“VĂN HÓA SÚNG ĐẠN” Ở MỸ

Ngày 1/10/2017 vừa qua cả thế giới rúng động bởi vụ xả súng ở nước Mỹ gây ra cái chết hơn 50 người và bị thương hơn 500 người. Thế là hàng chục người vô tội đã bỏ mạng và hàng trăm người phải mang thương tật suốt đời chỉ trong thoáng chốc. Cứ mỗi lần nghe như thế, ai  không khỏi rùng mình và xót. Họ chết không phải do bệnh tật, không phải do thiên tai…mà chính do con người, mà một trong các nguyên nhân là Hiến pháp và luật pháp Mỹ cho phép công dân nước này quyền sở hữu và mang theo vũ khí bên mình. Theo thống kê, cả nước Mỹ có 320 triệu người thì có khoảng 280 triệu súng cá nhân. Ngay tại nước Mỹ họ bàn tán, tranh luận nhau chuyện quản lý súng đạn như thế nào chứ không đụng tới chuyện cấm súng bởi vì sở hữu súng đạn như đã là một phần của cuộc sống Mỹ, “văn hóa súng đạn” đã ăn sâu vào tiềm thức của người Mỹ. Cuộc tranh cãi dùng súng ở Mỹ đã tồn tại hơn hai thế kỷ nhưng vẫn chưa có hồi kết.

Có trang báo nêu, tính từ năm 1968 đến nay, số người Mỹ chết vì các vụ nổ súng ngày càng nhiều hơn và số người chết còn nhiều hơn số người Mỹ chết trong các cuộc chiến tranh (trung bình hàng năm có khoảng 100 ngàn người thương vong bởi súng đạn, trong đó số người chết hàng năm là hơn 30 ngàn người). Hậu quả sau mỗi vụ xả súng để lại cho gia đình và xã hội không hề nhỏ tí nào. Riêng thứ “văn hóa súng đạn” trong học đường cũng là nét “rất độc đáo”, rất phổ biến ở Mỹ. Cách đây 10 năm, vào năm 2007, cũng tại nước Mỹ, một sinh viên đã dùng súng bắn chết 32 giáo sư, sinh viên và làm bị thương 29 người khác tại một trường Đại học rồi tự sát, là sự kiện gây chấn động dư luận. Cũng chẳng còn ai bất ngờ nữa về cái chuyện xả súng ở học đường tại Mỹ, thủ phạm phần lớn đều là học sinh, sinh viên mà nạn nhận là thầy cô, bạn bè của mình. Một tờ báo nước ngoài đã đặt câu hỏi: “Một quốc gia thường xuyên soi xét mức độ nhân quyền của những nước khác trên thế giới lại để cho những vụ bạo lực học đường triền miên tái diễn, liệu có phải là cách bảo vệ nhân quyền hay không?”.

Quan điểm nhân quyền, cách tiếp cận về nhân quyền, nội dung nhân quyền của mỗi giai cấp, mỗi quốc gia, dân tộc có những điểm khác nhau, nhưng một điều chắc chắn “quyền được sống” là điểm chung nhất, lớn nhất, cốt yếu nhất của khái niệm về nhân quyền. Chỉ riêng cái thứ “văn hóa súng đạn” của Mỹ hằng năm đã cướp đi cái quyền được sống của hàng vạn người Mỹ vô tội, vậy thì nhân quyền của Mỹ là thế nào? Trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 nêu xõ: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc…”. Như thế, trong các quyền, quyền được sống là tối thượng nhất nhưng khi đã cướp đi cái quyền này thì làm sao để thực hiện các quyền khác được.

Đất nước Việt Nam còn nghèo, vẫn còn nhiều khó khăn nhưng những nỗ lực, cố gắng, những thành tích phấn đấu cho các quyền cơ bản của con người ở nước ta được dư luận thế giới thừa nhận, đánh giá cao. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang cố gắng làm hết sức mình và biết cách giải quyết vấn đề nhân quyền ở đất nước Việt Nam một cách tích cực, thiết thực và có hiệu quả nhất. Quyền được sống của con người là quyền chính đáng nhất, có nhân quyền hay không, mấu chốt là ở chỗ đó.

 

                                                                          THƯỜNG DÂN