Thành phố không tiếng còi

Đó là đề xuất cho Huế được đưa ra trong cuộc tọa đàm “Doanh nghiệp vận tải với văn minh đô thị” do Sở Kế hoạch & Đầu tư và Sở Giao thông vận tải tổ chức hôm 14/4 vừa qua.

Xây dựng văn hóa giao thông là công việc mà các đô thị đều phải làm. Huế càng phải thực hiện điều đó trước khi nó trở nên nan giải như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Và theo nhà báo Lê Thanh Phong, trong việc này Huế nên tạo ra sự khác biệt, nhưng không quá tốn kém, đó là thực hiện “Thành phố không tiếng còi”. “Chỉ cần thế thôi là đã tạo ra một sản phẩm du lịch đặc trưng của Huế”, ông Phong nói. Đề xuất này đã nhận được sự tán thành của cả cơ quan quản lý giao thông, cảnh sát giao thông lẫn các doanh nghiệp vận tải. UBND tỉnh cũng đã đồng ý và giao cho Sở Kế hoạch & Đầu tư triển khai thành cuộc vận động “Huế không tiếng còi xe”.

Biểu trưng này vừa xuất hiện trên đường phố Huế đã gây sự chú ý của du khách

Cuộc vận động đang được chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai đồng bộ trong thời gian sắp tới. Nhưng những ngày này, đi trên đường phố Huế, bạn đã nhìn thấy tấm biểu trưng “Huế không tiếng còi xe” dán trên những chiếc ô tô, và cũng đã bớt đi một phần tiếng còi xe do tài xế các hãng taxi đã chủ động hưởng ứng sớm. Trước đó, đề xuất này đã được Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Phan Thiên Định thăm dò trên mạng xã hội và đã tạo thành một cuộc thảo luận rất sôi nổi. Tựu chung có ba nhóm ý kiến: Phải thực hiện - dù rất khó; không thể thực hiện - dù rất muốn; không đồng ý - vì không thực tế.

Nhiều nhất là nhóm ý kiến tán thành. Bởi vì, đô thị Huế với quy mô dân số nhỏ, xe cộ chưa đông đúc, đường phố cũng chưa đến mức chật chội. Về việc này, chỉ các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội mới đành lắc đầu tạm thời chưa làm được. Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, một người Huế đang đóng góp nhiều cho TP. Hồ Chí Minh về quy hoạch và kiến trúc cho rằng, Huế hoàn toàn có thể trở thành một đô thị không xe máy, ít ô tô, đi lại chủ yếu bằng xe buýt và xe đạp, tránh hẳn nạn kẹt xe, không chỉ hạn chế tối đa còi xe và khói bụi mà tai nạn giao thông chắc chắn sẽ giảm nhiều.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc cho rằng sự yên tĩnh là một giá trị mà Huế cần duy trì và phát triển. Có người thắc mắc: Yên tĩnh thì làm sao mà phát triển được? Người khác thì không đồng tình: Chính vì cái sự yên tĩnh và chậm rãi đó mà Huế chậm phát triển! Có phải như vậy không? Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề lớn cần một cuộc hội thảo để bàn cho hết lẽ, ở đây chỉ nhắc đến điều đó để nói câu chuyện “Thành phố không tiếng còi”. Ý kiến bất đồng trên chỉ đúng với những thành phố công nghiệp, thương mại sầm uất, còn Huế là một thành phố du lịch, là một đô thị hiếm hoi vẫn giữ nhịp sống chậm rãi. Việc còn lại là “bán” cái chậm rãi đó cho du khách để thu bộn tiền. Hay nói cách khác, Huế sẽ không phát triển nếu không giữ được sự yên tĩnh, chậm rãi đó; vì như thế, Huế không còn là Huế nữa!

Đó cũng là căn cứ để tỉnh xác định mục tiêu phát triển Thừa Thiên Huế trở thành đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Huế đã nổi tiếng với di tích cổ kính và phong cảnh thơ mộng. Nếu Huế là thành phố đầu tiên của Việt Nam không có tiếng còi xe thì đó sẽ là một danh xưng mới, một sự độc đáo, chắc chắn sẽ thu hút du khách thập phương tìm đến.

Mà xem ra, sự khác biệt này đâu có tốn kém tiền bạc ngân sách hay hao tổn tiền túi cá nhân!

Ông Phan Thiên Định chia sẻ rằng, sáu tháng qua đã thử lái xe với thói quen không bóp còi và thấy mình thực sự tiến bộ hơn nhiều về văn minh giao thông lẫn tâm tính. “Lái chậm hơn, cẩn thận hơn, biết nhường nhịn hơn, đi đúng đường hơn; mỗi lần lỡ đà theo thói quen cũ làm cắt đường của ai đó lại thấy mình có lỗi”. Ông Định còn nhận ra rằng, trước khi nói không với việc bóp còi xe, chúng ta cần bóp lên một hồi còi cảnh báo tâm tính của chính mình. Bởi vì, theo ông, bóp còi không chỉ là câu chuyện giao thông, mà là câu chuyện của chiều sâu văn hóa của con người, vùng đất.

Tất nhiên, không tiếng còi không có nghĩa là “tháo cái còi vứt đi” như một số người “nói lẫy” khi cho rằng việc này không khả thi. Thói quen tốt đẹp này sẽ hình thành từ từ, và cái còi xe vẫn cần phải bóp trong những tình huống cần thiết để tránh nguy cơ tai nạn giao thông.

Hơn 40 năm trước, khi Thủ tướng Lý Quang Diệu đưa ra các qui định: cấm xả rác, khạc nhổ, hút thuốc lá nơi công cộng, đã có người cho rằng đó là “chính sách của mấy bà giúp việc”. Nhưng Singapore đã trở thành quốc gia thịnh vượng từ những việc làm tưởng chừng như nhỏ mọn đó. Huế cũng nên khởi động chuyện lớn bằng những việc nhỏ như thế: ăn từ tốn, nói nhỏ nhẹ, đi chậm rãi và, không bóp còi...

Bài: MINH TỰ - Ảnh: PHAN THIÊN ĐỊNH