Nếu mất Huế chính phủ của Tổng thống Thiệu đã sụp đổ ngay từ 1972

Thất bại ban đầu của VNCH ở Quảng Trị năm 1972 khiến Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) nêu nhận định rằng nếu Huế thất thủ, chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sẽ sụp đổ theo.

Nguyễn Văn Thiệu

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thăm quân đội, phía sau ông là thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, phó tổng thống, đeo kính đen - ảnh chụp năm 1971

Nhận định của CIA và của cả Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 5/1972, ba năm trước khi Sài Gòn sụp đổ, về tình hình Nam Việt Nam không hề là bí mật cho ai.

Đánh giá này được đăng tải rộng rãi ở Mỹ, như bài 'If Hue Falls, so May Thieu'trong bài gửi đi từ Sài Gòn trên New York Daily News 08/05/1972.

Một báo cáo khác của CIA ngày 07/06/1972 đánh giá chiến sự và vị thế chính trị của TT Thiệu cho thấy bức tranh khá mong manh của VNCH.

Điểm nổi bật trong đánh giá của CIA là sự tồn vong của chế độ mà Tổng thống Thiệu lãnh đạo nay hoàn toàn dựa vào sức chiến đấu của quân đội.

Việc ông Thiệu hoàn toàn kiểm soát giới tướng lĩnh, và các ý tưởng đảo chánh trong họ đã biến mất, sau một giai đoạn đầy bất ổn 1963-67, cũng khiến ông Thiệu, dù sao đi nữa, vẫn là nhân vật mạnh nhất.

Lý do là "đối lập bên trong thì đã tan hàng (in obvious disarray), không còn năng lực tạo ra thách thức gì nghiêm trọng cho sự kiểm soát của ông".

"Các nhóm đối lập không cộng sản thiếu thống nhất và lãnh đạo để trình bày ra một liên minh hiệu quả cho phái chống ông Thiệu."

Thậm chí, các hành động chính trị hiệu quả của lực lượng cộng sản chống lại chính phủ trung ương "cũng yếu đi nhiều từ sau trận Tết Mậu Thân 1968".

Đặc biệt, CIA nhắc đến phái Phật giáo Ấn Quang trong một mục riêng và nhận định rằng đây là nhóm "biệt lệ trong khả năng chính trị rộng rãi của đối lập, vì tổ chức tuyệt diệu của họ ở Trung phần VN".

"Tất nhiên, Phật giáo Ấn Quang chưa bao giờ có đủ sức để lật đổ chính quyền Sài Gòn, nhưng có khả năng tạo ra bất ổn dân sự nghiêm trọng như đã làm năm 1966..."

CIA khẳng định "Phật giáo Ấn Quang chẳng ưa gì ông Thiệu (nguyên văn: have little love for Thieu) nhưng đi đến kết luận là ông dễ chấp nhận được hơn một người bất định như Tướng Kỳ hoặc vô hiệu quả như Tướng Minh, dù rằng các nhà sư địa phương và Phật tử từng ủng hộ bất thành ứng viên tổng thống của ông Minh".

Cho rằng chỗ dựa chính trị của ông Thiệu trong xã hội miền Nam chẳng có gì vững chãi, nên ông dựa vào các tướng tá, khả năng chiến đấu của họ, và dựa vào sự ủng hộ công khai của Hoa Kỳ, CIA kết luận, "sự tồn vong về chính trị của ông Thiệu gắn liền với viễn cảnh của Nam VN trên chiến trường".

Và chính đây là kết luận cho rằng sau khi mất Quảng Trị, nếu Huế thất thủ, thì ông Thiệu sẽ sụp đổ.

CIA tin rằng Huế không quan trọng về quân sự bằng Đà Nẵng, nhưng lại là biểu tượng lớn cho VNCH.

Chiếm lại Cổ thành Quảng Trị

Về quân sự, CIA nhận định chính xác rằng nếu đến mùa thu 1972, VNCH thành công trong các chiến dịch phía Bắc thì vị thế của ông Thiệu sẽ mạnh hơn nhiều, và không đối thủ nội bộ nào "đẩy ông đi được".

Trên thực tế, sau khi mất Quảng Trị trong đợt tấn công vượt sông Bến Hải mà Bắc VN gọi là "Chiến dịch Trị Thiên" từ tháng 3 đến tháng 5/1972, VNCH và tổng thống Thiệu đã có những quyết định táo bạo.

Việc thay Chuẩn tướng Vũ Văn Giai và Trung tướng Hoàng Xuân Lãm bằng Trung tướng Ngô Quang Trưởng để làm tư lệnh Quân đoàn I - Quân khu I từ tháng 5, đã góp phần làm đảo ngược thế cờ cho VNCH.

Cũng phải nói vào giai đoạn này, Hoa Kỳ vẫn còn quyết tâm bảo vệ miền Nam và Hạm đội 7 đã hỗ trợ tối đa về phi pháo và oanh kích bằng không quân, gồm cả B-52 cho Tướng Trưởng để ông có thể giành lại Cổ thành Quảng Trị ngày 16/09.

Hai bên đều thiệt hại rất nhiều sinh mạng nhưng VNCH còn tồn tại thêm được gần ba năm nữa.

Ngô Quang Trưởng Tướng Ngô Quang Trưởng thị sát quân lực bảo vệ Huế. Phía sau ông là thiếu tướng cố vấn Mỹ Frederick Kroesen. Chừng 900 quân thuộc Sư đoàn 2 của VNCH được không vận tới căn cứ Rakkasan, cách Huế 15 dặm về phía Tây để tạo 'vành đai thép' bảo vệ cố đô

Cũng trong thời gian diễn ra các trận đánh Mùa hè Đỏ lửa 1972, phía Mỹ nhận định rằng việc yểm trợ bằng không quân và phi pháo của họ là yếu tố tối quan trọng cho sức chiến đấu của quân lực VNCH.

Điều này đã không còn vào tháng 3/1975, như chính các báo cáo khác của CIA vào thời gian đó ghi lại.

Trong cuộc gặp cuối cùng với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày 2/04/1975, quan chức CIA, Ted Shackley ghi lại rằng ông Thiệu "tóc bạc đi nhiều" (so với lần gặp cuối năm 1973), và trông ông "e dè, giảm nhiệt huyết".

Trước đó hơn một tuần, tối 25/03/1975, quân đội miền Bắc đã chiếm trọn Huế và tiếp tục tấn công để làm chủ toàn bộ Quân khu I.

Đúng như nhận định hồi 1972 của CIA, Huế thất thủ là sự nghiệp của ông Thiệu khó đứng vững.

Vào thời điểm hai bên nói chuyện, ông Shackley cho Tổng thống Thiệu hay quân đội Bắc Việt đã xuất hiện ở cấp sư đoàn tại 17 điểm trên toàn lãnh thổ VNCH.

Hoa Kỳ vẫn cố gắng thuyết phục ông Thiệu cải tổ chính phủ để tạo ra bộ mặt đoàn kết quốc gia, điều ông chưa hề thực sự muốn làm, và đã không làm.

Chính vì thiếu một chính phủ ít nhiều có tính dân chủ đại diện hơn, sự ủng hộ của dư luận Hoa Kỳ với ông Thiệu và VNCH ngày càng giảm, đến chỗ không còn gì.

Ngày 10/04, để cứu vãn tình thế phút chót, Tổng thống Gerald Ford xin Quốc hội 722 triệu USD viện trợ quân sự cho VNCH, cùng 220 triệu viện trợ kinh tế.

Cuộc thảo luận không đi đến đâu và chấm dứt ngày 17/04.

Sang ngày 21/04, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên truyền hình tuyên bố từ chức.

Ngày 30/04/1975, lực lượng cộng sản tiến vào thủ đô của miền Nam.

HQ504Bản quyền hình ảnhSTAFF
Image captionTháng 3/1975: tàu hải quân HQ504 chở 7000 người từ Huế và Đà Nẵng chạy loạn vào Nam

Theo BBC