THẬN TRỌNG VỚI BỨC TƯỢNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG CÚI ĐẦU

Mấy hôm nay dân tình xứ Huế râm ran câu chuyện về bức tượng “Người đàn ông cúi đầu” - Greetingman do một thành phố ở Hàn Quốc tặng. Nhiều ý kiến đưa ra, người thì tỏ ra thích thú cái mới, độc lạ nhưng đa số lại lo lắng, cần phải  thận trọng với "ông phổng" xanh này.

Tượng "Người đàn ông cúi đầu" ở Hàn Quốc.

Thị trưởng thành phố Namyangigu, Hàn Quốc dự định tặng cho thành phố Huế một bức tượng “Người đàn ông cúi đầu”  khỏa thân hoàn toàn có kích thước 2mx2,4mx 6m, toàn thân sơn một màu xanh dương theo ý của họ giải thích rằng anh chàng này lõa lồ là để thể hiện sự bình đẳng còn màu xanh kia là tượng trưng cho hòa bình. Đây chỉ là 1 trong 1000 bức tượng “Người đàn ông cúi đầu” mà Hàn Quốc có kế hoạch đặt khắp thế giới. Khi đề xuất tặng phía Hàn Quốc cũng đề nghị 03 chổ đặt tượng là Đại Nội, chợ Đông Ba và đối diện Trung tâm văn hóa thành phố Huế, còn phía UBND thành phố dưới sự chủ trì của ông Chủ tịch đã họp với rất nhiều văn sĩ, trí thức, ban ngành để bàn về chổ “đứng chân” của gã Hàn Quốc xanh này. Có ý kiến nên đưa về đặt ở các khu đô thị mới vì ở dưới đó rộng rãi và phù hợp với không gian một thành phố hiện đại hơn là đặt ở khu vực các công viên dọc sông Hương. Cuối cùng, chốt lại (chưa có quyết định bằng văn bản) là sẽ đặt ở công viên Lý Tự Trọng đoạn đối diện với Bệnh viện TW Huế và nơi có công trình cầu đi bộ gỗ lim do KOICA Hàn Quốc tài trợ và yêu cầu hạ chiều cao bức tượng xuống còn 4m.

Trên lĩnh vực văn hóa phải cân nhắc thận trọng nhất là đối với văn hóa Huế chỉ cần một “hạt sạn” thì Huế sẽ không còn là chính mình nữa. Cá nhân người viết xin đưa ra ý kiến, có thể là đã quá nâng quan điểm nhưng chắc chắn sẽ trùng ý với không ít người yêu Huế, quan tâm đến bức tượng khổng lồ này.

Đầu tiên phải khẳng định việc thành phố này tặng tượng cho thành phố kia, quốc gia này tặng tượng cho quốc gia kia là một hoạt động giao lưu văn hóa bình thường, thế nhưng cũng không ít câu chuyện đằng sau văn hóa là ý đồ chính trị (văn hóa phục vụ chính trị mà ta có thể gọi là xâm lăng văn hóa). Bức tượng này được miêu tả với tư thế cúi đầu chào mang phong cách của người Á Đông (Người Việt Nam và người Triều Tiên có nét văn hóa chào hỏi tương tự nhau) nhưng với một kích thước khổng lồ đến 6m liệu người được chào có choáng ngợp? Đã là chào hỏi nhau nghĩa là bình đẳng và tôn trọng nhau nhưng ở đây buộc người Việt phải ngước mắt lên mà đón nhận cái chào! tính tỉ lệ thì người được chào cao không quá cái đầu gối của người chào! Phải chăng người Hàn Quốc muốn thể hiện sự “anh đầu chị cả” với dân tộc khác, dù họ có cố tỏ ra khiêm nhường “cúi đầu” nhưng họ vẫn là kẻ bề trên như vậy đâu còn là sự bình đẳng, tôn trọng nhau. Lại có ý kiến cho rằng, bức tượng cúi đầu là để thể hiện sự xin lỗi của người Hàn Quốc đối với nhân dân Việt Nam do những tội ác của binh lính Nam Hàn gây ra trong chiến tranh chống Mỹ. Theo tôi ý kiến này không phù hợp! Cho đến nay ở Hàn Quốc người ta vẫn cho rằng việc đem quân sang miền Nam Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam của họ là “chính nghĩa” là để “giúp nhân dân Việt Nam trước Cộng sản xâm lược” (sự thật đạo quân Nam Hàn chỉ là lính đánh thuê cho Mỹ đem đô la về cho Pắc Chung Hy và nổi tiếng tàn ác khi gây ra hàng loạt vụ thảm sát ở vùng chiếm đóng). Thứ hai, việc xin lỗi của người Hàn Quốc đối với những gì đã gây ra trước đây tại Việt Nam trong những năm gần đây chủ yếu là hoạt động tự phát, cá nhân của những cựu binh và thân nhân của họ chứ chính phủ Hàn Quốc không hề có một động thái biểu thị “xin lỗi” nhân dân Việt Nam bởi vì như đã nói họ cho rằng mình không có lỗi. Nếu như vậy tại sao phía Hàn Quốc không tặng cho những địa phương từng hứng chịu sự tàn ác của binh lính của họ?

Việc một bức tượng khổng lồ với một màu sắc quá nổi bật sẽ là tâm điểm chú ý của người dân địa phương và quốc tế khi đến đây, các yếu tố Hàn Quốc sẽ là tâm điểm của người địa phương và quốc tế hay nói cách khác người Hàn Quốc đã phô trương, quảng bá họ ngay tại Việt Nam - Huế mà không mất một xu. Thay vì người ta đến Huế để tìm hiểu văn hóa, lich sử Huế thì người ta chỉ đến vì ở đó có một thiết chế văn hóa của Hàn Quốc trước mặt Kinh thành Huế và dòng Hương Giang, đó cũng là lý do Hàn Quốc đề ra phải có 1000 bức tượng khổng lồ trên khắp thế giới để quảng bá hình ảnh của mình.

Khỏa thân khi cúi chào người khác - liệu có văn minh, lịch sự và tôn trọng?

Về phương diện văn hóa, việc chào hỏi nhau truyền thống dân tộc Việt Nam luôn được coi trọng và là một nét đẹp lâu đời “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “đi thưa về chào”,... liệu văn hóa chào hỏi của người Việt nói chung và người Huế nói riêng có thua kém để người Hàn Quốc phải đến hướng dẫn? Hiện nay đôi bờ sông Hương được quy hoạch thành các công viên rất đẹp, ở đó có rất nhiều tác phẩm tượng có tính nghệ thuật cao với kích thước phù hợp, hài hòa với sự thơ mộng của dòng sông Hương xa hơn là với kinh thành Huế . Vậy nếu đặt bức tượng ở khu vực công viên Lý Trọng hoặc đối diện Trung tâm văn hóa thành phố Huế liệu phù hợp với quy định, 6m hoặc 4m là một độ cao không hề nhỏ. Hơn nữa bức tượng sẽ tạo ra một sự khác biệt, chướng mắt cho người khác khi nó đối lập với tổng thể màu sắc của bức tranh các công viên đôi bờ sông Hương vốn có lâu nay như một hạt sạn trong bát cơm ngon.

Xin nói thêm bức tượng là một người đàn ông khỏa thân 100% không một mảnh vải tế nhị che đi bộ phận sinh dục liệu người đến chiêm ngưỡng phải chấp nhận đứng dưới hángcủa anh chàng này - chào kiểu gì vậy? thật là bất lịch sự. Đó chỉ là một pho tượng không biết xấu hổ nhưng chính người được chào và chắc là giới các chị em phải ngượng đến đỏ mặt. Cái thân thể lõa lồ ấy trước là của quý sau là mông nếu quay lưng hướng nào cũng rất chướng mắt. Liệu có thể chấp nhận anh chàng khổng lồ này quay mông hoặc dương dương cái của quý về phía kinh thành hoặc về bất kì hướng nào của Huế cho dù đó chỉ là một nhà dân. Ít ra nếu khỏa thân thì cũng có mảnh vải hoặc chi tiết khác để che đi phần nhạy cảm.

Cũng xin đề cập đến vấn đề phong thủy cho dù không có căn cứ nhưng vì sao phía Hàn Quốc khi tặng cũng đã chủ động để xuất 03 nơi đặt tượng và trên thế giới nó được đặt ở những vị trí nhạy cảm.

Phía Hàn Quốc tỏ ý tặng tượng để thể hiện sự hợp tác đó là một điều rất hoan nghênh, tuy vậy phần của ta có quyền từ chối nếu món quà không phù hợp với văn hóa và cảnh quan tự nhiên của Huế. Cần phải hết sức cẩn trọng trong câu chuyện bức tượng “Người đàn ông cúi đầu” này!

PHƯƠNG MAI