Về vụ Trịnh Xuân Thanh đầu thú

Không tin vào việc Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước và ra đầu thú tại Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an. Đã có rất nhiều giả thuyết xung quanh chuyện này. Có giả thuyết nói rằng, Trịnh Xuân Thanh không hề trốn ra nước ngoài như các cơ quan báo chí chính thống đưa mà ông ta chỉ ở trong nước. Tuy nhiên, giả thuyết được nhiều người hơn cả cho rằng, Trịnh Xuân Thanh bị an ninh Việt Nam “bắt cóc” khi đang đi chơi tại công viên vườn thú, sau đó được đưa lên xe chở sang một nước châu Âu khác rồi áp giải về Việt Nam.

t1

Xung quanh câu chuyện thực hư có hay không việc Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc” hay không? Đã có rất nhiều lí giải được nêu lên nhưng xem chừng chưa có sự lí giải nào thực sự đầy đủ. Hoặc là lối biện hộ kiểu đứng chiều nào che chiều nấy hoặc là lối phản biện phủ định sạch trơn của mấy nhà dân chủ để nói rằng có ẩn khúc xung quanh sự vắng mặt gần 1 năm của Trịnh Xuân Thanh. Những lí giải sau hi vọng sẽ giúp cho những ai quan tâm có được cái nhìn tổng thể, khách quan hơn cả!

Trước hết, phải khẳng định rằng, câu chuyện An ninh Việt Nam bí mật bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (TXT) và sau đó di lý về Việt Nam và thực hiện cái màn kịch đầu thú vừa qua là hết sức bậy bạ và thiếu căn cứ thuyết phục.

Bởi, thử hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu khi đi qua một cảng hàng không, một nơi thủ tục xuất cảnh, Trịnh Xuân Thanh kêu lên “tôi bị bắt cóc”…? Điều đó sẽ hoàn toàn xảy ra bởi phàm đã là người thì khi bị bắt cóc người bị bắt đều có nhu cầu tự vệ và cứu lấy mình trước những nguy hiểm đang bủa vây.

Hệ luỵ của hành động này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến cơ quan thực thi nhiệm vụ đó là Bộ Công an Việt Nam mà nó là uy tín, danh dự của cả một quốc gia. Bất cứ một quốc gia có chủ quyền nào cũng sẽ phản ứng trước những hành động lỗ mãng (bắt cóc) nếu họ hay biết. Và trong trường hợp như thế, Bộ Công an Việt Nam dù muốn thực hiện cũng khó mà được những cơ quan, nhà lãnh đạo cao hơn chấp thuận.

Đó là chưa nói tới, trong chuyến công du Đức dự hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã đạt được nhiều thoả thuận quan trọng. Đó là lí do khác để nói rằng, việc bắt cóc khó lòng mà xảy ra, bởi nó không thể nào diễn ra trong một bối cảnh nhạy cảm như thế!

Lí do thứ hai liên quan một giả thuyết được đưa ra. Đó là Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc” vào ngày 23/7.

 

Thông thường đối với một người bị bắt cóc thì gia đình và người thân sẽ lập tức loan báo. Đó cũng là cách duy nhất để họ cứu người đó thoát khỏi hành vi bắt cóc và huy động các cơ quan chức năng vào cuộc để giải cứu. Nhưng dường như cả phía gia đình và những bạn bè của Trịnh Xuân Thanh ở bên Đức không có bất cứ động thái nào.

Đó là chưa nói tới việc, với một quốc gia kiểm soát an ninh gắt gao, chặt chẽ như Đức thì tin chắc rằng, dù có “bắt cóc” được Trịnh Xuân Thanh như giả thuyết đưa ra thì mấy anh An ninh Việt Nam khó lòng mà thoát khỏi vì an ninh Đức sẽ phải phong tỏa hết các cửa khẩu, kiểm soát chặt chẽ hết các chuyến bay, đồng thời thông báo với các cảnh sát an ninh các nước trong khối cộng đồng châu Âu để truy lùng.

EU là một khối thống nhất nên dù có đi bất cứ nước thứ hai (trung gian) nào đi nữa thì việc qua mặt được là việc cực kỳ khó! Vậy nên, hỡi những ai đang quan tâm tới câu chuyện của Trịnh Xuân Thanh hãy nghĩ tích cực hơn, đơn giản hơn, đừng gắn cho câu chuyện những chi tiết mà ở khía cạnh logic hay đời thường nó đều không thể chấp nhận được.

Về nguyên nhân Trịnh Xuân Thanh lặn lội từ Đức hay một quốc gia nào đó về Việt Nam sau gần 1 năm lẩn trốn hoàn toàn dễ hiểu nếu chúng ta chịu khó đứng ở góc nhìn của Trịnh Xuân Thanh.

Cũng giống như bao người Việt Nam khác, ngoài gia đình nhỏ thì Trịnh Xuân Thanh còn có dòng tộc, gia tộc của mình. Truyền thống gia định cũng là một chi tiết có thể tác động mạnh đến Trịnh Xuân Thanh sau gần 1 năm phiêu dạt để những kiếm tìm sự tự do cho bản thân, trốn tránh bị pháp luật xử lý.

Đó là chưa nói tới việc đã có không ít người đứng ra khuyên ngăn Trịnh Xuân Thanh nên về đầu thú như một việc làm có ích đối với đời! Riêng về điều này, tôi hoàn toàn đồng tình với phân tích của cựu nhà báo Nguyễn Như Phong, nguyên Tổng biên tập báo điện tử Năng lượng mới: “Gần một năm trốn ở Đức, Trịnh Xuân Thanh cũng đã đủ thời gian tĩnh tâm suy xét, phân tích lại những việc làm của mình và hậu quả sẽ xảy ra. Và có điều Trịnh Xuân Thanh không thể không nghĩ đến đó là danh dự của gia đình. Và cũng chắc chắn rằng, trong thời gian Trịnh Xuân Thanh ở Đức, những người thân trong gia đình và những bạn bè tốt cũng đã giúp Trịnh Xuân Thanh nhìn nhận mọi việc một cách thấu đáo, có lý, có tình. Họ cũng sẽ phân tích cho Trịnh Xuân Thanh thấy những hậu quả lâu dài về tương lai không chỉ với Trịnh Xuân Thanh và của những người thân khác.

Tất nhiên, chúng ta cũng không loại trừ trong thời gian đó, cơ quan công an Việt Nam đã cũng có những tiếp xúc với Trịnh Xuân Thanh và khuyên bảo, vận động anh ta nên về đầu thú…
Và sự việc như chúng ta đã thấy, Trịnh Xuân Thanh đã đi theo các nhân viên an ninh Việt Nam về việc trở về nước để rồi ra đầu thú. Nếu như Trịnh Xuân Thanh không tự nguyện thì không một ai có thể đưa được anh ta lên máy bay! Trừ trường hợp đó là một… xác chết!”.

Thế mới biết, ở xứ ta một câu chuyện vốn dĩ hết sức bình thường và chỉ có duy nhất một hướng nghĩ đôi khi cũng trở nên biến tướng và rối rắm!

Minh Anh