Tham ô, lãng phí là "Hành động xấu xa nhất của con người"

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân rực rỡ của đạo đức cách mạng cao đẹp: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư. Nhà thơ Tố Hữu đã thể hiện rất hàm súc về phẩm chất “Dĩ công vi thượng” của Bác Hồ: “Bác để tình thương cho chúng con/ Cuộc đời thanh bạch chẳng vàng son/ Mong manh áo vải, hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” (“Bác ơi!”). Người luôn luôn răn dạy cán bộ, đảng viên phải trau dồi “Đạo đức cách mạng” và “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, thường xuyên tự phê bình và phê bình một cách nghiêm chỉnh “để giúp nhau cùng tiến bộ” thì mới được dân tin, mới lãnh đạo được nhân dân làm cách mạng. Những tính xấu xa nhất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên (CBĐV) thoái hóa, biến chất mà Bác Hồ thường lên án và nghiêm khắc phê phán – là thói tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Bác nói: “Để kháng chiến thắng lợi, để xây dựng nước nhà, chiến sĩ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi, nước mắt để đóng góp. Mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian, mật thám” (“Hồ Chí Minh – Toàn tập”, NXB CTQG, Hà Nội, năm 2000, tập 6, tr.490). Tại hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, ngày 24/7/1962, Bác lại nhấn mạnh: “Tham ô là hành động xấu xa nhất của con người”.

Bac-Ho-xuong-cang-Hai-Phong-don-chuyen-tau-dau-tien-dua-992-kieu-bao-tu-Thai-Lan-ve-nuoc-ngay-10-01-1960
Bác Hồ xuống cảng Hải Phòng đón chuyến tàu đầu tiên đưa 992 kiều bào từ Thái Lan về nước, ngày 10-1-1960
Ảnh: quehuongonline.vn

Tư tưởng của Bác Hồ về Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư – tức là giữ cho mình tinh thần cần cù, giản dị, trong sạch, chính trực, lấy việc phụng sự Tổ quốc và nhân dân làm lẽ sống đã hình thành từ rất sớm trong tâm tưởng người thanh niên kiệt xuất Nguyễn Tất Thành và sau đó là nhà cách mạng, lãnh tụ lỗi lạc Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh! Từ năm 1927, trong cuốn “Đường kách mệnh”, ở phần “Tự mình phải” (tức là: Đối với mình – ĐNĐ), Bác đã đề ra yêu cầu nghiêm khắc đối với bản thân mình, là phải: “Cần kiệm./… Cả quyết sửa lỗi mình./… Vị công vong tư./… Nói thì phải làm./… Hy sinh./ Ít lòng ham muốn về vật chất”. Tháng 10/1947, viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ dạy: “Mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu “Chí công vô tư; cần, kiệm, liêm, chính”. Tháng 6/1949, Bác Hồ viết 4 bài báo quan trọng, đăng báo Cứu Quốc, bàn về 4 đức tính cao đẹp của con người, trong đó có các CBĐV, đó là: “Cần”, “Kiệm”, “Liêm”, “Chính”. Bác viết: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ./ Dân tộc ta đang kháng chiến và kiến quốc, đang xây dựng một Đời sống mới trong nước Việt Nam mới. Chẳng những chúng ta phải cần, kiệm, chúng ta còn phải thực hành chữ liêm” (“Hồ Chí Minh – Toàn tập”, sđd, tập 5, tr.642). Trong bài viết về “Liêm” (nghĩa là trong sạch, không tham lam), Bác Hồ đã dẫn lời của Khổng Tử: “Người mà không liêm, không bằng súc vật”; và lời Mạnh Tử: “Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy!” (Khổng Tử và Mạnh Tử – học trò giỏi của Khổng Tử là hai vị khởi xướng ra Nho giáo, hai nhà triết học, đạo đức học nổi tiếng của Trung Quốc thời cổ đại – ĐNĐ). Bác Hồ rất đồng tình với hai nhận định này. Cho đến trước khi Bác đi xa, Người vẫn quan tâm căn dặn CBĐV phải “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (Bác viết ngày 3/2/1969); bởi vì: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa”.

Bác Hồ căm ghét và lên án nghiêm khắc tệ tham ô, lãng phí. Ngay sau ngày tuyên bố thành lập nước, 2/9/1945, Bác đã kêu gọi từ các thành viên Chính phủ đến toàn thể đồng bào tiết kiệm lương thực, tiết kiệm chi tiêu công quỹ và kiên quyết chống tham nhũng. Người nói: “Chính phủ đã hết sức làm gương, nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trừng trị những kẻ hối lộ và sẽ trị cho kỳ hết”. Ngày 27/11/1945, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh ấn định hình phạt đưa hối lộ sẽ bị phạt từ 5 năm đến 20 năm khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Ngày 26/1/1946, Bác lại ký quốc lệnh khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tội tử hình. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác cũng đã phải ký lệnh tử hình đại tá quân đội Trần Dụ Châu lợi dụng chức quyền phạm tội tham nhũng lớn. Ngày 13/6/1955, nói chuyện tại Hội nghị sản xuất cứu đói, Bác phân tích rõ tác hại ghê gớm của tệ nạn tham ô, lãng phí: “Tham ô, lãng phí là có tội, mà tham ô lãng phí gạo cứu đói, tội lại càng lớn hơn. Không khác gì gián điệp giết hại đồng bào đó. Thế là có tội với Đảng và Chính phủ, đối với nhân dân, đối với nước bạn. Đó là tội thật to. Các cấp ủy cùng với cán bộ cần tìm ra gốc rễ tham ô, lãng phí và xử trí đúng mức” (“Hồ Chí Minh – Toàn tập”, sđd, tập 7, tr.573). Trong bài nói “Xây dựng những con người của CNXH”, tháng 3/1961, Bác nhấn mạnh: “Tham ô, lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân là hành động trộm cắp, mà ai cũng phải thù ghét, phải trừ bỏ” (Sđd, tập 10, tr.313).

Chu-tich-Ho-Chi-Minh-va-nhung-vi-lanh-dao-khac-ATK-Dinh-Hoa-nam-1947
Chủ tịch Hồ Chí Minh và những vị lãnh đạo khác tại ATK Định Hóa năm 1947 – Ảnh: tuoitre.vn

Tham ô, lãng phí, quan liêu là 3 căn bệnh luôn luôn đi liền với nhau. Nhưng, quan liêu đẻ ra tham ô, lãng phí. Bởi vậy, Bác Hồ chỉ rõ: “Phải chống bệnh quan liêu vì đó là nguồn gốc của nạn tham ô, lãng phí” (Sđd, tập 6, tr.440). Trong bài nói “Xây dựng những con người của CNXH”, 3/1961, Bác căn dặn: “Cán bộ và đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách, nêu gương “cần, kiệm, liêm, chính”, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân, phải chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh là nguồn gốc sinh ra tham ô, lãng phí” (Sđd, tập 10, tr.313).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ” (Sđd, tập 6, tr.490). Vì thế, Bác chỉ thị là phải kiên quyết chống các tệ nạn nguy hiểm này. Ở hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, ngày 24/7/1962, Bác nói: “Việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu là rất cần thiết và phải làm thường xuyên. Nó có hai ý nghĩa quan trọng. Nó làm cho mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, để nâng cao đời sống của nhân dân. Nó giúp cho cán bộ và đảng viên ta giữ gìn phẩm chất cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, Bác yêu cầu: CBĐV phải làm gương. Bác nói: “Nếu chính mình tham ô, bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được” (Sđd, tập 7, tr.59). Từ sự làm gương của CBĐV, mới có tác dụng với quần chúng: “Phải giáo dục cho cán bộ và công nhân nhận rõ mình là chủ nước nhà, là chủ xí nghiệp, do đó mà tích cực chống tệ quan liêu, lãng phí, tham ô, đề cao tinh thần quý trọng của công, ra sức cần kiệm xây dựng đất nước” (Sđd, tập 10, tr.261).

Ngày nay, bệnh quan liêu, tệ ô dù và pháp luật bất nghiêm đã làm cho quốc nạn tham nhũng, lãng phí diễn ra hết sức nghiêm trọng, gây nên những thách thức và những mối lo ngại cực kỳ to lớn cho đất nước và cho sự tồn tại của Đảng. Chỉ tính từ năm 2006 đến nay (10/2017), mỗi năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra và xử lý hàng nghìn vụ án tham nhũng, Nhà nước bị thất thoát mỗi năm vài trăm nghìn tỷ đồng, hàng tỷ USD, hàng chục vạn hecta đất đai và các tài sản công khác. Cho đến nay (10/2017), thì nhiều “đại án” tham nhũng bị phanh phui. Nhiều quan to, chức sắc các ngành kinh tế – ngân hàng phải phơi mặt trước vành móng ngựa. Nhiều nhóm tham nhũng đã xâu xé hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, chia nhau đút túi. Hàng chục dự án “khủng” (mỗi dự án vài chục nghìn tỷ đồng bị “đắp chiếu”, máy móc, nhà xưởng hoang tàn – trong khi nhà nước và nhân dân mất khối tiền quá to. Nhiều khu rừng, bán đảo, đất đai bị tàn phá, chia sẻ theo các nhóm lợi ích. Có nhiều quan chức Đảng và chính quyền cấp cao, cấp trung tham nhũng, sống phè phỡn đế vương. Nhà nước và nhân dân hàng ngày, hàng tháng, hàng năm mất đi những khoản tiền khổng lồ vì tham nhũng, lãng phí, xa hoa, ăn chơi sa đọa, lười biếng công vụ của rất nhiều quan chức to – nhỏ! Thế nhưng, mới chỉ có một số ít bị UBKT Trung ương xử lý kỷ luật. (Nhưng nói cho trung thực: Mức án, mức kỷ luật quá nhẹ – như lấy phất trần phẩy bụi cho ngựa bất kham, không đủ sức răn đe, chứng tỏ chưa thượng tôn pháp luật, pháp luật bất minh và bất nghiêm!). Những con số trên, còn chưa đầy đủ! Tham ô, lãng phí thật là khủng khiếp, kinh hoàng, gây nhức nhối lòng người!

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì phải kiên quyết xử lý nghiêm khắc nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí và trị cho bằng được tệ quan liêu! Bác Hồ dạy rằng: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ”; cho nên: “Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng… Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ” (“Hồ Chí Minh – Toàn tập”, sđd, tập 6, tr.490-493). Không thể để quốc nạn này làm trì trệ, nghèo nàn đất nước, làm giầu kếch xù cho những kẻ được nhân dân trao cho chức quyền nhưng lại làm chuyện bất lương, làm nghèo khổ và gây bất bình lớn cho nhân dân và còn ảnh hưởng xấu đến quốc thể!

Đào Ngọc Đệ