Ngày tết vùng dinh phủ Phú Xuân 

Dấu ấn Đàng Trong rất quan trọng để định hình nên tầm vóc di sản văn hóa Huế. Ghi chép của người nước ngoài giúp phác thảo nên nhiều nét độc đáo trong đời sống lễ nghi, hội hè, phong tục tập quán đương thời, đặc biệt là vào dịp Tết.

Cổng Đô thành Phú Xuân (Le Floch de la Carrière, 1755-1756).

Khát vọng canh tân, các chúa Nguyễn luôn mở cửa đón chào các thương đoàn, chuyên gia nước ngoài. Từ thế kỷ XVIII, đã có nhiều giáo sĩ dòng Tên đảm trách những chức vụ quan trọng trong triều đình Phú Xuân. Năm 1686, Hiền vương còn gửi thư đòi Viện Nguyên lão Macao trả lại người thầy thuốc Bartholomeu da Costa của phủ chúa, nếu không đáp ứng, sẽ tuyên bố là kẻ thù của Macao. Đến thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, do nhiều biến động mà chốn nội cung còn lại duy nhất vị thầy thuốc Koffler và trong tác phẩm Mô tả lịch sử Nam hà (Description historique de la Cochinchine, Revue Indochinoise, 1911, tập 15), ông đã cung cấp nhiều thông tin thú vị trong đời sống lễ, tết ở Huế.

Tết Nguyên đán là dịp lễ trọng đại nhất ở xứ Đàng Trong. Công việc chuẩn bị cho đại lễ này được phân định tới 20 ngày cho nhà vua và các hàng quan lại, riêng thường dân là 3 ngày. Nghi lễ dựng nêu đặc biệt quan trọng, từ hoàng cung cho tới tư gia thường dân. Người ta nghiêm cẩn chọn lựa những cây tre cao, phía trên vẫn chừa ngọn có vài chùm lá và những cành cây xanh tươi. Điểm lạ là trên đó, họ còn buộc những cành lá xanh thành bó hoặc những đoạn tre già gọi là ống bông (vót bông tre ?). Người dân Huế còn trang trí vài thứ như những tờ giấy có phết phơn phớt vàng hay bạc, một nắm rơm và một cái giỏ nhỏ, trong đó có một ít tiền lẻ để mua lại của trời đất hạnh phúc mà họ cầu mong trong cuộc hành lễ trang trọng này.

Nghi lễ này đặc biệt quan trọng nên khi dựng và hạ nêu, người ta phải coi ngày chọn giờ rất nghiêm ngặt, đảm bảo xua đi những rủi ro và mang lại may mắn. Nếu lỡ cây nêu bị đổ do gió hay nguyên nhân nào khác, sẽ là điềm báo ám thị tệ hại nhất cho một năm “đại hạn” của gia tộc, làng xã và cả vương quốc.

Nghi lễ thờ cúng tổ tiên luôn được chú trọng khắp xứ sở trong ngày Tết. Trên bàn thờ, người ta lo sửa soạn, quét dọn sạch sẽ, nhất là các bài vị như biểu tượng hiện thân thiêng liêng của tổ tiên trước con cháu. Họ tin linh hồn tổ tiên về thăm nhà nên để khỏi làm mất lòng bề trên, họ không được lau quét nhà trong ba ngày tết. Người chết không mất đi mà đúng là họ trở về, như người ta hay nói: họ đã ra đi nhưng họ sẽ còn phải trở lại. Ngày Tết, để tưởng nhớ các bậc tổ tiên, họ hàng và ông bà cha mẹ, người ta bày biện lễ vật dâng cúng trang nghiêm, thịnh soạn. Mọi người trong gia đình sụp lạy ba lần để tỏ lòng sùng kính tổ tiên.

Đô thành Phú Xuân (Le Floch de la Carrière, 1755-1756)

Trong những ngày Tết, người ta tổ chức cỗ bàn linh đình, uống rất nhiều rượu, chơi cờ bạc cùng nhiều trò khác nữa. Ở chốn triều ca, trong ba ngày liền, nhà vua ban đãi những bữa tiệc sang trọng cho các quan lại và không ai được phép thoái thác. Tương tự, điều này cũng diễn ra ở các địa phương, các vị trấn thủ, quan đứng đầu tỉnh hạt tổ chức tiệc tùng thịnh soạn để đãi thuộc cấp.

Chính sức sống mãnh liệt của đạo thờ cúng tổ tiên vùng Huế đã buộc Tòa thánh điều chỉnh đời sống tín tục của giáo dân. Đức giáo trưởng ở Alexandrie, Khâm sai của Tòa thánh tại Trung Quốc, năm 1791 được cử sang để nghiên cứu vấn đề nghi lễ đã cho phép thờ cúng tổ tiên, bởi nó không có tính chất mê tín, không vượt qua phạm vi tập tục mà chỉ đơn thuần phong nhã. Tuy nhiên về sau, Tòa thánh lại hủy bỏ phép này và người ta cảm thấy nguy cơ sắp xảy ra những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, làm mất đi nhiều giáo dân.

Vào dịp đầu năm, ở xứ Đàng Trong có tục lệ tặng biếu nhau quà cáp. Người ta cho nhau những gia cầm, trứng, cam, bánh hoặc một thứ quà khác. Quan dâng biếu quà lên nhà vua và các trấn thủ, quân lính biếu tặng quan trên, người ốm biếu thầy thuốc, giáo dân tặng các thầy truyền giáo, học trò biếu thầy giáo, con cái tặng cha mẹ và đầy tớ biếu gia chủ. Mỗi năm, linh mục Koffler dâng lên nhà vua và tặng các quan đại thần một chai đựng rượu thơm, một chai nước hoa, những viên thuốc để ướp cho cho thơm những viên nhân đơn, những hạt đậu xanh, một lọ rượu thuốc chữa chứng thống phong, những lá cao chữa nhức đầu, chữa vết thương. Qua thời gian 20 ngày được gọi là “Đại nhật” ấy, các công sở lại mở cửa, mọi sinh hoạt hành chính hay nông tang, thương mại trở lại bình thường sau nghi lễ hạ nêu.

Đến Đàng Trong năm 1749 -1750, thương gia người Pháp P. Poivre bất ngờ trước tục dựng nêu từ rạng sáng, trên đó trang hoàng một tùm vải mỏng, hay bằng giấy, có những chữ phù mang lại hạnh phúc và trừ tà. Ngày Tết, người ta lo đi chùa chiền, đền miếu, nhà thờ họ, thăm bạn bè để uống rượu, ăn cỗ ngon. Tuyệt nhiên không có họp chợ và người ta không giết thịt súc vật, mà chỉ vui chơi thỏa thích. Phái đoàn còn được Võ vương tặng món quà đặc biệt là 20 con gia cầm và 2 con heo, dù ông than phiền trong dịp này, người ta không làm việc, nhất là với người nước ngoài (Henri Cordier, 1887, “Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine”, Revue de l’Extrême-Orient, tập 3, số 1).

Không khí tết lễ hội hè đầu xuân của vùng Huế từ thời chúa Nguyễn đến nay luôn mang nhiều giá trị độc đáo. Nghiên cứu, sưu tầm để tái hiện di sản truyền thống đó sẽ càng tiếp thêm cho Huế nhiều sức sống đặc trưng.

Bài: Trần Đình Hằng/ Báo Thừa Thiên Huế online