“Thủy phượt” tham quan cổ tích xứ Huế

Ngự Hà là dòng sông nhân tạo chảy giữa lòng kinh thành theo hình thước thợ, nối thông với “tứ giác nước” thông qua hai thủy khẩu là Tây thành thủy quan và Đông thành thủy quan, hợp thành hệ thống thủy đạo hoàn hảo, thông suốt từ ngoài vào trong.

1. Theo sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, vào tháng Tư năm Gia Long thứ 4 (1805), nhà vua hạ lệnh xây đắp Kinh thành Huế trên cơ sở mở rộng đô thành Phú Xuân do chúa Nguyễn Phúc Khoát xây dựng từ năm 1739. Trước đó, vua Gia Long đã sai Giám thành Nguyễn Văn Yến đi khảo sát các làng mạc bên ngoài tòa thành cũ để đo đạc đất đai, chuẩn bị cho việc xây dựng tòa thành mới. Theo đó, đất của tám làng: Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hòa, An Mỹ, An Bảo và Thế Lại (thuộc huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên) đã được quy hoạch để xây đắp kinh thành.

Trên vùng đất ấy có ba con sông chảy qua là sông Hương, sông Kim Long và sông Bạch Yến. Khi xây đắp Kinh Thành, sông Kim Long bị lấp đoạn phía trên, còn đoạn ở hạ lưu được cải tạo thành Ngự Hà và một đoạn khác của sông này được biến cải thành hồ Tịnh Tâm và hồ Học Hải ở trong Kinh Thành. Hạ lưu sông Bạch Yến được chỉnh dòng, trở thành sông hộ thành ở phía Bắc của Kinh Thành. Vua Gia Long cho đào thêm sông Đông Ba và sông Kẻ Vạn, làm hai con sông hộ thành ở hai mặt đông và tây của tòa thành. Hai sông này kết hợp với sông Hương ở phía Nam và sông Bạch Yến ở phía Bắc, tạo thành một “tứ giác nước” bao quanh Kinh Thành.

Cảnh quan đôi bờ Ngự Hà

Ngự Hà là dòng sông nhân tạo chảy giữa lòng kinh thành theo hình thước thợ, nối thông với “tứ giác nước” thông qua hai thủy khẩu là Tây thành thủy quan và Đông thành thủy quan, hợp thành hệ thống thủy đạo hoàn hảo, thông suốt từ ngoài vào trong. 

2. Tuy nhiên, trải qua các cuộc chiến tranh, cộng với tình trạng lấn chiếm, Ngự Hà dần mất đi chức năng ban đầu. Sau khi được nạo vét, chỉnh trang, Ngự Hà đã được khơi thông đã giúp “dòng sông vua” được tái sinh. Người dân Huế ước ao được một lần cưỡi thuyền đi dọc Ngự Hà để vãn cảnh, còn các công ty du lịch thì ấp ủ mở một tour du lịch đường thủy, đưa du khách đi thăm các cổ tích trong lòng Kinh Thành Huế bằng thuyền thông qua hệ thống thủy đạo: sông Hương, sông Kẻ Vạn, Ngự Hà, sông Đông Ba và sông Bạch Yến.

3. Mai Bá Chiến là người đầu tiên ở Huế biến ước muốn cưỡi thuyền vãn cảnh Ngự Hà thành hiện thực, trong khi những người khác vẫn đang ấp ủ ước mơ này. Chiến bỏ tiền túi đầu tư một chiếc thuyền hơi, gắn động cơ Mercure 15 mã lực, rồi tự mình mở lối, khám phá các cổ tích và cảnh quan xứ Huế bằng đường thủy theo nhiều hành trình khác nhau.

Chiến rủ tôi tham gia một chuyến “thủy phượt” bằng chiếc thuyền hơi của anh. Xuất phát từ bến thuyền ở số 5 Lê Lợi, chúng tôi ngược dòng sông Hương đi về phía Kim Long, rồi rẽ vào sông Kẻ Vạn ở phía tây Kinh Thành. Đi chừng 200 m thì thuyền rẽ phải vào Ngự Hà qua Tây thành thủy quan. Đoạn sông này trước đây bị tắc nghẽn hoàn toàn, nhưng nay đã được khai thông, thuyền du lịch có thể lưu thông dễ dàng.

Bắt đầu hành trình “thủy phượt”

Qua khỏi Tây thành thủy quan, dòng Ngự Hà trở nên rộng mở và một khung cảnh thoáng đãng, trữ tình hiện ra trước mặt. Trời xanh, mây trắng, dòng sông phẳng lặng, cùng những cảnh sắc liên tục thay đổi ở đôi bờ đã đem đến cho chúng tôi những cảm xúc khó tả. Thuyền chui qua cống Vĩnh Lợi và cống Khánh Ninh, rồi rẽ trái đi lên phía bắc theo dòng chảy của Ngự Hà. Đầu cầu Khánh Ninh có tòa bi đình uy nghi, bên trong là tấm bia khắc bài Ngự chế Khánh Ninh kiều bi ký do vua Minh Mạng ngự bút, là một di tích rất đáng ghé thăm đối với những ai lựa chọn thủy trình này để khám phá những cổ tích trong Kinh Thành. 

Qua khỏi cống Khánh Ninh, chúng tôi đi ngược lên phía bắc, rồi rẽ phải đi về hướng Cầu Kho ở phía đông. Ở phía bắc Cầu Kho có một tòa bi đình, bên trong dựng tấm bia khắc bài văn bia Ngự chế Ngự Hà bi ký, cũng do vua Minh Mạng viết. Bia này cùng với bia Ngự chế Khánh Ninh kiều bi ký và bia Ngự chế dẫn thượng là ba tấm bia viết về lịch sử, công năng, lợi ích của Ngự Hà vào thời Nguyễn.

“Thủy phượt” trên sông Ngự Hà để chiêm ngưỡng Kinh thành Huế là trải nghiệm thú vị

Qua khỏi Cầu Kho, chúng tôi dong thuyền đi dọc bờ thành phía tây của đồn Mang Cá, một pháo đài quân sự thời Nguyễn, nay là trụ sở của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đây là đoạn sông có khung cảnh đẹp nhất trong hành trình khám phá Ngự Hà hiện nay. Chúng tôi cho thuyền chui qua một vòm cống nhỏ dẫn vào hồ Học Hải, nơi có Tàng Thơ Lâu, là nơi lưu trữ các văn thư quan trọng nhất của vương triều Nguyễn trước đây.

Ra khỏi hồ Học Hải, chúng tôi tiếp tục đi về phía đông, chui qua cống Lương Y và cầu Thanh Long để vào sông Đông Ba. Từ đây chúng tôi xuôi dòng sông Đông Ba, chiêm ngưỡng các phố thị, bến sông, đình miếu, làng mạc… trải dọc đôi bờ từ cầu Thanh Long cho đến cầu Bãi Dâu, trước khi nhập vào sông Hương để về thăm phố cổ Bao Vinh.

Chiếc thuyền hơi tiếp tục đưa hai chúng tôi đi thăm phố cổ Bao Vinh, làng Địa Linh và phố cảng Thanh Hà xưa, nơi mà cách đây hơn ba thế kỷ từng là một trong những thương cảng sầm uất ở Đàng Trong.

Sau khi thăm thú Thanh Hà - Bao Vinh, chúng tôi quay thuyền, ngược dòng sông Hương đi lên Cồn Hến, thăm miếu thờ Bà Hến trên hòn đảo nhỏ ở giữa sông, ghé vào bến đò Đập Đá, rồi tiếp tục hành trình thưởng ngoạn những cảnh quan, kiến trúc, sử tích… ở trên sông và đôi bờ sông Hương như: cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, khách sạn Hương Giang, Thương Bạc, Nghênh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, bia tưởng niệm chiến sĩ trận vong trước Trường Quốc Học…

Khi hoàng hôn buông những ánh nắng cuối ngày như dát bạc xuống mặt nước sông Hương, chúng tôi kết thúc hành trình “thủy phượt” thú vị của mình ở bến thuyền cũ.

Mai Bá Chiến hẹn với tôi rằng cuối tuần tới sẽ dong thuyền theo một hành trình khác: ngược dòng sông Hương đi thăm làng Kim Long, chùa Thiên Mụ, rẽ vào sông Bạch Yến ở cầu Xước Dũ, đi qua vùng Long Hồ, chợ Thông, Ba Bến, An Hòa, rồi theo dòng Bạch Yến chảy quanh mặt bắc Kinh Thành, xuôi về Bao Vinh, ghé làng Thanh Phước thăm miếu Kỳ thạch phu nhân, trước khi dừng chân ở Lại Ân để xem tranh mộc bản làng Sình…

Chỉ mới nghe thôi đã thấy hào hứng, nên tôi nhận lời ngay lập tức và hẹn với Chiến cùng đồng hành trong chuyến “thủy phượt” sắp tới.

Theo Thừa Thiên Huế online