TIN ĐỒN VÀ MẸ TÔI

Gia đình tôi sống ở một vùng quê của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi làng quê hiền lành, với con sông Bồ uốn quanh xanh mát, con người đôn hậu, thật thà, quanh năm chăm chỉ làm ăn. Ấy vậy mà mấy tháng nay cả làng, cả xã lao đao theo... cái tin đồn “bắt cóc trẻ em, mổ lấy nội tạng”, người ta nghi ngờ, dò xét nhau, có người thay đổi tâm tính và mẹ tôi đã đổ bệnh vì “bọn bắt cóc”.

          Bà cụ gọi điện thoại giục tất cả anh chị em chúng tôi phải luôn giữ con bên mình, thậm chí bắt các cháu nghỉ học để... đến cơ quan cùng bố mẹ “không bọn hắn bắt bỏ thùng xốp”. Mặc dù chúng tôi đã can ngăn, trấn an bà rằng hoàn toàn không có chuyện bắt cóc, bắt ếch gì cả nhưng vẫn không yên tâm, bà cụ cứ một ngày gọi nhắc nhở con cháu, dâu rễ đến chục lần làm chúng tôi - những người đang lúc bình tĩnh nhất cũng phải âu lo. Con cháu chưa thấy về thăm hoặc về chưa đủ bà cụ đi ra, đi vào than vãn, bà anh em chúng tôi “gom tất cả về đây tao nuôi”. Cứ như thế, chỉ một tuần bà đã phát bệnh nặng, gia đình, họ hàng tất bật chạy chữa có lúc cũng đã nghĩ đến chuyện trăm tuổi. Giờ đây mẹ tôi còn đương nằm trên giường bệnh, với chúng tôi và cả làng quê này cái tin đồn “bắt cóc trẻ con mổ lấy nội tạng” ấy như một tai họa.

          Những kẻ tay nhanh hơn não! Đó là những lời mà chúng tôi dành cho những người vô tình hay hữu ý đưa những tin, chia sẽ những bài viết, hình ảnh mà họ cho rằng “bắt cóc trẻ em” trên Internet mà nhất là trên Facebook, một số nhà báo “què chân ngồi một chỗ” cũng lấy làm “tư liệu” để viết bài, đưa tin... tất cả với những cái tít thật kêu. Tất cả những thông tin trên hoàn toàn tự phát chưa hề có kiểm chứng với các cơ quan hữu quan. Tôi cũng không hiểu sao trong cái tỉnh Thừa Thiên Huế này lấy đâu ra nhiều kẻ “bắt cóc trẻ em” mà ngày nào cũng nhan nhản, hết chổ này đến chỗ nọ hay bây giờ tội phạm nó lộng hành đến thế chăng? Hết chuyện cô bé ở A Lưới bỏ nhà đi chơi cũng hóa ra “bị bắt cóc”, báo chí, dân mạng được dip rùm beng lên. Sát nhà tôi, hôm đầu tháng bảy có mấy anh ngoại tỉnh đi xe máy buôn bán chén bát cũng bị dân trong thị trấn vây chặn lại, báo Công an vì “nghi đi bắt cóc trẻ em bỏ trong thùng xốp”. Dân tôi cũng bị mấy tin vịt, tin gà trên Internet mà giờ đây đâm ra đa nghi với đồng bào mình, lo sợ đến mất lý trí “bắt cóc bỏ trong thùng xốp” con người chứ phải miếng thịt heo đâu! Chính quyền thật sự chẳng đã phải mời họ vào làm việc vừa để kiểm tra cũng để trấn an nhân dân rồi thả cho người ta làm ăn kiếm sống. Ấy thế nhưng chuyện vẫn chưa kết thúc, bên ngoài vẫn là những vị “anh hùng bàn phím”, các vị nam thanh nữ tú trên tay là chiếc điện thoại thông minh “xịn” chụp ảnh, quay phim, đăng tin khẳng định chắc nịch “có bắt cóc trẻ em ở Sịa, Công an đang làm việc” và không quên nhắn nhủ như đầy trách nhiệm với đồng bào mình phải hết sức đề phòng với bọn này (bắt cóc). Để rồi chẳng bao lâu trrong cái thời đại thanh niên úp mặt... vào điện thoại, máy tính này cái tin không chính xác ấy nhân giống ra n lần. Người ta nhấn nút “thích”, “chia sẻ” hết sức nhiệt tình mà  không cần biết cái tít ấy có liên quan đến nội dung bài viết hay không và cái tin ấy có thật hay không. Tất cả đều trả lời “đếch cần biết”. Cho đến khi Công an huyện ra thông báo khẳng định hoàn toàn không có chuyện băt cóc trẻ em trên địa bàn như tin đồn và chính quyền cũng đã mời một số kẻ tung tin đồn lên làm việc trong đó có chủ nhân Facebook Lý Hương (một trong những người đưa tin nhanh nhất và khẳng định chắc chắn) và yêu cầu xóa bỏ cũng như đăng tin đính chính thì Quảng Điền mới tạm yên nhưng mẹ tôi vẫn chưa yên bởi bà đâu có phây, phiếc gì ! 

          Làng nước chưa yên, thì trên trời à mà không trên trang Facebook  rơi xuống một cái tin “bắt cóc ở Mỹ Chánh” Trang Huế + với bài viết chắc như đinh đóng cột của Myly Tran “Nghi vấn bắt cóc tại Mỹ Chánh sáng nay gần cây xăng Mỹ Chánh). Bé trai 6 tuổi ở nhà một mình, nhà đóng cửa mà con ni mở cửa vô định bắt đi may người nhà bắt tại chổ luôn. Hắn đi xe biển số 47, trong cốp xe có thuốc (chắc là thuốc mê. Có đồng bọn mà chạy thoát rồi bắt được con ni thôi”. Lại thêm cậu chàng có tên Hoàng Quân tung clip “Bắt cóc trẻ em tại thôn Mỹ Chánh, Phong Điền” trên Youtobe và khẳng định  chắc nịch “gần nhà mình lun (luôn) mới ghê” . Gia đình tôi lại cơ hồ lao đao, mẹ tôi trước tin bảy, tám phần là mười, mười một phần tí nữa mẹ con từ mặt nhau bởi “tin đồn chi mà nhiều rứa, không có chuyện họ dám nói à?” đó là lý lẽ của một người đàn bà thương con thương cháu, với bà cụ giờ chẳng khác gì ngày xưa nghe tin Mỹ đi càn. Bà lại đổ bệnh, tâm bệnh thì khó chữa, anh chị tôi phải bỏ ngang công trình cả mớ bạc, tôi phải xin đồng nghiệp dạy giùm cho mấy buổi để đem con cháu về  “đồn trú” tại nhà bà. Thưa các anh cu tí ngồi ở nhà rung đùi cào phím các anh đã dọa những người thật thà như mẹ tôi đến nước đổ bệnh. Đấy đến hôm sau, chính quyền đã vào cuộc và người đàn bà kia chỉ là một kẻ trộn không may bị bắt quả tang và cũng xui cho người đàn bà ấy khi cả làng quy cho cái tội ...bắt cóc trẻ em dù đếch bắt được cái lông chân thằng cu chủ nhà. Không biết khi nghe những thông tin cải chính trên các anh, các chị có xấu hổ không?

          Tôi cho rằng những người đăng những thông tin không chính xác, không có kiểm chứng của các cơ quan có liên quan đa số họ là những người vì tâm lý lo lắng cho gia đình và xã hội, họ hy vọng những thứ họ đăng tải, chia sẻ sẽ được mọi người chú ý nâng cao cảnh giác nhưng ít người biết rằng việc làm này đã vô tình đưa những thông tin sai sự thật lan tỏa nhanh hơn, cuốn theo tâm lý bất an dẫn đến bất bình trong xã hội. Loại thứ 2 đó là những kẻ thiếu hiểu biết nhưng thích thể hiện sự tài giỏi của mình, hễ thấy xôn xao, nhốn nháo là chụp, là quay phim, là lên phây khẳng định 100%, rằng chính mình chứng kiến,... Kẻ thứ 3 chính là những con người tung tin có động cơ trục lợi cho bản thân, đó là những người buôn bán hàng trên mạng, những người này đăng bài, chia sẻ thông tin các vụ “bắt cóc trẻ em” từ những người khắc hoặc thậm chí khi không có chuyện cũng dàn dựng lên cau chuyện thật hấp dẫn để kích thích sự tò mò của cư dân mạng đến “cửa hàng ảo”của mình. Tất nhiên cuối bàn, chủ nhân không quên những câu chào mời mua sản phẩm,...

 

          Đấy sự thật những tin vịt, ngang, ngỗng “bắt cóc trẻ con, mổ lấy nội tạng” ở Huế đấy, như lời lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế trên địa bàn tỉnh hoàn toàn không có bắt cóc trẻ em. Những người vô tình hay cố ý đăng những thông tin thất thiệt ấy xin hãy biết suy nghĩ trước khi đặt ngón tay vào bàn phím bởi bất cứ phát ngôn nào của các người cũng là con dao hai lưỡi đâm vào chính đồng bào máu mủ của mình. Đừng để quê hương, đất nước đang thanh bình của chúng ta thêm một ngày vất vả, đừng để có nhiều bà mẹ đổ bệnh như mẹ của tôi.  Đừng vì một phút bốc đồng mà vướng vòng lao lý, pháp luật sẽ công bằng với những kẻ coi thường tật tự xã hội. Biết kiểm chứng thông tin, đưa tin đúng, kịp thời mới xứng đáng là con người của thời đại công nghệ 4.0.                         P.T.H.A