TIẾP CẬN THÔNG TIN CẦN THẬN TRỌNG

Có thể nói chưa khi nào thông tin bùng nổ và được lan truyền nhanh như thời buổi hiện nay. Từ những việc lớn đại sự quốc gia đến những việc cỏn con diễn ra trong một gia đình cá nhân nào đó. Chuyện lớn, chuyện nhỏ, thời sự hay riêng tư,chuyện nhạy cảm hay chỉ tầm phào giải trí  vv… cũng đều được đưa lên mạng truyền thông xã hội.

          Gần đây có nhiều thông tin gây sốc,tạo ra dư luận xã hội hết sức rộng lớn nhưng độ chính xác thì e chừng ….không có gờ ram nào. Có nhiều thông tin được giật tít hết sức giật gân nhưng nội dung đúng sai lẫn lộn.Không khó nhận biết khi truy cập youtube trên các trang chống đối có hàng loạt clip được đưa lên bằng các sự kiện không có thực hoặc bị cắt xén,lồng ghép hình ảnh của hàng ngũ lãnh đạo Đảng,Nhà nước với những thông tin bình luận xuyên tạc ,bôi nhọ hết sức bỉ ổi. Không thiếu những “Like, comment, share” của các Bloger, face book, của các trang mạng bình luận , chia sẻ lan truyền nhanh đến chóng mặt.Người đọc chỉ biết nhấp “ chuột” mà không suy nghĩ thông tin đó có chính xác hay không. Nếu chỉ nghe một chiều mà không tỉnh táo suy xét phân tích thấu đáo thì tin theo và đồng tình với thông tin đó là khó tránh khỏi. Với mối “kết bạn” của mạng xã hội như hiện nay thì người nhận thông tin trở thành cấp số nhân,tạo ra một luồng dư luận hết sức rộng lớn và lan truyền cực kỳ nhanh. Điểm mạnh là tạo dư luận tích cực và nhanh chóng nếu nó là tin chính xác,chân chính. Nhưng đồng thời cũng tạo ra dư luận nhạy cảm,dư luận xấu nếu là thông tin không chính xác, có ý đồ xấu…Sẽ ân hận khi chúng ta lại vô tình hay cố ý tiếp tay cho những kẻ vô lương tâm,thâm thù sâu sắc với chế độ cố tình đưa thông tin xấu chống đối lên mạng xã hội. Và cũng đáng phải “trả giá” cho sinh mạng chính trị khi cố tình lan truyền những nội dung kích động chống nhà nước,tiếp tay cho các tổ chức phản động gây mất ổn định xã hội.

        Đưa thông tin hay nói nôm na tạo ra dư luận xã hội là quyền phát ngôn của mỗi người.Người đưa tin phải chịu trách nhiệm về thông tin được phát ra theo quy định của pháp luật và lương tâm của con người. Tiếp cận thông tin,suy xét,bình luận …cũng là quyền và đánh giá của của người nghe, người đọc. Nói như vậy để thấy được ý thức trách nhiệm của người nghe và người phát ngôn đối với thông tin dư luận. Đặc biệt đối với những thông tin mang tính thời sự,nhạy cảm, lan truyền rộng rãi . Có những thông tin ảnh hưởng lớn đến cộng đồng thì đòi hỏi sự chính xác là hết sức quan trọng. Người phát tin phải chính xác, khách quan,người nghe tin cũng phải biết sàng lọc và phát lại có trách nhiệm.

       Trong điều kiện hiện nay nếu mỗi chúng ta khi đưa tin, nghe tin không có ý thức, nhìn nhận thiếu bình tĩnh thì sẽ bị rối,hoang mang, mất phương hướng, mất niềm tin vào xã hội. Cần thiết phải sàng lọc kỹ càng ,suy xét thận trọng . Mỗi người phải làm chủ chính mình,làm một “thẩm phán” khách quan khi phát tin dư luận xã hội. Đó cũng là lương tâm, trách nhiệm với chính bản thân mình và với cộng đồng.

 

 

                                                                   NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH