Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế Bảo vệ di sản, ổn định dân sinh

 

Vấn đề bức xúc và cấp thiết nhất trong bảo tồn di tích cố đô Huế lâu nay là di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế, bởi nó liên quan đến hàng nghìn hộ dân và đòi hỏi kinh phí lớn vượt khả năng của địa phương. Vì thế, nếu Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế được triển khai sẽ là bước đột phá, vừa bảo vệ di sản, vừa ổn định đời sống nhân dân; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH địa phương.

Áp lực lớn lên di tích

Từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1993, Thừa Thiên - Huế đã tăng cường công tác quản lý di tích, quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất và xây dựng, chống gia tăng dân số cơ học vào vùng di tích. Từ năm 1996 đến nay, tỉnh đã từng bước thực hiện di dời 1.050 hộ dân tại các khu vực hai bên bờ sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc, Đàn Âm hồn, Lầu Tàng thơ và Thượng thành, eo bầu phía Nam kinh thành. Tại khu vực Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Quốc Tử Giám và Thượng thư đường Bộ Công đang triển khai thực hiện dự án di dời giải tỏa và tái định cư hơn 80 hộ dân trong kế hoạch năm 2018.


Mặt bằng tổng thể các dự án giải tỏa khu vực 1 Kinh thành Huế 

Tuy nhiên, sự gia tăng dân số tự nhiên vẫn tạo áp lực lớn lên vùng bảo vệ di tích, do các hộ cơi nới nhà cửa vì nhu cầu trưởng thành của con cái lập gia đình, ở chung với bố mẹ hoặc một số hộ làm nhà tách ra bên cạnh nhà chính. Báo cáo Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ hồi tháng 4, đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, hiện Quần thể di tích cố đô Huế có 10 “điểm nóng” về di dời, giải phóng mặt bằng, phục hồi di tích. Năm 2010, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt “Dự án đầu tư, tu bổ và tôn tạo Kinh thành Huế” với tổng mức đầu tư hơn 1.282 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2011 - 2015, nhưng đến nay chưa triển khai được là bao. Trong đó “nóng nhất” có lẽ là khu vực tường thành phía Nam kinh thành Huế, gần 10 năm nay vẫn chưa giải tỏa xong.

Theo kết quả điều tra đến tháng 8.2018, khoảng 4.200 hộ dân đang sinh sống trong khu vực I của các di tích Kinh thành Huế. Các hộ dân do không được xây dựng, sửa chữa lớn nên phần lớn sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp, điều kiện vệ sinh, môi trường không bảo đảm, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, đồng thời gây mất mỹ quan đô thị và xâm phạm nghiêm trọng di tích. Việc rất đông dân cư sống trên di tích, nhất là trên mặt tường thành, càng làm cho di tích nhanh xuống cấp. Nhiều đoạn tường thành đã bị vỡ, hỏng, nứt nẻ, sụt lún, do nước thải sinh hoạt. Hầu hết các hộ dân đều mong muốn sớm được di dời đến chỗ ở mới để ổn định cuộc sống. Thế nhưng, để giải tỏa được tất cả số hộ dân này cần có quỹ đất, nguồn lực lớn và cả chính sách đặc thù, linh hoạt và thích hợp, bởi đa phần là hộ nghèo và cận nghèo, làm ăn nhỏ, lao động thủ công, bán hàng rong, làm thuê mướn…

Quy chế đặc thù, ưu tiên đặc biệt

 Đề án cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ sinh kế cho người dân sau khi di dời, tái định cư. Theo đó, UBND tỉnh sẽ có chính sách xã hội để cho các hộ gia đình được vay vốn ưu đãi, phát triển thương mại, dịch vụ, tạo việc làm bằng các ngành nghề thủ công truyền thống mà các hộ gia đình đang làm và ngành nghề thủ công truyền thống địa phương có thế mạnh như chạm, đan lát mây tre… Sau khi giải phóng mặt bằng sẽ phát triển các hình thức khai thác giá trị, di sản văn hóa, nếu các hộ gia đình, cá nhân đáp ứng được trình độ sẽ được ưu tiên đào tạo để tiếp nhận vào làm việc tại Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Tính cấp thiết của vấn đề là không phải bàn cãi. Tỉnh đã nhiều lần làm việc, quan điểm chung các bộ, ngành đều ủng hộ, nhưng có hai câu hỏi lớn: Tiền ở đâu? Cơ chế như thế nào? Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất chủ trương giao UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Trung ương nghiên cứu quy chế đặc thù, quy định ưu tiên đặc biệt cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, trong đó có cơ chế huy động nguồn vốn từ Trung ương và các nguồn vay khác để nhanh chóng triển khai việc di dời, giải tỏa các hộ dân đang sống trong khu vực di tích; bảo tồn, tôn tạo các giá trị cảnh quan, môi trường di tích. Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế, dự kiến được thực hiện từ năm 2019 - 2025. Đề án được xem là bước đột phá trong chỉnh trang đô thị và phát huy lợi thế so sánh vùng - lãnh thổ của tỉnh, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, phù hợp nguyện vọng chính đáng của nhân dân và Đảng bộ Thừa Thiên - Huế.

Tại cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ ngày 25.9, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, nhằm bảo đảm khả năng cân đối nguồn lực, Đề án chia làm 2 giai đoạn (2019 - 2021 và 2022 - 2025), gồm 3 hợp phần: Di dời dân cư, giải tỏa mặt bằng; tái định cư; trùng tu, phát huy giá trị di tích. “Chúng tôi đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí di dời, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế, tổng cộng hai giai đoạn là 2.735 tỷ đồng. Phần hạ tầng kỹ thuật phục vụ tái định cư, tỉnh sẽ lo. Chúng tôi đã quy hoạch 73ha phục vụ giai đoạn 1, 32ha cho giai đoạn 2, đề nghị cho phép vay vốn Kho bạc Nhà nước 200 tỷ đồng, còn lại 1.162 tỷ đồng sử dụng ngân sách tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác. Riêng hợp phần trùng tu, phát huy giá trị di tích sau khi di dời dân cư sẽ được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa”.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cơ bản ủng hộ Đề án, vì càng để lâu càng khó giải quyết khi dân số mỗi năm thêm đông, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng thêm nhiều. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho rằng, nếu Đề án được thực hiện thì vừa bảo vệ di sản, văn hóa, vừa an dân; đồng thời thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương… Vì vậy, Thường trực Ủy ban kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án, ưu tiên nguồn lực thực hiện di dời, giải tỏa mặt bằng, nhằm tăng tốc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế. Bởi di sản này không phải của riêng Thừa Thiên - Huế mà của cả Việt Nam và thế giới.

Theo daibieunhandan.vn