những người lính bây giờ nhận được quần áo của mình trong vòng hai ngày (thay vì là năm như trước đây), y phục được tẩy trùng và được là.

Ai cũng cảm ơn Đại tá Adams vì sáng kiến của ông ấy – ngoại trừ người Việt của những tiệm giặt ủi, các sĩ quan người Việt và gái mại dâm người Việt. Sự kết hợp này dường như là kỳ lạ đối với người Mỹ, nhưng hết sức dễ hiểu theo cách nhìn của những thói quen đang thống trị ở đấy.

Hầu như bất cứ một vụ kinh doanh nào ở Việt Nam đều cũng có bàn tay của chính quyền quân đội Nam Việt Nam ở trong đó, hay họ kiểm soát nó toàn bộ. Việc giặt, tẩy và sửa chữa quần áo lính Mỹ là một công việc kinh doanh 120 triệu USD mỗi năm. Nhân viên nhà nước Việt Nam nhận tiền hối lộ từ mỗi một người phụ nữ giặt đồ, mỗi một chủ tiệm giặt ủi và thợ may, người làm việc cho quân đội nước ngoài. Khi bây giờ Đại tá Adams cho dựng một tiệm giặt ủi hiện đại, do người ngoài cuộc điều hành, ông ấy tự động đã làm giảm đáng kể lợi nhuận của các người sếp Nam Việt Nam.

Các cô gái mại dâm tham dự một cách ít trực tiếp hơn: những người điều hành tiệm giặt ủi mua bột giặt qua quân nhân từ PX. Cứ mười hộp bột giặt thì những người đàn ông đó nhận được một tấm phiếu mà họ có thể đổi nó tại một trong số các nhà chứa khá hơn. Tức là với việc khai trương tiệm giặt ủi hiện đại, mua bán bột giặt trong PX – và việc kinh doanh trong nhà chứa đã giảm xuống.

Vài tuần sau khi tiệm giặt ủi mới đi vào hoạt động, Đại tá John Adams nhận được một mệnh lệnh từ cấp trên của ông ấy. Viên chỉ huy người Việt trong vùng của Adams đã khiếu nại về việc thành lập tiệm giặt ủi mới, vì qua đó mà phụ nữ người Việt đã mất việc làm của họ. Vì thế mà mệnh lệnh cho Adam là nếu như ông ấy không thể tạo ra những khả năng thu nhập tương đương cho những người phụ nữ Việt Nam thì ông ấy phải đóng cửa tiệm giặt ủi mới và lại trao công việc đó về cho người Việt tại địa phương.

Ý nghĩ, trở thành người môi giới việc làm cho phụ nữ giặt giũ và là người trung gian cho những kẻ gian lận người Việt, hoàn toàn không khiến cho Đại tá Admas cảm thấy dễ chịu. Rằng phúc lợi của có lẽ là 100 cô gái mại dâm người Việt quan trọng hơn là sức khỏe của hàng ngàn người lính Mỹ, những người chiến đấu cho người Việt Nam, khiến cho ông ấy tức giận.

Nhưng Đại tá Adams thông minh và có suy nghĩ thực tế. Ông ấy hiểu rằng ông ấy không có sự lựa chọn khác. Những người đàn bà giặt quần áo trước đây được nhận làm người đưa hàng; họ thu quần áo bẩn trong các doanh trại lại, mang chúng đến tiệm giặt ủi mới và sau đó mang quần áo sạch đi trả, công việc của họ hoàn toàn không cần thiết; trong thực tế, họ kéo dài thời gian hoàn trả và làm tăng giá giặt ủi lên. Nhưng như thế thì mới có thể giữ cho tiệm giặt ủi mới hoạt động và giữ cho những người lính được khỏe mạnh.

Và bây giờ thỉ cả các cô gái mại dâm ở gần căn cứ Mỹ cũng có thể tiếp tục hành nghề: quân nhân đưa xà phòng từ cửa hàng PX ra cho những người đàn bà giặt quần áo – và bù lại nhận từ họ phiếu cho nhà chứa. Xà phòng được bán đi trên chợ đen.

“Cuối cùng, tất cả đều ổn – ít nhất thì những người lính của chúng ta không lại mắc bệnh da”, Đại tá Adams nói. “Nhưng người ta học được từ đấy, rằng Mỹ đầu tiên là phải hạ bệ những kẻ kinh doanh của chính phủ Nam Việt Nam, nếu họ muốn chiến thắng cuộc chiến này. Chiến thắng Việt Cộng và người Bắc Việt Nam – mẹ kiếp, đấy rồi thì chỉ còn là việc nhỏ!”

Chỉ một phần nhỏ của trên 500.000 người Mỹ ở Việt Nam là chiến đấu thật sự. Vì thế mà chỉ có một phần nhỏ của họ là sống ở chiến trường. Đại đa số, giới quân đội cũng như dân sự, sống trong thành phố.

Tôi tham quan vài căn nhà được người Việt mướn cho nhân viên người Mỹ. Nhà đầu tiên được đưa ra như là “biệt thự với hai phòng ngủ”.

Lúc bước vào, tôi nghĩ là đã lầm: nó hôi thối như một hố phân. Lúc trời mưa, nước ô uế chảy tràn từ nhà vệ sinh lên sàn nhà đã mục nát và đọng lại ở giữa đó và ở dưới sàn.

Mái nhà có hai lỗ, xô được treo ở dưới đấy – chúng hứng nước mưa. Một phòng ngủ rộng khoảng mười mét vuông rưỡi, phòng kia hơn sáu mét vuông. Phòng bếp không có bếp nấu, tủ lạnh là một cái tủ ướp lạnh cổ lổ.

Chính phủ Mỹ trả cho cái chuồng heo này hàng tháng 200 USD, khoảng gấp ba lần tiền thuê nhà cho phép. Sống trong căn nhà tồi tàn đấy với hai phòng ngủ là tám người lính Mỹ. Viên sĩ quan Mỹ mà lính của ông ấy sống ở đây khiếu nại về căn nhà, nhưng cấp trên của ông ấy nói với ông: “Anh hãy yên lặng, viên thiếu tá đấy đã chiếu cố cho chúng ta rồi. Nếu ông ấy muốn, ông ấy còn có thể tăng thêm tiền nhà.”

Căn nhà thứ nhì mà tôi xem xét có bốn phòng ngủ tí hon. Người ta có thể gọi một phòng là phòng tắm; nó có một cái bồn vệ sinh và một vòi tắm mà chỉ có nước lạnh chảy ra từ đó.

Hai phòng ngủ có bồn rửa mặt với nước lạnh: vì thế mà ngôi nhà này được người Việt Nam gọi là “nhà có ba phòng tắm”. Theo luật lệ Việt Nam, một ngôi nhà với ba phòng tắm được phép gọi là khách sạn – và nâng tiền thuê nhà. Cái căn nhà tồi tàn này tất nhiên được xem như là khách sạn; chính phủ Mỹ trả hàng tháng 400 USD tiền thuê nhà.

Khắp nơi trong Việt Nam, người Mỹ để cho người ta lừa dối mình và bị cho là thằng ngu. Quân đội Mỹ bị đánh cắp xe Jeep và xe tải nhiều cho tới mức phương tiện vận tải cho quân đội của chúng ta đã trở nên khan hiếm. Từ ít lâu nay, quân đội mướn lại chính những chiếc xe Jeep đã bị đánh cắp của mình từ những người mua bán trên chợ đen với giá 250 USD hàng tháng.

Ở Nam Việt Nam có trên bốn triệu người tỵ nạn và những người bị đuổi ra khỏi quê hương họ. Phần lớn trong số họ phải chạy trốn, vì làng mạc của họ bị bom Mỹ hay đạn đại bác Mỹ phá hủy; Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ đền bù cho việc đấy.

Tất nhiên là tiền bạc và hàng cứu trợ cần phải đến với người Việt Nam mà tài sản của họ đã bị hư hại hay phá hủy. Nhưng khi tôi hỏi vào khoảng 100 người Việt Nam tại hai vùng cách xa nhau trong Nam Việt Nam, tôi không thể tìm ra được một trường hợp duy nhất nào mà có một gia đình người Việt thật sự đã nhận được tiền. Theo ý nhất quán của họ thì nó đã chui vào trong túi của nhân viên nhà nước người Việt.

Cả khi có ai đó vô tình bị gây thương tích hay bị giết chết, Mỹ trả tiền cho người đó hay cho gia đình của người đó.

“Ồ, ai cũng biết”, một phụ nữ người Việt nói với tôi, “rằng người Mỹ đưa tiền cho nhân viên nhà nước, nhưng nó không bao giờ đến được với người dân.”

“Anh của tôi là nhân viên trong quân đội. Anh ấy nói rằng lúc nào mà sĩ quan cần tiền thì họ đi tới người Mỹ với một yêu cầu đòi trả tiền bồi thường. Rất đơn giản – họ viết tên của một thành phố mà trong đó có một viên đạn đại bác hay một quả bom rơi xuống, và chuyển giao một danh sách tên của những người chết hay bị thương.”

“Thỉnh thoảng, người Mỹ gửi một thông dịch đến để kiểm ra vụ việc. Nhưng người thông dịch nhận tiền của nhân viên người Việt; tức là ông ấy nói rằng yêu cầu đấy là đúng. Chỉ lực lượng Thủy Quân Lục Chiến là thỉnh thoảng dứt khoát yêu cầu được kiểm tra xác chết và hư hại. Vì thế mà những người thông dịch quân đội căm ghét lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ.”

Tôi xin bằng chứng cho việc lừa đảo tiền bồi thường. Người ta tường thuật cho tôi về một huyện trưởng trong tỉnh Quảng Nam. Tôi đi theo vụ việc này và được chính viên sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Mỹ là người trong cuộc thuật lại.

Vào một ngày nào đó, huyện trưởng thiếu tá Hao xuất hiện ở cơ sở chỉ huy dã chiến của một trung tá Thủy Quân Lục Chiến. “Trung tá”, ông ấy nói, “tôi muốn nhận tiền bồi thường cho năm người dân làng mới vừa bị giết chết ở cạnh sông.”

“Họ bị giết chết như thế nào và bởi ai?”, viên sĩ quan muốn biết. Người Việt mở một tấm bản đồ ra: “Người của anh bắn súng cối vào nơi này; một vài quả đạn rơi cạnh làng và giết chết ba người đàn ông và hai người đàn bà. Đây là huyện của tôi; tôi đến để nhận tiền cho các gia đình đó.”

“Ba người đàn ông và hai phụ nữ? Đã xảy ra vào lúc nào?” Viên thiếu tá người Việt nêu ra ngày tháng. Viên sĩ quan Mỹ biết rằng vào khoảng ngày đó và giờ đó, người Thủy Quân Lục Chiến đã bắn vào hướng đó –, họ cho rằng có du kích quân tụ tập ở đấy.

“Anh chỉ cho tôi xem các xác chết”, người Mỹ nói. Câu trả lời: “Họ ở ngoài trên xe Jeep của tôi.”

Họ đi ra ngoài. Ở phía sau chiếc xe Jeep có năm xác chết được bọc cẩn thận trong các bao xác chết. Viên sĩ quan Mỹ yêu cầu: “Thiếu tá, anh hãy đặt các xác chết xuống đất và cắt các bao xác chết ra.” – “Ồ không”, viên thiếu tá người Việt chống lại, “họ đều đầy máu và thi thể không toàn vẹn.”

“Anh đặt họ xuống đất và cắt bao xác chết ra. Tôi muốn nhìn thấy họ.” – “Trung tá, tôi bảo đảm với anh rằng anh không muốn nhìn thấy họ đâu. Họ đã bị làm biến dạng và không toàn thây, ngực bụng lòi ra ngoài, đầu họ nát tan, và bắt đầu thối rữa rồi.”

Nhưng viên sĩ quan Mỹ dỡ các xác chết xuống từ trên chiếc xe Jeep, lấy con dao bỏ túi của mình ra và cắt đứt mấy cái bao.

Đó là xác chết của năm người đàn ông, không có phụ nữ trong số đó. Không có xác chết nào mà không toàn thây hay đầy máu, mỗi xác chỉ có một dấu đạn bắn trúng; rõ ràng là những người này bị giết chết bằng đạn của súng cá nhân.

Viên sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến lặng lẽ chất các xác chết lên trở lại chiếc xe Jeep, nắm lấy khuỷu tay của viên thiếu tá người Việt và đẩy ông ấy lên ghế trước. “Thiếu tá”, rồi ông ấy nói, “nếu như anh muốn thu tiền bồi thường cho Việt Cộng chết, tôi đề nghị anh nên đòi nó ở tổng hành dinh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng chứ không phải tại Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Bây giờ thì anh cút đi.” Thiếu tá Hao chạy đi.

Cựu chiến hữu trên tàu của tôi, O’Leary – tên của ông ấy được nghĩ ra – có lần muốn chỉ cho tôi xem cuộc sống về đêm ở Sài Gòn. Thế nhưng khi O’Leary đến thì anh ấy mặc quân phục. “Tôi phải trực đêm nay”, ông ấy nói, “nhưng còn thời gian vài phút”.

“Sếp”, tôi nói, trong khi chúng tôi đi lang thang, “tôi thấy rằng người Việt lường gạt chúng ta và sống rất tốt trong lúc đó. Thật ra thì đấy là một câu chuyện như thế nào?”

“Nhục nhã lắm”, ông ấy nói, “họ lừa gạt chúng ta, và chúng ta xấu hổ vì sự luồn cúi của chúng ta cho tới mức không ai nói lên sự thật. Tất cả các ông to mặt lớn – dân sự cũng như quân đội – sợ người Việt, sợ phải dẫm lên chân của họ. Khi ngẫu nhiên có ai đó trong số chúng tôi phàn nàn thì các ông to mặt lớn nhanh chóng nhắc cho chúng tôi nhớ rằng chúng ta chỉ là khách ở đây. “O’Leary thêm vào: “Điều đấy đúng, chúng ta là khách. Khách trả tiền.”

Ông ấy chỉ vào một cái máy phát điện lớn trên vỉa hè. “Cái máy phát điện này cung cấp điện cho ngôi nhà này mà phòng ở và văn phòng của nó được quân đội của chúng ta sử dụng. Chúng tôi đã thuê lại căn nhà này từ người Việt, chúng tôi trả tiền cho việc đó. Vâng, chúng tôi có điện riêng vì chúng tôi không thể tin cậy vào người Việt được. Nhưng đường dây điện của chúng tôi chạy qua đồng hồ điện của họ, và vào cuối tháng, người Việt đọc đồng hồ – và chúng tôi phải trả tiền. Chúng tôi phải trả tiền điện cho họ, điện mà chúng tôi sản xuất ra.”

“Làm sao mà có thể như thế được?”

“Người Việt dọa sẽ đuổi người Mỹ ra khỏi nhà, nếu như chúng tôi không chịu. Ngoài ra: Nếu chúng tôi trả tiền mà không lầu bầu và tất cả đều diễn ra tốt đẹp, thì một đại tá hay viên tướng nào đó sẽ được khen ngợi cho việc “quên mình hoàn thành nhiệm vụ và cộng tác” khi thời gian phục vụ ở Việt Nam của ông ấy chấm dứt.

O’Leary chỉ vào một chiếc xe quân đội Mỹ. “Anh có thấy bản số xe ở đấy không? Thế này, chính phủ Mỹ trả cho người Việt một lệ phí cho việc đăng ký chiếc xe tải mà chúng ta gửi đến đây để tiến hành cuộc chiến của họ. Người Việt từ chối giao ra chiếc xe tải cho tới chừng nào mà lệ phí được trả.”

“Anh hãy tự nhìn đi”, O’Leary tiếp tục, “chính chúng ta yêu cầu người Việt hãy đối xử tệ bạc với mình. Gần như là chúng ta mang trước trán một tấm bảng to: “Tôi là người Mỹ. Xin hãy đối xử tệ bạc với tôi”.”

Trên một ngọn núi, nhiều kilômét bên ngoài Đà Nẵng, Không quân Mỹ đã lắp đặt thiết bị bí mật có giá trị khoảng 15 triệu USD.

Nhưng Mỹ không sở hữu ngọn núi đó, và họ cũng không thuê nó. Để có thể dựng thiết bị của mình ở trên đó, họ cần sự đồng ý của người Việt. Ngọn núi thuộc quyền của một thiếu tá quân đội Viện Nam. Không có sự đồng ý của ông ấy thì Không quân Mỹ không thể làm gì được trên ngọn núi đó. Bất cứ viên thiếu ta muốn gì: ông ấy thường nhận được điều đó, ngay cả khi nó đi ngược lại lợi ích chiến tranh của Mỹ.

Vào đầu 1967, Không quân bắt đầu xây một trạm phát sóng ở gần đỉnh núi. Khi nền móng đã xong, thiếu tá người Việt tìm đến gặp viên chỉ huy của Không quân Mỹ và giải thích rằng ông ấy trước nay rất muốn có một ngôi nhà nghỉ hè ở trên núi. Điều tình cờ là nền móng bê tông đấy trùng hợp chính xác với ước muốn của ông ấy cho căn nhà, về vị trí, độ lớn và hình dạng.

Viên chỉ huy Không quân Mỹ phản đối. Người Việt đấy cứ khăng khăng đòi nền bê tông đấy phải được dùng cho căn nhà mùa hè của ông ấy. Nếu không, ông ấy sẽ không cho phép Không quân Mỹ tiếp tục xây thiết bị điện tử của mình ở trên núi.

Viên chỉ huy Không quân Mỹ xin ý kiến của cấp trên ông ấy ở Đà Nẵng và Sài Gòn. Tổng hành dinh ở Sài Gòn cho ông ấy biết rằng, “từ những lý do chính trị” mà nên cộng tác.

Thế là Không quân Mỹ xây cho viên thiếu tá ngôi nhà, trang bị cho nó – và nhận người làm để chăm sóc cho ngôi nhà và khu đất.

Viên thiếu tá ra quy định, tất cả các dịch vụ cá nhân cho lính Không quân Mỹ ở trên núi phải do người Việt tiến hành. Phí tổn nhân sự của các đầu bếp, thợ may và thợ cắt tóc cho Không quân Mỹ này cao khoảng gần gấp đôi so với các dịch vụ tương tự trong các căn cứ Mỹ khác quanh Đà Nẵng. Khi người ta hỏi lý do, các thợ cắt tóc nói không úp mở. “Chúng tôi phải giao lại cho ngài thiếu tá phân nửa tổng thu nhập. Vì thế mà giá cao gấp đôi.”

Không quân Mỹ không thể làm gì để chống lại việc đó được. Họ đã nhận chỉ thị phải nhân nhượng. Mặc cho người Việt muốn gì ở Hợp Chúng Quốc, Hoa Kỳ đưa cho họ điều đấy. Cuối cùng thì “Chúng ta là khách ở đây”.

Theo PHAN BA