Truy trách nhiệm mạng xã hội về tin tức giả mạo

 

Vốn là khu vực được mệnh danh tự do và dân chủ trong ngôn luận, mới đây, Liên minh châu Âu (EU) bất ngờ có động thái khá rắn khi yêu cầu các “đại gia công nghệ”, bao gồm cả Google, Facebook và Twitter, nộp báo cáo hằng tháng về tiến trình xoá bỏ các tin tức giả mạo, quảng bá chính trị minh bạch...

Hoá ra, dù có tự do đến đâu thì người dân châu Âu vẫn phải tuân thủ những chuẩn mực xã hội vốn có và quyền con người ở lục địa già này tuy luôn được đề cao nhưng cũng không chấp nhận cho hành động vượt giới hạn đỏ, mà cụ thể là lan tràn tin tức giả mạo làm ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, an ninh của từng quốc gia hay toàn khối.

Các chuyên gia về bảo mật và an toàn thông tin cho rằng, phản ứng của giới chức EU trong bối cảnh tin giả, tin kích động bạo lực được lan truyền một cách khó kiểm soát như hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, họ cũng không ngờ EU lại có biện pháp mạnh tay đến vậy.

 

Nguồn tin từ hãng AP cho biết, hôm 14-12, tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ), lãnh đạo các nước EU đã tuyên bố ủng hộ kế hoạch thiết lập hệ thống cảnh báo sớm có chức năng thông tin đến chính phủ các nước và các tập đoàn công nghệ như Facebook, Google, Twitter… những trường hợp được xác định sai phạm và dẫn tới việc gỡ bỏ các nội dung phi pháp hoặc trái sự thật, vu khống.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh việc phát tán rộng rãi các thông tin giả một cách có chủ đích, có hệ thống là thách thức mang tính chiến lược và là vấn đề cấp bách của EU, đòi hỏi phải hành động đối phó khẩn cấp. Chưa hết, EU còn yêu cầu Facebook, Google, Twitter và các nền tảng truyền thông xã hội khác tuân thủ cam kết đảm bảo quảng bá chính trị minh bạch, chặn các tài khoản giả mạo và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu để xác định các chiến dịch tung tin sai lệch.                              

Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2019 (tức thềm bầu cử Nghị viện châu Âu và các cuộc bầu cử khác tại các nước thành viên của EU), các nền tảng trực tuyến này phải báo cáo hằng tháng lên Ủy ban châu Âu (EC) về những hoạt động của mình và kết quả đánh giá việc các nền tảng này tuân thủ yêu cầu của EC hay không sẽ được công bố trong khoảng cuối năm 2019. Nếu những công ty này không tuân thủ nghiêm chỉnh cam kết trong Bộ quy tắc ứng xử, EU sẽ sử dụng đến chế tài về luật pháp.  

Trên thực tế, hiện có tới hàng triệu tin tức giả trong con số khổng lồ tin tức được hàng tỷ tài khoản cá nhân và tổ chức đăng tải một ngày. Những thông tin được làm giả nhiều nhất (hay còn gọi là fake news) thường liên quan đến chính trị, chính trị gia hay nhân vật nổi tiếng. Đặc biệt, những tin moi móc về đời sống riêng tư, về hậu trường chính trị càng thu hút được đông đảo người đọc.

Cũng vì lẽ đó mà tin tức giả mạo ngày càng “lộng hành” và chúng lại được tiếp sức bởi những tổ chức, cá nhân với ý đồ đen tối. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, bầu cử giữa kỳ ở Mỹ tháng 11 vừa qua; bầu cử ở Hàn Quốc, Đức, Brazil; cuộc trưng cầu dân ý Anh tách khỏi EU (Brexit) và mới đây nhất là hoạt động của phong trào “Áo ghile vàng” tại Pháp… đều là nạn nhân của hệ thống tin tức giả mạo.

Thậm chí, tin giả còn được sử dụng như một phương tiện hỗ trợ mục đích tuyên truyền, gây nhiễu loạn trật tự xã hội, chia rẽ sắc tộc, làm tổn hại đến an ninh quốc gia và tác động xấu đến mối quan hệ ngoại giao giữa các nước. Vụ việc xảy ra giữa Nga và Ukraine do thông tin giả về cái chết của nhà báo Nga Arkady Babchenko hay những thông tin không đúng, không chuẩn gây sóng gió cho quan hệ Nga-Mỹ là minh chứng sinh động của vấn nạn này...

Rõ ràng, tác động tiêu cực của tin giả là vô cùng lớn. Trong khi đó, việc kiểm soát tin giả lại không chỉ phụ thuộc vào chính quyền mỗi quốc gia mà nó cần phải có sự vào cuộc của các tập đoàn công nghệ - ông chủ của những mạng xã hội đang “hot”. Kết quả cuộc khảo sát của tổ chức YouGov cho thấy, chỉ có 23% số người được hỏi bày tỏ tin tưởng các thông tin được đăng tải trên truyền thông xã hội; trong khi đó, 54% cho biết họ lo ngại về tính xác thực của những thông tin phát tán trên Internet.

Còn theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, có 23% người Mỹ thừa nhận từng chia sẻ tin giả, trong đó có đến gần một nửa số người được thăm dò biết đó là thông tin giả. Khảo sát của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) còn chỉ ra rằng, tin giả lan truyền trên Twitter, Facebook, WhatsApp nhanh hơn cả các thông tin đúng sự thật khi phân tích 126.000 tin đồn được lan truyền trong 3 triệu người…

Đây cũng là lý do chính khiến EU nhanh chóng phải đưa ra Kế hoạch hành động chống tin tức giả (APAD) giúp các nước thành viên cảnh báo lẫn nhau trước các thông tin trực tuyến sai sự thật và tăng ngân sách cho hoạt động này từ 1,9 triệu euro lên 5 triệu euro trong năm 2018.

Bà Federica Mogherini, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của EU là bảo vệ một môi trường mạng trong lành và EU không cho phép thông tin thù hận, kích động bạo lực làm khuấy động dư luận ở khu vực này”.

Đó là câu chuyện của EU, một lục địa luôn có quan điểm rằng phát ngôn là quyền cá nhân nhưng cũng không thể dung túng cho những hành vi làm nhiễu loạn thông tin. Điều này đã được ghi rất rõ trong Công ước nhân quyền châu Âu có hiệu lực từ ngày 3-9-1953. Công ước này đưa ra các quy định về các quyền cơ bản của con người, trong đó quyền tự do ngôn luận được ghi trong Ðiều 10 của Công ước.

 

EU đang yêu cầu các Tập đoàn công nghệ phải gửi báo cáo hàng tháng về việc phá bỏ tin tức giả mạo.

Theo đó: "Tất cả mọi người đều có quyền tự do bày tỏ ý kiến. Nhưng việc thực hiện các quyền nói trên, bao gồm cả các nghĩa vụ và trách nhiệm, hình thức, điều kiện, các hạn chế hoặc các biện pháp trừng phạt cần phải được ghi rõ trong các văn bản pháp luật có cân nhắc đến việc cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích đối với an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì trật tự công cộng và ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe và đạo đức, nhân phẩm hoặc danh dự của con người, ngăn ngừa việc phát tán các thông tin mật hoặc để bảo đảm quyền lực và tính độc lập của các cơ quan tư pháp".

Như vậy, tự do ngôn luận ở châu Âu cũng có những giới hạn của nó và không ai có thể lạm dụng quyền này của mình để gây phương hại cho người khác. Và việc EU hay từng quốc gia riêng rẽ như Đức với Luật về quản lý mạng xã hội (NetzDG) phạt nặng các mạng xã hội nếu không gỡ bỏ các phát ngôn gây thù ghét, gây kích động bạo lực tôn giáo và chủng tộc; hoặc Pháp với Luật chống tin tức giả trong đó cho phép Hội đồng Nghe nhìn Pháp (CSA) có thể đơn phương chấm dứt hoạt động của một pháp nhân bị một nước khác chi phối, giật dây, nếu pháp nhân đó bị phát hiện là gây tổn hại tới lợi ích quốc gia của Pháp… đều chỉ là những biện pháp cần thiết để bảo vệ sự an nguy của quốc gia.

Với Việt Nam, tài khoản và thông tin giả mạo cũng là một vấn đề nhức nhối khi những thế lực phản động, thù địch tung các fake news gây chia rẽ, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức, quảng bá hình ảnh dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Chưa hết, khi Việt Nam xây dựng dự thảo Luật An ninh mạng, được Quốc hội thông qua rồi đưa ra lấy ý kiến người dân, các đối tượng này đã lợi dụng cái gọi là “tự do ngôn luận” để xúi giục mọi người phản đối. Những người chưa hiểu rõ, hiểu kỹ về Luật An ninh mạng đã bị rơi vào chiếc “bẫy tự do ngôn luận” này và vô tình đẩy mình vào con đường chống đối việc bảo vệ an ninh, an toàn cho quốc gia.

Song, như những gì từng xảy ra ở Mỹ, Pháp, Anh…, sự thật đã dần được sáng tỏ và để có một môi trường mạng với tin tức “sạch, trong lành”, Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế, cần phải cấp bách hành động, có những biện pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn vấn nạn tin giả trên mạng xã hội cùng tác hại khôn lường của nó như lời cảnh báo của GS Daniel M.Gerstein (Mỹ) – một chuyên gia về chính sách và chiến lược: “Với công nghệ hiện đại, an ninh mạng ngày càng khó kiểm soát và diễn biến phức tạp. Những tin tức giả mạo chính là một trong những đòn nguy hiểm mà kẻ xấu đang triển khai nhằm thực hiện những âm mưu đen tối trong đó bao gồm cả việc tạo nên một cuộc chiến thông tin và tư tưởng tuy không gây đổ máu nhưng để lại hậu quả cực kỳ nặng nề. Bảo vệ an ninh mạng cũng chính là đánh đuổi, phản công và ngăn chặn dòng thác thông tin giả đang tuôn chảy hằng ngày… Những Luật An ninh mạng (với các tên gọi khác nhau) đang trở thành một “đũa thần” quan trọng trong nền an ninh, quốc phòng của nhiều nước trên thế giới”.