Lụt Huế

Năm nào Huế có lụt là năm ấy hoa lá vườn Huế tươi tốt hơn. Lớp đất bùn vừa khô, bồi dày thêm cho lớp đất cũ trong vườn, mặt đất tươi mát vì được tắm gội.

1 - Mấy năm nay Huế ít lụt. Một trong những mốc để tính một trận lụt ở Huế là Đập Đá. Cứ nước tràn Đập Đá là được tính một cái lụt. Có năm Huế có đến 4-5 trận lụt như thế, chưa kịp dọn nhà, dỡ đồ đạc xuống của trận lụt trước thì trận lụt sau đã đến nên cứ để vậy, nhà cửa ướt át, bùn đất vương khắp nơi. Nước rút, hết lụt, đi đâu cũng thấy dọn dẹp, phơi phong…  Những ngày nắng sau lụt thật khó có một cuộc hẹn với bạn bè vì ai cũng lo dọn nhà túi bụi.

Năm nào Huế có lụt là năm ấy hoa lá vườn Huế tươi tốt hơn. Lớp đất bùn vừa khô, bồi dày thêm cho lớp đất cũ trong vườn, mặt đất tươi mát vì được tắm gội. Tôi nhớ có năm Huế lụt sớm, bãi biền trồng sắn nhà tôi chưa thu hoạch kịp, mạ tôi đứng ngồi không yên, cả đêm không ngủ. Sau lụt, sắn rẻ đến độ kêu bán cũng chẳng có ai mua, mà có mua thì như cho không, người mua còn đủng đỉnh làm cao, chẳng tha thiết.

Cũng đã ba, bốn thập niên trôi qua, chuyện cũ bây giờ nhắc lại mới thấy xã hội đã phát triển nhiều. Những năm ấy, sau lụt, hàng hóa thường khan hiếm, nhất là gạo, thực phẩm, dầu hỏa (hồi ấy chưa có điện). Tư thương trữ hàng và giá cả là do họ quyết định nên tôi thường nghe mạ than vật giá đắt đỏ, cái chi cũng lên giá. Bây giờ không còn lo thiếu hàng hóa, tất cả đều ngập tràn ở các chợ, siêu thị. Hàng hóa chất cao như núi. Giá cả những mặt hàng thiết yếu cũng không biến động “hàng ngày” như trước đây.

Có lẽ vì đã sống những ngày giá cả đắt đỏ của thời khan hiếm, găm hàng, nâng giá nên sau này, khi đi làm, tôi hiểu rõ hơn giá trị của chính sách “dự trữ hàng cho mùa mưa bão của Nhà nước" rồi "bình ổn giá, trợ giá”. Năm nào chuẩn bị bước vào mùa mưa, tôi cũng nắm được thông tin về hàng hóa, nhu yếu phẩm được quản lý về giá cả, về số lượng dự trữ như thế nào qua các kênh thông tin báo, đài… lòng cũng thấy an yên vì không còn nỗi lo khan hiếm hàng hóa như thời của mạ tôi. Đó quả thực là những chính sách vĩ mô, tác động đến từng gia đình, từng bữa cơm hàng ngày.

2 - Tôi nghe chuyện của bác trồng bông đang chuẩn bị cho mùa hoa Tết. Giữa ngày mưa, nghe chữ “tết” tự nhiên thấy như mưa không còn ào ạt ngoài kia. Bác ấy mong có trận lụt để đất đai được “tưới tắm, bồi dưỡng”, bác ấy mong có lụt để có lớp đất phù sa bồi thêm cho vườn cây của bác, cho mấy trăm chậu hoa đang vào đất chuẩn bị cho mùa vụ làm ăn mới. Nhắc đến chuyện bùn đất, bỗng nhớ đến lời tâm sự của một chủ nhà vườn Kim Long “Mùa mưa lụt là tui cực hơn chi hết, chị thử nghĩ coi, dọn cái nhà ni, kê cao tủ, bàn, mấy kệ sách, rồi dọn vườn, mệt tưởng đứt hơi, rứa mà không lụt là buồn chị ơi, vì có thứ phân thuốc nào cho bằng phù sa. Vài năm không lụt, không có phù sa là tui lo cho vườn thanh trà. Đó là nguồn sống của gia đình tui”. Ruộng đồng cũng cần phù sa, cần rửa đất, nhiều năm không lụt, đất đai cũng bạc màu.

Nhiều lần dọn lụt cực quá, tôi đã từng mong ước chi đừng có lụt; đã từng than cái mảnh đất chi mà mưa lụt triền miên, mưa dầm cả tháng… không làm chi được, nhưng  tự nhiên là ông thầy vĩ đại dạy loài người cách thích nghi, cách tồn tại. Con người cũng đã dựa vào tự nhiên để sinh tồn và phát triển. Hình như càng lớn lên, con người càng hiểu thấu mọi điều và cũng bắt đầu bớt đi lời “ca thán”, bắt đầu biết tri ân thiên nhiên. Sau thử thách của nước dâng ngập bờ, làm gãy đổ nhiều thứ thì lớp vàng mỏng mang tên “phù sa” là sự bồi đắp cho những mất mát đã qua.

Trong mưa, tôi lại nghĩ về ý tưởng “du lịch cùng mưa” của  Huế mình. Chưa thấy khởi động dù ý tưởng đã mấy năm nhưng tôi tin, rồi sẽ có “tour du lịch mưa Huế” hấp dẫn và đầy kỷ niệm. Sẽ có những cách tổ chức để những hạt mưa thành những hạt ngọc như lớp phù sa kia…

XUÂN AN