Bóng đá và chính trị – những câu chuyện khó tin trong lịch sử

 

“Một số người tin rằng bóng đá là vấn đề giữa sự sống và cái chết… Nhưng tôi đảm bảo với bạn rằng, nó còn quan trọng hơn nhiều”.

Bill Shankly, HLV huyền thoại của CLB Liverpool, đã nói câu nói nổi tiếng này trước khi qua đời một thời gian ngắn năm 1981. Quả thực, tầm quan trọng và ảnh hưởng của môn thể thao vua chưa bao giờ bị đánh giá thấp – và đôi khi nó còn vượt ra khỏi ranh giới một môn thể thao thuần túy.

Bóng đá có thể tạo nên những ảnh hưởng ở tầm quy mô quốc gia và quốc tế, là khởi nguồn của những cuộc cách mạng và chiến tranh, cũng như có khả năng mang lại hòa bình và đoàn kết cả một dân tộc.

Cuộc “Chiến tranh bóng đá” giữa Honduras và El Salvador năm 1969 có lẽ là ví dụ nổi tiếng nhất về tầm ảnh hưởng quá lớn của môn thể thao vua. Hai quốc gia Trung Mỹ này đã lao vào một cuộc chiến tranh kéo dài trong 4 ngày khiến hơn 3.000 người thiệt mạng sau trận đấu giữa hai đội tại vòng loại World Cup 1970.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên, và chắc chắn cũng sẽ không phải là lần cuối cùng, thế giới chứng kiến những câu chuyện điên rồ được sinh ra bởi bóng đá và chính trị.

1. Mussolini thao túng những “ông vua áo đen”, 1934

Mussolini đã quyết định sử dụng World Cup năm 1934 trên quê nhà như một sự quảng bá cho đảng phát xít của mình. Ông trùm phát xít Ý cũng không quên làm một chiếc cúp để dành riêng cho sự kiện này, đó là chiếc cúp Coppa Del Duce, với kích thước gấp sáu lần chiếc cúp của của Jules Rimet. Và cho đến nay, vẫn có những cáo buộc cho rằng giải đấu đã được ấn định để đội tuyển Ý của Mussolini lên ngôi vô địch.

2. Matthias Sindelar hạ nhục Đức quốc xã, 1938

Áo từng là một trong những đội bóng xuất sắc nhất trong thập niên 1930, nhưng sau khi bị Đức quốc xã sát nhập, “Wunderteam” đã buộc phải rút khỏi World Cup và hợp nhất với Đức.

Tiền đạo ngôi sao của đội tuyển Áo, Matthias Sindelar đã phản đối sự mất độc lập của nước mình bằng cách viện cớ tuổi già và từ chối chơi cho đội tuyển Đức. Nhưng HLV của đội tuyển Đức khi đó, Sepp Herberger sau này đã phát biểu: “Tôi gần như chắc chắn rằng sự khó chịu và cự tuyệt vì lý do chính trị đã khiến Sindelar từ chối”.

Trong một nỗ lực với tên gọi “Trận đấu hòa giải” để đánh dấu việc sát nhập của hai bên, Sindelar đã bộc lộ cảm xúc của mình khá rõ ràng trong chiến thắng 2 – 0 trước Đức. Theo cuốn sách “Fussball unterm Hakenkreuz” của nhà sử học Đức Nils Havemann, Sindelar đã ghi bàn thắng đầu tiên để chứng tỏ lòng yêu nước. Và khi đồng đội ghi bàn thắng thứ hai, ông đã nhảy múa ăn mừng ngay trước mặt các quan chức Đức quốc xã.

Năm 1939, Sindelar và bạn gái đã thiệt mạng trong căn hộ của ông do bị rò rỉ khí gas. Cho đến nay, những bí mật xung quanh cái chết của Sindelar vẫn là điều gây tranh cãi.

3. Cuộc chiến vì độc lập của Algeria, 1958

Năm 1958, khi cuộc kháng chiến giành độc lập trước thực dân Pháp đang diễn ra tại Algeria, đội tuyển Pháp đã triệu tập một số cầu thủ Algeria đang chơi trong giải bóng đá Pháp để chuẩn bị cho World Cup tổ chức ở Thụy Điển.

Bỏ qua cơ hội để đến với tiền tài, vinh quang và danh vọng, các cầu thủ Algeria đã lựa chọn tổ quốc của mình. Thay vì tham dự một trận đấu giao hữu với Thụy Sĩ, họ quyết định chạy trốn khỏi nước Pháp, tập trung tại trụ sở của Mặt trận Giải phóng Quốc gia ở Tunisia và cho ra đời một đội tuyển quốc gia “bất hợp pháp”, cho dù có nguy cơ bị bắt giữ vì quá trình đào ngũ này.

Rachid Maflouki đã giành chức vô địch Pháp với Saint Etienne trước khi nhận được lệnh triệu tập từ Les Bleus, nhưng với ông, có những điều còn quan trọng hơn vinh quang của cá nhân.

“Tôi đã không ngần ngại khi đưa ra quyết định đó”, ông chia sẻ với Ian Hawkey, tác giả của cuốn sách “Feet of the Chameleon”. “Tất nhiên, tôi sẽ phải từ bỏ câu lạc bộ của mình, và cả World Cup nữa. Nhưng điều đó có là gì khi so sánh với sự độc lập của tổ quốc tôi?”.

4. Sự thật đằng sau khoảnh khắc hài hước nhất World Cup của đội tuyển Zaire, 1974

Được nhớ tới như một trong những khoảnh khắc hài hước nhất của World Cup, nhưng sự thật đằng sau điều này lại hoàn toàn không phải như vậy. Đang bị Brazil dẫn 3 – 0 và phải đối mặt với cú đá phạt ngay trước vòng cấm địa, hậu vệ phải Ilunga Mwepu của Zaire dường như đã quên mất các luật lệ trong bóng đá, chạy thẳng về phía quả bóng và đá nó đi xa khi trọng tài còn chưa kịp thổi còi.

The Leopards – Những chú báo (biệt danh của đội tuyển Zaire) là quốc gia Châu Phi vùng hạ Sahara đầu tiên được tham dự World Cup, đã bị hạ nhục tới 9 – 0 bởi Nam Tư cũ sau khi thua Scotland với tỉ số 0 – 2. Sau hai trận thua đó, họ được những người thân cận của tổng thống Mobutu cho biết rằng nếu họ thua Brazil cách biệt quá 3 bàn, họ sẽ không được phép trở về nhà.

Hành động “điên rồ” của Mwepu hóa ra là một nỗ lực hết sức cần thiết nhằm mục đích câu giờ. Và thật may mắn cho đội tuyển Zaire, trận đấu đã kết thúc với phần thắng 3 – 0 nghiêng về phía Brazil, và họ có thể lên đường về nước an toàn.

5. Cuộc chiến Đông – Tây Đức, 1974

Trận đấu giữa Đông Đức và Tây Đức tại World Cup 1974 có lẽ là trận đấu mang đậm màu sắc chính trị nhất mọi thời đại. Sau thế chiến thứ hai, nước Đức bị chia cắt đã trở thành sân khấu chính cho cuộc Chiến tranh lạnh, và trận đấu ở Hamburg năm 1974 chính là tượng trưng cho sự đối đầu giữa hai hệ tư tưởng.

Mặc dù đây chỉ là trận đấu mang ý nghĩa thủ tục do cả hai đội đều đã vượt qua vòng đấu bảng, nhưng điều đó không làm giảm bớt sự căng thẳng xung quanh trận đấu.

Với lợi thế sân nhà, các nhà ĐKVĐ Châu Âu Tây Đức là đội được đánh giá cao hơn, nhưng chiến thắng đã thuộc về đội tuyển Đông Đức với bàn thắng duy nhất của Jurgen Sparwasser.

Người Đông Đức hoan hỉ trước chiến thắng, nhưng niềm vui đó chẳng kéo dài được bao lâu khi họ bị loại ngay ở vòng sau và đành cay đắng nhìn đội tuyển Tây Đức lên ngôi vô địch giải đấu năm đó.

6. Argentina đổi ngũ cốc lấy vinh quang, 1978

Chính quyền độc tài Argentina, vốn đã nắm quyền vài năm trước qua một cuộc đảo chính quân sự, đã quyết tâm sử dụng World Cup như một hình thức tuyên truyền cho chế độ.

Theo một bài viết năm 1986 của nhà báo Maria Laura Avignolo trên tờ Sunday Times của Anh và được David Yallop đề cập trong cuốn sách “How They Stole the Game”, chính quyền quân sự Argentina đã sử dụng biện pháp hối lộ và hăm dọa để giành chiếc cúp vô địch.

Tại lượt thi đấu cuối cùng của vòng đấu bảng, Argentina cần đánh bại Peru 4 bàn cách biệt để giành quyền đi tiếp. Trước trận đấu, tướng Jorge Videla đã đến thăm phòng thay đồ của các cầu thủ Peru để trò chuyện về một “Châu Mỹ Latinh thống nhất”. Và sau đó, Argentina đã đánh bại Peru với tỉ số 6 – 0 để vào vòng sau. Đây cũng là giải đấu mà Argentina đã lên ngôi vô địch đầy tranh cãi sau khi đánh bại Hà Lan trong trận chung kết với tỉ số 3 – 1.

Avignolo cũng cho biết rằng chỉ vài tuần sau trận đấu với Peru, một lô hàng 35.000 tấn lúa mì đã rời Argentina để cập bến Lima và chế độ quân sự đã ban hành khoản vay không lãi suất trị giá 50 triệu USD cho chính phủ Peru.

7. Cuộc cách mạng bóng đá của Iran, 1998

Họ có thể là hai trong số những đội bóng ít có tầm ảnh hưởng tại Pháp năm 1998, nhưng dù sao đi nữa, trận đấu giữa Mỹ và Iran cũng đã thu hút được sự quan tâm của toàn thế giới bởi sự hiềm khích trong mối quan hệ giữa hai quốc gia này sau cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Mặc dù mối quan hệ chính trị đang căng thẳng, nhưng sự đụng độ của hai nền văn minh khác nhau, như người ta tưởng tượng, đã không bao giờ xảy ra trên sân cỏ. Thay vào đó, cả hai bên đã dành cho nhau sự tôn trọng bằng việc trao đổi hoa, quà tặng và chụp ảnh với nhau trước trận đấu.

Trận đấu kết thúc với phần thắng 2 – 1 dành cho đội tuyển Iran, và ở quê nhà hàng trăm ngàn thanh thiếu niên, kể cả phụ nữ, đã tham gia vào lễ hội ăn mừng chiến thắng trên các đường phố bất chấp những lời cảnh báo từ chính phủ.

8. Nước Đức đoàn kết, 2006

Khẩu hiệu giải đấu “A time to make friends” (“Thời khắc kết giao bạn hữu”) đã nói lên tất cả. Các nhà tổ chức giải đấu của Đức 2006 đã đặt ra mục tiêu thu hút sự chú ý của toàn thế giới, và trong quá trình này, người Đức cũng đã học được cách tự yêu mình.

Sự kết hợp của một mùa hè sôi động và phong cách chơi bóng đẹp mắt của huấn luyện viên Jurgen Klinsmann đã mang đến một tâm lý tích cực cho người dân Đức, và giúp họ đoàn kết lại trong tinh thần yêu nước – hay như các phương tiện truyền thông địa phương chơi chữ: “Chủ nghĩa tiệc tùng”.

“Trong khoảng một tháng, Klinsmann đã cố gắng đoàn kết một xã hội đang bối rối vì những biểu hiện chủ nghĩa dân tộc và vẫn bị chia cắt theo tư tưởng Đông – Tây thành một nước Đức thống nhất với những lá cờ phấp phới và những khuôn mặt vui tươi”, nhà báo Hunt đã mô tả lại trong cuốn sách “World Cup Stories”.

“Trận chung kết có ra sao thì cũng không còn quan trọng nữa vì người Đức mới chính là những người chiến thắng thực sự”, tờ The Times của Anh viết.

9. Căng thẳng xung quanh trận đấu Hàn Quốc – Triều Tiên, 2008

Cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều thành công trong việc giành vé tham dự World Cup 2010 tại Nam Phi, nhưng đã có rất nhiều tranh cãi gay gắt xung quanh trận đấu của hai đội bóng này.

Những tranh cãi căng thẳng đến mức FIFA cuối cùng buộc phải can thiệp sau khi Triều Tiên tuyên bố sẽ không cho phép bài quốc ca của Hàn Quốc được chơi hay lá cờ của Hàn Quốc được xuất hiện trên lãnh thổ của họ.

Cuối cùng, trận đấu diễn ra tại Thượng Hải, nơi Triều Tiên lựa chọn là sân “nhà” của họ. Sau trận đấu, huấn luyện viên Triều Tiên đã phàn nàn rằng các cầu thủ của họ đã bị đối phương đầu độc thức ăn.

Theo một nguồn tin khác từ BBC, liên đoàn bóng đá Hàn Quốc đã cho một bác sĩ thể thao kiểm tra tình hình sức khỏe các cầu thủ Triều Tiên và không thấy có vấn đề gì nghiêm trọng.

10. Ngoại giao bóng đá giữa những kẻ cựu thù, 2008 – 2009

“Thể thao thực sự là một cuộc chiến tranh không tiếng súng”, nhà văn nổi tiếng người Anh George Orwell đã nhận xét như vậy. Vì vậy, năm 2008 -2009, cuộc chạm trán giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ tại vòng loại World Cup đã được sử dụng như một biện pháp nối lại hòa bình giữa hai quốc gia này.

Các nhà lãnh đạo của hai quốc gia đã cùng nhau dự khán trận đấu giữa hai đội tại vòng loại World Cup sau gần một thế kỷ thù địch kể từ vụ tàn sát hàng trăm ngàn người Armenia gây ra bởi người Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế chiến thứ nhất.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul đã tham dự trận đấu của hai đội tại Armenia vào năm 2008, với kết quả chiến thắng 2 – 0 dành cho đội khách Thổ Nhĩ Kỳ. Một năm sau đó, người đồng nhiệm, Tổng thống Armenia Serzh Sarkisian cũng đã đồng ý dự khán trận lượt về của hai đội trên đất Thổ Nhĩ Kỳ để góp phần hâm nóng mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia này.

Và cuối cùng, dù cả hai đội đều không thể giành vé đến Nam Phi, nhưng điều này cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến mối quan hệ đang dần được cải thiện của cả đôi bên.

Theo LAO ĐỘNG ONLINE