Bánh trung thu “made in Huế”

Bên cạnh các nhãn hiệu truyển thống như Phúc Hưng, Thuận Long, Thanh Thúy… bánh trung thu sản xuất tại Huế còn hiện diện thêm các nhãn hiệu như Midori Sweets, Võ Hoàng Hà, Bếp và Bánh... Sự đa dạng của nguồn cung giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn.

Buổi học làm bánh trung thu do Bếp và Bánh tổ chức thu hút nhiều chị em tham gia

An toàn, ngon, rẻ

Chị Mỹ Ngọc, công tác tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ vừa nhìn danh sách các loại bánh vừa ghi chép, tính toán số lượng bánh trung thu và danh sách người nhờ chị đặt mua. “Mấy năm trước có người ở trường mua bánh nhãn hiệu Phúc Hưng tặng cho anh em đồng nghiệp. Mọi người ăn thấy ngon và từ đó cứ đến mùa trung thu là đến tận cơ sở để đặt hàng cho bằng được”, chị Ngọc chia sẻ. Theo chị Ngọc, sở dĩ khách hàng chọn bánh trung thu Phúc Hưng vì cơ sở này chỉ sản xuất bánh trong vòng khoảng 1 tháng trước ngày trung thu nên chất lượng được đảm bảo, không chất bảo quản, giá thành hợp lý.

Bà Hồ Thị Huyền Sương, chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Phúc Hưng (259 đường Trần Huy Liệu) cho biết: Cơ sở Phúc Hưng chỉ làm bánh trung thu từ ngày 15 tháng 7 âm lịch đến ngày 12 tháng 8 âm lịch. “Cơ sở sản xuất bánh của chúng tôi luôn đề cao vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo được niềm tin cho khách hàng nên dù sản xuất bánh hơn 30 năm chỉ bằng quảng cáo “truyền miệng” nhưng vẫn “sống tốt” trong khi thị trường tràn ngập các thương hiệu được quảng bá rầm rộ”, bà Sương nói.

Hiện cơ sở sản xuất bánh trung thu Phúc Hưng mỗi ngày sản xuất khoảng 1.000 chiếc với giá thành dao động từ 10.000-160.000 đồng/chiếc để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh việc duy trì chất lượng, quá trình thay đổi mẫu mã và bổ sung các loại nhân bánh mới cũng là yếu tố thu hút thêm thực khách.

Ngoài bánh trung thu Phúc Hưng, các nhãn hiệu bánh trung khác được sản xuất tại Huế như bánh trung thu gia truyền Thanh Thúy (254/9 Bùi Thị Xuân), bánh Thuận Long (4B Chùa Ông)... cũng được khách hàng lựa chọn.

Hiện đại, tinh tế

Thị trường bánh trung thu sản xuất tại Huế vài năm trở lại đây được bổ sung thêm các sản phẩm từ những “lò” sản xuất mới, được người tiêu dùng đón nhận. Bánh trung thu tại Midori Sweets (46 Lý Tự Trọng) tuy giá thành cao nhưng thu hút khách bởi uy tín từ nguyên liệu đến việc “chăm chút” hương vị mà khách hàng yêu cầu.

Bếp và Bánh (10/6 Bến Nghé) lại cung cấp cho thực khách nhiều sự lựa chọn qua các buổi tiếp cận và học làm bánh. Võ Hoàng Hà (đường Phạm Thị Liên) đem đến sự mới lạ cho khách hàng bằng các sản phẩm mang đặc trưng riêng như tiramisu, mè đen trứng muối, hạt sen trứng muối… Chất lượng, lạ và có cách tiếp cận hiện đại nên dù giá thành từ 45.000 đồng/chiếc, các nhãn hiệu bánh trung thu mới nổi ở Huế khá hút khách, thường cháy hàng trước Trung thu.

Chị Đỗ Phương Anh, chủ hiệu bánh Midori Sweets chia sẻ: “Với Midori, một chiếc bánh không đơn thuần là một món ngọt, nó phải là món quà được chăm chút, giúp người thưởng thức cảm thấy đó là một niềm vui. Cho nên Midori Sweets ngoài việc chọn lọc nguyên liệu (nhập khẩu từ Nhật) còn phải cân nhắc xem người ăn sẽ cảm thấy chiếc bánh nó có hương vị như thế nào”.

Chị Vân Anh (đường Lưu Trọng Lư) cho biết: “Đến mùa trung thu mình thường đặt bánh làm tại các hiệu bánh ở Huế. Mức giá tuy không rẻ nhưng mình thấy hợp lý vì bánh ngon, không chất bảo quản và quan trọng hơn là niềm tin mà các hiệu bánh này cam kết với khách hàng”.

Thị trường bánh trung thu không còn là địa hạt của các nhãn hiệu Kinh Đô hay Bibica… mà xu hướng chọn “cây nhà lá vườn” là ưu tiên của người tiêu dùng. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được các nhãn hiệu bánh “made in Huế” đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, giá cả và uy tín nhờ “truyền miệng” cũng là một trong những yếu tố tạo nên xu hướng chọn bánh của nhiều khách hàng.

Theo Thừa Thiên Huế online