Tour du lịch Lộc Bình

 

Dự án “Sáng kiến và Phát triển địa phương thích ứng biến đổi khí hậu” đã có kế hoạch xây dựng tour du lịch cộng đồng, nhằm đánh thức tiềm năng vùng đầm phá, di tích lịch sử tại xã Lộc Bình (Phú Lộc), hứa hẹn trở thành điểm đến thú vị, hấp dẫn.

Nhiều hấp dẫn

Trong chuyến nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Laguna - Lăng Cô, du khách Nguyễn Nam Bình ở Đà Nẵng đã “bằng mọi giá” đưa cả gia đình đến tham quan vùng đầm phá Lộc Bình để thỏa mãn tò mò. Ngoài cảnh đẹp thiên nhiên, nơi đây còn có bia đá cắm mốc giới nghề cá từ thời vua Minh Mạng. Lần đầu đặt chân, anh Bình không giấu cảm xúc: “Cảnh đẹp nơi đây dễ làm say đắm lòng người. Cảnh sắc thiên nhiên, đầm phá thơ mộng, hữu tình. Biển rì rào, gợn sóng nhấp nhô. Bờ biển thoai thoải, uốn lượn, trải dài men theo triền núi…”.

Men theo các triền núi tại thôn Hòa An, còn có các địa danh lịch sử, nổi tiếng từ thời chiến tranh. Có thể kể đến là căn cứ địa cách mạng khe Mệ, hầm bộ đội, hầm y tế… Khe Mệ (còn gọi khe Đập Làng) là nơi trú ẩn của lực lượng cách mạng khu 2, nuôi quân sau những lần tập kích, đánh giặc… Nơi đây còn có nguồn nước ngọt trong vắt, không bao giờ cạn, chảy từ núi Động Nhật (thôn Hòa An). Hầm bộ đội, hầm y tế là các hang đá tự nhiên, được bộ đội, người dân khoét sâu mở rộng làm nơi trú ẩn, chữa trị vết thương. Dù trải qua nhiều trận bom năm 1971, 1973…, các hầm vẫn còn nguyên vẹn.

Nằm gần cửa biển Tư Hiền, vùng đầm phá Lộc Bình quần tụ nhiều loại thủy, hải sản có giá trị, tươi ngon. Du khách đến đây có thể khám phá đời sống ngư dân, thuyền chài đánh bắt cá, tôm ban đêm, ngày vào bờ buôn bán tấp nập. Các nghề truyền thống, như sáo mùng, lừ xếp, chuôm… mang lại hiệu quả đánh bắt, song không ảnh hưởng đến môi trường. Tại đây, cơ quan chức năng xây dựng vùng trồng rừng ngập mặn, làm nơi trú ngụ, sinh sản cho các loài thủy hải sản. Ngoài cảnh đẹp “sơn thủy hữu tình”, người dân Lộc Bình còn hiền hòa, chất phác, chịu khó cũng là yếu tố tích cực cho việc xây dựng vùng đầm phá, di tích lịch sử ở Lộc Bình trở thành điểm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh đầy thú vị.

Cơ hội

Quy mô khu du lịch khoảng 3 ha mặt đất, 9 ha mặt nước, với 295 hộ/1.500 nhân khẩu tham gia, trong đó có 15 hộ làm dịch vụ homestay. Dự kiến đưa vào khai thác từ ngày 30/5/2017. Dự tính tổng kinh phí xây dựng điểm du lịch tại xã Lộc Bình khoảng 5,1 tỷ đồng. Trong đó, dự án Luxembourg hỗ trợ 1,6 tỷ đồng; DNTN Huế của ta 2 tỷ đồng; địa phương 1,5 tỷ đồng... Các hạng mục sẽ xây dựng, gồm nhà hàng nổi, bãi đỗ xe, đường đi bộ, cầu, thuyền chở du khách, xe đạp du lịch, chuôm, các hiện vật ngư cụ và các hạng mục khác…

Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình-Lê Túy thông tin, vừa qua, Dự án “Sáng kiến và Phát triển địa phương thích ứng biến đổi khí hậu”, phối hợp với chính quyền địa phương, xây dựng kế hoạch, hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại thôn Hòa An và Mai Gia Phường. Kế hoạch xây dựng khu du lịch được triển khai từ tháng 3/2016, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác từ 30/5/2017. Ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Ban Quản lý Dự án “Sáng kiến và Phát triển địa phương thích ứng biến đổi khí hậu” cho biết, dự án cùng các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương đang tập trung khảo sát, quy hoạch khu du lịch, xây dựng nội quy, hỗ trợ kỹ thuật…

Giám đốc DNTN Huế của ta (đơn vị hỗ trợ) - ông Nguyễn Đình Ân tâm huyết, quyết tâm xây dựng khu du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại xã Lộc Bình. Ông Ân khẳng định, đơn vị luôn hợp tác, hỗ trợ trong quá trình xây dựng điểm du lịch, có trách nhiệm tổ chức, kết nối các tour du lịch trong và ngoài nước, đưa du khách đến tham quan. Doanh nghiệp hỗ trợ địa phương trong công tác quảng bá các hoạt động du lịch sinh thái; tư vấn, hướng dẫn người dân tham gia có hiệu quả các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại địa phương…

Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Mạnh rất vui trước việc xây dựng khu du lịch dựa vào cộng đồng tại hai thôn Hòa An và Mai Gia Phường. Những tiềm năng, thế mạnh sẽ được phát huy, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Lộc Bình và huyện Phú Lộc nói chung.

Theo Hoàng Triều/Thừa Thiên Huế