TRIỂN KHAI NGHỊ CÁC QUYẾT CỦA TRUNG ƯƠNG CẦN TẬN DỤNG CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

 

 

Hiện nay các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế chúng ta đã và đang tích cực thực hiện các Nghị quyết của Trung ương; đặc biệt thời gian gần đây đang tập trung triển khai các Nghị quyết Trung ương 6 và Trung ương 7 (Khoá XII), đó là:

- Nghị quyết số 18-NQ/TW: “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”;

- Nghị quyết số 19-NQ/TW: “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”;

- Nghị quyết số 20-NQ/TW “Về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới ”;

- Nghị quyết số 21-NQ/TW “Về công tác dân số trong tình hình mới”.

Nghị quyết 26-NQ/TW: “Về công tác cán bộ”.

- Nghị quyết 27-NQ/TW: “Về cải cách chính sách tiền lương”.

Nghị quyết 28-NQ/TW: “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”.

Vì sao cần ban hành các Nghị quyết nói trên? Có thể nói có nhiều lý do, song có một lý do chung nhất đó là: công cuộc đổi mới đất nước và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế để thích ứng với điều kiện mới; đồng thời cách mạng khoa học - công nghệ; CMCN 4.0 đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính của hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập để đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới ...

Vậy cuộc CMCN 4.0 có vai trò gì đối với sự phát triển của đất nước? Để có thêm tư liệu triển khai các Nghị quyết Trung ương (Khoá XII), chúng ta cần tìm hiểu vài nét chính về CMCN 4.0 :

Khái niệm CMCN 4.0 hay nhà máy thông minh lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ công nghiệp Hannover tại Cộng hoà Liên bang Đức vào năm 2011. Công nghiệp 4.0 nhằm thông minh hoá quá trình sản xuất và quản lý trong ngành công nghiệp chế tạo. Sự ra đời của Công nghiệp 4.0 tại Đức đã thúc đẩy các nước tiên tiến khác như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ thúc đẩy phát triển các chương trình tương tự nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.

Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới mang đến cái nhìn đơn giản về khái niệm CMCN 4.0: "CMCN đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc CMCN lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc CMCN lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc CMCN lần thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học".

CMCN 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, CMCN 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.

Hiện CMCN 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á. Bên cạnh những cơ hội mới, CMCN 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt.

Cách đây một tháng, ngày 12/9/2018, trong phiên khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN), Lãnh đạo các nước đã có những bài phát biểu rất sâu sắc, chất lượng, nhất là về CMCN 4.0. "Ngôi sao đang lên", là đánh giá của đại diện Ban Tổ chức WEF dành cho nước chủ nhà Việt Nam tại Diễn đàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu khai mạc rất ấn tượng: Chung tay hợp tác để phát triển, lấy người dân làm trung tâm. Thủ tướng nhấn mạnh, trong cuộc CMCN 4.0, ASEAN được biết đến như một khu vực khởi nguồn sáng tạo. Những cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 mang lại với các nước ASEAN là vô cùng lớn.

Một là tạo sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn. Hai là thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Ba là phát huy các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn là xương sống của ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích: "Nhiều chuyên gia nói rằng, rất nhiều sinh kế cho người dân được xuất từ cuộc cách mạng 4.0, tuy nhiên thách thức về gia tăng khoảng cách thu nhập và nguy cơ gây bất ổn xã hội cũng là vấn đề đáng quan tâm".

Như vậy, mặt trái của CMCN 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải...

Mặc dù các nước phát triển có lợi thế hơn các nước đang phát triển ở tiềm lực công nghệ và kinh tế, nếu chúng ta biết tận dụng tốt cơ hội thì chúng ta sẽ không tụt hậu quá xa so với các nước phát triển. Việt Nam là một nước nhỏ nhưng không phải là một nước yếu về công nghệ thông tin và viễn thông. Thừa Thiên Huế là một tỉnh có đông đội ngũ chất xám và đang tích cực xây dựng Trung tâm khoa học công nghệ. Do đó chúng ta cần biết tận dụng tốt cơ hội này. Thách thức hiện hữu nhất trong việc hướng tới CMCN 4.0 tại Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng nằm ở vấn đề lao động. Tiếp đến là sự phát triển của quốc gia, của tỉnh nhà. Nếu chậm chân trong cuộc cách mạng này chúng ta sẽ bị tụt hậu.

 

                                                                    THUẬN HOÁ