DIỆN MẠO THÀNH PHÚ XUÂN CUỐI THẾ KỶ XVIII QUA QUẢNG THUẬN ĐẠO SỬ TẬP CỦA NGUYỄN HUY QUÝNH

Trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, vùng đất Phú Xuân đã chứng kiến những biến động lịch sử khốc liệt, từ vị trí là Đô thành của các chúa Nguyễn trở thành trấn thành của triều Lê Trịnh rồi kinh đô của vương triều Tây Sơn. Từ trước đến nay đã có một số công trình nghiên cứu, mô tả về quy mô, diện mạo của thành Phú Xuân trong giai đoạn này, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điểm bất cập, chưa làm thỏa mãn giới nghiên cứu. Những thông tin từ công trình Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh, biên soạn khoảng năm 1785 sẽ là sự bổ sung quý báu, góp phần khắc phục cho những bất cập trên.

Trong bài viết này, cùng với việc cung cấp thông tin mới từ Quảng Thuận đạo sử tập, tác giả sẽ có sự so sánh, đối chiếu các thông tin này với những công trình được biên soạn cùng thời như Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn, Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ (gọi tắt là Bình Nam đồ) của Bùi Thế Đạt để làm rõ thêm diện mạo thành Phú Xuân thời bấy giờ.

1. Vài nét về tác giả và tác phẩm

Nguyễn Huy Quýnh (1734-1786) quê ở làng Trường Lưu (nay là xã Trường Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình nổi tiếng có truyền thống học hành, khoa bảng. Cha ông là Nguyễn Huy Tựu (1690-1750), từng đỗ thi Hương, trúng Tam trường thi Hội, làm quan đến chức Tham chính, được tặng hàm Thượng thư. Gia đình ông có 6 anh em trai, đều đỗ đạt. Anh cả là Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), đỗ Thám hoa, làm quan đến chức Thượng thư, là một tác gia lớn của thế kỷ XVIII. Người anh thứ hai là Nguyễn Huy Cự (1717-1775), đỗ Hương cống và đỗ Tam trường, làm quan đến chức Khanh thông tướng quân, được tặng tước vương. Người anh thứ Ba là Nguyễn Huy Kiên (1735-?) đỗ Hương cống, làm quan đến chức Lại bộ thiêm sự. Người em dưới ông là Nguyễn Huy Khản cũng đỗ Sinh đồ. Người em út của ông là Nguyễn Huy Đại làm Phó sứ đồn điền.

Bản thân Nguyễn Huy Quýnh từ từ nhỏ đã nổi tiếng học giỏi, 8 tuổi đã biết làm thơ văn, 17 tuổi đã tham gia dạy học và có nhiều đóng góp cho việc soạn sách, in ấn tài liệu của Phúc Giang thư viện[1]. Năm 23 tuổi, Nguyễn Huy Quýnh thi Hương đỗ đầu, năm sau ông dự thi Hội và đỗ Tam trường, nhưng từ đó đến năm 1769, ông tham gia 4 kỳ thi Hội nhưng cũng chỉ đỗ Tam trường mà không thể đỗ cao hơn. Mãi đến năm 1772, khi đã 39 tuổi, Nguyễn Huy Quýnh mới thi đỗ Đệ tam giáp tiến sỹ đồng xuất thân. Sau đó ông tham gia quan trường với chức Cấp sự trung hộ khoa, sau đó là Giám sát ngự sử xứ Sơn Nam. Năm 1774, Nguyễn Huy Quýnh cùng một số người thân trong gia đình tham gia cuộc Nam chinh của quân đội nhà Lê Trịnh với chức vụ Kiêm lí lương hướng nhung vụ. Năm 1775, ông được chúa Trịnh sai đem vàng bạc vào tặng cho Hoàng Ngũ Phúc và quân sỹ đóng ở Thuận Hóa. Tháng 12 năm đó mẹ đích của ông mất nên ông xin về cư tang và tham gia dạy học ở Trường Lưu. Năm 1777, sau khi mãn tang, ông được ban chức Nhập thị nội giảng, sau thăng lên Hàn lâm viện hiệu thảo, rồi Đốc đồng xứ Sơn Nam. Từ năm 1781, ông được bổ làm quan Trực giảng ở Quốc Tử giám, đến tháng 10 năm đó, do mẹ mất, ông lại về cư tang và tham gia dạy học ở Trường Lưu, Phúc Giang thư viện. Năm 1784, sau khi hết tang ông trở lại làm quan Trực giảng ở Quốc Tử giám, sau được thăng lên Hàn lâm đãi chế, Hành đốc thị Thuận Quảng, Đề đốc học chính, Kiêm lí lương hướng ở Thuận Hóa. Ông mất tại nhiệm sở ngày 10 tháng 6 năm Ất Tỵ (1785)[2].

Công trình Quảng Thuận đạo sử tập được biên soạn vào năm 1785 khi Nguyễn Huy Quýnh đang giữ chức Đốc thị Thuận Quảng, tuy nhiên từ hơn 10 năm trước đó, Nguyễn Huy Quýnh đã có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu các tư liệu liên quan về vùng đất Đàng Trong để chuẩn bị cho việc biên soạn công trình này khi ông tham gia cuộc Nam chinh của tướng Hoàng Ngũ Phúc. Năm 1943, cháu của ông là Nguyễn Huy Chương đã hiệu đính lại công trình này[3].

Quảng Thuận đạo sử tập là một bộ phương chí được biên soạn theo thể tổng hợp lịch sử- địa chí- bản đồ bao gồm 47 tờ với 94 trang, khổ sách 32x16cm, trong đó có 27 trang viết và 57 trang bản đồ (ngoài ra có 2 trang bìa, 8 trang trống không có chữ hay hình vẽ). Hiện bản gốc đang được lưu trữ tại gia tộc Nguyễn Huy ở Hà Tĩnh. Ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) cũng có một bản mang ký hiệu VHv. 1375. Năm 2012, hai tác giả Nguyễn Huy Mỹ và Nguyễn Thanh Tùng đã giới thiệu toàn văn công trình này (từ trang 362-445) cùng bản dịch, chú giải (từ trang 147-169) trong cuốn Nguyễn Huy Quýnh- Cuộc đời & thơ văn. Đáng tiếc là phần nguyên văn công trình này in lại trên sách khổ nhỏ (14,5cm x20,5cm), bản in trắng đen nên không được rõ lắm. Chúng tôi may mắn được xem bản gốc của công trình này (trên bản ảnh ấn -scan màu) nên thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu các chi tiết, đặc biệt là các địa danh trên bản đồ. Từng giới thiệu hay đề cập đến một số nội dung của công trình này còn có các tác giả Trần Nghĩa, Trần Văn Quyến, Trần Trọng Dương[4]… nhưng mức độ còn sơ lược, chưa đi sâu vào khai thác các nội dung của tác phẩm một cách toàn diện. Tuy vậy, đó cũng là điều rất đáng quý vì đã góp phần giới thiệu và đưa Quảng Thuận đạo sử tập đến với công chúng sau một thời gian rất dài hầu như không ai hay biết, dù đây là một công trình quan trọng được biên soạn cùng thời với Phủ biên tạp lục, Giáp Ngọ niên Bình nam đồ.

Quảng Thuận đạo sử tập đã ghi chép và vẽ lại bản đồ một phần quan trọng của xứ Đàng Trong, từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Đây chính là vùng đất mà quân Trịnh chiếm được hoặc chi phối sau cuộc nam chinh năm 1775. Trang đầu ghi “Quảng Thuận đạo sử tập- Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh (hiệu Dần Phong) trước tác”. Trang cuối ghi “Bảo Đại thập bát niên lục nguyệt sơ tứ nhật- Hà Tĩnh tỉnh Can Lộc huyện, Song Lai Nguyễn Huy Chương phụng đính”.

Như đã nói, đây là một công trình được biên soạn theo lối tổng hợp lịch sử- địa lý- bản đồ rất đáng chú ý. Nếu so sánh với 2 công trình nổi tiếng được biên soạn cùng thời là Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn và Bình Nam đồ của Bùi Thế Đạt thì có điểm khác biệt. Phủ biên tạp lục không có mục bản đồ, Bình Nam đồ thì không có phần biên chép theo kiểu địa lý- lịch sử, còn Quảng Thuận đạo sử tập thì bao gồm tất cả. Trần Trọng Dương cho rằng, khi biên soạn công trình này, Nguyễn Huy Quýnh đã có sự tham khảo các công trình biên soạn cùng thời trong đó có Phủ biên tạp lụcBình Nam đồ, và có thể đây cũng là một công trình được biên soạn theo lối “quan phương”, biên soạn theo “mật lệnh” của chúa Trịnh. Đây là một nhận xét có căn cứ vì nếu so sánh thì chúng ta sẽ tìm ra khá nhiều điểm tương đồng về nội dung giữa các công trình này. Tuy nhiên, Quảng Thuận đạo sử tập có những đặc điểm riêng rất thú vị nhất là trong phần bản đồ.

  Phần bản đồ trong Quảng Thuận đạo sử tập được vẽ bằng mực Nho theo lối vừa khái quát, vừa tả thực. Các tuyến đường lại được vẽ bằng mực son nên tạo được độ tương phản, rất dễ nhận biết. Khác với Bình Nam đồ thiên về kiểu vẽ khái quát, nhưng thể hiện gần như đầy đủ các chi tiết, bản đồ của Quảng Thuận đạo sử tập lại chỉ tập trung thể hiện các công trình chính và bỏ qua các địa danh/công trình mà tác giả không quan tâm. Bởi vậy, có khá nhiều công trình quan trọng như các dinh trấn, thành trì, đồn phòng thủ được tác giả vẽ khá chi tiết theo lối tả thực rất sinh động. Chính vì vậy mà thành Phú Xuân và một số công trình trong khu vực trung tâm thành phố Huế hiện nay đã được Quảng Thuận đạo sử tập thể hiện rất rõ và chi tiết. Đây là một sự bổ sung rất lí thú cho Bình Nam đồ và các bản đồ vẽ về khu vực Huế thời kỳ này.

2. Thành Phú Xuân cuối thế kỷ XVIII trên Quảng Thuận đạo sử tập

Thành Phú Xuân cuối thế kỷ XVIII chắc chắn là Đô thành cho chúa Nguyễn Phước Khoát cho xây dựng, năm 1775, quân Trịnh sau khi chiếm được Thuận Hóa đã giữ luôn tòa thành này làm trị sở, gọi là trấn thành Phú Xuân. Ngót 10 năm sau đó, với cương vị là Hành đốc thị Thuận Quảng, Nguyễn Huy Quýnh đã nghiên cứu và thể hiện toàn bộ khu vực trấn thành Phú Xuân trên bản đồ kèm những lời mô tả khá rõ ràng, sinh động.

Điểm đầu tiên có thể thấy là thành Phú Xuân có hình chữ nhật, quy mô khá lớn, nằm ở vị trí trung tâm trên Vương đảo, bốn mặt đều có sông bao bọc, mặt nam của thành sát với bờ sông Hương. Thành mở 4 cửa về 4 hướng, trong đó 2 cửa phía nam và phía bắc được vẽ rất lớn, trên có vọng lâu. Bên trong thành có 6 công trình, trong đó quan trọng nhất có lẽ là công trình nằm chính giữa trên trục Dũng đạo, có 3 tầng, có tên gọi là Vọng Hà (ngắm sông). Trục bên đông có 3 công trình, trong đó công trình nằm ở phía bắc được vẽ rất lạ, 4 mặt đều có vọng lâu, còn 2 công trình phía nam thì chỉ vẽ 1 tầng, tòa ở giữa có tên là Phủ Ấu (có lẽ là phủ dành cho hoàng tử?). Ở trục phía tây có 2 công trình, tòa phía trước vẽ 2 tầng, nhưng tòa phía sau là 1 tòa nhà 3 tầng khá đồ sộ. Đối chiếu với phần viết mô tả thì tòa chính giữa có lẽ là đại điện Kim Hoa (phần viết mô tả là công trình có 3 dãy, mỗi dãy 9 gian, trùng diêm, trang trí bằng đồng và thiếc), còn tòa nhà vẽ 4 mặt có vọng lâu ở phía bắc trục phía đông thì có thể là điện Nam Lâu (phần viết mô tả là công trình có 2 tầng, 4 mặt có lan can trắng). Tôi cũng cho rằng, gác Dao Trì có thể là tòa nhà 3 tầng ở phía bắc trục phía tây. Bên ngoài thành ở mặt nam, sát bờ sông ở góc phía tây có một tòa lầu 2 tầng được chú thích là Trường Tiền, tức là cơ sở đúc tiền (vốn của họ Nguyễn). Còn bên đông, gần cửa mở về phía đông cũng có một tòa lầu 2 tầng nằm sát bờ sông, có thể đây chính là gác Triêu Dương nổi tiếng, nơi Lê Qúy Đôn đã từng ngồi viết sách Phủ biên tạp lục. Cũng bên phía đông, sát bờ sông có vẽ một dãy phố, chú thích là Phố Chợ Dinh. Như vậy, đúng là chợ Dinh nằm ở bên ngoài cửa đông. Ở phía tây, bên ngoài cửa thành có tòa Xạ Trường (trường bắn); ở góc tây bắc có tòa nhà được chú thích là Tượng Xứ (nơi nuôi nhốt voi hoặc chuồng voi). Phía bắc, gần cầu Ông Tuế là chợ Phú Xuân. Có 5 chiếc cầu bắc qua hệ thống sông bao quanh Vương đảo: mặt đông có cầu Lạc Nô, mặt bắc có cầu Ông Tuế, cầu Phú Xuân; mặt tây có cầu Ông Thiện và cầu Kim Long. Riêng mặt nam (sông Hương) thì không có cầu mà chỉ có 2 bên đò, một nối qua phía xã An Cựu, một nối qua xã Dương Phẩm và Dương Xuân.

Phủ thờ Kim Long cũng được thể hiện rất rõ trên bản đồ. Phủ nằm gần bờ sông, đoạn ngã ba giữa sông Hương và sông Kim Long, phủ có hình vuông, có tường thành bao bọc, cổng chính bề thế có vọng lâu, bên trong vẽ hai công trình khá lớn. Phía trên phủ Kim Long có vẽ rõ vị trí chùa Thiên Mụ, Văn Miếu. Hai nhánh sông Tả Trạch và Hữu Trạch cũng được vẽ rõ ràng.

Ở phía bờ nam sông Hương và sông An Cựu có vẽ vị trí 2 phủ: Phủ Cam và phủ Tiền Dực, trong đó phủ Tiền Dực được chú thích (ở phần viết) là nằm trên đất Dương Xuân (tức phủ Dương Xuân). Đáng chú ý là phủ Tiền Dực nằm khá sát bờ sông, khá trùng hợp với vị trí mà Leopol Cadière từng xác định- tức vị trí sau lưng nhà ga Huế, gần cánh đồng Bàu Vá hiện nay. Ở phía thượng nguồn của bờ nam này còn có các địa danh Khố Thượng (kho Thượng), Tượng Trường (nơi tập luyện voi)…

Khu vực thành Phú Xuân trên bản đồ Quảng Thuận đạo sử tập

 


3. So sánh với Phủ biên tạp lụcBình Nam đồ

Như đã đề cập, mô tả về diện mạo thành Phú Xuân trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII có không ít nguồn tư liệu, nhưng có thể nói 2 công trình quan trọng nhất là Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn và Bình Nam đồ của Bùi Thế Đạt. Tác giả của hai công trình này cũng là người đương thời và “cùng phe” với Nguyễn Huy Quýnh.

Bình Nam đồ được vẽ vào năm Giáp Ngọ (1774), trước khi quân Trịnh tấn công vào Đàng Trong nên có lẽ dựa trên thông tin tình báo của những người làm nội ứng cho quân Trịnh. Tuy nhiên, do thời gian vẽ Bình Nam đồQuảng Thuận đạo sử tập cách nhau hơn 10 năm nên trên hai bản đồ này có một số điểm khác biệt là đương nhiên, chưa nói đến chuyện cách thể hiện cũng khác nhau: Bình Nam đồ vẽ đầy đủ các chi tiết, còn Quảng Thuận đạo sử tập chỉ mô tả những công trình/địa danh mà tác giả quan tâm, muốn nhấn mạnh. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi trên Quảng Thuận đạo sử tập không có một số địa danh mà Bình Nam đồ thể hiện. Nhưng xét trên tổng thể, nếu mô tả về thành Phú Xuân thì Quảng Thuận đạo sử tập thể hiện rõ ràng, sinh động hơn nhiều.

Phủ biên tạp lục được Lê Qúy Đôn biên soạn xong vào năm 1776. Đây là công trình địa chí đầy đủ nhất về Thuận Hóa trong thế kỷ XVIII. Sự mô tả của Phủ biên tạp lục về thành Phú Xuân cũng phong phú, đầy đủ nhất:

“... Ở trên thì các phủ thờ ở Kim- long giữa thì cung phủ hành lang, dưới thì nhà cửa ở Phủ- ao. Nguyễn Phúc Khoát xưng vương hiệu, đổi tên đề biển, có hai điện Kim- hoa, Quang- hoa, có các nhà Tựu- lạc, Chính- quan, Trung- hòa, Di- nhiên, đài Sướng- xuân, các Dao- trì, các Triêu- dương, các Quang- thiên, đình Thụy- vân, hiên Đồng- lạc, am Nội- viện, đình Giáng- hương, công đường, trường học và trường súng. Ở thượng lưu về bờ nam có phủ Dương- xuân và phủ Cam. Ở trên nữa có phủ Tập- tượng; lại dựng điện Trường- lạc, hiên Duyệt- võ, mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ, mà giải võ, tường bao quanh, cửa bốn bề, chạm khắc vẽ vời, khéo đẹp cùng cực. Các nhà đều lát nền bằng đá, trên lát ván kiền kiền, những máng xối đều làm bằng kẽm để hứng nước; trồng xen cây cối, cây vả cây mít đều to mấy ôm. Vườn sau thì núi giả đá quí, ao vuông hồ quanh, cầu vòng thủy tạ, tường trong tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi và mảnh sứ đắp thành hình rồng phượng, lân hổ, cỏ hoa. Ở thượng lưu và hạ lưu Chính dinh đều là nhà quân bày hàng như bàn cờ. Những nhà của thủy quân lại ở đối ngạn. Xưởng thuyền và kho thóc thì ở các xã Hà- khê, Thọ- khang trên thượng lưu. Còn nhà vườn của các công hầu quyền quí thì chia bày ở hai bờ phía thượng lưu sông Phú Xuân, cùng hai bờ sông con bên hữu phủ Cam. Ở thượng lưu hạ lưu phía trước Chinh dinh thì chợ phố liền nhau, đường cái đi ở giữa, nhà cửa chia khoảng tiếp nhau, đều là mái ngói. Cây to bóng mát, tả hữu thành hàng. Thuyền buôn bán, đò dọc ngang, đi lại như mắc cửi”[5].

          Nếu so sánh với mô tả về các công trình/địa danh của thành Phú Xuân trong đoạn văn trên, thì trên bản đồ (và cả phần biên chép) của Quảng Thuận đạo sử tập cũng thiếu một số. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì các công trình/địa danh quan trọng đều có ở cả Phủ biên tạp lụcQuảng Thuận đạo sử tập, như : Thành Phú Xuân (phủ chính), phủ Ao, phủ Kim Long, chùa Thiên Mụ, phủ Cam, phủ Dương Xuân (phủ Tiền Dực), Kho Thượng, phủ Tập Tượng… Và các địa danh này đều có trên Bình Nam đồ. Về các công trình cụ thể bên trong/ngoài thành Phú Xuân, Bình Nam đồ không thể hiện, còn Phủ biên tạp lụcQuảng Thuận đạo sử tập đều có nêu là: Điện Kim Hoa, Đường (đình) Giáng Hương, đường Di An, am Ngọc Vân, gác Dao Trì, gác Triêu Dương…Bên cạnh đó, một số công trình được Phủ biên tạp lục đề cập không có trong Quảng Thuận đạo sử tập, và ngược lại. Đây cũng là điều dễ hiểu vì cách viết của hai công trình này khác nhau, vả lại, như đã đề cập, thời điểm viết hai công trình lại cách nhau hơn 10 năm và đây lại là thời kỳ có rất nhiều biến động.

4. Sơ bộ kết luận

Nguyễn Huy Quýnh là một nhà Nho, một trí thức xuất sắc của Đàng Ngoài trong thế kỷ XVIII, với Quảng Thuận đạo sử tập, ông đã góp phần quan trọng trong việc bổ sung các thông tin về vùng đất Đàng Trong trong giai đoạn này. Với lối biên soạn tổng hợp sử học- địa lý- bản đồ, Quảng Thuận đạo sử tập đã bổ sung nhiều thông tin lý thú mà các công trình được biên soạn cùng thời chưa hoặc chỉ đề cập một cách hạn chế, đặc biệt là cách vẽ bản đồ theo lối tả thực rất sinh động hầu như ít thấy trong cách vẽ bản đồ của người Việt đương thời.

Với Quảng Thuận đạo sử tập, thành Phú Xuân (vốn là Đô thành của các chúa Nguyễn) đã được mô tả một cách chi tiết, đầy đủ trên bản đồ, giúp cho chúng ta hình dung được quy mô, diện mạo của một trung tâm đô thị lớn nhất ở Đàng Trong thời bấy giờ.

Từ những thông tin do Quảng Thuận đạo sử tập cung cấp, đối chiếu với các thông tin từ những công trình của người Việt Nam được biên soạn cùng thời, những tư liệu của người phương Tây… chúng ta cần xem lại vị trí của phủ Dương Xuân. Theo đó, phủ Dương Xuân phải nằm gần sát bờ sông An Cựu và cũng khá gần sông Hương. Có vẻ vị trí này chính là vị trí phía sau nhà ga Huế, gần cánh đồng Bàu Vá mà Leopol Cadière đã từng xác định chứ không phải tại khu vực chùa Vạn Phước như Nguyễn Đắc Xuân khẳng định[6].

Dẫu vậy, những ý kiến trong bài viết này mới xuất phát từ việc nghiên cứu bước đầu công trình Quảng Thuận đạo sử tập. Chắc chắn, chúng ta cần nhiều thời gian để nghiên cứu sâu và đầy đủ hơn về công trình này./.

Tài liệu tham khảo

  1. Bùi Thế Đạt (1962), Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ, in trong Hồng Đức Bản Đồ, Bộ Quốc Gia Giáo dục, Sài Gòn.
  2. Đỗ Bang (1988), “Về những thế hệ thành Phú Xuân”, Tập báo cáo khoa học,  Viện Khảo cổ học, Hà Nội.
  3. Lê Quý Đôn (1977), Lê Qúy Đôn toàn tập, tập 1: Phủ biên tạp lục, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, HN.
  4. Leopol Cadière (1914), Les Residences des rói de Cochinchine (Annam) avant Gia Long (Thủ phủ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong trước Gia Long), Bulletin De La Commission Archeologique De L’Indochine, bản dịch của Nguyễn Thị Thúy Vi, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
  5. Nguyễn Đắc Xuân (2007), Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-Sơn lăng của hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  6. Nguyễn Huy Mỹ - Nguyễn Thanh Tùng (2012), Nguyễn Huy Quýnh- Cuộc đời & Thơ văn. Nxb Lao động- Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây.
  7. Phan Thanh Hải (1999), Hệ thống Thủ phủ các chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế, Tc Thông tin Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên- Huế, số 2, Phần VI: Đô thành Phú Xuân (1738-1775), đỉnh cao của quá trình đô thị hóa thủ phủ chúa Nguyễn, Huế.
  8.  Phan Thanh Hải (2006), Đô thị Phú Xuân - Huế thế kỷ XVII - XVIII qua sự mô tả của một số nhân chứng người nước ngoài, NCLS, số 4.
  9. Trần Nghĩa (2014), Bản đồ cổ Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 2 (109).
  10. Trần Nghĩa- François Gros (Đồng chủ biên) (1993), Di sản Hán Nôm- thư mục đề yếu, Viện nghiên cứu Hán Nôm- Viện Viễn đông bác cổ xuất bản.
  11.  Trần Văn Quyến (2015) Hoàng Sa trong Quảng Thuận đạo sử tập, Tạp chí Phát triển kinh tế- xã hội Đà Nẵng.
  12.  Trần Trọng Dương (2017) Bản đồ và tri tạo kiến văn địa lý ở Việt Nam thời tiền hiện đại qua mẫu hình nhà Nho hành đạo Nguyễn Huy Quýnh, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (138).
 

[1] Phúc Giang thư viện là nơi tập hợp rất nhiều sách vở được in ấn bằng mộc bản và cả sách chép tay. Ngày 19/5/2016, Mộc bản của trường học Phúc Giang và Phúc Giang thư viện đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

[2] Phần viết về Nguyễn Huy Quýnh và gia đình tôi dựa vào thông tin từ cuốn Nguyễn Huy Quýnh- Cuộc đời & thơ văn của hai tác giả Nguyễn Huy Mỹ và Nguyễn Thanh Tùng, Nxb Lao động- Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây, 2012.

[3] Xem ảnh ấn bản gốc công trình này của gia tộc Nguyễn Huy thì thấy ghi rõ Nguyễn Huy Chương là người “phụng đính”, tức là chỉ là người hiệu đính và có thể chép lại. Nhưng không hiểu căn cứ vào đâu mà các tác giả của bộ Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu lại cho rằng, Nguyễn Huy Chương là người thực hiện phần vẽ bản đồ? Tôi cho rằng, toàn bộ công trình này đều do Nguyễn Huy Quýnh thực hiện, đến năm 1943, Nguyễn Huy Chương chỉ là người hiệu đính và có thể đã chép lại.

Tham khảo: Trần Nghĩa- François Gros (đồng chủ biên) (1993), Di sản Hán Nôm- thư mục đề yếu, Viện nghiên cứu Hán Nôm- Viện Viễn đông bác cổ xuất bản.

[4] Tham khảo: Trần Nghĩa (2014), Bản đồ cổ Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 2 (109), tr7-15.

Trần Văn Quyến (2015) Hoàng Sa trong Quảng Thuận đạo sử tập, Tạp chí Phát triển kinh tế- xã hội Đà Nẵng, tr47-51.

Trần Trọng Dương (2017) Bản đồ và tri tạo kiến văn địa lý ở Việt Nam thời tiền hiện đại qua mẫu hình nhà Nho hành đạo Nguyễn Huy Quýnh, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (138), tr65-86.

 

[5] Lê Qúy Đôn (1977), Lê Qúy Đôn toàn tập; tập 1: Phủ biên tạp lục, bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, HN, tr.112-113.

[6] Hiện nay đang còn có nhiều tranh luận về vị trí của phủ Dương Xuân. Một số ý kiến cho rằng, dưới thời Tây Sơn phủ này là nơi ở chính của Hoàng đế Quang Trung nên về sau bị triều Nguyễn xóa sạch dấu vết. L.Cadière cho rằng, vị trí phủ Dương Xuân ở trong khoảng sau lưng Ga Huế hiện nay, đối diện với cồn Dã Viên. Khi ông khảo sát tại đây thì một số dấu tích về phủ cũ như Ruộng Phủ, Mã Trường, Cồn Mô ... vẫn còn. Nguyễn Đắc Xuân, trong các công trình nghiên cứu về thời Tây Sơn lại cho rằng, vị trí của phủ Dương Xuân nằm tại khu vực chùa Vạn Phước hiện nay. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào Quảng Thuận đạo sử tập kết hợp với mô tả của James Bean thì Phủ Mùa Đông hay phủ Dương Xuân phải nằm rất gần cồn Dã Viên và sông An Cựu. Xem ra L.Cadière đã có lý hơn. Tham khảo: Leopol Cadière (1914), Les Residences des rói de Cochinchine (Annam) avant Gia Long (Thủ phủ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong trước Gia Long), Bulletin De La Commission Archeologique De L’Indochine, bản dịch của Nguyễn Thị Thúy Vi, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Theo Di tích Huế