Chuông Huế

Sau quả chuông lập kỷ lục Đông Nam Á nặng hơn 30 tấn do nghệ nhân Nguyễn Văn Sính và ê kíp thợ Phường Đúc thực hiện tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) vào năm 2007, đến nay, hàng trăm công trình chuông, tượng quy mô lớn nhỏ cả trong và ngoài nước đã ghi dấu ấn làng nghề đúc đồng xứ Huế.

Lửa lò nung. 

Chuông là tiếng, tượng là diện

 Vừa trở về sau khi đúc thành công đại hồng chung nặng 3,5 tấn ở Khu du lịch tâm linh Phương Nam (Đồng Tháp), nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận B cùng 20 thợ đúc lại chuẩn bị khăn gói đến chùa Tân Bửu (Bến Tre) đúc tượng Phật Thích Ca (cao 4,2m, nặng 4 tấn trị giá gần 1,5 tỷ đồng).

“Nhận đơn hàng, tôi cùng các học trò chuẩn bị 25 tấn nguyên vật liệu để lên đường, như: đồng, thau, khuôn, than, củi, cơi ống, máy móc... Để hoàn thành bức tượng, ước mất chừng 2 tháng. Đoàn phải dựng lán trại, dự trữ lương thực, thuốc men và lên kế hoạch hoàn hảo trước khi bắt tay vào dự án này”, ông Thuận giải thích.

Nghề đúc là “lộc trời ban”, ông Thuận đã chia sẻ như thế khi nói về nghề mà ông đã gắn bó hơn 45 năm qua, niềm vui lớn nhất đời ông là 5 người con đều nối nghiệp tổ tiên. Hơn 20 năm nối nghiệp cha, với thợ đúc trẻ Nguyễn Duy Đạo, việc xách ba lô đi “tá túc” xứ người như “ăn cơm bữa”! “Mỗi lần theo đoàn đúc chuông, sinh hoạt ăn uống cùng nhà chùa nên về nhà là thấy “nhớ”… cơm chay! Có lần đi đúc đại hồng chung ở Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Bến Tre, phải dựng lán trại ngoài trời cả tháng; rồi tự mua thức ăn, chế biến bữa cơm cho 20 người, đêm xuống thắp đèn dầu sinh hoạt giữa giữa bạt ngàn bia mộ”, anh Đạo giãi bày.

Ông Thuận quan niệm: “Chuông là tiếng, tượng là diện”, để tạo ra quả chuông có âm thanh vang vọng, đòi hỏi các công đoạn đúc đảm bảo kỹ thuật, chất liệu đồng và thiếc phải pha đúng tỷ lệ. Quá trình tạo khuôn, khắc hoa văn, đường kính và chiều cao thân chuông phải tính toán sao cho cân đối, đặc biệt là phải rót đồng đầy, không được rót đồng non mà tiếng bị câm. Khuôn đồng luôn có độ dày vừa phải, nếu quá dày hoặc quá mỏng sẽ ảnh hưởng đến âm thanh của chuông. Với bí quyết này, nhiều quả chuông, bức tượng lớn nhỏ được thợ đúc đồng Huế hoàn thành, đảm bảo chất lượng. Sản phẩm này nối tiếp sản phẩm kia càng thêm khẳng định tay nghề thợ đúc Huế, thế nên chuyện “thiên di” theo công trình diễn ra như cơm bữa.

Cơ sở đúc đồng Nguyễn Văn Thuận B đúc tượng Bổn sư cho chùa Tân Bửu (Bến Tre)

Thượng tọa Tâm Quang, chùa Cảnh Tiên (Quảng Ngãi) cho rằng, nói đến tượng Phật và chuông đồng, thợ đúc Huế là “bậc thầy”. “Sau khi tham quan một ngôi chùa ở TP. Hồ Chí Minh, thấy các sản phẩm do cơ sở đúc ở Huế thực hiện rất đẹp, thầy đã hỏi địa chỉ và ra Huế đặt hàng. Sau gần 2 năm ăn ở trong chùa, nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận và các học trò đã hoàn tất 1 quả chuông, 5 pho tượng lớn và 7 pho tượng nhỏ. Sản phẩm do các thợ đúc Huế thực hiện rất tinh xảo, phật tử đến chiêm bái hết lời ngợi khen, không uổng công nhà chùa tin tưởng”, Thượng tọa Tâm Quang kể.

Tạc danh, để đời

Nghệ nhân Nguyễn Văn Đệ là người đã đúc thành công tượng Phật tổ ở chùa Huyền Không Sơn Thượng (TP. Huế), tượng Tam Thánh ở tu viện An Lạc (Lâm Đồng), chuông 5 tấn ở Nghĩa trang Đồng Tháp. Để có “danh” ở làng nghề đúc đồng và nhận nhiều đơn trong, ngoài nước, ông đã lặn lội đến các làng nghề có tiếng tích lũy kinh nghiệm, học hỏi kỹ năng để làm giàu vốn nghề.

Vào nghề từ năm 14 tuổi, giờ đây dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Đệ vẫn miệt mài hướng dẫn con cháu cách pha đồng, tạc tượng với mong muốn có người nối nghiệp giỏi. Theo ông, nghề này phải yêu, phải sống chết với nó. Mỗi lần đúc chuông, tạc tượng có kích thước lớn là phải thức thâu đêm, chỉ trông trời mau sáng để xem hình hài sản phẩm. Nếu đúc chuông mà tiếng không thanh, tạc tượng mà hoa văn không đẹp thì cả đời dằn vặt. Hơn 65 năm canh khuôn, thức cùng lửa, sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Văn Đệ giờ đã có mặt ở các tỉnh, thành trong cả nước và theo chân các Việt kiều đến Hàn Quốc, Mỹ, Canada. Niềm vui cuối đời của một nghệ nhân luôn “đau đáu” với nghề đó là có hai người con trai nối nghiệp, mang theo niềm đam mê, sức trẻ góp phần bảo tồn và phát triển nghề đúc.

Hòa thượng Thích Thiện Đạo, chùa Bửu Đức (Biên Hòa) khen ngợi: “Điểm khác biệt giữa sản phẩm đúc đồng Huế và các tỉnh, thành phố khác đó là tiếng chuông thanh, sắc đồng sáng và độ dày vừa phải. Thầy đã đặt nhiều sản phẩm tại các cơ sở đúc Huế và rất vui khi thợ đúc luôn đặt cái tâm, giữ chữ tín để tạo ra những sản phẩm tạc danh để đời.”

Một công đoạn đúc chuông

Sau hơn 60 năm gắn bó với nghề đúc và ghi tên mình vào danh sách các nghệ nhân nổi tiếng Việt Nam, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Sính cho rằng, đã mang nghiệp “đúc” vào thân thì đến chết vẫn vấn vương với nghề. Dù không còn trực tiếp ra hiện trường “chỉ huy”, song ông luôn theo sát những người thợ đúc để truyền dạy các bí quyết, kỹ năng tạo ra quả chuông hay, đúc nên pho tượng đẹp. “Nếu không vấp ngã và chưa từng thất bại thì chưa thể thành thợ giỏi. Trước khi đúc thành công quả chuông 30 tấn tại chùa Bái Đính, tôi đã gặp thất bại khi đúc chuông 20 tấn cho một doanh nghiệp. Do tính toán không kỹ về tỷ lệ đồng nên chuông không kêu, phải phá ra làm lại; càng thất bại càng tích lũy được bài học xương máu”, ông Sính chia sẻ.

Ông Sính cho rằng, nghề đúc rất vất vả nên phải đam mê, yêu nghề và chịu khó. Người thợ đúc lúc nào cũng giáp mặt với lửa, tay bỏng rát vì nóng và có khi hoa cả mắt, nhưng không được lơ là, nhất là khi đồng được đun nóng để đổ vào khuôn, độ chính xác tính từng giây. Chỉ cần ngắt nhịp trong tích tắc, lớp này sẽ không kết dính với lớp kia, sản phẩm sẽ bị hỏng.

 Với khoảng 60 cơ sở đúc cùng 100 thợ, làng nghề đúc đồng Huế giờ đây vẫn gìn giữ gần như nguyên vẹn bản sắc. Ngoài việc thay chiếc bệ tạo gió thủ công bằng động cơ thổi khi nấu nguyên liệu, quy trình còn lại hầu như đều làm bằng tay. Nhờ vậy, sản phẩm làng nghề luôn giữ được nét tinh tế, sắc sảo và tiếng chuông đồng xứ Huế mãi vang vọng muôn phương.