Festival Huế 2018 - Đa dạng văn hóa và sự gặp gỡ giữa các dân tộc

Khởi đầu từ “Liên hoan Gặp gỡ Huế 1992”, từ năm 2000, đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức 9 kỳ Festival Huế; và từ năm 2005, Thành phố Huế đã tổ chức 7 kỳ Festival Nghề truyền thống Huế. Festival Huế là lễ hội đương đại đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức theo mô hình Festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới.

 

Kể từ năm 2000, Festival Huế chỉ có 15 đoàn và nhóm nghệ sĩ trong nước, 7 đoàn nghệ thuật quốc tế. Sau 17 năm triển khai, đến nay, hội tụ tại Festival Huế đã có trên 60 đoàn nghệ thuật xuất sắc của Việt Nam và trên 70 đoàn nghệ thuật tiêu biểu của các quốc gia ở cả 5 châu lục.

065
Festival Huế 2006

Trong những năm đầu, Festival Huế chỉ có Cộng hòa Pháp là đối tác đồng tổ chức. Sau đó, có thêm sự tham gia của các nước trong khu vực ASEAN và 3 nước châu Á Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đoàn nghệ thuật đến từ các thành phố lịch sử, các thành phố có di sản phi vật thể trên thế giới. Điển hình là các đoàn nghệ thuật từ châu Âu, các nước Mỹ Latin và gần đây là các đoàn nghệ thuật đến từ châu Phi.

165
Đoàn nghệ thuật đến từ Hàn Quốc
338
Đoàn nghệ thuật đến từ khối nước ASEAN

Festival Huế còn được chọn là nơi giao lưu văn hóa cho các nước “ Đông Á – Mỹ La Tinh”. Vì vậy Festival Huế góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa của Việt Nam và các nước rất hiệu quả.

164
Giao lưu văn hóa các nước "Đông Á- Mỹ La Tinh"

Sự phát triển số lượng và chất lượng các đơn vị nghệ thuật quốc gia và quốc tế đã khẳng định festival Huế ngày càng có sức quy tụ, cuốn hút và lan toả trong xu hướng chủ động hội nhập và tăng cường giao lưu văn hoá. Cũng cần nói thêm, các nghệ sĩ đến Huế bằng nguồn tài trợ của nhiều quốc gia và tổ chức phi chính phủ, không đến bằng những hợp đồng kinh tế.

Công chúng Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhiều đoàn nghệ thuật mang dấu ấn nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới. Cùng với Festival, Huế đã góp công sức để các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội mới, các loại hình nghệ thuật, cả nghệ thuật sống, được tôn tạo, gìn giữ và phát triển.

Một trong những điểm nhấn của Festival Huế là đã giới thiệu về những tài nguyên và bản sắc di sản của Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng tới bạn bè quốc tế một cách sống động nhất. Quần thể di tích kiến trúc cung đình Huế đã trở thành hạt nhân gắn kết với nhiều nội dung trong việc tổ chức Festival. Những lễ hội mang màu sắc cung đình, những lễ hội mới đậm nét truyền thống Việt Nam đã trở thành những điểm nhấn quan trọng trong việc xác định những nội dung của các kỳ Festival.

577
Lễ hội áo dài tại Festival

 

80
Hoạt động tại Festival "Chợ quê ngày hội"

Sự thành công của Festival, tạo động lực cho Huế quyết tâm xây dựng một thành phố Festival đầu tiên ở Việt Nam.

Kế thừa và phát huy thành công của các kỳ Festival trước đây, Festival Huế 2018 sẽ diễn ra từ ngày 27 tháng 4 đến ngày mồng 2 tháng 5 năm 2018, với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế - 1 điểm đến 5 di sản” (Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế). Ngoài ra, Huế với 9 tỉnh thành phố miền Trung đồng sở hữu thêm 1 di sản phi vật thể vừa được UNESCO công nhận vào ngày 7 tháng 12 năm 2017 là “nghệ thuật Bài Chòi”.

Festival Huế 2018 sẽ có mặt hàng chục đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, đến từ các quốc gia như: Hàn Quốc, Israel, Mông Cổ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Anh, Đan Mạch, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Slovakia, Brazil, Colombia, Mexico, Peru, Chilê, Australia, Ma rốc…Các đoàn nghệ thuật tiêu biểu đại diện các vùng miền trên cả nước, các nhóm nghệ sĩ có phong cách mới lạ từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cùng với lực lượng văn nghệ sĩ của Thừa Thiên Huế sẽ phô diễn nét độc đáo, tinh tế và sự đa dạng về nghệ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển. Hứa hẹn mang đến những chương trình biểu diễn hấp dẫn, đa sắc màu văn hóa.

Nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội có chất lượng tốt, quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng sẽ diễn ra trong 06 ngày đêm: Chương trình Văn hiến Kinh kỳ, Lễ hội Áo dài, Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, Chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng niềm tin” của Phật giáo Thừa Thiên Huế, Chương trình nghệ thuật đường phố “Sắc màu văn hoá”, Chương trình “Những tình khúc Huế”.

Bên cạnh đó, còn có các chương trình hưởng ứng Festival, các hoạt động văn hóa cộng đồng: Liên hoan Ẩm thực Quốc tế; Hội chợ “Thương mại Quốc tế Festival Huế 2018”; Lễ hội “Hương Xưa làng Cổ”, Lễ hội “Chợ quê ngày hội” , Lễ hội “Sóng nước Tam Giang”, Festival Thơ Huế; Liên hoan “Sắc màu tuổi thơ”, Lễ hội Đua thuyền truyền thống trên sông Hương; Lễ hội Diều Huế; hoạt động Thư pháp; thi đấu “cờ người… Nhiều cuộc trưng bày, triển lãm “Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế qua nghệ thuật Trúc chỉ”; triển lãm “Thái y viện triều Nguyễn qua châu bản”; trưng bày chuyên đề “Ẩm thực Cung đình Huế qua cổ vật”; triển lãm “Hương sắc gốm Bát Tràng”; triển lãm Mỹ thuật Huế - Sài Gòn - Hà Nội; Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”; triển lãm mỹ thuật…

Một số lễ hội cung đình và các lễ hội khác sẽ tiếp tục được tổ chức như: Lễ Tế Giao, Lễ hội Đền Huyền Trân, Lễ hội Điện Hòn Chén...

Một mùa Festival mới với nhiều nét mới, đặc sắc, ấn tượng và hấp dẫn sẽ lại được tổ chức.

Theo Hoàng Nam/ Thương hiệu & Pháp luật