Khánh thành công trình trùng tu tôn tạo di tích lăng Trường Cơ

Sáng ngày 15/5/2017, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Phân viện Khoa học Công nghệ và Xây dựng (Viện Khoa học CNXD- Bộ Xây dựng) tổ chức lễ khánh thành công trình trùng tu tôn tạo di tích lăng Trường Cơ tại xã Hương Thọ- Thị xã Hương Trà.

Công trình lăng Trường Cơ sau khi được trùng tu tôn tạo

Lăng Trương Cơ là lăng mộ của Tiên chúa Nguyễn Hoàng, vị chúa Nguyễn đầu tiên vào trấn nhậm xứ Thuận Hóa và có công lao to lớn cho việc khai phá, phát triển vùng đất Thuận Quảng cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII. Ông cũng là người đặt nền móng cho cơ nghiệp của họ Nguyễn và cho sự hình thành và phát triển của Đàng Trong- Miền Nam Việt Nam. Lăng Trường Cơ được xây dựng ban đầu tại huyện Triệu Phong- Quảng Trị, và được dời vào vị trí hiện nay khoảng cuối thế kỷ XVII. Lăng được trùng tu lớn vào các năm 1807, 1841. Trải qua thời gian và các biến động lịch sử, khu lăng mộ này bị xuống cấp nghiêm trọng, năm 1999, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc tại Huế đã trùng tu công trình nhưng với quy mô khiêm tốn. Từ tháng 7/2016, dự án trùng tu tôn tạo lăng Trường Cơ đã được khởi công với sự đồng thuận, hỗ trợ của Bộ VH,TT&DL, UBND TTH. Công trình do Trung tâm BTDTCĐ Huế làm chủ đầu tư, Phân viện Khoa học Công nghệ và Xây dựng là đơn vị trực tiếp thi công, nguồn vốn hoàn toàn sử dụng từ nguồn xã hội hóa (gần 3,8 tỷ đồng).

Nghi thức cát băng khánh thành công trình trùng tu tôn tạo di tích lăng Trường Cơ

Qua 10 tháng thi công liên tục, dự án đã hoàn thành với các hạng mục: tu bổ khu lăng mộ, tường bao, cổng, bình phong hậu; tôn tạo một số hạng mục: sân chầu, bia và nhà bia, trụ biểu, hồ bán nguyệt, bình phong tiền, cảnh quan sân vườn… Đặc biệt, bài văn bia tôn vinh công lao chúa Nguyễn Hoàng đã được GS.NGNN Phan Huy Lê, nguyên Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam chắp bút.

Có thể nói, dự án trùng tu tôn tạo lăng Trường Cơ là một ví dụ tiêu biểu cho nỗ lực xã hội hóa công tác bảo tồn di sản của cố đô Huế trong những năm qua. Trước đó, lăng Trường Thanh (lăng mộ của chúa Nguyễn Phúc Chu) cũng đã được trùng tu tôn tạo hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa.

Yên Chi