Bún kèm cơm... nguội

Khách ở đây đa phần là người lao động bởi ngoài được “ăn sang” còn được ăn no, nhưng có một số khách tìm về đây như để lật lại trang ký ức chất chứa kỷ niệm tuổi thơ nghèo khó một thời.

Từ chợ Đông Ba, qua cầu Gia Hội, xuôi xuống đường Trịnh Công Sơn chừng 100m, nhìn vào một con hẻm chưa đặt số luôn đông đúc người ra vào ấy chính là quán bún được đề bảng hiệu Cảnh Vân. Có đến đây thưởng thức mới hiểu được vì sao quán lúc nào cũng kín chỗ, nhiều người phải chờ mới đến lượt...

Rất nhiều người tìm đến quán bún… cơm nguội của dì Vân

Như nhiều quán bún khác khắp các nẻo đường xứ Huế, quán bún Cảnh Vân bày bán đủ loại từ bún bò cho đến bún giò, chả cua… Nhưng gần như khách tìm đến quán là vì suất cơm nguội ăn kèm với nước bún. Khách ở đây đa phần là người lao động bởi ngoài được “ăn sang”, còn được ăn no, lấy sức để bắt đầu một ngày làm việc vất vả. Một số thực khách thuộc giới công chức hoặc có thu nhập tương đối, họ tìm về đây như để lật lại trang ký ức chất chứa kỷ niệm tuổi thơ nghèo khó một thời.

Quán đông từ lúc bắt đầu mở cửa vào 6h sáng mỗi ngày cho đến gần 11g trưa. Và, nhiều người đến quán lần đầu khá bất ngờ khi ngoài tô bún nóng hổi, họ được phục vụ ở đây đưa ra bàn một chén cơm nguội với câu nói vội: “Ăn hết lấy thêm nhé!”.

“Lần đầu tiên tôi vào đây ăn, thấy chén cơm đem ra tưởng là chủ quán giỡn mình. Hỏi mấy người ngồi quanh mới biết cơm dùng để ăn kèm với nước bún, hoặc có thể trộn chung luôn với bún. Không phân biệt, ai vào quán cũng được phục vụ như thế”, chị Nguyễn Thị Hồng (52 tuổi, trú Bãi Dâu, phường Phú Hậu) vừa ăn, vừa kể lại kỷ niệm lần đầu tìm đến quán. Chị Hồng kể mình là công nhân lao động, tình cờ biết đến quán cách đây gần 4 năm, và gần như từ đó đến nay sáng nào cũng ăn. Cũng như chị Hồng, nhiều người lao công tìm đến quán bởi được thêm phần cơm miễn phí, chủ quán cũng như phục vụ nhiệt tình, dễ thương. “Ăn không no hoặc e ngại, dì Vân cũng trách, dì Vân coi tụi tui như là người thân thích trong nhà”, anh Nguyễn Văn Bình, lái xe ôm ở phường Phú Cát nói.

Giữa cảnh đông đúc đó, chúng tôi gặp nhiều cán bộ, viên chức, du khách tìm đến quán để thưởng thức món bún… cơm nguội đặc biệt này, một phần để tìm lại tuổi thơ nghèo khó đã từng trôi qua trong ký ức họ. Anh Nguyễn Đức Linh Rin (34 tuổi, kỹ sư điện máy của một công ty tại TP. Huế) kể rằng, ngoài vị ngon, cách nêm nếm dễ ăn của chủ quán thì món cơm nguội ăn kèm… không thể chê vào đâu được. Anh Rin nhớ lại thuở nhỏ nghèo khó, mấy tháng mới được ba mẹ mua hoặc nấu bún cho ăn một lần. “Nhưng không phải khi nào cũng có nhiều thịt, nhiều bún. Nhớ lại những lúc hết thịt, tôi cùng với mấy đứa em để dành phần nước lại rồi ăn cùng cơm nguội”, anh Rin nói về lý do khi tìm đến quán. Có người tìm đến quá bún nhưng nhất quyết không ăn bún mà chỉ ăn cơm nguội với nước bún. Nhiều người Huế ở xa thông qua lời giới thiệu cũng tìm về đây để thưởng thức "phong cách ẩm thực" độc đáo mà dân dã như vậy.

“Đặc sản” bún ăn kèm cơm nguội của quán bún Cảnh Vân

Để hỏi chuyện được chủ quán, chúng tôi phải chờ đến gần đầu giờ trưa, khi thưa khách. “Có chi mô, mình nấu thêm cơm để mọi người có thể ăn thêm cho no”, bà chủ Vân niềm nở nụ với cười trên khuôn mặt phúc hậu giải thích.

Bà Vân tên đầy đủ là Lê Thị Hồng Vân (50 tuổi) có thâm niên 8 năm bán bún. Bà Vân kể, sau khi thành phố quy hoạch, mở tuyến đường Trịnh Công Sơn, ngôi nhà của bà trở quay mặt ra sông. Công việc bấp bênh nên bà mở quán bún để kiếm sống qua ngày. Thấy khách đến ăn toàn là công nhân, người lao động chân tay có thu nhập thấp nên bà Vân quyết định "chêm" thêm cơm để mọi người có thể no bụng, coi như góp chút nghĩa tình ủng hộ người có hoàn cảnh khó khăn. “Nếu mình đi thuê mặt bằng sẽ tốn kém chi phí. Coi như số tiền đi thuê này mình bỏ ra để nấu cơm miễn phí cho mọi người, ấy cũng là cách làm hay mà”.

Hương vị bún quán Cảnh Vân thơm ngon đã đành, cộng thêm được ăn cơm nguội miễn phí nên tiếng lành đồn xa, khách tìm đến quán ngày càng đông. “Ngoài 50kg bún bán ra mỗi ngày tui phải nấu thêm khoảng 20-30 lon gạo để phục vụ thực khách. Nhiều người đến quán ăn quen có khi không cần ăn bún mà chỉ lấy nước bún để ăn với cơm”, bà Vân kể tiếp. Khách đến ăn, không phân biệt giàu sang, nghèo khó bà chủ lấy giá 15.000 đồng/tô, còn cơm miễn phí hoàn toàn, ai thiếu cứ lấy thêm.

Để thực khách ăn cơm với nước bún có cảm giác ngon miệng bà Vân phải tinh chọn, kết hợp gạo cho phù hợp. Từ ngày mở quán bún và khuyến mãi thêm cơm bà chọn mua gạo ở chỗ thân quen, thường thì hai thứ gạo 4B và gạo dẻo trộn lại tạo nên hương vị thơm mềm, khách dễ ăn. Biết bà miễn phí cơm cho mọi người, các chủ bán gạo, tiểu thương bán xương bò, xương heo cũng giảm giá cho bà Vân, coi như góp chút ân tình giúp nhau giữa cuộc sống.

Đôi khi chỉ đơn giản là từ tô bún giá rẻ cùng chén cơm nguội miễn phí mà câu chuyện tình người vẫn được gìn giữ, sẻ chia giữa bộn bề cuộc sống...

Bài, ảnh: PHAN THÀNH