Có phải Thiền Lâm là ngôi chùa lịch sử, Thiền viện đầu tiên lớn nhất Đàng Trong?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã tìm thấy dấu tích ngôi chùa gắn liền với triều Tây Sơn tại Huế ở khuôn viên 150 Điện Biên Phủ - Huế và từng bước giải mã những bí ẩn chồng chất trong ngôi chùa này, giữa năm 2017 Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã cho ra đời công trình "Thiền Lâm - ngôi chùa lịch sử, Thiền viện đầu tiên lớn nhất Đàng Trong". Nội dung của cuốn sách này tập trung khai thác về giá trị lịch sử của chùa Thiền Lâm trong mối tương quan với triều đại Tây Sơn, nhất là sự kết nối với lăng mộ vua Quang Trung. Đây là kết quả của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân sau nhiều năm tìm hiểu, khám phá. Huế ngày mới đã đưa tin giới thiệu về công trình này đến với bạn đọc xa gần.
Vừa qua chúng tôi lại phát hiện bài viết "Thiền Lâm - ngôi chùa lịch sử, Thiền viện đầu tiên lớn nhất Đàng Trong: công trình nghiên cứu đầy sai lệch về chùa Thiền Lâm", do vậy để rộng đường dư luận chúng tôi xin được đăng tải bài viết này để bạn đọc có thể đối chiếu, xem xét một cách khách quan. Trân trọng giới thiệu
 

Vào khoảng cuối thu năm 2017, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (NNC NĐX) đã cho ra đời công trình Thiền Lâm - ngôi chùa lịch sử, Thiền viện đầu tiên lớn nhất Đàng Trong [viết tắt là sách Thiền Lâm], do Nhà xuất bản (Nxb.) Thuận Hóa ấn hành. Sách gồm 156 trang, in trên giấy bóng đẹp với nhiều hình ảnh màu khá sống động. Nội dung chủ yếu của cuốn sách này tập trung khai thác về giá trị lịch sử của chùa Thiền Lâm trong mối tương quan với triều đại Tây Sơn, nhất là sự kết nối với lăng mộ vua Quang Trung.

Cuốn sách này cùng với những công trình nghiên cứu khác như Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung (Viện Sử học Việt Nam, 1992), Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương – Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung (Nxb. Thuận Hóa, bản in đầu 2007, tái bản 2015), Bắc cung  Hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế (Nxb. Thuận Hóa, 2014) và Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn – tiền thân của cung điện Đan Dương, Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung (Nxb. Văn hóa Văn nghệ, 2017) của ông NĐX là các công trình chủ yếu, tương hỗ lẫn nhau (và có nhiều phần giống nhau) nhằm xác quyết về vấn đề lăng mộ vua Quang Trungcung điện Đan Dương (?).

Các công trình ấy là kết quả của NNC NĐX trong nhiều năm tìm hiểu về lăng mộ vua Quang Trung, vị hoàng đế tiêu biểu của triều đại Tây Sơn. Bởi thế, chúng tôi rất trân trọng công sức ấy.

Tuy nhiên, sau một thời gian tìm hiểu về công trình nghiên cứu này, qua đối chiếu với các tư liệu hiện có liên quan đến chùa Thiền Lâm, chúng tôi nhận thấy sách Thiền Lâm - ngôi chùa lịch sử, Thiền viện đầu tiên lớn nhất Đàng Trong có rất nhiều điểm bất hợp lý, thậm chí có những sai sót mang tính hệ thống, làm ảnh hưởng nặng nề đến nhận định của người đời sau đối với ngôi chùa có bề dày lịch sử này. Do vậy, bài viết dưới đây xin được có đôi lời góp ý với NNC NĐX về những thiếu sót trên.

Những suy đoán chủ quan và gán ghép để cố tình xúc phạm Hòa thượng Khắc Huyền – tổ khai sơn Thiền Lâm viện.

Trong sách Thiền Lâm, tác giả dường như không hề nghiên cứu dựa trên các cứ liệu thực tế và tư liệu lịch sử. Để phù hợp với luận cứ cá nhân, ông cố tình “uốn nắn” tư liệu và dữ liệu thực địa theo hướng có lợi nhất cho cá nhân.

Điều đáng bàn đầu tiên ở đây chính là sự suy luận chủ quan dẫn tới việc phủ nhận sạch trơn vị tổ sư khai sơn chùa Thiền Lâm: Khắc Huyền lão tổ.

Cụ thể, tại công trình Thiền Lâm, NNC NĐX đã nhiều lần nhắc tới tháp mộ và linh vị hòa thượng Khắc Huyền để phủ nhận tên tuổi của vị tổ sư khai sơn Thiền Lâm viện, trong đó tập trung tại Chương năm: Đâu là lịch sử đích thực của chùa Thiền Lâm (trang 42-53) của phần chính và mục 9. Nghiên cứu và phản biện bài viết Tổ Khắc Huyền của HT Thích Hải Ấn và NNC Hà Xuân LiêmChương thứ hai: Tư Liệu.

Ông cho rằng: “Bia tháp lâu nay tưởng là của Hòa thượng Khắc Huyền, theo tôi là bia tháp của một vị Hòa thượng nào đó viên tịch vào năm 1706, bị mài nhẵn và khắc lại tên ‘Hòa thượng Khắc Huyềntôi không tin tháp mộ lâu nay tưởng là của Hòa thượng Khắc Huyền là của Ngài Hòa thượng thật nào đó. Việc xác định không có Khắc Huyền lão tổ, và cho rằng rằng đây là tháp mộ do người sau ngụy tạo với mục đích “đánh lạc hướng” dư luận trong mấy trăm năm qua… được tác giả dựng nên nhằm đưa đến kết luận rằng Triều Nguyễn đã cố tình xóa sổ các dấu vết toàn khu vực liên quan đến chùa Thiền Lâm và phủ Dương Xuân.

Để góp phần chứng minh cho nhận định của mình, NNC NĐX tiếp tục đưa ra khá nhiều ý kiến, suy luận đầy chủ quan tư biện, dựa vào những suy đoán cá nhân. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến 2 vấn đề trọng yếu nhất:

(1) Bia tháp hòa thượng Khắc Huyền không hề bị mài nhẵn và khắc lại.

(2) Ông NĐX hiểu sai về khái niệm “viện” 院và “tự” 寺, sai lầm này chính là yếu tố căn cốt để dẫn tới nhiều sai sót, gán ghép trong nhiều nhận định tiếp theo.

1.1 Bia tháp Hòa thượng Khắc Huyền không hề bị mài nhẵn và khắc lại

Trong Chương nămmục 9 phần Tư liệu (đã đề cập ở trên), ông NĐX không rõ căn cứ vào cứ liệu thực tế nào để cho rằng:

Nội dung khắc ở lòng bia ‘Sắc tứ Động Thượng chính tông khai sơn Thiền Lâm viện Khắc Huyền lão tổ chi tháp”. Nội dung này khắc lại trên mặt bia đã bị mài nhẵn nội dung cũ nên không đáng tin cậy và không thấy các tác giả quan tâm đến hiện tượng khắc lại đó” .

Để kiểm chứng nhận định này, chúng tôi đã trực tiếp khảo sát bia đá trên tháp mộ hòa thượng Khắc Huyền. Qua thực địa đối chiếu, chúng tôi thấy rõ đây là ngôi tháp có từ xưa, tháp 3 tầng được bao bọc bằng một vòng tường thành xung quanh. Ngôi tháp xoay về hướng Nam. Nằm bên phải, gắn vào tường của tháp mộ còn bia đá Thổ thần土神 (cũng gọi là bia Hậu thổ 后土, Hậu thổ nương nương后土娘娘, Khai hoàng hậu thổ nguyên quân 開皇后土元君, tức là thổ địa thần土地神) bằng đá tím (đá gan gà), loại vật liệu phổ biến thời Chúa Nguyễn.

Bia tháp mộ được chế tác bằng đá thô, ráp (không mịn), các dòng chữ Hán được khắc với nét khá sâu, lòng bia có dòng chữ: “Sắc tứ Động thượng chánh tông khai sơn Thiền Lâm viện Khắc Huyền lão tổ hòa thượng chi tháp” 敕賜洞上正宗開山禪林院克玄老祖和尚之塔. Bên trái bia ghi phần niên hiệu lập bia là: “Chính Hòa nhị thập thất niên tứ nguyệt cát đán lập”正和二十七年四月吉旦立 (ngày tốt tháng 4 niên hiệu Chính Hòa thứ 27 [1706] lập bia).

Quan sát tổng thể, chúng tôi không thấy dấu hiệu nào của việc mài chữ và khắc lại như nhận định của NNC NĐX. Các dòng ghi năm – tháng - ngày trên niên hiệu ở bia đá viết bằng chữ đơn (nhị thập thất 二十七 [niên], tứ 四 [nguyệt]) chứ không dùng chữ kép theo quy định của triều Nguyễn từ niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 (1822) và chữ “Tông” 宗 (trong Động thượng chánh tông 洞上正宗) không hề có dấu hiệu 

kiêng húy, tức bia đá này đã khắc trước triều Thiệu Trị (Hiến tổ Chương Hoàng đế, vì tên húy của ngài là Miên Tông 綿宗).

Ở đây, chúng tôi xin đề cập thêm đối với cách nhìn nhận sai lệch, thiếu kiến thức và suy luận chủ quan của ông NĐX khi phê phán nhận định “Tổ Khắc Huyền cũng như tổ Giác Phong đều là những thiền sư trong phái Tào Động” của các tác giả sách Lịch sử Phật giáo xứ Huế là sai, nhằm mục đích phủ nhận sự hiện diện của tổ sư Khắc Huyền. NNC NĐX phê bình rằng: “Không rõ căn cứ vào tài liệu nào mà có sự khẳng định này. Theo Hải ngoại kỷ sự thì đến năm 1695, Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán qua Thuận Hóa thì dòng tu Tào Động mới chính thức phổ biến ở xứ Đàng Trong. Trước đó, Quốc sư Quả Hoằng dù theo dòng tu Tào Động nhưng chưa truyền cho ai”. Thực tế, trên văn bia tháp tổ sư Khắc Huyền đã viết rõ: “Sắc tứ Động thượng chánh tông khai sơn Thiền Lâm viện Khắc Huyền lão tổ hòa thượng chi tháp” 敕賜洞上正宗開山禪林院克玄老祖和尚之塔.

Động Thượng chánh tông 洞上正宗 là cách gọi phổ biến của Thiền phái Tào Động (曹洞宗 Tào Động tông), cùng với Lâm Tế chánh tông 臨濟正宗là hai dòng thiền của các tổ sư Trung Hoa phổ biến ở Đàng Trong và song song tồn tại từ thế kỷ XVII ở Thuận Hóa.

Khái niệm này đâu hề xa lạ, mà ngược lại khá phổ biến trong các thư tịch, sử liệu, bia ký, mộc bản đang hiện hữu. Chẳng hạn, ngay trong dòng đầu tiên ở văn bia Ngự kiến Thiên Mụ tự, Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu đã ghi rõ “Quốc chúa Nguyễn Phú Chu, tự Động Thượng chánh tông tam thập thế…” 國主阮福週嗣洞上正宗三十世…”  (xem ảnh 4), hoặc trong ván khắc (mộc bản) Kinh Kim Cang quý giá khắc vào năm Nhâm Thân, niên hiệu Khang Hy thứ 31 (1692) do Hòa thượng Thạch Liêm đứng tên khắc bản (hiện tồn ở kho mộc bản chùa Từ Đàm) ghi rất rõ: “Tự Động Thượng chánh tông nhị thập cửu thế Thạch Liêm Sán Đầu lễ quán tưởng kính thư” 嗣洞上正宗二十九世石濂汕頭禮觀想敬書 (xem ảnh 5). Những kiến thức này thuộc về tri thức nền tảng cơ bản của người học Phật, của Phật tử và những người quan tâm nghiên cứu về Phật giáo.

Qua đây, chúng tôi nghĩ rằng NNC NĐX không phải không hề biết tri thức bình thường này, mà thực tế tác giả sách Thiền Lâm cố tình giả vờ không biết, để sử dụng sự suy đoán của mình theo hướng có lợi cho giả thiết ông đã đặt ra.

Một vấn đề nữa, như mọi người đều biết, việc Đàng Trong không theo kịp niên hiệu của vua Lê ở Đàng Ngoài là điều rất phổ biến và là một dấu hiệu văn bản học “đặc trưng” để nhận biết, phân biệt về đặc điểm tư liệu Đàng Trong so với Đàng Ngoài, nên thiết nghĩ chúng tôi không cần chứng minh thêm về niên hiệu ở trên bia.

Bên cạnh đó, như đã nói, bia Thổ thần 土神 bằng đá tím hiện hữu ở tường bên phải khuôn viên tháp tổ Khắc Huyền cũng góp phần chứng tỏ nhân vật được chôn cất tại ngôi tháp này rất quan trọng, có vị thế không nhỏ đối với Dòng tộc, Chùa chiền, hệ phái hoặc lịch sử văn hóa nước nhà.

Bởi lẽ, ngoại trừ các ngôi mộ của người Hoa kiều ở Huế, các ngôi tháp, mộ có sự hiện diện của bia đá thổ thần土神 (vị thần cai quản toàn khuôn viên khu mộ) còn lại hiện nay đa số có niên đại từ thời các chúa Nguyễn cho đến giai đoạn đầu triều Nguyễn, và hiện còn khá ít.

Chẳng hạn, bia thổ thần còn hiện hữu tại Tháp tổ Nguyên Thiều, Tháp tổ Liễu Quán, Tháp tổ Đạo Tâm Trung Hậu (Lâm Tế đời thứ 38, người có công đức trùng kiến chùa Thiền Tông sau khi bị suy đồi ở thời Tây Sơn), mộ ngài Thái giám Mai Văn Hoan (pháp danh Tế Ý – đệ tử tổ Liễu Quán, người hộ trì rất mạnh cho Phật giáo Đàng Trong trong thời quốc chúa Nguyễn Phúc Khoát) ở gần tháp tổ Liễu Quán, tại lăng Thiên Thọ (lăng của Thế tổ Cao Hoàng đế)…

          Như vậy, các lăng mộ, tháp mộ có sự xuất hiện của bia đá Thổ thần 土神 (được người đời tôn xưng là Chính thần正神 hay Phúc Đức chính thần 福德正神) hiện tồn ở Huế phải là các ngôi lăng mộ có vị thế quan trọng đối với vương triều Nhà Nguyễn hoặc với tiến trình lịch sử xã hội của vùng đất này.

Riêng về các tháp mộ Phật giáo Huế, sự hiện diện của bia đá Hậu thổ / Thổ thần… này chứng tỏ đây là ngôi tháp mộ khá quan trọng đối với lịch sử các ngôi chùa, có dấu ấn không nhỏ đối với lịch sử Phật giáo Huế.

Từ đó theo chúng tôi, ngôi tháp mộ của Giác Huyền lão tổ nói trên cùng bia đá thổ thần là những chứng cứ đủ để khẳng định chủ nhân của ngôi tháp Giác Huyền Lão tổ là một nhân vật quan trọng đối với Phật giáo Huế, là vị tổ khai sơn ngôi Thiền Lâm viện (tiền thân của Thiền Lâm tự) – một trong những địa điểm giảng dạy và giáo hóa, truyền bá đạo Phật dưới thời các Chúa Nguyễn.

(còn nữa)

Nguồn: http://hueworldheritage.org.vn