Nét độc đáo trong phong tục cưới hỏi của người Huế

Về cơ bản, đám cưới của người Huế cũng có đầy đủ trình tự, thủ tục như đám cưới ở các địa phương khác, tuy nhiên những lễ nghi trong đám cưới lại rất quy củ.

Lễ đón dâu của người H'Mông không thể thiếu các vị thầnXuân về, xem đám cưới của người Dao ĐỏLễ cưới ở Đức, chọn ngày theo ...toán học

Người Huế có lối sống chân chất, mộc mạc, giản dị. Vì thế, đám cưới ở Huế thường diễn ra tiết kiệm, không quá phô trương.

Tuy nhiên, theo quan niệm xưa: “Trọng lễ nghi, khi (khinh) tài vật”, đám cưới không quan trọng tài vật, nhưng mọi lễ nghi diễn ra phải được tuân thủ một cách có trình tự, và quy củ.

Đám cưới truyền thống của người Huế bao gồm các lễ: Sơ vấn, vấn danh (hỏi tuổi), nạp cát (nói vợ), nạp tệ (lễ hỏi), thỉnh kỳ (xin ngày), thân nghinh (xin cưới).

Trong lễ cưới có lễ xin giờ, nghinh hôn, bái tơ hồng, rước dâu diễn ra ở nhà gái và đón dâu, trình báo gia tiên ở nhà trai.

Tuy ngày nay, nghi thức trong đám cưới đã có đôi chút khác biệt so với lễ cưới truyền thống, song những nét đặc trưng, mang bản sắc Huế vẫn còn nguyên vẹn.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Huế, đến năm 2005, khi được hai bên gia đình đồng ý, anh Phan Đình Tuấn và chị Trần Thị Bích Thùy quyết định tổ chức lễ cưới. Những kỷ niệm về đám cưới 14 năm về trước, giờ gói gọn lại trong một cuốn album ảnh.

Nhớ lại khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời, anh Tuấn chia sẻ: “Một đám cưới không quá cầu kỳ, nhưng để lại rất nhiều cái để nhớ. Lúc đó, tâm trạng tôi rất hồi hộp khi chuẩn bị được làm chồng và có tổ ấm riêng.

Những công đoạn chuẩn bị cho lễ cưới từ việc chọn ngày đến lễ đón dâu, tất cả đều là những giây phút không thể nào quên”.

Đám cưới của anh Tuấn và chị Thùy năm 2005 - Ảnh chụp từ album của nhân vật

Trước khi đám cưới được diễn ra, hai bên gia đình ấn định ngày, giờ để tổ chức lễ cưới. Sau khi đã chọn được ngày lành, tháng tốt, nhà trai, nhà gái gặp mặt nhau để bàn chuyện hôn nhân đại sự.

Khác với một số nơi ở miền Bắc hay miền Nam, người Huế không có tục thách cưới. Thông thường, lễ vật ăn hỏi tối thiểu gồm mâm trầu cau, rượu trà, bánh phu thê, nến tơ hồng.

Nếu có điều kiện, nhà trai có thể chuẩn bị thêm bánh kem, bánh dẻo, bánh bông lan…

Trong lễ rước dâu có phù dâu, phù rể và hai em bé mặc áo dài truyền thống, cầm đèn đi trước. Phù dâu, phù rể phải chưa vợ, chưa chồng, và hai em bé thường là 1 trai, 1 gái và phải cùng tuổi để thể hiện sự xứng đôi vừa lứa.

Lễ rước dâu thường có hai em bé, 1 trai 1 gái cầm đèn đi trước để thể hiện sự muôn đăng hộ đối.

Sau khi hoàn tất các nghi lễ ở nhà gái, đến giờ đã chọn, lễ đưa dâu về nhà chồng sẽ được diễn ra. Khi về đến nhà chồng, nhà trai sẽ tổ chức lễ nhập trạch.

“Lễ nhập trạch là hình thức để chào đón cô gái về với gia đình mới. Theo quan niệm xưa, gái về nhà chồng đúng giờ gọi là giờ nhập trạch (giờ tốt), về làm dâu sẽ thuận lợi, tốt đẹp” – Anh Tuấn chia sẻ thêm.

Lễ nhập trạch tại gia đình nhà trai.

Trong các nghi lễ cưới, người Huế thường nhã nhặn, không nói chuyện ồn ào, thái quá. Hai bên thông gia, bà con lối xóm trò chuyện với nhau đều dùng ngôn từ trang trọng.

Ngày nay, một số gia đình vẫn theo nghi lễ truyền thống, bỏ đĩa trầu có 12 miếng vào phòng tân hôn.

12 miếng trầu tượng trưng cho 12 tháng hòa hợp của một năm đầu tiên và 12 năm hòa hợp tuần hoàn trong một giáp tính theo âm lịch.

Bên cạnh 12 miếng trầu, còn có muối, gừng, và rượu để giao bôi (còn gọi là lễ giao bôi hợp cẩn). Gừng cay muối mặn để nhắc nhở đôi trai gái dù đời sống có khó khăn, cơ cực phải nhớ đến thủa mặn nồng.

Đám cưới của người Huế nói riêng và người miền Trung nói chung tuy không xa hoa, cầu kỳ nhưng các bước lễ nghi phải diễn ra quy củ.

Điều đó phản ánh đúng lối sống của con người nơi mảnh đất này: giản dị, khiêm tốn, không quan trọng tài vật, nhưng cẩn thận, cầu kỳ trong từng khâu, từng công đoạn. Đây là nét riêng tạo nên bản sắc, con người Huế.

Theo Báo Giáo dục Việt Nam